Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóng45 năm TQ cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Nỗi đau...

45 năm TQ cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Nỗi đau chưa hề phai

Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế. Bắc Kinh bất chấp tất cả, tìm mọi cách xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam để phục vụ âm mưu bá quyền, từng bước độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc đã âm mưu xâm chiếm Hoàng Sa từ lâu

Đại Việt là nhà nước đầu tiên trong lịch sử Biển Đông đã chiếm hữu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong hơn ba thế kỷ dưới thời chúa Nguyễn (từ năm 1558 -1775), vương triều Tây Sơn (1788 – 1802), vương triều Nguyễn (từ năm 1802 đến Hoà ước Patenôtre 1884 xác lập quyền bảo hộ của Pháp), các nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của Việt Nam  ở quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa trên Biển Đông. Chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền đó là thực sự, rõ ràng, hoà bình và liên tục.  Nhưng đã từ lâu, Trung Quốc có tham vọng tiến về phía Nam, độc chiếm Biển Đông để vươn lên thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là mục tiêu trong chiến lược ấy. Nên chính quyền Trung Quốc qua nhiều thời kỳ đã toan tính kỹ lưỡng, chờ thời cơ thuận lợi để cưỡng chiếm hai quần đảo này. Hải đội Hoàng Sa đã được thành lập trước năm Tân Mùi (1631), dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) – vị chúa thứ hai của nhà Nguyễn ở Đàng Trong. Ngoài đội Hoàng Sa còn có đội Bắc Hải (thành lập khoảng cuối thế kỷ XVII) hoạt động ở phía Nam của Biển Đông. Đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải, người chỉ huy là một chức quan lớn, có người được phong đến tước hầu, như các cai đội Thuyên Đức Hầu, Phú Nhuận Hầu. 

Năm 1909, Tổng đốc Lưỡng Quảng phải một số thuyền chiến ra quần đảo Hoàng Sa bắn mấy loạt đạn, đổ bộ lên một số đảo nhưng phải rút ngay vì khi đó người Pháp đang bảo hộ Đông Dương. Từ đó, chính quyền Trung Quốc luôn nuôi tham vọng đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 1925, chính quyền miền Nam Trung Quốc tuyên bố sáp nhập Hoàng Sa vào đảo Hải Nam khiến dư luận Việt Nam phản ứng dữ dội. Chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương quyết định cử tàu chiến đến Hoàng Sa cắm mốc, bia chủ quyền. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giáp quân Nhật ở Việt Nam, Trung Hoa quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch đã đem quân chiếm giữ đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa). Tuy nhiên sau đó, quân Tưởng phải rút về. Khi thành lập 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiểm soát rất ít trong số 4 quần đảo, bãi ngầm tại Biển Đông, cũng như không kiểm soát được khu vực đảo Đài Loan. Trung Quốc lúc này đã phải đối đầu với các thách thức, chẳng hạn từ chính quyền Quốc Dân Đảng với sự hỗ trợ của Mỹ, cũng như trên các đảo ngoài khơi khác tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông. Năm 1951, Trung Quốc đã chính thức đưa ra yêu sách về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng bị nhiều quốc gia khác phản đối.

Tiếp đến, năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận trong Thế chiến 2, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đưa lực lượng ra chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Khi Trung Hoa Dân quốc bị đuổi khỏi Hoa lục chạy ra Đài Loan, họ phải rút luôn số quân đang chiếm đóng bất hợp pháp ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneva và trong khi chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa theo Hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo An Vĩnh, phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Ngày 21/02/1959, Bắc Kinh cho một số lính đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa hòng chiếm đóng nhóm Lưỡi Liềm, phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Lực lượng Việt Nam Cộng hòa đồn trú giữ Hoàng Sa đã ngăn chặn kịp thời, 82 “ngư dân” và 5 thuyền đánh cá vũ trang của Trung Quốc bị bắt giữ và bị áp giải về giam tại Đà Nẵng. Sau đó được trao trả theo đúng thủ tục ngoại giao.

Đầu những năm 1970, quan hệ quốc tế liên tục biến động và có nhiều thay đổi. Đặc biệt là trong chuyến “công cán lịch sử” đến Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972, Mỹ và Trung Quốc đã làm thay đổi cục diện bàn cờ quốc tế. Mỹ đã thỏa thuận không can thiệp khi Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1972, lợi dụng tình thế quân đội Mỹ buộc phải rút khỏi Niềm Nam Việt Nam, Trung Quốc đã huy động lực lượng xâm lược, cưỡng chiếm các đảo thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lúc đó đang do Việt Nam Cộng hòa quản lý theo tinh thần Hiệp định Geneva 1954. Gây ra cuộc chiến xâm lược này, Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn đầu của chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp vươn lên tranh giành vị trí siêu cường quốc tế. Những bước tiến xuống Biển Đông có thể dược giới nghiên cứu ví như là  những “nước cờ” bất minh mà Trung Quốc đã tính toán để thực hiện trong bàn cờ Biển Đông. 

Năm 1956, hai năm sau khi hiệp định Genever được ký kết, Việt Nam bước vào buổi giao thời với nhiều biển động. Pháp bắt đầu rút quân khỏi Đông Dương. Cả nước tạm thời phân chia thành hai miền quân quản từ vĩ tuyến 17. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở dưới vỹ tuyến 17 nên thuộc quản lý của Quốc gia Việt Nam và sau này là Việt Nam Cộng hoà. Nhưng khi đó, lực lượng quân đồn trú bảo vệ đảo chưa có nhiều. Trung Quốc chớp thời cơ, đưa quân đánh chiếm nhóm An Vĩnh phía Đông Hoàng Sa. Năm 1959, Trung Quốc cho quân đóng giả ngư dân đánh cá tiến ra chiếm nhóm đảo Lưỡi Liềm phía Tây Hoàng Sa, nhưng bị quân đội Việt Nam Cộng hoà phát hiện, bắt hơn 80 người, đưa về Đà Nẵng giam giữ. Tuy nhiên chính quyền Trung Quốc không từ bỏ tham vọng chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa. Năm 1972, tổng thống Mỹ Nixon thăm Trung Quốc, hai nước đạt được nhiều thoả thuận. Sau hiệp định Paris năm 1973, chính quyền Việt Nam Cộng hoà bắt đầu suy yếu vì Mỹ cắt viện trợ, rút quân về nước. Từ ngày 17 – 20/1/1974, Trung Quốc một lần nữa tận dụng thời cơ đưa quân chiếm đóng nhóm đảo phía Tây Hoàng Sa do chính quyền Việt Nam Cộng Hoà quản lý, chiếm đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. 

Những luận điệu xuyên tạc, ngụy biện của Trung Quốc

Đầu tiên, Trung Quốc cho rằng: “Trong chiến tranh thế giới thứ 2, phát xít Nhật chiếm đóng quần đảo Tây Sa. Năm 1945, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh, theo hàng loạt các văn kiện quốc tế, tháng 11/1946, Chính phủ Trung Quốc cử quan chức cấp cao đi tàu đến Tây Sa tiếp nhận”. Tuy nhiên, trên thực tế phát xít Nhật không xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa mà là từ tay người Pháp đang bảo hộ cho Việt Nam. Trung Quốc không có chủ quyền ở Hoàng Sa nên luận điệu “tiếp quản” là hoàn toàn vô lý. Không những vậy, tại hội nghị Potsdam (26/7/1945) các nhà lãnh đạo Tam cường khi đó là Mỹ, Anh, Trung Hoa dân quốc đã quyết định chia Đông Dương làm hai khu vực để tiện cho việc giải giới quân đội Nhật Bản đóng tại đây. Vĩ tuyến thứ 16 được chọn làm ranh giới: việc giải giới ở khu vực Bắc vĩ tuyến ủy thác cho quân đội Trung Hoa (quân Tưởng Giới Thạch) và ở khu vực phía Nam do liên quân Anh – Ấn đảm nhận. Vì quần đảo Hoàng Sa nằm ở giữa hai vĩ tuyến thứ 15 và 17 nên việc giải giới quân đội Nhật trú đóng ở đây thuộc thẩm quyền của quân Tưởng. Tuyên ngôn Potsdam chỉ cho phép Trung Hoa dân quốc giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo Hoàng Sa, chứ không cho phép Trung Hoa dân quốc thu hồi quần đảo này. Theo đó, Trung Hoa dân quốc, sau khi giải giáp quân đội Nhật và ổn định tình hình cần phải trao trả Hoàng Sa cho quốc gia có chủ quyền là Việt Nam.

Thứ 2 Trung Quốc cho rằng: “Tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã đánh đuổi quân đội Sài Gòn Việt Nam khi đó đang chiếm đóng một số đảo trong quần đảo Tây Sa”. Trên thực tế, lợi dụng thời khắc lịch sử rối ren của Việt Nam khi quân viễn chinh Pháp buộc phải rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo Hiệp định Giơnevơ, quân đội Việt Nam Cộng Hòa chưa kịp tiếp quản Hoàng Sa, Trung Quốc đã “lén lút” đưa quân chiếm đóng nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956. Năm 1970, thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam vào giai đoạn cao điểm, Hải quân của quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đã tiến hành một số hoạt động ít kín đáo trên nhóm đảo An Vĩnh, bộ phận phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Các cơ sở hạ tầng quân sự đã được xây dựng vào năm 1971. Từ ngày 17 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc mở cuộc tấn công vào lực lượng hải quân của Việt Nam Cộng Hòa với lực lượng hùng hậu: một hạm đội gồm 8 tàu chiến, lục quân và không quân. Dù đã chiến đấu quả cảm, nhiều binh sĩ đã hy sinh nhưng đến ngày 20 tháng 1 năm 1974, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã thất thủ, Trung Quốc đã chiếm nốt nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động đánh chiếm các đảo, quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng Điều 2, khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc. Bà Monique Chemillier Gendreau, Giáo sư Công pháp và Khoa học Chính trị của Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu nhấn mạnh rằng, việc chiếm đóng bằng các cuộc xăm lăng vũ lực là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, tất cả những hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa không được thừa nhận là hợp pháp. Đồng thời, bà Monique Chemillier Gendreau khẳng định Trung Quốc không hề có giấy tờ chứng thực lịch sử với quần đảo Hoàng Sa, chính quyền nước này cũng không có quyền gì mà chỉ chiếm bằng vũ lực. Điều này không thể được xem là một quyền theo luật pháp quốc tế. Như vậy, đã quá rõ ràng về cái mà Trung Quốc gọi là sự tiếp quản chủ quyền của Trung Quốc ở Tây Sa (tức Hoàng Sa), càng rõ ràng hơn cái mà Trung Quốc nói là đánh đuổi quân đội của VNCH trên quần đảo này vào tháng 1 năm 1974. Đó thực chất chỉ là những hoạt động “trộm cướp” trong những hoàn cảnh đặc thù mà luật pháp quốc tế đã và đang nghiêm cấm những hành vi như vậy.

Cuối cùng, Trung Quốc đưa ra những dẫn chứng là lời nói vào năm 1956 của ông Ung Văn Khiêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nội dung công thư 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Tây Sa. Trung Quốc cho rằng: “Chính phủ Việt Nam hiện nay đã quên ngay những thừa nhận trước kia, vi phạm nghiêm trọng quy định quốc tế và chuẩn tắc trong quan hệ quốc tế là không được phản ngôn”. Trên thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì Trung Quốc tuyên bố. Theo Hiệp định Giơnevơ năm 1974, quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Nam Việt Nam nên chỉ có chính quyền Nam Việt Nam mới được phát biểu về Hoàng Sa. Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi đó không phải là chính chủ về mặt lãnh thổ nên không có quyền, những lời phát biểu hoặc sự thừa nhận của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về chủ quyền của Trung Quốc ở Tây Sa đều không mang ý nghĩa pháp lý. Thêm nữa, người Việt Nam không hề “phản ngôn” mà trái lại, việc thực thi và tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa luôn được các cơ quan đại diện hợp pháp duy trì một cách liên tục, không gián đoạn. Trong đó, có thể kể đến thông cáo ngày 24/5/1956, Việt Nam Cộng Hòa nhấn mạnh: “Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa luôn là một phần lãnh thổ thuộc Việt Nam”. Trước đó, trước việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh cướp nhóm đảo phía Tây, quan sát viên của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Liên hợp quốc khi đó đã chính thức yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Tóm lại, tất cả những tài liệu mà Trung Quốc đưa ra nhằm chứng minh chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (tức Hoàng Sa của VN) đều là ngụy biện và giải thích một cách gượng ép. Người Trung Quốc chỉ thực sự nhòm ngó quần đảo Hoàng Sa của VN từ đầu thế kỷ XX và tổ chức đánh cướp quần đảo này từ người Việt Nam bằng hành động lén lút năm 1956 và tấn công quân sự năm 1974.

 Quân đội Việt Nam đã làm tất cả để bảo vệ chủ quyền quốc gia

Cuộc chiến chống Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn chính nghĩa, phù hợp với Luật pháp và Thực tiễn quốc tế.  Bởi lẽ quần đảo Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ  những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi. 

Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế. Hành động đánh chiếm các đảo trong quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương Liên Hơp Quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên Hợp Quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ. Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong đó quy định:“Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.

Hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam bằng vũ lực. Theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Nghị quyết 2625 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Những lần Trung Quốc xâm chiến biển đảo của Việt Nam

Trong lịch sử, Trung Quốc từng 5 lần xâm chiếm biển đảo của Việt Nam ở trong các thể chế khác nhau. Lịch sử cho thấy kể từ lần thứ nhất năm 1946, trong tình thế đất nước ta ngàn cân treo sợi tóc trước sự trở lại của người Pháp và đó cũng là lúc Liên Hiệp Quốc yêu cầu người Trung Quốc đến giải giáp quân Nhật Bản. Lúc đó, khoảng trống có lợi cho Trung Quốc, khiến Bắc Kinh tranh thủ sử dụng vũ lực chiếm luôn đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa). Lần thứ hai vào năm 1956, sau hiệp định Geneva, người Pháp phải rút đi, quân đội chưa mạnh, Mỹ chưa can thiệp, Trung Quốc lại đưa quân xâm chiếm gần như toàn bộ phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Lần thứ ba là năm 1959 Trung Quốc mang quân qua chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa nhưng không thành công. Lần thứ tư là năm 1974, Mỹ rút hạm đội 7 khỏi khu vực, quân đội giảm quân số ở Hoàng Sa từ một tiểu đoàn xuống một trung đội địa phương, Trung Quốc liền mang quân tấn công phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam cộng hòa quản lý. Ngày 14/3/1988, lúc ấy quân đội Việt Nam vẫn đang làm nhiệm vụ thời chiến ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, Trung Quốc lại đưa quân vào chiếm đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa.

Giới chuyên gia quốc tế quan ngại trước các hành vi phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng của Việt Nam

Thông qua hành động xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc sẽ làm bàn đạp để thôn tính toàn bộ Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực. Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để từ đảo Hải Nam vươn vòi kiểm soát về phía Nam bao phủ cả khu vực Biển Đông. Cụ thể, nếu xem đảo Hải Nam là trung tâm sức mạnh quân sự thì Hoàng Sa chính là hành lang mở rộng, rồi vươn tiếp đến Trường Sa. Tất cả đã thể hiện rất rõ trong việc Trung Quốc không ngừng phát triển hạ tầng lẫn sức mạnh quân sự tại các thực thể ở Biển Đông. Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin cho biết thêm, việc chiếm đóng của Trung Quốc ở Hoàng Sa chủ yếu nhằm kiểm soát Biển Đông cũng như hướng đến tham vọng kiểm soát tuyến hàng hải quốc tế, mở đường cho lực lượng viễn chinh tiến ra xa, thậm chí “cọ xát” để sẵn sàng đối đầu với lực lượng quốc tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tự cho mình cái quyền tuyên bố vùng biển và vùng trời khu vực Biển Đông là “chủ quyền lịch sử”. Tất cả những điều đó đe dọa nghiêm trọng an ninh và ổn định của khu vực, khi dễ dẫn đến những đụng độ. Cùng quan điểm trên, ông Gregory B.Poling (Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải – AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho rằng Trung Quốc không chỉ thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với Hoàng Sa, mà còn thắt chặt giám sát cả vùng biển lẫn vùng trời xung quanh khu vực này suốt nhiều năm qua. Không khó để nhận ra rằng Bắc Kinh siết chặt kiểm soát, ngăn chặn tàu cá trong khu vực. Chưa dừng lại ở đó, từ Hoàng Sa, Bắc Kinh còn mở rộng kiểm soát sang quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đang theo đuổi chính sách ép buộc, đe dọa vũ lực nhằm đẩy các nước xung quanh ra khỏi Biển Đông, dẫn đến đe dọa tính ổn định trong khu vực cũng như thách thức các nền tảng luật pháp quốc tế. Đây là một phần trong việc Bắc Kinh đang ra sức hình thành một sức mạnh vươn cả khu vực Đông Á. Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng Trung Quốc đã tiến hành nhiều chiêu thức nhằm thiết lập quyền lực kiểm soát ở Biển Đông. Điều đó có thể nhận ra thông qua hạ tầng, cơ sở mà Bắc Kinh xây dựng, phát triển trên các thực thể tại vùng biển này. Những gì Bắc Kinh đạt được trong việc quân sự hóa Hoàng Sa đã làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực. Điều đó buộc nhiều quốc gia bên ngoài khu vực cũng phải tăng cường hiện diện ở vùng biển này. Bà Bonnie Glaser (Giám đốc Chương trình Nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc – CSIS) cũng nhận định Trung Quốc đã từng bước gia tăng ảnh hưởng và kiểm soát đối với Biển Đông thông qua nhiều hoạt động, đặc biệt là khai thác hải sản cũng như năng lượng. Điều đó khiến căng thẳng ngày càng trầm trọng hơn khi nguồn hải sản dần cạn kiệt cùng với nguy cơ xung đột ngày càng lớn hơn. Đáng chú ý, Tiến sĩ James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định cách thức mà Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam thực tế mở đầu một tiền lệ nguy hiểm cho khu vực và thế giới. Từ đó đến nay, Trung Quốc xem việc sử dụng vũ lực là cách thức phục vụ cho tuyên bố chủ quyền, nên tiếp tục dùng quân sự để chiếm đóng thêm nhiều bãi đá khác ở Trường Sa. Những năm gần đây, Trung Quốc lại không ngừng thiết lập sức mạnh quân sự. Trong khi đó, các nước chưa thực sự gắn kết hiệu quả trước tham vọng của Bắc Kinh. Nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục không phản ứng kịp thời thì hậu quả sẽ còn lớn hơn.

Giới chuyên gia cũng nhận định việc Trung Quốc chiếm đóng phi phá, kiểm soát quần đảo Hoàng Sa sẽ có khả năng gây ra đụng độ quân sự trong khu vực. Ông Gregory B.Poling cho rằng rủi ro lớn nhất là việc leo thang bất ngờ do những cuộc đụng độ của lực lượng Trung Quốc với các bên khác. Kèm theo đó còn là rủi ro từ lực lượng “dân quân” biển mà nước này hình thành tại đây. Trong khi đó, Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy nhận định nguy cơ lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ đụng độ nhau tại vùng biển này. Và tất nhiên với những gì đang diễn ra, thì rủi ro đụng độ của các nước trong khu vực ASEAN với Trung Quốc cũng có thể leo thang khó lường.

Để giải quyết tình hình trên, Cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy lập lại trật tự dựa trên các nền tảng luật pháp quốc tế như UNCLOS, Phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016), hay Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả có thể là cơ chế phòng ngừa phù hợp. Ngoài ra, các nước trong khu vực cần nâng cao thực lực hàng hải và các quốc gia bên ngoài khu vực cần nhận ra tầm quan trọng của Biển Đông đối với hàng hải thế giới, nên cần tăng cường hiện diện để đảm bảo sự ổn định. Trong khi đó, ông Koh Swee Lean Collin cho rằng các bên liên quan cần có một cơ chế phối hợp kiểm soát, phòng ngừa thì dễ dẫn đến nguy cơ các cuộc đụng độ biến thành xung đột quy mô lớn. Các cơ chế như Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) chính là nền tảng để kiểm soát rủi ro. Đáng chú ý, ông Gregory B.Poling cho rằng cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước ASEAN, châu Âu, Mỹ… gia tăng sức ép buộc Trung Quốc thay đổi hành vi, tuân thủ luật pháp quốc tế cũng là một giải pháp khả quan.

Kết luận:

Theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không chỉ vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc mà nó cũng không tạo ra được chứng cứ để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Những hành động như vậy đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ bị các toà án quốc tế bác bỏ một khi chúng được đưa ra tòa án quốc tế nhằm minh chứng cho chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới