Chiến tranh biên giới chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng đây là thử thách lớn đối với lực lượng vũ trang ta nói chung và Quân khu 1, Quân khu 2 nói riêng.
Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Quân khu Việt Bắc – Quân khu 1 đã trải qua một thời kỳ biến động nhiều về địa giới.
Trong một thời gian ngắn, từ tháng 5/1976 đến tháng 4/1979, đã có 4 lần thay đổi địa giới ở cấp Quân khu và cấp tỉnh:
Tháng 5/1976, sáp nhập Quân khu Tây Bắc và Quân khu Việt Bắc thành Quân khu 1; tháng 5/1978, tách các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Vĩnh Phú ra khỏi Quân khu 1 để thành lập Quân khu 2, đồng thời sáp nhập tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hà Bắc thuộc Quân khu 3 về Quân khu 1.
Tháng 12/1978, tách tỉnh Cao Lạng để tái lập hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn; tháng 4/1979, tỉnh Quảng Ninh tách khỏi Quân khu 1 để thành lập Đặc khu.
Sau đó, tỉnh Bắc Thái được tách và tái lập tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Cạn, tỉnh Hà Bắc được tách và tái lập tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Từ đó, địa giới của Quân khu 1 được định hình cho tới nay, gồm 6 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Trở lại thời điểm năm 1978, ngày 27/6/1978, đồng chí Cao Văn Khánh – Phó tổng tham mưu trưởng ký Chỉ lệnh Phòng thủ bảo vệ biên giới cho Quân khu 1 và Quân khu 2.
Chỉ lệnh xác định đây là một nhiệm vụ đột xuất phải tập trung chỉ đạo, tập trung khả năng, cần tiến hành ngay.
Như vậy, cùng một lúc cơ quan vừa tiến hành chia tách, vừa phải tập trung làm kế hoạch và triển khai khẩn trương việc phòng thủ bảo vệ biên giới.
Với tinh thần khẩn trương, đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo công tác chia tách, ưu tiên cho Quân khu 2 mới tái lập.
Việc sắp xếp bố trí nhân sự, cán bộ, đồng chí Vũ Lập, Tư lệnh Quân khu 2 đề xuất cụ thể, Thường vụ sẵn sàng thông qua bất kỳ thời gian nào. Do đó, chỉ trong một tuần, cơ bản đội hình cơ quan Quân khu 2 di chuyển đến Yên Bái.
Ngày 1/7/1978, việc chia tách kết thúc, từng Quân khu bắt đầu điều hành theo địa bàn mới.
Song song với việc chia tách, đồng chí Đàm Quang Trung – Tư lệnh Quân khu 1 và đồng chí Nguyễn Anh Đệ – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu tập trung chỉ đạo các cơ quan soạn thảo lại toàn bộ Kế hoạch phòng thủ bảo vệ biên giới của Quân khu theo địa bàn mới.
Giữa tháng 7/1978, đồng chí Lê Trọng Tấn – Phó Tổng tham mưu trưởng đến làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu.
Đồng chí thông báo tình hình Trung Quốc đã triển khai 15 sư đoàn chủ lực ra biên giới để chuẩn bị tiến công Việt Nam.
Tiếp đó, đồng chí đã chỉ đạo cho Quân khu cần tích cực bổ sung, điều chỉnh và triển khai kế hoạch xây dựng thế trận phòng thủ biên giới.
Trong thời gian này, Sư đoàn bộ binh 3 (Đoàn Sao Vàng) với biên chế tổ chức đầy đủ được Bộ điều về đội hình chiến đấu của Quân khu, bố trí ở khu vực các huyện Cao Lộc, Văn Lãng và đông bắc thị xã Lạng Sơn.
Nhiệm vụ của Sư đoàn là cùng với lực lượng vũ trang địa phương tổ chức phòng thủ khu vực biên giới trên hướng trọng yếu của quốc gia.
Thực hiện Quyết định số 21/QĐ-TƯ, đến tháng 7/1978, Bộ chỉ huy Quân sự thống nhất trong các tỉnh Quân khu đã được thành lập.
Sau đó được triển khai xuống các huyện, xã, phường để thành lập Ban chỉ huy quân sự thống nhất.
Ở cấp tỉnh, đồng chí Bí thư tỉnh ủy làm Chính ủy; đồng chí Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh làm Phó Chính ủy; đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Trưởng ty công an làm Chỉ huy phó.
Cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ huy quân sự thống nhất huyện, thị, xã, phường tương tự như ở cấp tỉnh.
Đầu tháng 8/1978, Quân khu ủy ra nghị quyết xác định:
“Tình hình hết sức khẩn trương, chiến tranh có thể diễn ra sớm, nhưng có thể muộn. Nếu sớm ta phải đảm bảo đánh thắng, nếu muộn ta lại phải đánh thắng giòn giã hơn.
Phải tổ chức quán triệt cho cả ba thứ quân về tư tưởng chiến lược tiến công, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân phát triển cao, tiến hành phòng ngự kiên cường, phản công và tiến công kiên quyết cả trong và ngoài biên giới, không cho chúng tiến sâu vào nội địa”.
Quân khu ủy thống nhất dự kiến theo hai khả năng:
Thứ nhất, đối phương tiến công vũ trang từ bên ngoài kết hợp với bạo loạn từ bên trong, đánh chiếm một số điểm có giá trị về quân sự, kinh tế, chính trị ở sát biên giới.
Thứ hai, đối phương tiến công lớn kết hợp với bạo loạn lật đổ một số vùng để thành lập khu tự trị, tạo sức mạnh để mặc cả với ta.
Hướng chủ yếu là Quảng Ninh, bao gồm Đình Lập, Móng Cái.
Hướng thứ yếu là thị xã Lạng Sơn.
Hướng quan trọng là thị xã Cao Bằng.
Cuối tháng 7/1978, sau khi thông qua và được Bộ Tổng Tham mưu phê chuẩn, Quân khu phổ biến cho các đơn vị triển khai điều chỉnh, bổ sung kế hoạch tác chiến phòng thủ bảo vệ biên giới.
Ngày 11 và ngày 12/8/1978, đồng chí Chu Huy Mân – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị xuống dự và chỉ đạo Hội nghị Đảng ủy Quân khu lần thứ nhất (kể từ khi tách Quân khu). Đồng chí Đàm Quang Trung, Bí thư Quân khu ủy chủ trì Hội nghị.
Ngày 31/8/1978, Quân khu mở Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả triển khai kế hoạch phòng thủ biên giới.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp trên tuyến biên giới và hải đảo phía Bắc của Tổ quốc, trong tháng 8 và tháng 9/1978, Cục Hậu cần đã xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm hậu cần – kỹ thuật cho yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng thủ theo hướng chiến lược đã xác định.
Từ tháng 8, Quân khu đẩy mạnh việc tăng cường củng cố các căn cứ hậu cần… Thực hiện kết hợp hậu cần nhân dân với hậu cần quân đội.
Ngày 4/9/1978, Bộ Quốc phòng có mệnh lệnh tác chiến chính thức bằng văn bản cho Quân khu.
So với chỉ thị trước, có tăng thêm Sư đoàn 338 lên phòng thủ trên hướng Đình Lập, thay Sư đoàn 325B về hướng Quảng Ninh.
Tiếp đó, các đồng chí Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị… đã về Quân khu kiểm tra và chỉ đạo các mặt.
Ngày 30/10/1978, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị về thống nhất xây dựng tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc.
Những tháng cuối năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc diễn biến rất căng thẳng. Trung Quốc tăng cường hoạt động dọc biên giới, tổ chức diễn tập quân sự, tuyên truyền chuẩn bị chiến tranh; cho người bí mật vượt biên giới vào sâu nội địa nước ta móc ngoặc với các phần tử phản động.
Đặc biệt họ còn bao vây, uy hiếp dân quân canh phòng của ta ở nhiều nơi, phục kích bắn và bắt cóc công an vũ trang và dân quân ta đi tuần tra biên giới…
Đến tháng 12/1978, Quân khu đã xây dựng xong quyết tâm, kế hoạch tác chiến; triển khai lực lượng hình thành thế trận phòng ngự từ sát biên giới và xây dựng công trình phòng ngự tuyến 2.
Các đơn vị chủ lực của Quân khu, tỉnh, huyện biên giới, nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu; dân quân du kích các xã biên giới tổ chức chốt gác, tuần tra dọc biên giới.
Các đồn biên phòng tăng cường tuần tra canh gác, phong tỏa, ngăn chặn tàu, xe của đối phương xâm phạm vào lãnh thổ.
Ngày 7/1/1979, bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, lật đổ chế độ diệt chủng Pôn-Pốt, Iêng-xa-ri.
Dự đoán đối phương có thể phản ứng mạnh ở biên giới phía Bắc, ngày 8/1/1978, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị sẵn sàng chiến đấu cao trong toàn quân. Chỉ thị nêu rõ: “Chúng ta phải chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc”.
Ngày 9/1/1979, Quân khu triển khai mệnh lệnh chuyển trạng thái chiến đấu vào cấp 1 cho các lực lượng vũ trang Quân khu.
Đến cuối tháng 1/1979, Quân khu hoàn thành việc điều chỉnh, bố trí các đơn vị chủ lực trên địa bàn: Sư đoàn 3 ở Lạng Sơn, Sư đoàn 325B (sau đổi thành Sư đoàn 395) ở Quảng Ninh, Sư đoàn 346 ở Cao Bằng, Sư đoàn 338 ở Đình Lập (Lạng Sơn).
Lữ đoàn 242 ở vùng biển Quảng Ninh. Sư đoàn 341 là khung huấn luyện tân binh, đóng ở Phú Bình (Bắc Thái) và Hiệp Hòa (Hà Bắc). Trung đoàn 852 là khung huấn luyện tân binh ở Ngân Sơn (Cao Bằng). Trung đoàn tăng thiết giáp 407 ở Lạng Giang (Hà Bắc)…
Các tỉnh biên giới cũng đã xây dựng được kế hoạch chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến. Trong thời gian này, bộ đội địa phương được củng cố, phát triển mạnh…
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc huy động trên 60 vạn quân với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép và hàng nghìn khẩu pháo mở cuộc tiến công ồ ạt vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, từ Quảng Ninh đến Lai Châu.
Trên các hướng, Việt Nam sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân địa phương, dân quân tự vệ và một bộ phận chủ lực để đánh trả; cả hai bên đều chưa sử dụng không quân.
Từ ngày 6/3/1979, quân Trung Quốc vừa đánh vừa rút, đến 16/3/1979 kết thúc rút quân.
Trong chiến tranh biên giới Việt – Trung, Trung Quốc đã gây cho nhân dân Việt Nam nhiều tổn thất về sinh mạng, tài sản và làm tổn thương nghiêm trọng tình hữu nghị Việt – Trung.
Chiến tranh biên giới tháng 2/1979, mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng đây là thử thách lớn đối với lực lượng vũ trang ta nói chung và Quân khu 1 cũng như Quân khu 2 nói riêng.
Đối với Quân khu 1, qua cuộc thử thách này, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và sáng suốt trong việc thực hiện chuyển hướng chiến lược, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Mặc dù trong điều kiện vô cùng khó khăn, khi nguy cơ chiến tranh đến gần, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã nhanh chóng điều chỉnh lực lượng, điều chuyển các đơn vị làm kinh tế sang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, hình thành thế trận phòng thủ, dự kiến các phương án để đối phó.
Khi đối phương tuyên bố rút quân, lực lượng vũ trang Quân khu vẫn tiếp tục bám trận địa chiến đấu, tổ chức thu gom, điều chỉnh, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật và tranh thủ thời cơ để bổ sung lượng vật chất bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979 của quân và dân ta kết thúc thắng lợi.
Đối với Quân khu 1, trực tiếp là quân và dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh phải vượt qua bao gian nan thử thách, hy sinh…
Từ thực tiễn của cuộc chiến đấu, chúng ta đã rút ra được những bài học và kinh nghiệm quý báu trong công cuộc bảo vệ và giữ gìn biên cương của Tổ quốc.
Đây là thắng lợi to lớn, toàn diện của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.