Thursday, January 16, 2025
Trang chủĐàm luận8 lý do khiến Đặng Tiểu Bình gây cuộc chiến với ...

8 lý do khiến Đặng Tiểu Bình gây cuộc chiến với Việt Nam tháng 2-1979

Tại sao Trung Quốc lại gây chiến với Việt Nam? Tại sao hai quốc gia trong lịch sử đã từng có quá nhiều đau thương, mâu thuẫn, đến khi cùng đi con đường “cộng sản” lại nảy sinh những mâu thuẫn lớn đến mức không thể dung hòa?

Theo nghiên cứu của nhiều nhà chính trị, học giả và các nhà quân sự thì sự thật cay đắng ấy có thể tóm tắt trong tám lý do chủ yếu. Nói cụ thể hơn, Đặng Tiểu Bình quyết “dạy cho Việt Nam một bài học” là vì những lý do mà cho đến nay giới phân tích vẫn còn có những ý kiến khác nhau, tùy thuộc vào ý thức hệ, quan điểm chính trị.

BDN xin nêu một cách cô đọng nhất để bạn đọc cùng tham khảo.

Thứ nhất, việc một nước Việt Nam thống nhất và có đầy đủ các yếu tố để trở thành một quốc gia phát triển ở Đông Nam Á là điều mà Đặng Tiểu Bình và nhà cầm quyền Bắc Kinh chưa bao giờ mong muốn. Trước đó, Trung Quốc đã từng có nhiều biện pháp ngăn chặn Việt Nam giải phóng đất nước, nhưng rất tiếc, với sức mạnh chính nghĩa của một dân tộc anh hùng, được bè bạn năm châu hết lòng ủng hộ, các hành động ngăn chặn của Trung Quốc đã thất bại. Chiến thắng vĩ đại trong mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến thắng 30 Tháng 4 là điều Trung Quốc không thể ngờ tới vì sao lại nhanh chóng và trọn vẹn như vậy. Lập tức Bắc Kinh tỏ rõ thái độ tráo trở của mình. Họ đã sử dụng rất nhiều biện pháp từ chính trị, kinh tế và dùng bọn Pol Pot của nước láng giềng Campuchia để chống phá, chọc sườn Việt Nam.

Thứ hai, Trung Quốc rất lo sợ một Liên bang Xô-viết hùng mạnh ở phía Bắc lại có thêm một Việt Nam thống nhất và phát triển ở phía Nam thì sẽ trở thành một “gọng kìm” kiềm chế, ngăn cản tham vọng bành trướng vốn có từ hàng nghìn năm của các thế lực phong kiến phương Bắc.

Thứ ba, Đặng Tiểu Bình không hề giấu diếm ý đồ thâu tóm toàn bộ quyền lực trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông ta cũng muốn không ai vượt quyền tối thượng trong việc nắm quân đội. Điều đó đã thể hiện rõ trong quyết tâm chỉ đạo xâm lược Việt Nam. Chỉ có tấn công, đè bẹp ý chí của Việt Nam thì Đặng mới có thể có được quyền lực tuyệt đối.

Thứ tư, thông qua cuộc chiến biên giới này, Đặng muốn củng cố, hiện đại hóa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vốn đã rệu rã, suy yếu kể từ sau Đại cách mạng văn hóa.

Thứ năm, đối với Liên Xô, Đặng muốn thông qua “đòn trừng phạt” Việt Nam để dằn mặt, thử xem “đại bá” Liên Xô phản ứng ra sao khi “tiểu bá” Việt Nam bị tấn công. Và Đặng đã có được “nghiệm số”, Liên Xô hoàn toàn bất động, một sự im lặng khó hiểu khi Trung Quốc hùng hùng hổ đưa hàng chục vạn quân vào Việt Nam. Liên Xô còn ngấm ngầm báo cho Trung Quốc biết,nếu Trung Quốc tiến công Việt Nam một cách “hạn chế” thì Liên bang Xô-viết sẽ làm ngơ, sẽ không đụng binh. Không hiểu từ “hạn chế” nên hiểu như thế nào trong cuộc tấn công quân sự quy mô lớn?

Thứ sáu, Trung Quốc đầy toan tính rằng, nếu Việt Nam thua đau thì sẽ phải sớm rút quân khỏi vũng lầy Campuchia. Và khi ấy Bắc Kinh rảnh tay dựng lại chế độ diệt chủng Pol Pot đã sụp đổ.

Thứ bảy, cũng qua cuộc chiến đánh Việt Nam, họ Đặng muốn lấy lòng đế quốc đầu sỏ Mỹ. Trung Quốc đã thật sự biến mình thành tên lính xung kích chống Liên Xô, chống Việt Nam. Từ đó họ sẽ tạo ra được một liên minh không chính thức với Mỹ, hòng nhận sự giúp đỡ của Mỹ về khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh “bốn hiện đại hóa”.

Thứ tám, Trung Quốc thường rêu rao không muốn ở Đông Nam Á có thêm một Cu-ba nữa. Và, 40 năm trước, họ đã gây nên cuộc chiến tranh tàn bạo và điên rồ để thực hiện ý đồ đó.

Gác lại quá khứ, nhưng các bạn Việt Nam thường bảo nhau: Không được quên quá khứ, để giữ nước ổn định, phát triển vững bền, thịnh vượng.

RELATED ARTICLES

Tin mới