Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGóc khuất cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung

Góc khuất cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung

Mỹ xác nhận kế hoạch theo đuổi việc dẫn độ Giám đốc Tài chính tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc – bà Mạnh Vãn Chu, người bị bắt ở Canada theo đề nghị của Mỹ – trước thời hạn chót 30-1. Vụ Huawei đang cho thấy rõ hơn hành động có chủ ý của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Marc Raimondi nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi việc dẫn độ bị can, bà Mạnh Vãn Chu và sẽ đáp ứng tất cả về thời hạn chót đặt ra trong Hiệp ước Dẫn độ Mỹ-Canada”.

Theo thỏa thuận giữa Mỹ và Canada, Washington có 60 ngày để chính thức hóa thủ tục dẫn độ sau khi một lệnh bắt giữ được thực hiện theo đề nghị của Mỹ ở Canada. Một khi đề nghị dẫn độ được đệ trình, Bộ Tư pháp Canada có 30 ngày để bắt đầu các thủ tục dẫn độ chính thức, dù tiến trình này có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Ngay sau khi phía Mỹ ra tuyên bố trên, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ ngừng điều tra bà Mạnh Vãn Chu. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, Bắc Kinh kêu gọi Washington “sửa sai ngay lập tức”, đồng thời khẳng định nếu Mỹ thực sự tiến hành việc dẫn độ, Trung Quốc sẽ có biện pháp trả đũa.

Bên cạnh đó, người phát ngôn này cũng kêu gọi Canada ngay lập tức trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu bởi vụ việc liên quan đến bà Mạnh “rõ ràng không phải là một vụ án tư pháp thông thường”. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Canada và Mỹ đã làm tổn hại đáng kể “sự an toàn cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc”.

Cùng thời điểm này, giới chức Mỹ đang mở rộng cuộc điều tra hình sự nhằm vào tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Tờ Wall Street Journal (Mỹ) dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết Bộ Tư pháp nước này đang xem xét các cáo buộc liên quan tới việc Huawei đánh cắp bí mật thương mại của các đối tác kinh doanh Mỹ, trong đó có thiết bị robot do T-Mobile sản xuất được sử dụng để thử nghiệm điện thoại thông minh.

Có thể thấy, vụ việc đang được “xé” ra to phản ánh một khía cạnh khác của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Xét từ quan điểm của phía Mỹ, vấn đề quan trọng và bức thiết hơn chiến tranh thương mại là cuộc chạy đua về công nghiệp công nghệ cao Mỹ-Trung ngày một quyết liệt.

Giáo sư danh dự Đới Hồng Siêu, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính trị Đại học Detroit Mercy, cũng khẳng định quan điểm của phía Mỹ, vấn đề quan trọng và bức thiết hơn chiến tranh thương mại là cuộc chạy đua công nghiệp công nghệ cao Mỹ-Trung. Ông Đới cho biết, trong cuộc chạy đua này, phía Trung Quốc đã đạt được bước ngoặt và có xu thế vượt Mỹ. Bởi, trong 20 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, Trung Quốc có 9, Mỹ có 11; năm 2018, Trung Quốc có 40 lần phóng vệ tinh lên vũ trụ, lần đầu vượt Mỹ.

Về mạng internet thế hệ 5 (5G), từ năm 2015, Trung Quốc đầu tư nhiều hơn Mỹ 24 tỷ USD. Trung Quốc hiện có 350.000 trạm truyền phát sóng 5G, còn Mỹ mới có 30.000 trạm.

Theo ông, trên phương diện công nghiệp công nghệ cao, Trung Quốc vẫn lạc hậu so với Mỹ nhưng việc Trung Quốc vượt Mỹ sẽ là tương lai gần, nhất là khi xem xét số liệu về đầu tư nghiên cứu phát triển (RD) vì RD là động lực chủ yếu quyết định tương lai của phát triển công nghiệp.

Năm 2016, Trung Quốc đầu tư 410,2 tỷ USD cho RD với 3 triệu nhân lực, còn Mỹ đầu tư 464,3 tỷ USD với 2,9 triệu nhân lực. Viện Công nghệ Massachusetts dự tính qua năm 2018-2019, đầu tư RD của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, tăng cường phát triển công nghiệp công nghệ cao là tổng mục tiêu của chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”.

Chiến lược này được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra năm 2015, tới nay đã thực hiện được khoảng 3 năm, với tham vọng trong 10 năm làm thay đổi ngành công nghiệp Trung Quốc từ chỗ “lương thấp, công nghệ thấp, chất lượng thấp” thành “lương cao, công nghệ cao, chất lượng cao”. Chắc chắn những thay đổi mà chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc” mang đến sẽ ảnh hưởng rất lớn tới Mỹ và nước Mỹ đang thực sự lo lắng, tới mức mất tự tin.

Bà Mạnh Vãn Chu ở Canada. Ảnh: ABC.

Hiện nay, Trung Quốc mới chỉ xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm “lương thấp, công nghệ thấp, chất lượng thấp” nhưng đã khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại 337 tỷ USD so với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm “lương cao, công nghệ cao, chất lượng cao”, thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn. Đó là chưa nói tới công nghệ cao phát triển sẽ dẫn tới sự thay đổi về thực lực quân sự và thực lực sản xuất quốc phòng của Trung Quốc.

Nhằm đối phó với nguy cơ trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ ra một sắc lệnh điều hành mới ngay đầu năm 2019, cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do Tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất. Sắc lệnh điều hành này, vốn được chuẩn bị suốt 8 tháng qua sẽ trực tiếp chỉ đạo Bộ Thương mại ngăn cản các công ty Mỹ mua thiết bị từ các nhà sản xuất viễn thông nước ngoài vì những rủi ro đe dọa nền an ninh quốc gia. Phía Mỹ cho rằng các công ty này làm việc theo chỉ đạo của Chính phủ Trung Quốc và các thiết bị của họ có thể được sử dụng cho các hoạt động gián điệp ở Mỹ.

Sắc lệnh này sẽ viện dẫn Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA), cho phép tổng thống có quyền đưa ra những điều chỉnh về thương mại để phản ứng với một tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đây là một vấn đề cấp bách trong bối cảnh các nhà mạng không dây của Mỹ đang tìm kiếm đối tác để chuẩn bị áp dụng mạng di động không dây 5G thế hệ tiếp theo.

Câu hỏi là vì sao Mỹ “đánh” Huawei vào lúc này? Ngay từ năm 2012, tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc đã lọt vào tầm ngắm của chính quyền Mỹ. Theo một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, Huawei đặt ra một mối đe dọa cho an ninh Mỹ vì sản phẩm của Huawei có thể bị sử dụng vào mục tiêu gián điệp. Thế nhưng, đến đầu tháng 12-2018, Mỹ mới ra “đòn”.

Tom Holland – một nhà báo kỳ cựu về châu Á cho rằng, đây là biểu hiện của một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế Mỹ-Trung. Theo nhận định phổ biến ở Washington, vì Huawei là một tập đoàn thương mại thành công nhưng cũng phục vụ mục tiêu do thám chính trị, quân sự, công nghiệp, một cánh tay nối dài của tình báo quân đội Trung Quốc.

Tuy nhiên, đó chỉ là những tin cũ. Theo một viên chức tình báo phương Tây, các cơ quan gián điệp phương Tây từ lâu đã biết được vai trò thu thập thông tin của Huawei và đã “tương kế tựu kế” để cung cấp thông tin sai lệch cho Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới