Bản tin Biển Đông ngày 17/01/2019.
Hải quân Mỹ và Anh tập trung chung ở Biển Đông
Ngày 16/1, Japan Times đưa tin, hải quân Mỹ và Anh đã kết thúc tập trận quân sự chung lần đầu tiên ở Biển Đông, có vẻ như lại khiến cho Bắc Kinh tức giận. Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết, từ ngày 11-16/1, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ và tàu hộ vệ Hải quân Hoàng gia Anh HMS Argyll đã cùng tiến hành các hoạt động như tập trận liên lạc, chiến thuật phân chia, trao đổi nhân sự, nhằm giải quyết các ưu tiên an ninh biển chung, tăng cường khả năng tương tác, phát triển quan hệ có lợi cho cả hai hải quân trong nhiều năm tới. Tư lệnh Toby Shaughnessy, chỉ huy tàu Argyll ca ngợi hoạt động đã “đóng góp cho việc tăng cường an ninh và thịnh vượng của khu vực”. Trong khi đó, Tư lệnh Allison Christy, chỉ huy tàu McCampbell tại căn cứ ở tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, cho rằng hoạt động tập trận chung này là “cơ hội hiếm có” để hợp tác với Hải quân Hoàng gia Anh.
CNOOC bắt đầu sản xuất dầu mở từ dự án ở Biển Đông
Theo tin từ trang Offshore Energy Today ngày 16/1, Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã bắt đầu hoạt động sản xuất dầu từ tổ hợp dầu khí Huệ Châu (Huizhou) 32-5/dự án phát triển chung mỏ dầu Huệ Châu 33-1 ở Biển Đông. Mỏ dầu này nằm ở Đông Biển Đông, cách Hồng Kông xấp xỉ 170km, có độ sâu khoảng 115m. Theo CNOOC, ngoài việc sử dụng các trang thiết bị hiện có của mỏ dầu Huệ Châu 25-8, dự án này cũng sẽ xây dựng thêm một nhà giàn để khoan và sản xuất dầu. Dự kiến, dự án sẽ đạt sản lượng xấp xỉ 19.200 thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2020.
Brexit giúp Việt Nam trong vấn đề Biển Đông như thế nào?
Ngày 17/1, The Diplomat đăng bài viết “Cách Brexit giúp Việt Nam trong vấn đề Biển Đông”. Theo bài viết, từ năm 2016, Trung Quốc đã đổ tiền vào Malaysia thông qua các dự án cơ sở hạ tầng tại nước này. Đổi lại, Thủ tướng khi đó của Malaysia Najib Razak đã ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông tại các Hội nghị cấp cao ASEAN 28, 29 tại Lào cùng năm đó. Nhiều người cũng lo ngại về Sáng kiến “Vành đai, Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc: Bắc Kinh đang mua cả thế giới. Việt Nam – nước phản đối mạnh mẽ nhất các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông – đang phải đối mặt với khả năng bị cô lập bởi tiền của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ngoài khả năng được chọn là địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim lần hai, Hà Nội cũng có cơ hội mở rộng sự ủng hộ trong đối ngoại và Brexit sẽ là một lợi thế cho Việt Nam trong vấn đề này. Bên cạnh việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, tham gia các hoạt động của Liên hợp quốc về gìn giữ hòa bình, an ninh toàn cầu, luật pháp quốc tế,… Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung, được coi là một trong những lựa chọn tốt nhất cho Anh sau Brexit. Anh đang đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề Biển Đông. Tuyên bố chung của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Jeremy Hunt ngày 10/10/2018 có đoạn ghi nhận sự tôn trọng đối với các phán quyết của Tòa Trọng tài, khẳng định cam kết của Anh và Việt Nam trong tăng cường tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng Phán quyết và quyền tự do hàng hải, hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo luật quốc tế, thông qua các cơ chế pháp luật hiện có. Bên cạnh đó, có những dấu hiệu cho thấy Anh đang coi trọng vấn đề Biển Đông một cách nghiêm túc: cùng với việc tổ chức các chuyến thăm cảng (ví dụ tàu HMS Albion đến Việt Nam tháng 9/2018), Anh đang hành động theo chiến lược “Hướng Đông”. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Sunday Telegraph, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân lâu dài ở Đông Nam Á, điều mà gần như ngay lập tức đã gây ra phản đối từ phía Bắc Kinh. Có ý kiến cho rằng Anh đang đi theo ý tưởng tương tự như chiến lược “xoay trục Châu Á” trước đây của Mỹ, nhằm bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp bằng sự hiện diện quân sự ngay gần Trung Quốc. Tóm lại, với việc tiếp cận, ve vãn Việt Nam, Anh đang muốn bảo đảm rằng những nỗ lực đó sẽ đóng góp cho chiến lược toàn cầu nói chung của nước này.