Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngChủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và...

Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa: Phân tích từ nguyên tắc chiếm hữu thực sự

Từ khía cạnh luật quốc tế, nhất là nguyên tắc chiếm hữu thực sự cho thấy Việt Nam đã thực hiện các hành động chủ quyền thực sự đầu tiên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Việt Nam xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa bằng con đường Nhà nước; Việt Nam chiếm hữu Hoàng Sa, Trường Sa bằng các biện pháp hòa bình; Việt Nam cũng thực hiện chủ quyền công khai và liên tục trên hai quần đảo này.

Nguyên tắc chiếm hữu thực sự và việc áp dụng trong thực tiễn pháp lý quốc tế

Nguyên tắc chiếm hữu thực sự đã được áp dụng phổ biến tại các cơ quan tài phán quốc tế, như: vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan; vụ tranh chấp về các đảo Ecrehos và Minquiers giữa Anh và Pháp; vụ tranh chấp đảo Clipperton giữa Mexico và Pháp; vụ quy chế pháp lý của Đông Greenland giữa Đan Mạch và Na Uy, tranh chấp đảo giữa Indonesia và Malaysia năm 2002, Malaysia với Singapore năm 2008…

Mặc dù không phải tất cả các nội dung của nguyên tắc này đều được áp dụng như nhau đối với một vụ việc, song nhìn chung chúng đều đã được áp dụng dựa trên các cơ sở sau đây:

Thứ nhất, Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền xác lập chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đang trong tình trạng không có chủ quyền. Nguyên tắc chỉ có Nhà nước mới là chủ thể của việc thụ đắc lãnh thổ đã được thừa nhận trong pháp luật quốc tế. Nguyên tắc này đã được nêu ra trong bản án ngày 11/2/1902 của Tòa án dân sự Libreville khi xét xử vụ tranh chấp giữa Societe de L’Ogioué và Hatton – Cookson. Theo phán quyết, một vấn đề có tính nguyên tắc trong luật pháp quốc tế là chủ quyền chỉ dành riêng cho Nhà nước và những cá nhân bình thường không thể thực hiện được một sự chiếm hữu. Quốc gia có thể thực hiện hành động chiếm hữu thông qua một số cơ quan trong bộ máy Nhà nước của mình. Trong nhiều trường hợp quốc gia đã ủy nhiệm việc chiếm hữu cho một số công ty. Đây là trường hợp xảy ra từ đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Các công ty này về hình thức là của tư nhân kinh doanh kiếm lời, vì lợi ích kinh tế là chính, nhưng được Nhà nước đầu tư để có quyền chi phối nhằm phát triển phạm vi hoạt động và quản lý các thuộc địa. Trong trường hợp đó, công ty này được quyền thay mặt Nhà nước giành chủ quyền lãnh thổ cho quốc gia đã ủy quyền, chứ không phải cho bản thân công ty. Trong một diễn biến tương tự, tại vụ tranh chấp đảo Aves giữa Hà Lan và Venezuela, Tòa án quốc tế đã từng cho rằng mặc dù đã xác định rõ các cư dân của vùng thuộc Hà Lan, đi đánh bắt rùa biển và thu lượm những trứng rùa tại đảo Aves, sự kiện đó không thể tạo ra một cơ sở cho chủ quyền bởi vì nó chỉ hàm ý đơn giản một sự chiếm cứ đảo nhất thời và hiếm hoi, hơn nữa nó không thể hiện được một đặc quyền, mà chỉ là hậu quả của việc từ bỏ đánh bắt cá của các cư dân các vùng bên cạnh hoặc của người chủ hợp pháp của vùng đó. Như vậy, vai trò của cá nhân chỉ có giá trị trong việc xác lập chủ quyền khi hoạt động nhân danh Nhà nước, được Nhà nước ủy quyền. Cá nhân không có quyền hạn đích thực trong việc xác lập chủ quyền lãnh thổ.

Thứ hai, phải có những hành động thực thi chủ quyền thực sự. Giáo sư Charles Rousseau, Đại học Luật Paris, ủy viên Viện Pháp luật quốc tế nhận định để thiết lập chủ quyền đối với một vùng đất, vùng biển cần thỏa mãn các điều kiện: (1) Tính thật sự, tức là đòi hỏi phải có sự thiết lập trên vùng lãnh thổ chiếm hữu một quyền lực đủ để đảm bảo trật tự công cộng và tự do buôn bán. (2) Việc thông báo, tức là công bố chính thức, công khai việc chiếm hữu một vùng lãnh thổ. Việc chiếm hữu phải được thực hiện một cách cụ thể qua các hoạt động thực thi chủ quyền, không phải chỉ là các hành vi có tính chất tượng trưng.

Tập quán quốc tế cũng công nhận rằng trong trường hợp yêu sách chủ quyền trên các vùng lãnh thổ thưa dân và không có người đến ở, như trong trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì sự có mặt thường xuyên trên đó không phải lúc nào cũng là cần thiết. Tòa án Công lý quốc tế của Liên Hiệp Quốc cũng đã có quan điểm về vấn đề này như sau: “Trong trường hợp các yêu sách chủ quyền trên các lãnh thổ nằm trong các miền thưa dân hoặc không có người ở, không phải lúc nào cũng cần thiết phải đòi hỏi có nhiều biểu hiện của việc thực thi các quyền chủ quyền khi không có một sự cạnh tranh nào”.

Thứ ba, đối tượng của việc chiếm hữu thực sự phải trong tình trạng đang không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nước nào. Theo đó, trong luật pháp quốc tế, khái niệm lãnh thổ vô chủ còn bao gồm cả lãnh thổ bị bỏ rơi (Res derelicta) – Lãnh thổ bị bỏ rơi là vùng đất, đảo trước kia đã từng được chiếm hữu, thuộc chủ quyền của một quốc gia nhưng sau đó nhà nước chiếm hữu từ bỏ chủ quyền của mình đối với vùng lãnh thổ đó. Trong luật quốc tế, tình trạng lãnh thổ bị bỏ rơi là kết quả của hai yếu tố: về mặt vật chất là sự không có mặt của chính quyền thực sự trên lãnh thổ được xét, về mặt tinh thần là sự chủ tâm từ bỏ lãnh thổ đó. Như vậy, muốn kết luận một lãnh thổ bị từ bỏ phải có đủ 2 yếu tố: (1) Nhà nước phải chấm dứt mọi hoạt động thực tế đối với lãnh thổ; (2) Nhà nước không có một biểu hiện nào của ý chí khôi phục lại chủ quyền đối với lãnh thổ đó. Thiếu một trong hai yếu tố này thì chỉ có thể kết luận là đã có “sự yếu đuối của chính quyền Nhà nước đối với vùng đất được nói đến” nó không phải là “một sự từ bỏ tự nguyện chủ quyền”.

Thứ tư, yếu tố tinh thần và vật chất luôn đi kèm trong chiếm hữu thực sự. Trong bản ghi nhớ năm 1909 do Chính phủ Pháp gửi vua Italia Emmanuel III về vụ tranh chấp đảo Clipperton giữa Pháp và Mexico đã định nghĩa chiếm hữu là “sự nắm quyền sở hữu thực sự bởi một chính phủ đối với một lãnh thổ vô chủ với ý đồ qua đó thụ đắc chủ quyền”. Qua định nghĩa đó, ta có thể thấy muốn thụ đắc chủ quyền bằng phương thức chiếm hữu, quốc gia phải có hành động trên thực tế, sở hữu lãnh thổ vô chủ và đồng thời phải có ý chí chiếm hữu lãnh thổ vô chủ đó. Tòa án thường trực trong vụ tranh chấp liên quan đến quy chế pháp lý của Đông Greenland nhận xét rằng: “Một đòi hỏi chủ quyền được dựa không phải trên hành vi hoặc một danh nghĩa riêng biệt nào, như một hiệp ước nhượng địa chẳng hạn, mà đơn giản là trên một sự thực thi liên tục quyền lực, hàm ý hai thành tố của việc thực thi đó, cần phải được tỏ rõ đối với mỗi bên: ý muốn và ý chí hành động với tư cách quốc gia có chủ quyền, và việc thể hiện công khai hoặc thực thi hữu hiệu quyền lực đó”.

Thứ năm, việc một Nhà nước thực hiện các hành vi chủ quyền trên các lãnh thổ mới phải bằng các biện pháp hòa bình, công khai và không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào khác. Thực tiễn cũng cho thấy trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan, nếu như việc thực hiện chủ quyền của Hà Lan đối với đảo Palmas vấp phải sự phản đối từ phía Tây Ban Nha hay các nước khác thì Tòa án khó có thể ra phán quyết tuyên bố chủ quyền thuộc về Hà Lan. Sự phản đối đối với việc các nước thực hiện chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ thể hiện rằng có những sự không đảm bảo các yếu tố theo quy định của pháp luật để xác định chủ quyền một cách hợp pháp đối với vùng lãnh thổ đó. Việc chiếm hữu một cách hòa bình có nghĩa là không được dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để tước đoạt, xâm lấn, chiếm giữ lãnh thổ của nước khác. Một mặt khác thể hiện tính hòa bình của sự chiếm hữu là việc chiếm hữu phải công khai và được dư luận đương thời chấp nhận.

Thứ sáu, yếu tố liên tục của việc chiếm hữu là rất cần thiết. Trong vụ Palmas ngày 04/4/1928, Trọng tài Max Huber nhận xét: “Cả trên phương diện thực tế lẫn học thuyết đều thừa nhận rằng việc thực hiện một cách liên tục và hòa bình chủ quyền lãnh thổ là một danh nghĩa tốt”. Luật pháp quốc tế đòi hỏi thực hiện các chức năng Nhà nước trên vùng lãnh thổ chiếm hữu phải mang tính liên tục, bởi vì sự gián đoạn việc thực hiện các chức năng Nhà nước trong một khoảng thời gian dài mà không khôi phục lại nó có thể được coi là sự từ bỏ lãnh thổ này. Tuy nhiên, yêu cầu về tính liên tục thường xuyên không có nghĩa phải có tính định kỳ đều đặn mà “khoảng cách giữa những hành động thực hiện chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đã chiếm hữu có thể khác nhau phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể, kể cả vị trí của vùng lãnh thổ và tình hình dân cư ở đó”. Việc thực hiện chủ quyền một cách thực sự của quốc gia đối với một vùng lãnh thổ cần đảm bảo yếu tố liên tục, không bị gián đoạn. Sự gián đoạn có thể xảy ra việc từ bỏ lãnh thổ dẫn đến những thay đổi quyết định đến việc lãnh thổ đó thuộc chủ quyền của nhà nước nào.

Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là hai quần đảo lớn nằm trong Biển Đông. Hai quần đảo này hiện đang có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực mà chủ yếu là Trung Quốc. Nước này đã có tuyên bố “đường lưỡi bò” bao gồm gần trọn Biển Đông (85% diện tích) trong đó có hai quần đảo trên. Tuyên bố này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế, nhất là Việt Nam, vì sự vi phạm chủ quyền trắng trợn và phi lý của Trung Quốc.

Việt Nam đã tuân thủ những nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong việc khẳng định và thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Căn cứ vào các nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thực sự theo Định ước Berlin 1885 và Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc tế Lausanne năm 1888 cùng với các nguyên tắc trong Nghị quyết 2625 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các quy định của Công ước Luật biển năm 1982, đối chiếu với trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, theo tập quán pháp lý phương Tây lúc bấy giờ, sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này là một sự thật thể hiện bằng các hành động cụ thể về sự quản lý, chỉ đạo của các Nhà nước Việt Nam đương thời một cách nhất quán, liên tục, hòa bình phù hợp với cơ sở pháp lý quốc tế đương thời. Sau đó, chủ quyền của Việt Nam tiếp tục được khẳng định dựa trên các cơ sở pháp lý quốc tế có giá trị phổ biến là Tuyên bố của Viện Pháp luật Quốc tế Lausanne năm 1888, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà các thành viên ký kết (trong đó có cả những nước đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) đều phải tôn trọng.

Áp dụng nguyên tắc chiếm hữu thực sự nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thực sự hai quần đảo này hàng trăm năm qua. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình.

Các bằng chứng lịch sử rất phong phú mà Việt Nam đã thu thập được, mặc dù do hoàn cảnh chiến tranh liên tục nên nhiều thư tịch cổ của Việt Nam đã bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên, những tư liệu còn lại đến nay và chính sử vẫn đủ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể: (1) Các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. (2) Nhiều tài liệu cổ của Việt Nam như Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1686), Phủ biên tạp lục (1776), Đại Nam thực lục (1844 – 1848), Đại Nam nhất thống chí (1865 – 1875), các Châu bản nhà Nguyễn (1802 – 1945)… đều nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như là Bãi Cát Vàng vạn dặm trên Biển Đông và việc Nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác các quần đảo này. (3) Nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đỉnh cao nhất của việc tuyên bố và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vào năm 1816 khi vua Gia Long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Cũng cần nói thêm là trong một thời gian khá dài, người Việt Nam luôn coi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một dải đảo dài hàng vạn dặm trên Biển Đông, nên gọi là Vạn Lý Trường Sa, Bãi Cát Vàng… Trên thực tế, các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này đều có nhiều hành động liên tục cử người ra cai quản, khai thác các đảo trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để thực thi quyền chủ quyền và khai thác hai quần đảo. Các thể lệ tuyển chọn người, chế độ khen thưởng, đãi ngộ đối với các đội đều được Nhà nước quy định rõ ràng. Các đội này được duy trì và hoạt động liên tục từ thời chúa Nguyễn (1558 – 1783) cho đến nhà Tây Sơn (1786 – 1802) và nhà Nguyễn. Triều đình nhà Nguyễn đã cử các tướng Phạm Quang Ảnh (năm 1815), Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật (các năm 1834, 1835, 1836) ra Hoàng Sa khảo sát, đo đạc các đảo, khảo sát, vẽ bản đồ, xây miếu, dựng bia. (4) Năm 1815 vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh dẫn đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa khảo sát và đo đạc đường biển. Việc khảo sát và đo đạc đó được tiếp tục trong các năm sau. (5) Sau khi chỉ thị chuẩn bị thuyền và vật tư năm 1833, vua Minh Mạng, liên tiếp trong 3 năm 1834, 1835, 1836 cử các tướng Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa đo đạc từng đảo, khảo sát tình hình biển chung quanh, vẽ bản đồ và xây miếu, dựng bia chủ quyền. Vua Thiệu Trị đã trực tiếp phê duyệt kế hoạch hoạt động năm của đội Hoàng Sa do Bộ Công đệ trình. Vua Tự Đức đã phong cho những chiến sĩ đội Hoàng Sa hy sinh danh hiệu “Hùng binh Trường Sa”.

Không những vậy, nhiều tư liệu lịch sử do người phương Tây ghi chép cũng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cụ thể: (1) Ông Jean-Louis Tabert, một linh mục người Pháp đã có chép tỉ mỉ về việc vua Gia Long chiếm hữu quần đảo Paracels (Bãi Cát Vàng) như sau: “Paracel hoặc Paracels (Bãi Cát Vàng), mặc dù quần đảo này không có giá trị gì ngoài các đá, bãi và độ sâu lớn hứa hẹn nhiều tiện lợi hơn, vua Gia Long đã nghĩ tới việc mở rộng lãnh thổ của Ngài bằng cách chiếm thêm vùng đất buồn bã này. Năm 1816, Ngài đã tới đây long trọng cắm cờ, chính thức chiếm hữu các đảo đá này, mà không một ai tranh giành gì với Ngài cả”. (2) Ông J. B. Chaigneau, cố vấn của nhà vua An Nam, đã viết trong Hồi ký về nước Cochinchine như sau: “Nước Cochinchine mà nhà vua bấy giờ đã lên ngôi hoàng đế gồm xứ Cochinchine và xứ Tonkin… một vài đảo có dân cư không xa biển và quần đảo Paracels do những đảo nhỏ, ghềnh và đá không có dân cư hợp thành. Chỉ tới năm 1816, hoàng đế mới chiếm hữu quần đảo này”. (3) Dubois de Jancigny trong cuốn “Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Ceyland” có viết:“Chúng tôi quan sát thấy rằng từ ba mươi năm nay, quần đảo Paracel (người An Nam gọi là Cát Vàng), một ma hồn trận thật sự của các đảo nhỏ, các đá và các bãi cát đầy ngờ vực của các nhà hàng hải và có thể được coi là hoang dã và vô tích sự nhất trong số các điểm của quả địa cầu, đã được người Nam Kỳ (Cocochine) chiếm hữu. Chúng tôi không để ý liệu họ có tạo nên một công trình nào trên đó không (nhằm mục đích, có thể, bảo vệ nghề cá); nhưng chắc chắn rằng vua Gia Long đã gắn thêm vòng hoa này vào vương miện của người, bởi vì Ngài đã thân chinh tới đó chiếm hữu, việc này xảy ra vào năm 1816 khi Ngài long trọng kéo cờ của Nam Kỳ (Cocochine) lên đó”. (4) Luật sư Monique Gendreau-Chemilier, một học giả người Pháp, đã dành nhiều thời gian và nỗ lực trong nghiên cứu về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã nhận định: “Trên thực tế, đã không có một chút dấu vết gì là Trung Quốc đã từng phản kháng lại sự khẳng định chủ quyền của hoàng đế Gia Long và các người kế nhiệm ông trong suốt cả thế kỷ XVIII cũng như thế kỷ XIX, khi các vua chúa Việt Nam tổ chức việc khai thác các đảo nằm dưới quyền tài phán của họ một cách hành chính hơn”.

Sau khi đô hộ Đông Dương, Pháp nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo qua việc cử tàu chiến tuần tiễu để đảm bảo an ninh, ngăn chặn buôn lậu, cho phép người Nhật khai thác phân chim trên đảo, cử tàu De Lanessan ra nghiên cứu hải dương, địa chất, sinh vật… Từ năm 1930 đến 1932, các tàu chiến Inconstant, Alerte, La Malicieuse và De Lanessan của hải quân Pháp liên tiếp ra quần đảo Hoàng Sa. Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, Pháp cho quân trú đóng ở các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa. Các hoạt động này đã được công bố trong Công báo của Cộng hòa Pháp ngày 26/7/1933. Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định quy thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Nam Nghĩa, đặt vào tỉnh Thừa Thiên và cho một đơn vị đóng quân ở đó. Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng trái phép năm 1946 và Pháp đã cho quân thay thế quân Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng, đài vô tuyến.

Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco (Mỹ), có một đề nghị bổ sung bản dự thảo Hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với số phiếu áp đảo là 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Trần Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào.

Năm 1950, Pháp chuyển giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền Quốc gia Việt Nam và chính quyền này đã cho quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), cho xây dựng các bia chủ quyền tại các đảo chính, duy trì các trạm khí tượng (các trạm này đã được đăng ký vào danh mục các trạm của Tổ chức khí tượng thế giới OMM), cho một số nhà kinh doanh ra khai thác phân chim ở Hoàng Sa và cử các đoàn khảo sát khoa học ra hai quần đảo nghiên cứu.

Lợi dụng thời điểm“tranh tối, tranh sáng” của việc chuyển giao giữa chính quyền Quốc gia Việt Nam và chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau cuộc bầu cử chính quyền miền Nam Việt Nam vào năm 1956, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến tháng 01/1974, lợi dụng thời điểm nhân dân Việt Nam đang dốc sức người, sức của cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, Trung Quốc lại huy động quân đội xâm chiếm nốt nhóm đảo phía Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Năm 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Hải quân Việt Nam tiếp quản đầy đủ các đảo do quân đội Việt Nam Cộng hòa quản lý trước đây trên Biển Đông. Nhà nước Việt Nam thống nhất sau đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ban hành nhiều văn bản hành chính nhà nước về thành lập các huyện đảo Hoàng Sa và huyện đảo Trường Sa cũng như không ngừng hoàn thiện việc quản lý hành chính trên các quần đảo này. Một sự thật hiển nhiên là cho đến tận năm 1988 chưa hề có bất kỳ sự hiện diện hợp pháp nào của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Đến ngày 14/3/1988, Trung Quốc mới bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những vụ xâm chiếm này rõ ràng không những đã xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà còn vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc chiếm hữu thực sự và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại, như: Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế, nguyên tắc các quốc gia phải có nghĩa vụ hợp tác với nhau,… Những nguyên tắc này đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên bố ngày 24/10/1970 của Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và trong hàng loạt điều ước quốc tế đa phương và song phương, khu vực và toàn cầu.

Dựa trên các quy định của luật quốc tế, nhất là nguyên tắc chiếm hữu thực sự, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi nước Việt Nam được thống nhất, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1982, Việt Nam đã lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nay trực thuộc thành phố Đà Nẵng (từ năm 1997) và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Phú Khánh nay thuộc Khánh Hòa (từ năm 1989).

Kết luận:

Từ các dẫn chứng trên cho thấy, việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc chiếm hữu thực sự: Việt Nam đã thực hiện các hành động chủ quyền thực sự đầu tiên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Việt Nam xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa bằng con đường Nhà nước; Việt Nam chiếm hữu Hoàng Sa, Trường Sa bằng các biện pháp hòa bình; Việt Nam cũng thực hiện chủ quyền công khai và liên tục trên hai quần đảo này.

RELATED ARTICLES

Tin mới