Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngCác tài liệu lịch sử nước ngoài khẳng định chủ quyền của...

Các tài liệu lịch sử nước ngoài khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa

Không chỉ có các tài liệu, chứng cứ lịch sử về chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam mà còn có nhiều tài liệu nước ngoài hiện đang lưu giữ cũng khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo này.

 Bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen (1795-1869) xuất bản năm 1827 tại Bruxelles.

Quần đảo Hoàng Sa nằm ở vĩ độ 15o45′ đến 17o15′ Bắc, kinh độ 111o đến 113o Đông, cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý; là một quần đảo đá san hô, cồn, bãi cát gồm hơn 30 hòn đảo, nằm trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 100 hải lý, từ Bắc xuống Nam khoảng 85 hải lý, diện tích chừng 15.000km2.Quần đảo Trường Sa nằm ở vĩ độ 6o50′ đến 12o vĩ Bắc, kinh độ 111o3′ đến 117o2′ Đông, gồm trên 100 đảo đá, cồn san hô, bãi cạn, bãi ngầm nằm rải rác trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 350 hải lý, từ Bắc xuống Nam 360 hải lý, có diện tích khoảng 180.000km2, diện tích phần nổi thường xuyên khoảng 10km2, cách tỉnh Khánh Hoà 248 hải lý.

Một tài liệu giữ ở kho lưu trữ của Pháp đề ngày 10/4/1768 mang tên là “Note sur l’Asedemandés pas M. de la bonde à M. d’ Etaing” cho biết là hồi đó hải quân Việt Nam đã tuần tiễu đều đặn giữa bờ biển Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa. Đô đốc d’Estaing đã tả hệ thống phòng thủ của Việt Nam có nhiều đại bác, phần lớn là mang huy hiệu của Bồ Đào Nha, có ghi năm 1661, và những khẩu nhỏ hơn mang hiệu xứ Campuchia và dấu khắc tên “Anh Quốc Ấn Độ công ty” (Brifish company of India). Những khẩu pháo nhỏ này đã được thu lượm ở Hoàng Sa.  Ngoài ra còn có các tác giả Le Poivre (1740), J Chaigneau (1816-1819), Taberd (1833), Gutzlagip (1840)… cũng từng khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay cả các tác giả người Trung Quốc trước đây cũng từng viết sách nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Nhà sư Thích Đại Sán trong cuốn Hải ngoại ký sự viết năm 1696 đã xác nhận các chúa Nguyễn hàng năm cho thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở vùng Vạn lý Trường Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Tập tài liệu của Trung Quốc “Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên” do Hàn Chấn Hoa chủ biên, trang 115 thiên thứ nhất, cũng ghi chép dấu vết trên đảo Vinh Hưng (Phú Lâm) ở Hoàng Sa có miếu gọi là Hoàng Sa tự. (Hoàng Sa tự được vua Minh Mạng triều Nguyễn cho xây dựng).

 Bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen (1795-1869) xuất bản năm 1827 tại Bruxelles là một bằng chứng hùng hồn về giá trị pháp lý quốc tế cao, bổ sung vào kho bằng chứng khổng lồ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đây là tài liệu khoa học, pháp lý quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong bộ Atlas Thế giới, nhà địa lý học Philippe Vandermaelen cũng thể hiện rõ ràng đường biên giới của Trung Quốc. Cụ thể, tấm số 98 vẽ đường biên giới của Việt Nam với Trung Quốc và điểm cực nam của Trung Quốc kết thúc ở vĩ độ 22. Còn đường biên giới biển của Trung Quốc chỉ đến phía trên vĩ tuyến 18. Điều này khẳng định Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với quần đào Hoàng Sa và Trường Sa. GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết tất cả các bản đồ của Trung Quốc và các bản đồ phương Tây từ thế kỷ XX trở về trước đều cho thấy cực nam của Trung Quốc là ở đảo Hải Nam, trên vĩ tuyến thứ 18. Và cách thể hiện biên giới của Trung Quốc tại Atlas của Philippe Vandermaelen cũng trùng với bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của Trung Quốc (1904), hai bản đồ này đều thể hiện cực nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam. Còn khu vực quần đảo Hoàng Sa (Paracels) là của Việt Nam.

Tờ bản đồ Partie de la Cochinchine (tờ số 106 – Châu Á) là bản đồ đầu tiên đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, minh chứng một cách rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa đã được quốc tế ghi nhận. Bản đồ khu vực châu Á được xếp trọn trong một tập (tập thứ hai) của bộ Atlas với 110 bản đồ của hầu hết các quốc gia Châu Á đương thời. Việt Nam hay Đế chế An Nam (Empire d’Annam) khi đó được giới thiệu thông qua 3 tấm bản đồ: Tờ số 97, trang 108 về Bắc Kỳ (Tunquin); tờ số 105, trang 115 về Campuchia và Nam Kỳ (Cambodge et Annam) và tờ số 106, trang 116 về vùng duyên hải, hải đảo và biển khu vực Trung Kỳ (Partie de la Cochinchine).

Tờ bản đồ Partie de la Cochichine vẽ liền một mảnh rộng ngang khổ giấy A3, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 (khu vực tương đương với tỉnh Khánh Hòa hiện nay, mà trên bản đồ có địa danh BINK-KANG (Bình Khang) và NHIATRANG (Nha Trang) đến vĩ tuyến 16 (khu vực tương đương với tỉnh Quảng Nam hiện nay, mà trên bản đồ ở phía ngoài bờ biển có địa danh CHAMPELLA (Cù Lao Chàm). Phía ngoài khơi, PARACELS (Hoàng Sa) được thể hiện khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Quần đảo PARACELS trong bản đồ có các đảo I. Pattles, I. Duncan ở phía tây; Tree. I và I. Lincoln, Bocher au dessas de l’eau ở phía đông và Triton ở phía tây nam, ngay dưới vĩ tuyến 16; Investigateur ở sâu xuống phía nam khoảng vĩ tuyến 14,5 và đường đánh dấu phạm vi biển nông hay dải cát nằm ở độ sâu từ 5 đến 10 mét còn kéo dài đến vĩ độ 14, ngang với QUIN HONE (Quy Nhơn) nằm ở phía trong đường bờ biển.

Bên cạnh khu vực được xác định là Hoàng Sa (PARACELS), bản đồ có một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d’An-nam), bao gồm các nội dung Phisique (tự nhiên), Politique (chính trị), Statistique (thống kê) và Minéralogie (khoáng sản). Bắt đầu từ thế kỷ XVI đã có một số bản đồ phương Tây vẽ về khu vực Đông Ấn có đánh dấu địa danh Pracel hay Paracels (Hoàng Sa) ở giữa Biển Đông và khu vực bờ biển phía tây Pracel hay Paracels (tương đương với bờ biển miền Trung Việt Nam) được quan niệm là Costa de Paracel (bờ biển Hoàng Sa). Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng đó là minh chứng hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa đã có chí ít từ thế kỷ XVI.

Ngay từ thế kỷ XVI, Thái Bình Dương đã trở nên rất quen thuộc với người phương Tây, họ đã có thể vẽ khá chính xác bản đồ châu Á với những ghi chú thể hiện sự hiểu biết sâu sắc các tuyến đường tàu thuyền của họ thường xuyên qua lại. Vừa qua tại một số địa phương, 56 bản đồ cổ được các nhà hàng hải chấu Âu vẽ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX được trưng bày mới chỉ là một phần trong số đó. Tất cả những bản đồ này đều thể hiện hoặc chua chú đích xác hai quần đảo Pracel hay Paracels (Hoàng Sa) và Pratley (Trường Sa) là thuộc Ciampa (phiên âm tên Champa, một vương quốc cổ tương đương với miền Trung Việt Nam) hay Cochinchine (tương đương với vùng đất Nam Bộ, còn được dịch là vương quốc Đàng Trong).

Năm 1701 một người Pháp là Jean Yves Clayes trong nhật ký của mình đã mô tả rất cụ thể các bãi đá ngầm ghi rõ: “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam”. Vào giữ thế kỷ XVIII có một nhân vật rất nổi tiếng là giáo sĩ kiêm thương nhân Pierre Poivre. Nhờ những cuốn sách và bài viết của ông mà người Pháp đã có sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam. Ngay cả đến Thomas efferson, vị đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, sau trở thành Tổng thống của Hợp chủng quốc, sau khi đọc P. Poivre cũng bị cuốn hút vào xứ sở này. Năm 1803, ngay sau khi đắc cử, vị tân Tổng thống đã cử một phái bộ đem theo dự thảo Hiệp định thương mại đến Việt Nam với hy vọng thiết lập quan hệ hợp tác, nhưng việc không thành. P. Poivre có điều kiện thường xuyên qua lại Việt Nam và từng được chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp tại kinh thành Phú Xuân. Một trong những cuốn sách của ông là Mémoire sur La Cochinchine (Ký ức về Đàng Trong) xuất bản tại Paris năm 1744, đã nói đến việc nhiều khẩu thần công bố trí trên tường kinh thành mà ông tận mắt trông thấy, là của các con tầu phương Tây bị đắm được lấy về từ Paracel. Trong một tập tài liệu được viết ra sau đó, Đô đốc M.d’Estaing cũng có nhận xét tương tự: “Xung quanh thành (Phú Xuân – VMG) có một nơi để rất nhiều đại bác, nhiều khẩu là được để trang trí hơn là để sử dụng. Người ta cho rằng số súng đó có thể tới 400 khẩu, một phần được đúc bằng gang, một số lớn là của Bồ Đào Nha được lấy về từ các vụ đắm tàu trước kia ở quần đảo Paracels”. Đây là những nhận xét khách quan nhưng lại là nhưng chứng cớ hết sức thuyết phục về thành quả những chuyến công tác của Đội Hoàng Sa mà các chúa Nguyễn đã tổ chức ra để thực thi chủ quyền trên hai quần đảo.

Jean Baptiste Chaigneau một người rất am hiểu tình hình Việt Nam cuối thế kỷ XVII – đầu XIX đã có một bản tường trình cho Bộ Ngoại giao Pháp về triều Nguyễn vào tháng 5 năm 1820, trong đó có đoạn viết: “Vua ngày nay (tức vua Gia Long-VMG) đã lên ngôi hoàng đế (của một nước-VMG) gồmĐàng Trong cũ(Cochinchina ), xứ Đàng Ngoài cũ (Tonkin), một phần vương quốc Campuchia, một số hòn đảo có người ở không xa bờ và quần đảo Paracels hợp thành bởi những đảo nhỏ, ghềnh và đá hoang vắng”.

Năm 1837, Giám mục Jean Louis Taberd có một bài viết về Việt Nam, trong đó có đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa như sau:“Paracel hay Paracels là một mê cung đầy những đảo nhỏ, đá và bãi cát trải trên một khu vực đến 11 độ vĩ Bắc, 107 độ kinh Đông … Người Cochinchina gọi quần đảo này là Cồn Vàng. Tuy quần đảo này không có gì ngoài tảng đá và những cồn lớn, nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn thuận lợi, Vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông sẽ tăng thêm lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đất buồn bã này. Năm 1816, ông đã tới long trọng cắm cờ và chính thức chiếm hữu mà hình như không một ai tranh giành với ông” [9]. Ở đây J. L. Taberd nói tới sự kiện vua Gia Long giao cho quân đội ra làm cột mốc, cắm cờ chứ ngay từ khi mới lên ngôi (1802), ông đã liên có chỉ dụ củng cố hoạt động của đội Hoàng Sa được thành lập bởi các chúa Nguyễn từ thế kỷ XVII. Vào năm sau (1838) chính vị giám mục này cho công bố tấm bản đồ, trên đó chú thích rõ quần đảo ở vị trí Hoàng Sa là “Paracel seu Cát Vàng ” (Paracel hay Cát Vàng). Cát Vànglà tên thuần Việt mà trên các văn bản chính thức gọi là Hoàng Sa. Đây là chứng lý xác đáng cho việc người Việt đã đặt tên cho quần đảo mà người phương Tây gọi là Paracel.

Trong cuốn Hoàng Thanh nhất thống dư địa toàn đồ, bản đồ Trung Quốc đời Thanh, xuất bản năm 1894 ghi chú rõ: “Điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, Quảng Đông, độ Bắc cực 18o13”. Còn quyển Quảng Đông dư địa toàn đồ, bản đồ tỉnh Quảng Đông, xuất bản năm 1897 cũng ghi: “Điểm cực Nam tỉnh này là mỏm núi bên ngoài cảng Du Lâm 18o09’10″”. Trong Đại Thanh đế quốc, bản đồ toàn Trung Quốc trong tập bản đồ mang tên “Đại Thanh đế quốc toàn đồ”, xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910, cũng chỉ rõ phần cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Những bản đồ trên đây đều khẳng định cho đến thế kỷ XX, lãnh thổ Trung Quốc không bao giờ gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

RELATED ARTICLES

Tin mới