Có khả năng Bắc Kinh sẽ vượt qua Washington trở thành cường quốc thế giới, như cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình từ Anh sang Mỹ hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Ảnh minh họa: Bloomberg
Những khả năng
Trong 40 năm kể từ khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc đã phát triển từ một nước nghèo đói trở thành một cường quốc đe dọa sự thống trị số một của Mỹ.
Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện hồi tháng 12/2018, người đứng đầu bộ phận phản gián của FBI đã cảnh báo rằng: “Với tốc độ phát triển kinh tế của mình, Trung Quốc đang thay thế Mỹ trở thành siêu cường thế giới”.
Tất nhiên, có nhiều con đường mà quan hệ Mỹ – Trung có thể phát triển nếu Trung Quốc đặt mục tiêu thay thế Mỹ để giành vị thế số một thế giới. Giới bình luận chính trị thế giới tập trung vào 4 khả năng: Trung Quốc hoặc thành công hoặc thất bại, và 2 trường hợp này cùng với sự hiện diện hoặc không của xung đột vũ trang.
Nhiều nhà phân tích tin rằng vẫn có khả năng Bắc Kinh sẽ vượt qua Washington trở thành cường quốc thế giới, như cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình từ Vương quốc Anh sang Mỹ hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Một số nhà quan sát còn thảo luận về khả năng thứ năm. Đó là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong bối cảnh xung đột Mỹ – Trung diễn ra trên nhiều mặt. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để loại trừ khả năng hòa hợp “cùng chung sống” về dài hạn đối với hai quốc gia này.
Ngoài ra, có một khả năng thứ sáu mà các nhà quan sát đang xem xét: Sự chung sống không thoải mái, lỏng lẻo giữa Mỹ và Trung Quốc bị ràng buộc bởi tính bất khả thi trong việc thành lập liên minh và tình trạng đối đầu khó hóa giải.
Sẵn sàng lấp khoảng trống?
Washington có nhiều lợi thế cạnh tranh so với Bắc Kinh: Vị trí địa lý thuận lợi, năng lực quân sự hàng đầu thế giới, có số lượng dân trong độ tuổi lao động cao, hệ thống giáo dục tiên tiến, nắm giữ hầu hết các mã nguồn công nghệ thế giới và có khả năng tự cung tự cấp năng lượng.
Washington cũng đóng vai trò trung tâm kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và là bộ khung tổ chức trung tâm trong các vấn đề thế giới.
Tuy nhiên, nước Mỹ hai năm qua đã chứng kiến sự rối loạn chức năng chính trị ở trong nước, đồng thời thể hiện là một nước không đáng tin cậy trong mắt đồng minh và đối tác. Sự bất ổn định này có thể hạn chế khả năng của Mỹ trong việc tập hợp lực lượng để đối phó với các thách thức toàn cầu.
Có vẻ như Trung Quốc đã sẵn sàng để khỏa lấp khoảng trống do Mỹ để lại. Với nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc, từ mức dưới 2% tổng sản phẩm thế giới năm 1978 lên hơn 15% tại thời điểm hiện tại, và đang trên đà vượt Mỹ về quy mô tổng thể trước năm 2050. Là nước thương mại và xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc tạo ra khoảng 1/3 giá trị tăng trưởng toàn cầu.
Quân đội nước này hiện đang trong quá trình hiện đại hóa. Theo Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung, “trước năm 2035, quân đội Trung Quốc có thể sẽ thách thức hoạt động của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có những bất lợi nhất định. Nước này có đường biên giới tiếp giáp với 14 nước, trong đó nhiều nước không ổn định về an ninh và kinh tế.
Theo nhà nghiên cứu quốc phòng của Viện nghiên cứu RAND, Timothy Heath, sức mạnh quân sự Trung Quốc bị hạn chế bởi hệ thống chỉ huy lỗi thời và tham nhũng tràn lan. Ngoài ra, Trung Quốc có rất ít đồng minh thực sự, và đường hướng quản lý trong nước không mấy thu hút.
Năm 2018 chứng kiến những lực cản mà Trung Quốc phải đối mặt khi thúc đẩy tham vọng trỗi dậy của mình. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đang gặp phải sự phản ứng dữ dội ngày càng tăng ở nước ngoài, và ngày càng nhiều nhà nghiên cứu đặt câu hỏi về tính bền vững tài khóa của nó.
Những tiến triển trong công nghệ của Bắc Kinh cũng đang bị nghiên cứu gắt gao. Hồi tháng 7/2018m các lãnh đạo tình báo thuộc nhóm Five Eyes (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand) đã nhất trí tìm cách giới hạn sự phát triển của công ty viễn thông Trung Quốc Huawei.
Dù vậy, có lẽ đáng chú ý nhất, Trung Quốc không thể hiện nhiều tham vọng trong việc thay thế Mỹ trở thành vị trí siêu cường số một. Mặc dù vẫn tìm cách mở rộng ra toàn cầu về quy mô nhưng chính sách ngoại giao của Bắc Kinh vẫn khá co cụm về mục tiêu, có vẻ thiên hướng tập trung tới duy trì đà tăng trưởng và củng cố vị thế trung tâm ở châu Á – Thái Bình Dương.
Với sự bất định trong chính sách của Mỹ cùng tham vọng của Trung Quốc, các nước tầm trung có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh trật tự toàn cầu giữa bối cảnh thực tiễn hiện tại.