Giới chức an ninh đang bày tỏ mối lo ngày càng lớn về vốn đầu tư Trung Quốc rót vào các công ty công nghệ của Israel, khiến Chính phủ nước này có biện pháp tăng cường giám sát đầu tư và các doanh nghiệp thận trọng hơn trong việc nhận vốn Trung Quốc.
Theo tờ Wall Street Journal, Israel đang chuẩn bị thành lập một cơ quan chính phủ về giám sát các thương vụ nhạy cảm liên quan đến các công ty nước ngoài, tương tự như Ủy ban về Đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS) của Mỹ. Kế hoạch thành lập cơ quan này đã được triển khai từ mấy tháng trước, nhưng được đẩy nhanh hơn trong thời gian gần đây, khi các quan chức an ninh Israel và Mỹ liên tục đưa ra những cảnh báo về vốn đầu tư công nghệ từ Trung Quốc.
Giới an ninh nói họ đặc biệt lo ngại về việc Trung Quốc rót vốn ngày càng nhiều vào các công ty công nghệ Israel với sản phẩm được sử dụng cho cả mục đích quân sự và thương mại như thiết bị bay không người lái (drone) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Giới an ninh cũng lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng các công ty Israel như một công cụ để phát hiện những bí mật của Mỹ, cũng như nguy cơ Bắc Kinh sẽ chuyển giao các bí quyết công nghệ của Israel cho Iran – một đồng minh của Trung Quốc và là địch thủ của Israel.
Trong những chuyến thăm gần đây, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và các quan chức Mỹ khác đã cảnh báo Israel về vốn đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ Israel, rằng những thương vụ như vậy có thể cản trở mối quan hệ liên minh về tình báo giữa hai nước. Giới chức Mỹ nói chính họ đã đề nghị Israel thành lập cơ quan giám sát đầu tư.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức an ninh của Israel cho biết việc chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tục đưa ra những cảnh báo về Trung Quốc đã đưa việc giám sát đối với vốn Trung Quốc lên một cấp độ ưu tiên mới ở Israel.
Do không có nhiều đối tác đầu tư ngoài Mỹ và châu Âu, Israel từ nhiều năm qua đã mở rộng cửa với vốn đầu tư từ Trung Quốc. Mối lo về vốn Trung Quốc ở Israel chỉ nổi lên vào năm 2015, khi công ty cảng biển quốc doanh Trung Quốc Shanghai International Port Group giành hợp đồng xây dựng và vận hành cảng Haifa ở Israel trong 25 năm. Mối lo càng bị đẩy cao khi tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei ngày càng lớn mạnh và Trung Quốc rót vốn vào hàng loạt công ty công nghệ Israel.
Theo dữ liệu từ IVC Research Center, trong 3 quý đầu năm 2018, nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vào 12% số thương vụ rót vốn vào các công ty công nghệ Israel. Trong cùng khoảng thời gian, nhà đầu tư Trung Quốc có tên trong 17 vòng gọi vốn của các startup công nghệ Israel có trị giá từ 20 triệu USD trở lên.
Hiện nay, đã có khoảng 12 văn phòng thương mại Trung Quốc đặt tại Israel, nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư theo cả hai chiều, bao gồm rót vốn vào các công ty Israel và kêu gọi các công ty Israel tới Trung Quốc mở văn phòng hoặc chia sẻ công nghệ với đối tác Trung Quốc.
Ông Weijan Chen, Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Thương mại tại Israel của thành phố Đông Quản, Trung Quốc, cho biết thành phố của ông muốn đầu tư vào các lĩnh vực tự động hóa, y sinh và viễn thông ở Israel.
“Chúng tôi chưa gặp khó khăn gì do sức ép của Mỹ”, ông Chen cho biết, và nói thêm rằng doanh nghiệp và Chính phủ Israel rất thân thiện.
Tuy nhiên, giới điều hành doanh nghiệp Israel cho biết Chính phủ nước này và nhà đầu tư Mỹ đang gia tăng sức ép nhằm chặn vốn Trung Quốc rót vào các công ty công nghệ Israel. “Một số công ty nhỏ của Israel đang không biết nên nhận vốn Trung Quốc hay không, vì họ không muốn bị Mỹ quay lưng”, ông Sam Chester, một nhà tư vấn đầu tư thuộc Indigo Global ở Tel Aviv, cho hay.