Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuần đảo Hoàng Sa của Việt Nam liệu có “mất” vào tay...

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam liệu có “mất” vào tay TQ?

Cách đây 45 năm, từ ngày 17/1 đến ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã huy động lực lượng hải quân kết hợp cả dân binh, sử dụng tàu chiến, tàu cá có vũ trang tiến đánh các đảo nằm ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam gồm đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa và Duy Mộng. Nhờ dựa vào ưu thế về lực lượng vượt trội hơn hẳn so với đối phương và lợi dụng được thời cơ bối cảnh khu vực lúc đó xuất hiện yếu tố Mỹ đã bỏ rơi chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc đã chiếm đóng được các đảo trên và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Kể từ đó cho đến nay, Việt Nam liên tục đưa ra các bằng chứng pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền lãnh thổ của mình trước nhân dân và cộng đồng quốc tế, kiên trì đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời đòi Trung Quốc phải trao trả quần đảo này cho Việt Nam. Mặc cho dã tâm của Trung Quốc muốn vĩnh viễn nuốt trôi quần đảo này và mưu đồ biến cả Biển Đông thành “ao nhà” của họ, rất nhiều người có tâm với đất nước đã trăn trở với vấn đề này, đã và đang tiếp tục tìm giải pháp hữu hiệu để đấu tranh buộc Trung Quốc phải trao trả chủ quyền lãnh thổ cho Việt Nam, nhưng cũng tránh để cho đất nước lại một lần nữa rơi vào cảnh binh đao khói lửa. Thiết nghĩ đó là con đường duy nhất đúng, nhưng cũng không thể một sớm một chiều có kết quả. Vì vậy, có một số người khác đã sớm nản chí mà thốt lên rằng: Thế là Việt Nam đã “mất” Hoàng Sa, đến bao giờ mới lấy lại được. Suy nghĩ trên có lẽ hơi vội vàng và thiển cận.

Bởi nên hiểu rằng, vấn đề chủ quyền quốc gia, lãnh thổ tổ quốc và vấn đề tự quyết dân tộc bao giờ cũng là thiêng liêng và bao giờ cũng rất gai góc đối với tất cả các quốc gia, dân tộc chứ không chỉ có Việt Nam. Lịch sử dựng nước của các quốc gia trên thế giới cho thấy, có những quốc gia từ khi “khai cơ lập nghiệp” đã tự mình đời này qua đời khác, miệt mài “đào sông, lấn biển” cải tạo đất đai, mở rộng lãnh địa trên những vùng đất hoang vu vô chủ để hình thành nên chủ quyền quốc gia. Nhưng cũng có những quốc gia, ỷ vào thế mạnh người đông, lại mở mang lãnh địa của mình bằng các cuộc chiến tranh liên miên với các láng giềng lân bang để mở rộng bờ cõi, biến đất của người thành đất của mình, thậm chí đồng hóa cả những người chủ cũ trên mảnh đất đó và gọi đó là chủ quyền quốc gia. Tiêu biểu cho cái kiểu dựng nước ấy có Trung Quốc. Lịch sử Trung Hoa mấy nghìn năm cho thấy điều đó và người Trung Hoa cứ tưởng với cách ấy, một ngày nào đó, lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của họ sẽ lên đến hết biên giới Mông Cổ về phía Bắc, sang tận bên kia dãy Himalaya của Ấn Độ về phía Tây và vươn tới tận gần Singapore về phía Nam.

Song, tư duy ấy chỉ phù hợp ở thời mông muội, thời cổ đại và trung cổ mà thôi. Còn ở thời hiện đại, nó không được loài người chấp nhận. Bằng chứng là cộng đồng quốc tế mà đại diện là Liên hợp quốc đã cho ra những bộ luật quy định đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia giữa các nước trên thế giới; còn cho ra cả một bộ luật quy định về chủ quyền trên biển, ra đời năm 1982, có hiệu lực thi hành năm 1994, trong đó quy định rằng các quốc gia ven biển chỉ có chủ quyền đối với các đảo, quần đảo bằng sự chiếm hữu tự nhiên chứ không phải bằng vũ lực. Cũng chỉ có chủ quyền thực sự ở vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ đường cơ sở, còn có thêm quyền chủ quyền, quyền tài phán với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa 200 hải lý có thẻ kéo dài đến 350 hải lý tính từ đường cơ sở mà thôi.

Thế cho nên, việc Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam không thể hợp thức hóa thành chủ quyền của họ được. Trung Quốc làm sao mà chứng minh được trước bàn dân thiên hạ rằng Hoàng Sa là do họ chiếm hữu tự nhiên, dù rằng họ đang lục tung cả thế giới để tìm tài liệu, bằng chứng cho cái lý ấy. Thậm chí còn tìm cách “cài” người vào trong giới thẩm phán và Hội đồng trọng tài của các tòa án của Liên hợp quốc để làm “tay trong” một khi bị các nước kiện ra các tòa án này. Trớ trêu cho họ, vụ việc Trung Quốc dùng vũ lực định nuốt không bãi cạn Scarborough của Philippines, bị nước này kiện ra Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về luật biển, đã không có trọng tài nào đứng về phía Trung Quốc, khiến họ chuốc lấy phần nhơ nhuốc về bộ mặt kẻ mạnh định ăn hiếp kẻ yếu. Chẳng lẽ người Trung Quốc không rút ra được bài học gì từ chuyện này hay sao. Cứ lẽ ấy, làm sao Hoàng Sa lại có thể “mất” vào tay Trung Quốc được?

Một điều nữa, những chủ nhân chân chính của các nước đâu dễ để chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị tước đoạt. Có dân tộc nào, quốc gia nào chịu buông bỏ chủ quyền của mình khi nó hiển nhiên thuộc về họ?

Nhìn vào lịch sử Việt Nam, thời xa xưa, đất nước và dân tộc này đã phải chịu một nghìn năm Bắc thuộc, có nghĩa một nghìn năm tạm bị mất chủ quyền và tự do độc lập. Nhưng rồi cuối cùng, người Việt Nam vẫn là người Việt Nam, từ các triều Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… vẫn kiên cường đương đầu với các thế lực Hán, Nguyên, Minh, Thanh… tiến hành đấu tranh tự giải phóng để cuối cùng bước ra khỏi “đêm dài nô lệ”. Những kẻ tước đoạt chủ quyền và độc lập của Việt Nam vẫn bị đánh bại. Thời hiện đại, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời chưa đầy một tuổi mà một nửa đất nước đã bị Pháp rồi đến Mỹ chiếm đóng. Nhưng nửa đất nước ấy đâu có “mất”. Gần 30 năm chiến đấu bền bỉ, dẻo dai và vô cùng gian khổ, một nửa “thịt của thịt Việt Nam” bị tạm chiếm cuối cùng vẫn lại trở về với quốc gia, dân tộc sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những kẻ muốn tước đoạt chủ quyền của Việt Nam đều phải cuốn gói. Với lẽ ấy, không người Việt Nam nào chịu “mất” Hoàng Sa được.

Với quyết tâm của chủ nhân đích thực và sự chính nghĩa, Hoàng Sa của Việt Nam sao lại bảo là “mất” được. Chỉ trừ khi vũ trụ xoay vần, con tạo biến đổi mà tự nhiên làm cho quần đảo này chìm xuống, mất hút dưới các làn sóng xanh biển cả, không trồi lên nữa thì mới có thể coi là mất. Khi đó, Việt Nam chẳng có gì mà đòi, Trung Quốc cũng chẳng còn gì để trả. Ấy mới gọi là mất. Còn hiện nay, phải nói chính xác rằng Trung Quốc mới chỉ tạm chiếm được quần đảo này mà thôi.

Quy luật của cuộc sống, quy luật của lịch sử, thậm chí cả kinh thánh nữa, đều chỉ ra rằng, những gì thuộc về chủ nhân đích thực thì sớm muộn cũng trở về với chủ nhân của nó, hay “của Caesar thì phải trả lại cho Caesar”. Tin rằng, mọi người dân đất Việt kiên trì, đoàn kết, dũng cảm, khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thì một ngày nào đó, quần đảo Hoàng Sa và cả những đảo ở Trường Sa đang bị tạm chiếm cũng sẽ trở về thuộc chủ quyền thực sự của Việt Nam. Như những nhà lãnh đạo của Việt Nam từng nói: “Thế hệ chúng ta đang đòi lại, nhưng nếu không lấy lại được, thì thế hệ con cháu chúng ta nhất định phải đòi lại, quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam”. Đó mới là tư duy đúng.

RELATED ARTICLES

Tin mới