Monday, November 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHải cảnh TQ: Mối đe dọa an ninh và ổn định trong...

Hải cảnh TQ: Mối đe dọa an ninh và ổn định trong khu vực

Từ sau khi tái cơ cấu đến nay, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) ngày càng tham gia nhiều vào các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là việc tuần tra và bắt giữ trái phép tàu cá của các nước ở Biển Đông.

Tàu Hải cảnh 3901 của Trung Quốc, có lượng giãn nước tới 12.000 tấn

CCG đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc

CCG được thành lập tháng 03/2013, trên cơ sở tái cơ cấu Cục Hải dương Quốc gia, nhằm thống nhất chỉ huy các lực lượng “tuần tra, chấp pháp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”, bao gồm các lực lượng: Hải giám (CMS), Hải cảnh (Cảnh sát biển của Cục quản lý biên phòng – BCD), Ngư chính (Cơ quan đảm bảo thực thi pháp luật Ngư nghiệp – FLEC), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC). Theo đó, các lực lượng này khi hoạt động ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đều phải lấy danh nghĩa CCG và sẽ chịu sự “chỉ huy nghiệp vụ” của Cục Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an Trung Quốc và “quản lý hành chính” của Bộ Đất đai và Tài nguyên. CCG được trang bị khoảng 164 tàu tuần tra, 10 máy bay các loại trong đó có ít nhất 1 trực thăng vận tải đa năng Mi-8, 2 máy bay cánh cố định Y-12 cùng một số trực thăng khác do Trung Quốc sản xuất.

Nhiệm vụ của CCG rất đa dạng, bao gồm: tuần tra “vùng lãnh hải và lãnh thổ” tranh chấp; chống buôn lậu, chống vi phạm “chủ quyền”; kiểm soát và kiểm tra tàu biển; đảm bảo an toàn và an ninh ven biển; nghiên cứu và khảo sát biển; tìm kiếm cứu nạn trên biển; bảo vệ thủy sản và các nguồn tài nguyên biển…

Tuy nhiên, đến tháng 3/2017, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc quyết định tái cơ cấu CCG. Theo đó, từ ngày 1/7/2018, Quân ủy trung ương Trung Quốc (CMC) sẽ thay Cục Hải dương quốc gia chỉ đạo trực tiếp mọi hoạt động của CCG. Việc điều chỉnh trên được Bắc Kinh tuyên truyền rằng ngoài việc thực thi chức năng, nhiệm vụ trước đây như “duy trì, chấp hành pháp luật trên biển, bao gồm triệt phá hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật trên biển, duy trì trị an và bảo vệ an ninh trên biển, bảo vệ sử dụng khai thác tài nguyên biển và môi trường sinh thái biển, quản lý nghề đánh bắt thủy sản, chống buôn lậu trên biển và hiệp đồng chỉ đạo công tác chấp pháp trên biển của các địa phương”, việc tái cơ cấu cũng sẽ “cho phép CCG tham gia nhiều hơn vào các cuộc diễn tập quân sự, hoạt động huấn luyện thường nhật với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và CCG cũng sẽ hợp tác hiệu quả hơn với lực lượng hải quân trong các trường hợp khẩn cấp, thậm chí là chiến tranh”. Đây là bước điều chỉnh mới quan trọng về tổ chức, sử dụng lực lượng trên biển của Trung Quốc. Như thế có nghĩa là từ nay, toàn bộ lực lượng chấp pháp trên biển đều đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo của Quân ủy trung ương Trung Quốc thay vì nhiều bộ, ban ngành trước đây.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm cũng cho biết, sau khi gia nhập, CCG sẽ trở thành trung đoàn cảnh sát biển thuộc lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc với tên gọi Cục Hải cảnh Trung Quốc. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư, trang bị thêm cho CCG nhiều tàu tuần tra cớ lớn và máy bay trinh sát, cảnh báo hiện đại. Các tàu CCG cũng sẽ được trang bị thêm pháo mạnh, thay vì vòi rồng hay pháo nước và các nhân viên trên tàu có thể mang theo vũ khí tấn công.

Theo bố trí lực lượng hiện nay, Cục Hải cảnh Trung Quốc gồm có các Phân cục: Bắc Hải (trụ sở ở Thanh Đảo), Đông Hải (trụ sở ở Thượng Hải), Nam Hải (trụ sở ở Quảng Châu). Phân cục Nam Hải phụ trách quản lý, chỉ huy các lực lượng Hải cảnh hoạt động ở Biển Đông bao gồm các đơn vị sau: Chi đội Hải giám số 7 (căn cứ ở Hải Chu, Quảng Châu), Chi đội Hải giám số 8 (căn cứ ở Hoàng Phố, Quảng Châu), Chi đội Hải giám số 9 (căn cứ ở Bắc Hải, Quảng Tây), Chi đội Hải giám số 10 (căn cứ đặt ở Hoàng Sa Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam, hậu cứ ở Văn Xương, Hải Nam), Chi đội hàng không Hải giám Nam hải, Tổng đội Hải cảnh Quảng Đông, Tổng đội Hải cảnh Quảng Tây và Tổng đội Hải cảnh Hải Nam). 

Dưới các Tổng đội Hải cảnh cấp tỉnh này có các Chi đội, bên dưới Chi đội là các Đại đội. Trung Quốc Hải cảnh được tổ chức thành 11 Tổng đội với lực lượng khoảng 150 ngàn người. Hiện nay các tàu Hải giám, Ngư chính đều thống nhất sơn màu trắng, trên thân có các vạch chéo màu đỏ và xanh, được trang bị vũ khí, hai bên có hình huy hiệu và chữ “中国海警 CHINA COAST GUARD”. Ngoài ra, CCG còn được trang bị các máy bay MA-60, (còn gọi là Tân Chu 60) là loại máy bay cánh bằng 2 động cơ cánh quạt được cải tiến trên cơ sở máy bay vận tải Y-7 của Tập đoàn công nghiệp hàng không Tây An; các tàu của CCG gồm các loại: tàu chấp pháp mang tên “Trung Quốc Hải cảnh” (bao gồm cả các tàu Trung Quốc Ngư chính và Trung Quốc Hải giám trước đây); tàu kéo mang tên “Hải cảnh thác” và tàu bệnh viện mang tên “Hải Y”. Theo tài liệu Trung Quốc, hiện CCG chỉ còn duy nhất tàu “Trung Quốc Hải cảnh 44020” có trọng tải 300 tấn, vài tàu 1.000 tấn, còn lại phần lớn đều từ 2.000 đến 5.000 tấn; trong đó có 2 tàu “Trung Quốc Hải cảnh 3901” và “Trung Quốc Hải cảnh 2901” có lượng giãn nước tới 12.000 tấn.

Những năm gần đây Trung Quốc đã tiến hành cải tạo nhiều tàu chiến lớn của Hải quân thành tàu Hải Cảnh (như Tàu 31239 vốn là tàu hộ vệ lớp 053H2G mang tên An Khánh, 339; tàu 31240 vốn là tàu hộ về tên lửa Hoài Nam, 540; tàu 31241 nguyên là tàu hộ vệ tên lửa Hoài Bắc, 541; các tàu 46111 vốn là tàu tuần tra Type 718B; tàu 46341 nguyên là tàu tuần tra Type 818….hay tàu Hải cảnh thác – 25 nguyên là tàu đổ bộ Type 072 của Hải quân có lượng giãn nước 4.170 tấn)…

Dư luận cho rằng, với việc thay đổi quan trọng về tổ chức lực lượng này, từ nay khoảng 135 hạm tàu của CCG sẽ nằm dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung Quốc và trở thành một lực lượng trợ chiến quan trọng của Hải quân nước này. Sự thay đổi này cũng sẽ tạo điều kiện cho lực lượng Hải cảnh tham gia sâu hơn vào các cuộc tập trận và huấn luyện thường xuyên của Hải quân Trung Quốc cũng như sẵn sàng tham gia tác chiến khi có tình hình xảy ra.

Mục đích thật sự của Trung Quốc trong việc tái cơ cấu CCG

Thứ nhất, Tập Cận Bình đang triển khai kế hoạch củng cố quyền lực và thâu tóm quyền lãnh đạo đối với tất cả lực lượng vũ trang Trung Quốc. Gia nhập lực lượng cảnh sát vũ trang đồng nghĩa CCG chính thức nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của trung ương đảng và quân ủy trung ương Trung Quốc. Hiện ông Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nắm quyền chỉ huy quân đội nên điều này có nghĩa là các lực lượng vũ trang đều sẽ nằm dưới sự chỉ hủy trực tiếp của ông Tập. Trong những năm qua, ông Tập Cận Bình cũng dần dần củng cố quyền lực đối với quân đội, bổ nhiệm nhiều người thân tín vào các vị trí chủ chốt trong lực lượng vũ trang.

Thứ hai, việc cơ cấu lại CCG khiến lực lượng này có chức năng như một cơ quan thực thi pháp luật. Nó sẽ góp phần củng cố chức năng, nhiệm vụ của CCG khi tiến hành các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và Hoa Đông. Ngoài ra, việc sáp nhập sẽ khiến CCG được hải quân Trung Quốc hậu thuẫn khi tiến hành “tuần tra, giám sát” trên biển.

Thứ ba, việc tái cơ cấu cũng khiến hải quân Trung Quốc có thêm một số lượng lớn tàu chiến tham gia vào các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và Hoa Đông. Đáng chú ý, Bắc Kinh tiến hành tái cơ cấu là muốn khi sử dụng các tàu của CCG thực thi “nhiệm vụ” trên biển ít bị cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước trong khu vực lên tiếng phản đối, chỉ trích.

Thứ tư, với việc trang bị vũ khí tấn công cho nhân viên trên các tàu CCG, Trung Quốc đang trực tiếp răn đe, cảnh cáo tàu cá và ngư dân các nước “đừng có dại mà vào đánh bắt cá ở Biển Đông và Hoa Đông” và rằng Trung Quốc sẵn sàng nổ súng trấn áp người dân các nước.

Thứ năm, cùng với việc được vũ trang hóa, CCG của Trung Quốc sẽ đóng vai trò “người bảo kê” và đương nhiên, Bắc Kinh sẽ thu phí đối với tàu thuyền các nước khi qua lại trong khu vực.

Ngoài những ý đồ trên, Trung Quốc thúc đẩy cải cách lực lượng CCG cũng nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động và thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy các chiến dịch “chấp pháp” trên biển.

CCG sẽ khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng

Sau khi thành lập lực lượng CCG thống nhất, Trung Quốc được cho là sẽ có xu hướng sử dụng các tàu thuộc lực lượng này để đẩy mạnh yêu sách phi pháp trên Biển Đông. Ngoài ra, các chương trình xây dựng và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông có thể cho phép Bắc Kinh triển khai thêm các tàu của CCG tới vùng biển này.

Điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Giáo sư Andrew Erickson, Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết Trung Quốc đã triển khai 3 loại tàu để theo đuổi tham vọng ở Biển Đông, gồm: tàu hải quân “thân xám”, tàu cảnh sát biển “thân trắng” và tàu dân quân biển “thân xanh”. Theo phân tích của giáo sư Erickson, trong một khu vực tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng và dễ xung đột vũ trang như Biển Đông, Trung Quốc dường như rất hạn chế sử dụng lực lượng hải quân chính quy hiện đại của mình. Nhưng tàu trắng và tàu xanh của Trung Quốc được cho là nhẵn mặt ở Biển Đông. Từ 2010 đến 2016, các đơn vị thuộc CCG đã can dự vào 71% các vụ rắc rối ở vùng biển chiến lược này. Cùng quan điểm trên, học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định Trung Quốc có cả một chiến lược, họ dùng những tàu quân sự giấu mình trong vỏ bọc dân sự, để đối đầu và tranh chấp với những tàu dân sự của các nước xung quanh. Đây là hành vi láu cá nhưng lại là một kế hoạch dài hơi và tốn kém của Bắc Kinh”. Theo chuyên gia phân tích chính sách cấp cao Lyle Morris thuộc Tổ chức RAND Corporation (Mỹ), việc chuyển giao lực lượng CCG cho PLA quản lý sẽ kéo theo những hậu quả sâu rộng. Ông Morris cho rằng việc CCG cũng được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của CMC đồng nghĩa lực lượng này sẽ có sự linh hoạt và quyền hành động mang tính quyết định ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chưa kể bước đi này giúp CCG được huấn luyện nhiều hơn và chia sẻ thông tin tình báo với lực lượng hải quân.

Theo báo Japan Times (Nhật Bản), vai trò mới của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc góp phần làm phức tạp hóa những thách thức mà Nhật Bản đối mặt trong việc ứng phó các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là khi chức năng và thẩm quyền của CCG còn mơ hồ. Trong khi đó, ông Jonathan Spangler, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu biển Đông tại Đài Loan, cho rằng các nước khác sẽ xem diễn biến mới này là thách thức mà họ cần đối phó bằng cách tái cơ cấu lực lượng cảnh sát biển của mình. Đánh giá vấn đề nghiêm trọng hơn, bà Yun Sun, chuyên gia về Đông Á thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ), cho rằng những cải cách của CCG giờ đây càng cho thấy rõ tham vọng quân sự hóa trên biển của Trung Quốc. Theo chuyên gia này, Bắc Kinh sẽ tăng cường năng lực cho CCG nhằm chống lại các hoạt động tự do hàng hải của Washington trong khu vực.

Tuy nhiên, giới học giả Trung Quốc lại tìm cách biện minh cho các hoạt động của CCG. Ông Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự, nói với Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) rằng sự thay đổi này cho phép CCG tham gia nhiều hơn vào các cuộc diễn tập quân sự và hoạt động huấn luyện hằng ngày với PLA. CCG cũng sẽ hợp tác hiệu quả hơn với lực lượng hải quân trong các trường hợp khẩn cấp, thậm chí là chiến tranh. CCG chỉ có nhiệm vụ chống lại các hoạt động hàng hải bất hợp pháp, tìm kiếm, cứu nạn và thực thi pháp luật, trong đó có thăm dò tài nguyên hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nghề cá và chống buôn lậu. Nhà bình luận quân sự Nghê Lạc Hùng từ Thượng Hải cũng cho rằng việc chuyển CCG về Cảnh sát vũ trang thuộc Quân ủy trung ương sẽ khiến cảnh sát biển hoạt động như một lực lượng quân sự chứ không phải dân sự. Động thái này có thể gây ra những lo ngại về ngoại giao trong việc xử lý các xung đột, bởi trong tranh chấp hàng hải thì xử lý bằng một cơ quan phi quân sự có thể giúp giảm căng thẳng.

Các nước tăng cường sức mạnh cảnh sát biển đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

Nhiều quốc gia quanh khu vực Biển Đông gần đây đã đầu tư phát triển sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển để đối phó với những động thái phi pháp của Trung Quốc. Hải quân các nước Đông Nam Á đang tăng cường sức mạnh quân sự trên nhiều mặt để đối phó với các vụ việc căng thẳng trên Biển Đông và bảo quyền chủ quyền lãnh hải trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các động thái bành trướng tại vùng biển này. Nhiều nước trong khu vực đã mua sắm các tàu mới với quy mô lớn hơn. Trước đây, lực lượng hải quân của các nước phần lớn chỉ sử dụng các tàu tuần tra và tàu tấn công nhanh để triển khai cho các chiến dịch ven biển. Còn bây giờ, các lực lượng hải quân đều trang bị các tàu chiến có tầm hoạt động xa hơn, kích cỡ lớn hơn, thông thường là các tàu hộ vệ hoặc tuần dương.

Nhiều lực lượng hải quân trong khu vực cũng trang bị các tàu mới cho các hoạt động tác chiến xa bờ. Singapore đã tự thiết kế và đóng mới 4 tàu đổ bộ lớp Endurance, đồng thời đóng thêm một tàu cũng thuộc lớp này cho hải quân Thái Lan. Indonesia và Philippines cũng đều mua các tàu đổ bộ lớp Makassar do Hàn Quốc thiết kế, trong khi Thái Lan đang vận hành tàu sân bay duy nhất ở Đông Nam Á. Philippines gần đây đã tiếp nhận 10 tàu tuần tra dài 44m từ Nhật Bản.

Ngoài các tàu nổi, nhiều nước trong khu vực cũng trang bị các tàu ngầm cho lực lượng hải quân. Nếu như cách đây 15-20 năm, một số nước chưa từng sở hữu bất kỳ tàu ngầm nào thì nay, họ đã vận hành hoặc đặt mua số lượng tàu ngầm đáng kể.

Mặc dù xu hướng tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân các nước tại và xung quanh khu vực Biển Đông gây chú ý trong những năm gần đây, song lực lượng cảnh sát biển cũng được đánh giá đóng vai trò quan trọng không kém và được các nước đẩy mạnh phát triển. Lực lượng “tàu trắng” này ngày càng được các nước triển khai nhiều trong hoạt động thực thi quyền hàng hải, đặc biệt tại các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Các cuộc tuần tra của các lực lượng cảnh sát biển được tiến hành thường xuyên hơn và trong một số trường hợp trở nên cứng rắn hơn. Các tàu CCG từng nhiều lần va chạm với các tàu đánh cá, chấp pháp của Việt Nam và Philippines, thậm chí tìm cách ngăn cản và đe dọa tàu BRP Benguet của Philippines tiến hành hoạt động tiếp tế trên Biển Đông.

Đáng chú ý, Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) công bố báo cáo đặc biệt nhận định Cảnh sát biển là giải pháp hữu hiệu để các nước Đông Nam Á đối phó Trung Quốc ở Biển Đông mà không gây xung đột quân sự. Theo báo cáo của ASPI, các nước Đông Nam Á đang chuyển vai trò đảm bảo an ninh trên biển từ hải quân sang cảnh sát biển. Đây được coi là giải pháp chiến lược giúp ASEAN đối phó với tham vọng của Trung Quốc mà không gây ra xung đột quân sự trên Biển Đông. Tiến sĩ John Coyne, chủ biên báo cáo của ASPI, cho rằng việc sử dụng lực lượng dân sự như cảnh sát biển cho phép các nước ASEAN duy trì sự hiện diện và bảo vệ chủ quyền trên biển, bên cạnh việc đối phó với các mối đe dọa như cướp biển, khủng bố, tội phạm có tổ chức và đánh bắt cá trái phép.

Theo báo cáo, trong 45 sự cố lớn trên Biển Đông giai đoạn 2010-2016, có ít nhất 32 vụ liên quan đến lực lượng hải cảnh hoặc tàu chấp pháp Trung Quốc. Một trong những sự kiện căng thẳng nhất là cuộc đối đầu hơn hai tháng giữa hải quân Philippines và hải giám Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough năm 2012. Tàu hải quân Philippines sau đó rút đi để giảm căng thẳng, khiến Trung Quốc giành được quyền kiểm soát bãi cạn này cho tới nay. Sau sự cố đó, Philippines đã trang bị thêm 14 xuồng tuần tra và hai tàu vận tải cho cảnh sát biển năm 2013, cũng như bổ sung 14 tàu cho lực lượng này trong vòng ba năm tiếp theo. Malaysia cũng tăng cường sức mạnh cho lực lượng tuần tra bờ biển với 105 xuồng mới trong giai đoạn 2013-2014. Indonesia đã tăng quy mô đội tàu cảnh sát biển từ 9 lên 34 chiếc trước năm 2017, trong khi Việt Nam cũng trang bị thêm nhiều tàu tuần tra hiện đại cho lực lượng cảnh sát biển của mình, theo tiến sĩ Coyne. Năm 2017, Việt Nam tiếp nhận tàu tuần tra xa bờ lớp Hamilton của Mỹ và biên chế vào Cảnh sát biển với tên gọi “CBS-8020” và dự kiến nhận thêm một tàu tương tự trong thời gian tới.

Zhang Mingliang, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Jinan của Trung Quốc, cho rằng lực lượng cảnh sát biển của các nước ASEAN sẽ tiếp tục phát triển, trong bối cảnh Mỹ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đảm bảo an ninh trên các tuyến hàng hải chiến lược và đối phó với các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc; đồng thời cho rằng Mỹ và đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia sẽ tặng nhiều tàu, trang thiết bị, đào tạo nhân lực hoặc hỗ trợ tài chính cho các nước Đông Nam Á. Việc này chắc chắn sẽ được ASEAN chào đón, vì họ xem đây là công cụ chính trị để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới