Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngVenezuela: Hành trình từ "đại gia" Nam Mỹ thành con nợ khổng...

Venezuela: Hành trình từ “đại gia” Nam Mỹ thành con nợ khổng lồ của Nga, TQ

Nếu giá dầu tăng, ông Maduro có thể sẽ duy trì được tầm ảnh hưởng của mình. Nhưng một lần nữa, những tài sản này sẽ thuộc về các chủ nợ và họ sẽ quyết định tương lai của Venezuela.

Ảnh minh họa: Getty/Vox

Ngày 24/1/2019, Mỹ chính thức công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela, và đồng thời phủ nhận quyền tổng thống của ông Nicolas Maduro – người lãnh đạo đất nước Venezuela từ năm 2013. Liên minh Châu Âu, Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ và một số nước khác cũng thừa nhận ông Guaido.

Ông Maduro, tiếp nối ông Hugo Chavez (nắm quyền từ năm 1998 đến năm 2013), đã “thành công” trong việc biến nền kinh tế của quốc gia giàu có nhất Mỹ La tinh thành nước nghèo nhất khu vực chỉ sau 5 năm.

Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, nhưng ngày hôm nay có tới 90% dân số sống trong nghèo khó, lạm phát đạt mốc 1,3 triệu %, 3 triệu người rời khỏi đất nước, phần lớn cư dân phải nhịn đói, 26.000 người bị sát hại hồi năm ngoái, và Venezuela thậm chí còn phải nhập khẩu dầu mỏ thay vì sản xuất.

Chuyện này đã xảy ra như thế nào?

Dưới thời ông Chavez

Những năm 1990, ông Hugo Chavez kiên trì theo đuổi một kế hoạch dài hơi nhằm phổ biến mô hình mà ông xây dựng ở Venezuela trên khắp Mỹ La tinh nhằm hiện thực hóa “giấc mơ lớn”: trở thành cường quốc cân bằng lại thế lực của Mỹ. Ông Chavez dường như tin rằng nước Mỹ có liên quan trong vụ đảo chính năm 2002 nhằm vào chính phủ Venezuela.

Sau cuộc đảo chính quân sự thất bại và thụ án tù giam vào năm 1992, ông Chavez trúng cử tổng thống vào năm 1998. Sau đó, ông khởi động cuộc cách mạng Bolivar, tái tổ chức lại chính phủ và xã hội bằng cách cung cấp dịch vụ, hàng hóa miễn phí và nhiên liệu cho người nghèo.

Ông Chavez tái quốc hữu hóa các doanh nghiệp dầu mỏ tư nhân của Venezuela dưới thời chính quyền cũ để tiếp quản các nguồn doanh thu. Ngoài ra, ông Chavez cũng khuyến khích và tạo cơ hội cho người dân tự điều hành chính quyền địa phương dưới sự kiểm soát của chính phủ. Những người ủng hộ ông Chavez được gọi là “Chavinistas”.

Ông Chavez đã tìm kiếm cơ hội để lan truyền quan điểm tới các quốc gia trong vùng. Năm 2004, ông Chavez đã thành lập Liên minh Bolivar bao gồm Cuba, Bolivia, Nicaragua và Ecudor.

Năm 2005, ông Chavez thành lập Tổ chức Hợp tác năng lượng Caribbean (PetroCaribe) để bán dầu mỏ của Venezuela cho các nước Caribbean với giá thấp hơn giá thị trường. Ông Chavez còn ủng hộ Haiti với dầu giá rẻ nhằm cố gắng tạo ra một đồng minh nằm gần Florida.

Chương trình của ông Chavez hoạt động ổn định trong vài năm, nhưng các chính sách sau đó lại khiến chính quyền bị tổn hại. Ông Chavez loại bỏ những quan chức giàu kinh nghiệm, đủ năng lực và thay thế họ bằng những Chavinistas không đủ năng lực điều hành chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Các doanh nghiệp tư nhân được tiếp quản hoặc quốc hữu hóa bởi đội ngũ của ông Chavez. Cạnh tranh thị trường chững lại, và sau đó biến mất hoàn toàn. Chi tiêu không được kiểm soát, giá cả bị áp đặt. Venezuela trở thành một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới vì nạn tham nhũng. Tuy là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, Venezuela vẫn không thể sản xuất dầu.

Năm 2010, hệ thống kinh tế bắt đầu mất đà, buộc ông Chavez tuyên bố “chiến tranh kinh tế” với nạn đói. Đà suy thoái tăng tốc cho tới năm 2013 khi giá dầu thế giới giảm 50% trong vòng 1 năm. Nền kinh tế Venezuela xuống dốc không phanh.

Ông Chavez qua đời vào năm 2013. Tuy nhiên, tổng thống này đã chọn người kế nhiệm, ông Nicolas Maduro. Từ năm 2006, ông Maduro đã lần lượt nắm chức vụ Ngoại trưởng và Phó tổng thống. Trước đó, ông từng là một tài xế xe buýt và nhà tổ chức công đoàn.

Giấc mơ sụp đổ

Sau khi nhậm chức với tỉ lệ bầu cử sít sao, ông Maduro quyết định cứu vãn Venezuela bằng việc “quyết tâm gấp đôi” theo các kế hoạch của ông Chavez.

Khi tình hình trở nên bất ổn, ông Maduro sử dụng quyền lực để đưa người ủng hộ vào các tổ chức pháp luật như Tòa án Tối cao và Quốc hội. Ông Maduro viết lại Hiến pháp để tiếp tục nắm quyền, cấm sở hữu súng. Các cuộc bầu cử trong năm 2015 và năm 2018 bị phương Tây cáo buộc là không trung thực.

Ông Maduro thường xuyên thưởng cho quân đội và cảnh sát và nhận được sự ủng hộ từ các nhóm này.

Ông Maduro nhờ Trung Quốc và Nga giúp đỡ chính phủ của mình. Nga đã cho phép 2 doanh nghiệp quốc doanh là Rosneft và Gazprom để đầu tư vào thị trường dầu mỏ Venezuela. Hiện tại, Venezuela nợ Nga 12 tỉ USD tiền thiết bị quân sự, bao gồm tên lửa, máy bay chiến đấu, xe tăng và vũ khí hạng nhẹ.

Ngoài ra, Nga cũng giúp Venezuela thông qua việc tạo đồng tiền ảo để giúp tránh khỏi cấm vận kinh tế từ chính phủ Mỹ. Gần đây, các máy bay ném bom chiến lược tiên tiến của Nga đã hạ cánh xuống Caracas với mục tiêu đe dọa Mỹ. Ông Maduro đã thăm Nga và vay thêm được 6 tỉ USD.

Về phần mình, Trung Quốc đã cho Venezuela vay hơn 50 tỉ USD trong suốt thập kỉ qua, với lí do nhằm phát triển các cơ hội thương mại. Dầu được sử dụng để trả nợ bởi tiền tệ của Venezuela gần như không có giá trị. Một công ty nhà nước Trung Quốc đã liên doanh với một công ty dầu mỏ Venezuela để tăng lợi nhuận thu về. Ông Maduro đã thăm Bắc Kinh hai lần để nhận tiền cứu trợ.

Gần như tất cả doanh thu từ dầu mỏ của Venezuela được dùng để trả nợ Trung Quốc, Nga, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và những chủ nợ khác. Đây là trường hợp điển hình cho “nợ ngoại giao”. Venezuela đang ôm khoản nợ 105 tỉ USD.

Phản ứng với khủng hoảng

Cho đến nay, Mỹ mới chỉ có những động thái mang tính tượng trưng với Venezuela. Năm 2015, tổng thống Barack Obama, tuyên bố Venezuela là mối đe dọa an ninh với Mỹ, nhưng không có động thái nào khác.

Ông Trump đã áp dụng một số cấm vận kinh tế đối với các cá nhân ở Venezuela, nhưng những cấm vận này không quá nghiêm trọng. Canada và Liên minh Châu Âu cũng có động thái tương tự.

Ông Trump đe dọa gửi binh sĩ tới đây, nhưng chuyện này sẽ khó xảy ra. Mỹ không thể tham gia vào một cuộc khủng hoảng nào khác. Trong nỗ lực phản kháng, ông Maduro đã yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ rời khỏi quốc gia này 72 giờ sau lời tuyên bố nhậm chức của tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido.

Nga và Trung Quốc không có động thái nào. Cả hai nước này đều có những lợi ích kinh tế và địa chính trị cần tới ông Maduro.

Phản ứng của các quốc gia khác khá nhẹ nhàng. Cho tới cuộc khủng hoảng gần đây, gần như tất cả các quốc gia đều từ chối can thiệp vào chuyện nội bộ của quốc gia khác. Tổ chức Các quốc gia Châu Mỹ – bao gồm những nước quan ngại về ông Maduro và những nước ủng hộ mạnh mẽ – đều có ít ảnh hưởng.

Tương lai của Venezuela vẫn còn khá mờ mịt. Đất nước hiện đang ở trong tình cảnh cực kì đói nghèo và hỗn loạn về mặt xã hội, chính trị, kinh tế. Venezuela đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến, và thậm chí một cuộc chiến trong khu vực: Brazil, Colombia và các nước láng giềng đều không hài lòng.

Cùng lúc, ông Maduro “gom góp” sự ủng hộ từ các cường quốc trên thế giới và trong khu vực, tiếp tục kiểm soát quân đội. Vẫn có hàng triệu Chavinistas khắp nơi tạo điều kiện cho ông Maduro giữ vững quyền lực.

Tôi cho rằng nếu giá dầu tăng, ông Maduro có thể sẽ duy trì được tầm ảnh hưởng của mình. Nhưng một lần nữa, những tài sản này sẽ thuộc về các chủ nợ và họ sẽ quyết định tương lai của Venezuela.

RELATED ARTICLES

Tin mới