Muốn đòi lại chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, Việt Nam bắt buộc phải mạnh lên. Cha ông chúng ta đã từng làm được, con cháu đừng mất niềm tin.
Giữ được hòa bình, hợp tác và hữu nghị thì cả Việt Nam và Trung Quốc đều được, để xảy ra xung đột và chiến tranh thì hai bên đều mất.
Nói như vậy để thấy rằng, dân tộc Việt Nam không bao giờ khiêu chiến, gây sự với Trung Quốc để có cái gọi là “chiến tranh phản kích tự vệ”, còn một khi bất kỳ thế lực nào lăm le xâm lược Việt Nam, thì giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!
Nhận thức chung của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc là giữ vững hòa bình, ổn định sẽ càng được củng cố một cách thực chất, lâu dài trên cơ sở đánh giá đúng đắn các sự kiện lịch sử, khách quan và cầu thị.
Những tranh chấp do lịch sử để lại, ví dụ Trung Quốc xâm lược nốt quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và gây ra cuộc thảm sát Gạc Ma năm 1988 để thôn tính một phần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, sẽ từng bước phải tìm cách giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Với bối cảnh Biển Đông đang trở thành đấu trường của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong cuộc so găng tranh giành vị thế siêu cường số 1 như hiện nay, Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á làm sao giữ cho được hòa bình, là điều phải tính tới. Vì sao?
Muốn đòi lại chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam phải có sức mạnh
Cục diện Biển Đông ngày nay liên quan mật thiết và là diễn biến tiếp theo của Chiến tranh Lạnh, là địa bàn cạnh tranh chiến lược chuyển từ mâu thuẫn ý thức hệ Hoa Kỳ – Liên Xô sang tranh giành vị thế siêu cường số 1 giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc lần lượt xâm lược quần đảo Hoàng Sa và thôn tính một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam đều trong bối cảnh chúng ta đang trong tình thế rất ngặt nghèo và có sự thỏa hiệp, bắt tay hoặc làm ngơ của Mỹ.
Nếu như năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa vì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc đang bước vào giai đoạn nước rút, thì cuộc thảm sát, xâm lược Gạc Ma và 5 cấu trúc địa lý ở Trường Sa tháng Ba năm 1988 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam bị bao vây cấm vận, chiến tranh tàn phá, kinh tế kiệt quệ.
Ngay cả Hoa Kỳ là đồng minh của Việt Nam Cộng hòa cũng nhắm mắt làm ngơ cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa.
Liên Xô là đồng minh của chúng ta, có lực lượng quân sự đóng tại Cam Ranh thời điểm 1988 cũng không thể giúp gì trong sự kiện Trung Quốc chiếm Gạc Ma, vì bản thân họ phải tính đến lợi ích của mình trước.
Nhắc lại những điều này, chúng tôi muốn chia sẻ một điều trăn trở, rằng phải làm sao để nước nhà phát triển cường thịnh, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Phải tự lực cánh sinh và tận dụng mọi cơ hội để phát triển đất nước ngày một giàu, mạnh.
Chỉ có như vậy, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mới được giữ vững, những phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc còn chưa về với Đất mẹ, mới có thể đấu tranh đòi lại bằng biện pháp hòa bình.
Trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cha ông ta đã từng đàm phán thành công khiến triều đình nhà Tống ở Trung Quốc trả lại phần đất đai họ xâm chiếm của Đại Việt thời Hoàng đế Lý Nhân Tông.
Cha ông ta đòi được phần lãnh thổ đã mất là nhờ tài bang giao khéo léo của những người được triều đình phó thác trọng trách. Nhưng nền tảng cho thắng lợi ấy phải là thế và lực của một đất nước hòa bình, thịnh trị, chứ không phải một quốc gia nhược tiểu.
Biết rằng Hoàng Sa, một phần Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam đang nằm trong tay Trung Quốc và một số nước khác, con cháu đời đời không quên nghĩa vụ phải lấy lại, nhưng không phải là lúc này, càng không phải bằng vũ lực.
Cuộc kháng chiến chống xâm lược chung 1 kịch bản trên 2 hướng biên giới Tây Nam năm 1978, phía Bắc năm 1979 cũng như cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa năm 1974, bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988 là thực tế lịch sử.
Cần giáo dục cho thế hệ trẻ về các sự kiện lịch sử này với đầy đủ thông tin, bài học được đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc, khoa học, cầu thị nhất.
Làm việc này không chỉ để tiếp nối truyền thống dựng nước và giữ nước của cha anh, mà còn tạo nền tảng cho sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức trong nội bộ, cũng như đấu tranh, đàm phán trong các hoạt động bang giao, củng cố hữu nghị, bảo vệ hòa bình và giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Biết người là quan trọng, nhưng biết ta còn quan trọng hơn. Chỉ khi nào nắm chắc lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, chúng ta mới có thể tự tin trong đối nội lẫn đối ngoại, hóa giải hận thù và nguy cơ chiến tranh.
Hàng vạn liệt sĩ, đồng bào nằm xuống năm 1978, 1979 để bảo vệ biên cương cũng như xương máu của con em Đất Việt đổ xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988 cần được tôn vinh, tri ân như đồng bào, chiến sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
4 vạn liệt sĩ hy sinh trên tuyến biên giới phía Bắc đã hóa thân vào sông núi, các thế hệ thanh niên sau này cần phải nhớ rằng, trong bối cảnh ngặt nghèo, kiệt quệ sau 2 cuộc chiến tranh như thế, tưởng rằng đã được trở về với gia đình thì cha anh mình lại tiếp tục hy sinh vì Tổ quốc.
Riêng Quân đoàn 3 chúng tôi, chỉ trong 1 tháng đã phải cơ động từ chiến trường chống tập đoàn diệt chủng Khmer Đỏ ở Campuchia về miền Bắc làm dự bị chiến lược sau khi Trung Quốc nổ súng xâm lược biên giới phía Bắc, và cũng có hàng trăm liệt sĩ hy sinh.
Có tuyên dương, vinh danh xứng đáng những người ngã xuống vì Tổ quốc trên biên giới năm 1978, 1979 hay ngoài hải đảo năm 1974, 1988, thì các thế hệ sau này mới thấm được tinh thần bảo vệ Tổ quốc của cha anh và trách nhiệm của mình.
Điều này cần phải được đưa vào sách giáo khoa để giáo dục cho các thế hệ trẻ, và phải để thế hệ trẻ tự rút ra được những bài học, tiếp tục gìn giữ truyền thống của cha anh, vận dụng tinh thần ấy vào hoàn cảnh mới, điều kiện mới của bản thân, gia đình và đất nước.
Không gì “nhạy cảm” bằng lòng dân
Đối ngoại rất quan trọng, nhưng đối nội quan trọng hơn, quan trọng sống còn, bởi trong có ấm thì ngoài mới êm, nội bộ loạn ly thì dễ mất nước.
Chúng tôi nhận thấy đâu đó vẫn còn những quan điểm e dè khi nhắc đến sự kiện lịch sử cuộc kháng chiến chống Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc năm 1979 vì “nhạy cảm”.
Nhưng không có gì “nhạy cảm” bằng lòng dân.
4 vạn liệt sĩ đã ngã xuống khi đánh trả quân xâm lược cùng biết bao đồng bào, nam phụ lão ấu chết dưới tay chúng, nếu không được tuyên dương, vinh danh xứng đáng thì một mai nếu không may nổ ra chiến tranh, ai sẽ là người cầm súng ra trận bảo vệ nước nhà?
Chúng tôi cũng xin nhấn mạnh một lần nữa, sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là kích động hận thù, mà để bảo vệ những gì là chính nghĩa, là lẽ phải;
Đấy là đạo lý, luân thường, đồng thời cũng để bảo vệ hòa bình và hữu nghị đúng nghĩa, xây dựng trên mối quan hệ hợp tác bình đẳng của nhân loại văn minh.
Trong kháng chiến cứu quốc cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, cần phải ghi nhớ nằm lòng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Ý chí của dân tộc này đã được thử thách bởi những siêu cường hàng đầu thế giới, phải được vun bồi và thổi vào công cuộc kiến thiết đất nước giàu mạnh, sức mạnh của Việt Nam nằm ở lòng dân.
Ngược lại cũng phải nói rằng, những quan điểm bài xích quan hệ hợp tác, hữu nghị trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc hay bài bác Trung Quốc, cũng là một thái cực cực đoan phải tránh.
Đẩy Việt Nam vào thế đối đầu với Trung Quốc là đưa dân tộc vào chỗ suy vong, bởi dân tộc Việt Nam kiên cường chống ngoại xâm nhưng luôn yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu chứ không hiếu chiến.
Xử lý các vấn đề do lịch sử để lại trong quan hệ Việt – Trung, xử lý các vấn đề đối tượng trên nền đối tác sẽ chỉ có hiệu quả thực chất khi nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng bản chất các sự kiện lịch sử.
Cho nên khi sức khỏe còn cho phép, chúng tôi vẫn cố gắng về Vị Xuyên để thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc năm 1979 và chống Trung Quốc gây hấn ở biên giới suốt thập niên 1980.
Còn có một số người e dè cho rằng việc này là “nhạy cảm”, chúng tôi cho rằng nếu vì “nhạy cảm” mà né tránh việc tưởng niệm, tôn vinh, tuyên dương các anh hùng liệt sĩ như thế là có tội với Tổ quốc và có tội với những người ngã xuống.
Mỗi khi có dịp thăm lại các chiến trường xưa, chúng tôi cũng đã từng thắp hương cho những người phía bên kia khi gặp mộ phần của họ nằm lại. Có những người không dám làm điều này vì “nhạy cảm”. Đã có thắc mắc, tại sao chúng tôi lại làm thế?
Chiến tranh đã lùi xa, những người bên này hay bên kia nằm xuống đều đã trở thành một phần của lịch sử.
Chúng tôi mong muốn những nghiệp duyên họ gieo trong quá khứ được hóa giải, tránh để oan oan tương báo, mới mong có hòa bình miên viễn, để hòa bình và hữu nghị thực sự đến ngay từ trong lòng người, chứ không phải các khẩu hiệu.
Thể chế có thể biến thiên theo dòng lịch sử, nhưng dân tộc mãi mãi trường tồn. Không có lợi ích nào cao hơn lợi ích quốc gia, dân tộc.
Với những khúc quanh lịch sử quan hệ Việt – Trung như cuộc chiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979 cần được cả hai bên đánh giá và rút ra bài học cho mình, để không lặp lại.
Với những nước từng là kẻ thù trong chiến tranh như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc chúng ta đã làm được, thậm chí trở thành những đối tác mật thiết, thì với Trung Quốc cũng phải như vậy, để chung sống hòa bình.
Quan trọng hơn nữa là, với người ngoài chúng ta làm được, thì với người nhà chúng ta cũng phải học cách bao dung và chia sẻ với nhau, theo đúng tinh thần người trong một nước thì thương nhau cùng, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Xuân mới Kỷ Hợi là tròn 40 năm cuộc chiến chống cuộc chiến xâm lược do một nhóm phản động trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc thời điểm cuối thập niên 1980 phát động, chúng tôi có mấy lời tâm huyết, vừa là nén hương tri ân những người đi trước, vừa là lời nhắn nhủ các bạn trẻ hôm nay và mai sau, học theo người xưa để xây dựng nước nhà cường thịnh!