Giới quan sát nhận định nguồn đầu tư của Trung Quốc tại Đông Nam Á lao dốc trong năm 2018 là tín hiệu cho thấy sáng kiến Vành đai, Con đường đang gặp nhiều thách thức.
Trung Quốc đang điều chỉnh lại cách triển khai sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) tại Đông Nam Á vì các dự án của nước này trong khu vực bị chững lại giữa sự nghi ngại toàn cầu về chiến lược phát triển của Bắc Kinh, theo tờ South China Morning Post. Hãng Citi Economics (thuộc Tập đoàn Citi Group, Mỹ) hồi cuối tháng 1 dẫn số liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) về nghiên cứu chính sách công cho biết tổng giá trị các hợp đồng xây dựng và đầu tư lớn hơn 100 triệu USD của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2018 chỉ là 19,2 tỉ USD (446.015 tỉ đồng), giảm 49,7% so với năm trước đó. Nửa cuối năm 2018, Trung Quốc chỉ chốt được 12 dự án tổng giá trị 3,9 tỉ USD với 10 nước ASEAN, trong khi con số của cùng giai đoạn năm 2017 là 33 dự án trị giá 22 tỉ USD. Cụ thể hơn, các hợp đồng với Indonesia, Philippines, Singapore trong năm qua bị giảm đáng kể và Trung Quốc không ký kết được hợp đồng lớn nào với Thái Lan hay Việt Nam.
Theo các nhà phân tích, sáng kiến BRI của Trung Quốc tại Đông Nam Á có vai trò trong việc đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng cũng như thúc đẩy những kế hoạch kết nối khu vực trong tương lai. Số hợp đồng xây dựng mà Đông Nam Á trao cho doanh nghiệp Trung Quốc trong 3 năm sau khi BRI được Chủ tịch Tập Cận Bình khởi động (năm 2013) tăng 54% so với 3 năm trước đó, các cam kết đầu tư của Bắc Kinh tại khu vực cũng tăng lên 77%. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến sự dè chừng nêu trên của ASEAN đối với BRI trong năm qua được cho là do những chỉ trích rằng các dự án của Trung Quốc thiếu minh bạch, không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường, khó hoàn thành, gây xung đột lợi ích với nhà thầu và lao động địa phương. Trang Thailand Business News dẫn lời nhà phân tích Phidel Vineles tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS, Singapore) gọi những dự án này là chính sách “thực dân kiểu mới” vì thường kéo theo làn sóng lao động Trung Quốc ồ ạt đến nước sở tại.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore) lấy ý kiến của các học giả tại khu vực, gần 50% người trả lời nói Trung Quốc có ý định đưa Đông Nam Á vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình, trong khi hơn 70% kêu gọi chính phủ cần cẩn trọng trong việc đàm phán dự án BRI với Trung Quốc để không dính bẫy nợ. Mối lo này được thể hiện rõ qua việc Sri Lanka hồi năm 2017 buộc phải cho công ty Trung Quốc thuê cảng biển chiến lược Hambantota trong vòng 99 năm vì không có tiền trả nợ cho Bắc Kinh. Myanmar hồi năm 2018 quyết định giảm quy mô dự án hợp tác với Trung Quốc phát triển cảng nước sâu Kyaukpyu vì lo ngập trong nợ, còn chính quyền Malaysia hồi cuối tháng 1 cũng thông báo sẽ hủy dự án đường sắt 20 tỉ USD với Bắc Kinh do chi phí cao, theo Reuters.
Dù vậy, các nhà phân tích của Citi Economics nhận định Đông Nam Á vẫn còn rất quan tâm tới những dự án liên quan đến BRI vì giúp phát triển hạ tầng và đa dạng hóa nguồn vốn so với các nhà đầu tư truyền thống từ Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể cũng sẽ gia tăng đầu tư vào ASEAN nhằm tránh những thuế suất từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Do đó, giới phân tích kêu gọi Bắc Kinh cần định hình lại cách tiếp cận, nhạy bén hơn trong việc giải quyết các lo ngại của cộng đồng khu vực để các dự án BRI không bị chệch hướng. Ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), nhấn mạnh: “Nếu Trung Quốc muốn lấy lại đà tiến lên thì cần phải mềm mỏng và sốt sắng hơn trong việc giúp đỡ các đối tác kinh tế. Bên cạnh đó, có lẽ Bắc Kinh cũng cần kiểm soát cuộc chiến thương mại không diễn biến đến mức nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại cho nền kinh tế”.