Chuyên gia an ninh Úc cảnh báo, Bắc Kinh có thể can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang ở nước này, thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat, tờ SHM hôm thứ Hai (28/1) cho hay.
Viện chính sách mạng quốc tế (International Cyber Policy Institute), cơ quan trực thuộc Viện chính sách chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute – ASPI), đưa ra cảnh báo hiện đã có khoảng 1,5 triệu người Úc là khách hàng của mạng xã hội WeChat. Thông tin của những người dùng này có thể bị đánh cắp, và họ bị theo dõi cũng như sẽ nhận được thông tin tuyên truyền từ ứng dụng nhắn tin này.
Theo tờ Sydney Morning Herald (SMH), các nhà phân tích an ninh Úc có những quan điểm khác nhau trong việc nhận định về mối đe dọa mà Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể gây ra đối với cuộc bầu cử liên bang vào tháng 5 tới. Mặc dù vậy, họ đều có chung quan điểm với nhau rằng, do chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh, Wechat chắc chắn là một công cụ giúp chính quyền Trung Quốc thực hiện các kế hoạch chính trị của họ.
Nhiều chính phủ ở châu Âu và Bắc Mỹ khuyến cáo rằng các nền tảng truyền thông xã hội sẽ được dùng để lan truyền tin giả, nhằm thao túng các chiến dịch bầu cử của các nước theo các âm mưu chính trị, ví dụ như Nga đã thực hiện điều này để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
“Điều đặc biệt liên quan đến WeChat là nó chịu sự kiểm duyệt và kiểm soát của [chính quyền] Trung Quốc”, nhà phân tích an ninh mạng cấp cao của ASPI, Tom Uren, nói. “Nó không chỉ là kiểm duyệt – đôi khi họ thúc đẩy các vấn đề cụ thể, vì đó là cách kiểm soát các cuộc tranh luận công khai”.
Vào tháng 6 năm ngoái, Úc đã thành lập một Lực lượng đặc biệt, phụ trách an toàn cho cuộc bầu cử, nó sẽ phối hợp với Ủy ban bầu cử Úc, Bộ Nội vụ, Trung tâm an ninh mạng và Tổ chức tình báo an ninh Úc.
“Đây là lúc thích hợp để mở một cuộc thảo luận về WeChat, phân tích cách họ điều hành nền tảng này ở Úc và [tìm hiểu] thực chất phương tiện nhắn tin này là gì. Với những ý kiến được đưa ra, chính phủ sẽ thực sự minh bạch về cách mà WeChat hoạt động ở Úc”, theo ông Tom Uren.
Chính phủ liên bang đang tham khảo ý kiến của Facebook, Google và Twitter trước cuộc bầu cử sắp tới, tiến hành phát triển các chiến lược chống lại tin giả. Tuy nhiên, Ủy ban này cũng đã xác nhận họ chưa thảo luận với Tencent, công ty sở hữu WeChat về những nghi vấn này.
Bằng việc sử dụng các thuật toán phức tạp, WeChat là một trong số ít các ứng dụng truyền thông xã hội tại Trung Quốc được phép vượt “Vạn lý Hỏa thành” – một công cụ mà giới an ninh mạng nước này dày công xây nên – nhằm chặn các từ khóa và hình ảnh được cho là nhạy cảm hoặc liên quan tới chính trị.
Ứng dụng WeChat đang được sử dụng bởi 1,5 tỷ người trên thế giới mỗi tháng. Trong năm ngoái, Bộ Quốc phòng Úc đã cấm sử dụng ứng dụng trên điện thoại này, giữa bối cảnh các cơ quan chính phủ Úc ngày càng nghi ngại công nghệ Trung Quốc.
Hôm thứ Hai tuần trước (21/1), tỷ phú Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei, trong một chương trình phát sóng trên truyền hình nhà nước Trung Quốc đã nói rằng, phương Tây “dại dột” khi tiếp tục tẩy chay sản phẩm của Huawei.
Trong khi đó, nhiều nước cho rằng Huawei nguy hiểm vì nó có thể được sử dụng để gắn những thiết bị thu thập thông tin tình báo theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc.
Huawei đang bị nhiều nước trên thế giới tẩy chay vì nghi cấy chịp để thu thập thông tin tình báo cho Bắc Kinh. (Ảnh: Forbes)
Cuối năm ngoái, chính phủ Úc đã cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G nội địa vì lý do an ninh quốc gia. Anh, Đức, Nhật cũng đã làm điều tương tự. Theo New York Times, Mỹ đang kêu gọi các đồng minh không dùng thiết bị của Huawei để xây dựng mạng 5G.
Tháng trước, Canada đã bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Châu, với cáo buộc bà Mạnh tham gia chỉ đạo việc vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Hoa Kỳ. Hôm thứ Ba (22/1), Hoa Kỳ thông báo với chính phủ Canada rằng họ muốn dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.
Các chuyên gia an ninh mạng Úc bày tỏ lo ngại WeChat có thể được sử dụng nhằm khuyến khích cộng đồng người Hoa di cư, ủng hộ một lực lượng nào đó trong cuộc bầu cử, vì cách tương tự như vậy đã được sử dụng trong cuộc bầu cử ở Bennelong (Úc) hồi năm 2017, theo SMH.
Những người Úc có liên quan với Ủy ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ – cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài của Bắc Kinh – đã chỉ trích nặng nề Đảng Tự do và cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull trên ứng dụng WeChat, vì ông Turnbull có quan điểm mạnh mẽ chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhứng chuyên gia hàng đầu về an ninh của Úc cũng đang tranh luận về việc Trung Quốc sẽ dùng thủ đoạn nào để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới, và mức độ mà Bắc Kinh có thể tác động.
“Một vấn đề được đặt ra dựa trên lý thuyết rằng Bắc Kinh có thể can thiệp vào cuộc bầu cử bằng cách cố gắng tìm ra người mà họ muốn [người đó] giành chiến thắng”, Richard McGregor, thành viên cấp cao của Viện Lowy lưu ý.
Còn ông Rory Medcalf, lãnh đạo của trường An ninh Quốc gia, Đại học Quốc gia Úc, thì cho rằng Trung Quốc muốn thay đổi chính sách của Úc, nhưng điều này sẽ không dễ để thực hiện.
“Trung Quốc có lý do để muốn gây ảnh hưởng đến chính sách của Úc”, ông Medcalf nói. “Bắc Kinh mong muốn Úc giảm bớt sự ủng hộ đối với đồng minh Hoa Kỳ và vô hiệu hóa việc Úc ủng hộ một trật tự dựa trên pháp luật ở châu Á, liên quan tới các vấn đề như Biển Đông hoặc nhân quyền”.
“Những thay đổi trong hệ thống pháp luật gần đây sẽ tối đa việc giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử của chúng tôi”, Giáo sư Medcalf nói thêm. Tuy nhiên, nhận diện một rủi ro khác nguy hiểm hơn, ông nói: “Nguy cơ lớn hơn là việc [họ] sử dụng tuyên truyền, bao gồm cả trực tuyến, để cố gắng gây ảnh hưởng đến tâm lý của cử tri”.