Thursday, December 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiSử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo...

Sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa: TQ đã, đang coi thường Hiến chương Liên hợp quốc

Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ tay Việt Nam. Điều này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và các quy định về quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia. Trước các hành động phi pháp, bất chấp đạo lý của Trung Quốc, Việt Nam đã, đang và sẽ làm tất cả các biện pháp có thể để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Tàu chiến của Việt Nam tham gia trận chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa

Việt Nam thực thi quản lý lâu dài, hòa bình và hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

 Việc Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ và ký Hiệp định Genève 20 tháng 7 năm 1954, buộc quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam tháng 4 năm 1956 và để khoảng trống bố phòng ở Biển Đông, khiến các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, Đài Loan và Philippines cho là cơ hội tốt để đưa lực lượng quân sự ra chiếm đóng trái phép một số đảo ở Hoàng Sa cũng như Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, Trung Quốc đánh chiếm nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa, Đài Loan đánh chiếm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa…

 Ngày 22/8/1956, song song với việc đưa lực lượng hải quân ra quần đảo Trường Sa để bảo vệ quần đảo này trước những hoạt động xâm lấn của các lực lượng nói trên, Việt Nam Cộng Hòa đã tổ chức một số hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa, như: Tổ chức đoàn nghiên cứu thủy văn do Saurin dẫn đầu; cho phép kỹ nghệ gia Lê Văn Cang tiến hành khai thác phốt phát ở Hoàng Sa. Từ năm 1957, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã cử một đại đội thủy quân lục chiến ra quản lý, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa thay thế cho quân của đại đội 42 thuộc tiểu đoàn 142. Ngày 20 tháng 10 năm 1956, Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra sắc lệnh 143/VN về việc đổi tên các tỉnh miền Nam và đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Ngày 7 tháng 5 năm 1957, tàu vận tải Hàn Giang đã đến Nha Trang để chuyên chở một đại đội của tiểu đoàn thủy quân lục chiến ra đồn trú tại quần đảo Trường Sa. Tàu Hàn Giang rời Nha Trang đi Trường Sa ngày 9 tháng 5 năm 1957. Đến ngày 21 tháng 2 năm 1959, Trung Quốc cho một số lính đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa nhằm đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Song bị lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã phá tan được âm mưu này, 82 “ngư dân” và 5 thuyền đánh cá vũ trang đã bị bắt giữ và bị áp giải về giam tại Đà Nẵng, sau đó được trả cho Trung Quốc. Năm 1960, Việt Nam Cộng Hòa đã bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thược, cán bộ hành chính hạng I tại Tam Kỳ, Quảng Nam nhận chức vụ Phái viên hành chính Hoàng Sa; ngày 27 tháng 6 năm 1961 bổ nhiệm ông Hoàng Yêm giữ chức vụ Phái viên hành chính Hoàng Sa. Ngày 13 tháng 7 năm 1961, Việt Nam Cộng Hòa sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam; tại Nghị định số 709-BNV-HCĐP-26 ngày 21 tháng 10 năm 1969 của Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, xã Định Hải được sáp nhập vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ngày 11 tháng 4 năm 1967, Việt Nam Cộng Hòa ban hành Nghị định số 809-NĐ-DUHC cử ông Trần Chuân giữ chức Phái viên hành chính xã Định Hải, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ngày 13 tháng 7 năm 1971, tại Hội nghị ASPEC(Conseil de L’Asie et du Pacifique) tại Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Lắm đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngày 6 tháng 9 năm 1973, tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa kí Nghị định số 420-BNV-HCĐP/26 sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. Đến ngày 24 tháng 9 năm 1973, Việt Nam Cộng Hòa thông báo dự định tiến hành khảo sát dầu lửa khu vực ngoài khơi bờ biển miền Trung, đối diện với quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa

Ngày 15 tháng 1 năm 1974, sau khi tuyên bố lên án chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã “xâm lấn đất đai của Trung Quốc”, “tất các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”…, Bắc Kinh đã đưa quân đổ bộ và cắm cờ Trung Quốc lên các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa và Duy Mộng thuộc nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Ngày 16 tháng 01 năm 1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt của hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã đưa phái đoàn quân lực ra Hoàng Sa và phát hiện hai chiến hạm số 402 và 407 của Hải quân Trung Quốc đang ở gần đảo Hữu Nhật, xác nhận quân Trung Quốc đã chiếm đóng, cắm cờ trên các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh… Lập tức Ngoại trưởng Vương Văn Bắc họp báo tố cáo Bắc Kinh đã huy động tàu chiến vi phạm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và đưa binh lính đổ bộ xâm chiếm các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng thuộc nhóm phía tây quần đảo Hoàng Sa.

 Ngày 17 tháng 01 đến ngày 20 tháng 01 năm 1974, trận hải chiến giữa lực lượng hải quân Việt Nam Cộng Hòa và lực lượng hải, lục, không quânTrung Quốc xảy ra trong tình thế chênh lệch lực lượng rất khó khăn cho lực lượng Việt Nam Cộng Hòa và mặc dù đã chiến đấu quả cảm nhiều binh sĩ đã anh dũng hi sinh, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã không thể giữ được các đảo thuộc nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Quan sát viên của Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hợp quốc đã chính thức yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Ngày 19 tháng 01 năm 1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa ra tuyên cáo kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc, buộc Trung Quốc chấm dứt ngay hành động nguy hiểm đó.

 Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố nêu rõ lập trường của mình: (i) Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. (ii) Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại. (iii) Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.

Trung Quốc tiếp tục xâm chiếm trái phép một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Bất chấp luật pháp quốc tế, sau khi chiếm đóng Hoàng Sa, Trung Quốc lại một lần nữa dùng vũ lực xâm lược một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tháng 01 năm 1988, Trung Quốc đã huy động một lực lượng hải quân gồm nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa xuất phát từ Hải Nam tiến xuống phía Nam, trong đó có 4 chiếc đến khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động các tàu vận tải của Việt Nam trong khu vực biển gần bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên. Lực lượng tàu chiến này đặt dưới sự chỉ huy của một Bộ Tư lệnh đặc biệt được thành lập để tổ chức triển khai chiến dịch đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa, bắt đầu từ ngày 14 tháng 3 năm 1988, nấp dưới luận điệu quen thuộc “phản công để tự vệ”.

 Trong chiến dịch này, Trung Quốc đã sử dụng một liên đội tàu chiến gồm 6 chiếc, trong đó có 3 chiếc tàu hộ vệ số 502, 509, 531 trang bị tên lửa và pháo 100mm, các tàu này đã tấn công, bắn chìm 3 tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho các bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn đang do Việt Nam quản lý.

 Trong lúc tàu HQ-604 và đảo Gạc Ma bị tấn công dữ dội thì bên đảo Len Đao và Cô Lin, tàu HQ-605 và HQ-505 cũng đồng thời bị bắn. Khi thấy tàu HQ-604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ cho tàu lùi ra lấy đà và ủi lên đảo Cô Lin. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đảo thì bốc cháy. Thủy thủ tàu vừa dập lửa vừa đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604.

 Trong cuộc xâm chiếm bất hợp pháp của Trung Quốc tại khu vực bãi đá ở Trường Sa, tính đến ngày 6 tháng 4 năm 1988, Trung Quốc đã chiếm đóng đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Su Bi.

 Năm 1988, Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông báo cho Liên Hợp quốc, gửi nhiều công hàm phản đối đến Bắc Kinh và đặc biệt là các công hàm ngày 16, 17, 23 tháng 3 năm 1988 đề nghị hai bên thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp. Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ các bãi đá đã chiếm được và khước từ thương lượng. Ngày 14 tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phản đối việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam (Nghị quyết ngày 13/4/1988 thành lập tỉnh Hải Nam).

 Một số nước Nam Á đã lên tiếng phản đối hành vi dùng vũ lực của Trung Quốc

Nếu như Mỹ là đồng minh của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã làm ngơ cho Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa thì Liên Xô lại phản đối. Ngày 27/1/1974, Báo Pravda (Sự thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô đã có bài xã luận lên án gay gắt hành vi xâm lược bằng vũ lực của Trung Quốc và cảnh báo âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và Đông Nam Á. Bài xã luận khẳng định: “Hành động quân sự của Trung Quốc tại Hoàng Sa như một chủ trương bành trướng lãnh thổ là đe dọa cho các quốc gia châu Á. Việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp đất đai, lãnh thổ là không thể nào tha thứ”.

Ngày 30/3/1974, đại biểu chính quyền Việt Nam Cộng hòa khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội đồng Kinh tài Viễn Đông họp tại Colombia. Ngày 14/2/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Việt Nam Cộng hòa công bố Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa. Theo giáo sư người Pháp Monique Chemillier Gendreau – trong cuốn sách nổi tiếng “Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” cho đến khi có Hiệp ước bảo hộ của Pháp vào năm 1884 , Việt Nam có chủ quyền liên tục không gián đoạn trong gần 2 thế kỷ đối với quần đảo Hoàng Sa. Sự thiết lập chủ quyền của Việt Nam phù hợp đối với luật pháp quốc tế và không có sự cạnh tranh hay phản kháng từ bất kỳ nước nào khác.

Mặc cho những sự phản đối này, Trung Quốc vẫn chiếm giữ trái phép toàn bộ Hoàng Sa và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng trên quần đảo cho đến nay. Theo một số nhà phân tích, cuộc hải chiến Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng vũ lực công khai vào thời điểm khó khăn, phức tạp nhất của Việt Nam để chiếm đoạt Hoàng Sa, điều mà từ thời nhà Mãn Thanh và Quốc Dân đảng chưa dám thực hiện. Giới nghiên cứu cho rằng, lúc bấy giờ Trung Quốc đã bước vào giai đoạn dùng vũ lực để mở rộng lãnh thổ, lãnh hải. Dù bị thế giới lên án, tại Biển Đông, Trung Quốc đã nhảy vào cưỡng chiếm Hoàng Sa, với rắp tâm biến vùng lãnh thổ của quốc gia khác thành “vùng tranh chấp”.

  Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế khi chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ mà Bắc Kinh là một trong những thành viên quan trọng.

Thực chất vào thời điểm năm 1974 và 1988, luật quốc tế đã cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việc sử dụng vũ lực chỉ được cho phép trong trường hợp ngoại lệ khi có sự cho phép của Liên hiệp quốc theo Điều 42 hoặc tự vệ khi bị xâm lược theo Điều 51 của Hiến chương. Không những vậy, Trung Quốc còn vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương LHQ khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác. Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương LHQ. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương LHQ, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của LHQ”. Vi phạm Điều 33 Hiến chương LHQ, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này. Trên thực tế, do thiếu vắng sự cho phép của LHQ và cơ sở pháp lý hợp pháp cho hành vi tự vệ, hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc vào năm 1974 và 1988 là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy phạm bắt buộc jus cogen của luật quốc tế.

Không những vậy, Trung Quốc còn vi phạm nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế.Nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda) là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được quy định tại khoản 2 Điều 2 Hiến chương LHQ. Theo đó, mọi quốc gia đều có nghĩa vụ thực hiện tự nguyện và có thiện chí, trung thực và đầy đủ các nghĩa vụ đối với các điều ước quốc tế mà nước mình đã tham gia ký kết. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế khác. Lời mở đầu của Hiến chương Liên hợp quốc đã khẳng định quyết tâm của các nước thành viên là: “Tạo những điều kiện cần thiết để bảo đảm công lý và tôn trọng những nghĩa vụ phát sinh từ các điều ước quốc tế và các nguồn khác của luật quốc tế đặt ra”.

Điều 26 Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế cũng nêu rõ “Mọi điều ước đã có hiệu lực ràng buộc các bên tham gia và phải được các bên thi hành với thiện chí”. Tuyên bố năm 1970 về Các nguyên tắc của luật quốc tế; Định ước Helsinki năm 1975 cũng có nêu rõ nguyên tắc này.

RELATED ARTICLES

Tin mới