Friday, November 15, 2024
Trang chủĐàm luậnNhững thủ đoạn “tin tặc Trung Quốc” và vai trò của Huawei...

Những thủ đoạn “tin tặc Trung Quốc” và vai trò của Huawei và ZTE (Kỳ II)

Theo ông Lamar Smith, Chủ tịch Ủy ban khoa học, không gian và công nghệ Hạ viện Mỹ, báo cáo này từng bị Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg (nhậm chức năm 2011) che giấu vì sợ mất việc. Và còn cho biết, máy tính người tiền nhiệm của ông Martin Gruenberg là Sheila Bair cũng từng bị xâm nhập. FDIC là cơ quan quản lý ngân hàng quan trọng của chính phủ Mỹ, nắm giữ dữ liệu mật về các ngân hàng lớn nhất của nước Mỹ.

Kỳ II: Tuyên bố của Trung Quốc

Trước đó (15-6), Sputniknews.com dẫn cảnh báo của ông David Major, cựu nhân viên FBI, hiện là Giám đốc một viện nghiên cứu về an ninh: tình báo Trung Quốc hiện là mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà Mỹ phải đối mặt. Bởi theo số liệu của tổ chức tư vấn chống gián điệp, đã có 160 người làm gián điệp cho Trung Quốc bị phát hiện ở Mỹ trong giai đoạn 1985-2016.

Ngày 14-6, tại Bắc Kinh, Trung-Mỹ đã tổ chức hội đàm cấp cao lần thứ hai về vấn đề tội phạm mạng. Cuộc đối thoại đầu tiên được tổ chức tại Washington hồi tháng 12-2015. Trước đó (9-2), khi phát biểu tại cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia James Clapper cảnh báo mối đe dọa an ninh mạng đối với Mỹ đến từ Trung Quốc. Theo ông James Clapper, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động gián điệp mạng và những gì Trung Quốc hứa sẽ kiểm soát gián điệp mạng vẫn chỉ là cam kết. Và Bắc Kinh tiếp tục thu được nhiều thành công trong hoạt động gián điệp mạng.

Theo trang hack-cn.com, 1937CN là nhóm hacker nổi tiếng tại Trung Quốc, có một website riêng với tên miền 1937CN.com, được liệt vào danh sách mạnh nhất, với tổng số lần tấn công lên tới hơn 36.000 cuộc. Hơn 2 năm trước (31-7-2014), hãng Reuters từng dẫn lời ông Dmitri Alperovitch, chuyên gia về an ninh mạng của Công ty công nghệ an ninh CrowdStrike có trụ sở tại California (Mỹ), theo đó vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính của chính phủ Canada giống với các vụ tấn công do Đơn vị 61486 của quân đội Trung Quốc đóng tại Thượng Hải thực hiện trước đó.

Ngày 11-5, một nhóm chuyên gia cao cấp về không gian mạng của Mỹ và Trung Quốc đã họp sau khi song phương đạt được thỏa thuận về an ninh mạng hồi tháng 9-2015 nhằm chấm dứt căng thẳng về vấn đề này. Bởi trước đó (năm 2014), Bắc Kinh đã rút khỏi nhóm an ninh mạng song phương sau khi Washington kết tội 5 thành viên của quân đội Trung Quốc tấn công mạng nhằm vào 6 công ty Mỹ. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden từng kêu gọi Trung Quốc (10-7-2013) chấm dứt hành vi “trộm cắp công khai” thông qua các cuộc tấn công mạng. Washington cáo buộc Bắc Kinh tiến hành chiến dịch tấn công mạng lớn chống lại Mỹ cùng các công ty của mình. Việc trộm cắp bí mật thương mại của tin tặc Trung Quốc đã gây ra thiệt hại cho các công ty Mỹ hàng trăm tỷ USD/năm. Từ năm 2011, Washington bắt đầu công khai nêu tên Trung Quốc như một nguồn phát xuất của những vụ tấn công mạng nhắm vào các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ.

Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ từng cảnh báo, tin tặc Trung Quốc đang đánh cắp bí mật quân sự Mỹ – tận dụng lỗ hổng trong hệ thống bảo mật của mạng máy tính, bất chấp việc Washington nhiều lần phản đối vấn đề này. Còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từng cáo buộc Trung Quốc liên quan đến hoạt động gián điệp mạng. Và nhấn mạnh, tin tặc và tình báo mạng đã và đang trở thành những nguy cơ “thầm lặng, tàng hình nhưng rất nguy hiểm” đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng như các nước khác. Ông Chuck Hagel còn cho biết, lực lượng phòng thủ không gian mạng thuộc Bộ tư lệnh không gian mạng Mỹ ​​sẽ được tăng lên hơn 6.000 nhân viên vào cuối năm 2016. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers từng cho rằng, hoạt động của tin tặc Trung Quốc cho thấy, Washington đang thua trong cuộc chiến tranh mạng.

Giới chuyên môn nhận định, không những đông dân nhất thế giới, cùng nền kinh tế và ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc còn thiết lập một thế trận chiến tranh mạng (cyberwarfare) có quy mô toàn cầu. Nhân sự phục vụ chiến tranh mạng bao gồm chuyên viên mạng làm việc tại Bộ An ninh, Bộ Công an và do quân đội phụ trách. Được biết, quân đội công bố thành lập biệt đội an ninh mạng hơn 5 năm trước (tháng 5-2011). Hơn 2 năm trước (cuối tháng 6-2014), Bắc Kinh đã tổ chức diễn tập chiến tranh mạng lần đầu tiên với sự tham gia của các lực lượng đến từ quân đoàn 38 và 68 thuộc Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh cùng 8 học viện quân sự.

Gần 1 năm trước (9-10-2015), tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Quần đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng phối hợp để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử quốc tế về không gian mạng. Còn khi họp với tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ hôm 22-4-2014, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tướng Phòng Phong Huy đã ví hậu quả của tấn công mạng với bom nguyên tử.

Theo ông Phòng Phong Huy, nếu an ninh Internet không được đảm bảo, có thể gây hậu quả nghiêm trọng như một quả bom nguyên tử và rất khó để lần theo dấu vết của các cuộc tấn công này.

Ngày 6-8-2014, hãng Bloomberg (Mỹ) cho biết, Trung Quốc đã cấm các cơ quan của chính phủ mua sản phẩm điện tử của hãng Apple vì lý do an ninh. Đề xuất cấm sản phẩm của Apple được đưa ra sau khi Bắc Kinh công khai danh sách mua sắm phần mềm, trong đó không có tên các hãng sản xuất phần mềm chống virus nước ngoài (như Symantec và Kaspersky). Lệnh cấm này áp dụng đối với tất cả các cơ quan, từ trung ương đến địa phương.

( Còn tiếp)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới