Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên từ trước đến nay vẫn “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Do sự khác biệt về thể chế chính trị, có những lúc tưởng chừng như chiến tranh đã nổ ra giữa Mỹ và Triều Tiên. Thế nhưng cuối tháng 2 này Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong – un sẽ có cuộc gặp lịch sử tại Việt Nam. Cả thế giới cùng quan tâm theo dõi.
Hẳn bạn đọc còn nhớ, giữa tháng 6/2018, ông Donald Trump và ông Kim Jong – un đã có cuộc gặp tại Singapore. Tiếc rằng kết quả không được như mong đợi. Việc nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tiến hành đàm phán tại Việt Nam là dấu hiệu cho thấy Việt Nam là nơi an ninh đáng tin cậy.
Người dân Việt Nam lại nhen nhóm những hi vọng. Đã thành thông lệ, mỗi khi Việt Nam có sự kiện gì đó liên quan đến Mỹ, một tàu chiến Mỹ cặp cảng Việt Nam, một quan chức ngoại giao Mỹ đến Hà Nội đều gây làn sóng dư luận. Vậy nên dịp này khi vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đích thân chọn Việt Nam để đàm phán với Kim jong Un người dân Việt càng quan tâm nhiều hơn.
Ngoài những hy vọng mong manh về những tiếp cận với Mỹ thì Việt Nam cũng hy vọng sẽ có thêm “tự do, nhân quyền” gì đó.
Tuy nhiên, Mỹ và Triều Tiên không cần biết đến dân Việt đang nghĩ gì, mong đợi gì. Việc của họ là đấu tranh vì quyền lợi mà mỗi bên tìm kiếm. Ông Trump đang rất cần một chiến thắng ngoại giao để củng cố một nhiệm kỳ hai vào ngày 20/ 1/2021. Còn đất nước Triều Tiên nghèo đói thì mỏi cổ chờ đợi một sự cởi mở, xóa bỏ cấm vận đến từ Tổng thống Mỹ.
Trung Quốc có vẻ như đang cố gắng giúp Donald Trump đạt được một kết quả nho nhỏ nào đó với ông ta. Bắc Kinh hy vọng Trump bớt cứng rắn trong cuộc hẹn vài tuần sắp đến cho chiến tranh thương mại vào đầu tháng 3. Động thái dễ thấy là, các tàu chiến lớn nhỏ của Mỹ hiện diện trong vùng biển Đông đều được Bắc Kinh chào đón bằng thái độ… không thấy gì (!).
Còn Hàn Quốc? Đay chính là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất nếu tìm được một tiếng nói chung giữa Mỹ và Triều Tiên. Được thế bóng dáng của “chiến tranh hạt nhân” sẽ tan đi, Hàn Quốc mong muốn sự “hạ nhiệt” để còn có thể tiếp tục nói đến đầu tư về phương bắc, nơi mà nhân công rẻ mạt. Hàn Quốc cũng mong rằng tiếp tục duy trì hai đất nước trong hai chế độ tách biệt. Họ tránh nói đến thống nhất bởi họ không muốn thấy người Triều Tiên tràn xuống miền nam và làm rối tung nền kinh tế của họ.
Hai nước láng giềng khác là Nhật và Đài Loan cũng cảm thấy nhẹ thở vì đất nước họ vốn nằm trong tầm nhắm của tên lửa hạt nhân Triều Tiên. Họ cũng chờ đợi một cơ hội để đầu tư vào Triều Tiên với giá hời.
Việt Nam thì mong chờ tổ chức thành công cuộc gặp gỡ lịch sử này thì họ sẽ lên giá trong mắt ông Trump. Từ đó Hà Nội mong chờ một số tài trợ nghiên cứu, đầu tư không hoàn lại. Và như thế ngân sách và kinh tế của quốc gia này sẽ bớt phải lao dao trước núi nợ công khổng lồ.
Cuộc gặp gỡ Trump – Kim là một sự kiện thật lớn. Nó gây tiếng vang trên toàn thế giới. Hiện đã có gần 3000 nhà báo, hằng trăm đài truyền thông có mặt tại Việt Nam. Thế nhưng kết quả mong chờ chức sẽ không nhiều. Rồi tất cả sẽ rơi vào quên lãng. Không có điều gì dẽ được giải quyết trên bàn đàm phán khi không có thực lực, cụ thể ở đây là đồng USD và vũ khí hạt nhân.