Ngay sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin về việc nước này đã thành lập một Trung tâm cứu hộ hàng hải trên Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, dư luận quốc tế khu vực đã phản đối mạnh mẽ,cho rằng đây thực chất là hình thức núp danh “dân sự”,”nhân đạo” để phục vụ ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Trong phản ứng mới đây, Ngoại trưởng Philippines cho biết sẽ phản đối hành động trên của Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc loan báo đã thành lập một Trung tâm cứu hộ hàng hải trên Đá Chữ Thập. Nguồn: Bloomberg/Phil star
Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin (03/02) cho biết, Philippines sẽ phản đối Trung Quốc mở Trung tâm cứu hộ hàng hải trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng Philippines nên biết ơn về động thái này của Trung Quốc. Ngoại trưởng Teodoro Locsincho biết cá nhân ông ủng hộ quan điểm của Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio rằng Philippines phải đấu tranh lại việc Trung Quốc xây dựng trung tâm cứu hộ trên Đá Chữ Thập, mà Tân hoa xã đã loan tinhôm 29/01.Ông Carpio là thành viên của Phái đoàn Philippines tham gia vụ kiện “đường lưỡi bò” tại Tòa Trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII và đã giành được phán quyết (7/2016) rằng những nỗ lực của Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông vượt quá luật pháp và không có giá trị.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới các đảo nhân tạo với đường băng và ngọn hải đăng để gây ảnh hưởng ở Biển Đông, nâng cao vị thế để lấn át các quốc gia láng giềng như Philippines, Malaysia và Việt Nam. Ngoại trưởng Teodoro Locsin sẽ phản đối nếu thông tin về Trung tâm cứu hộ hàng hải trên Đá Chữ Thập là có thật, ông Locsin nói trên Twitter. “Tuy nhiên, tôi muốn tranh luận một cách công khai cùng họ (Trung Quốc) trên diễn đàn của Đại hội đồng Liên hợp quốc”, Ngoại trưởng Philippines nói thêm. Ông cho biết bộ phận của ông đang chờ Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon đánh giá vì chính phủ không thể phản ứng khi chỉ dựa vào truyền thông. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Duterte, Salvador Panelo tuần trước cho biết Philippines nên là người biết ơn đối với Trung Quốc, nói rằng một trung tâm cứu hộ có thể giúp đỡ tất cả mọi người.
Trước đó, Tân hoa xã hôm 28/7 cũng loan tin Trung Quốc đã triển khai tàu cứu hộ “Nan Hai Jiu 115” đến đồn trú tại Đá Su Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu tìm kiếm cứu hộ đến neo đậu thường trực tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đánh dấu bước leo thang mới trong các hoạt động phi pháp tại khu vực. Wang Zhenliang, Giám đốc Cơ quan cứu hộ thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc lúc đó lớn tiếng nói rằng nước này sẽ tăng cường hoạt động tìm kiếm cứu hộ ở Trường Sa và các khu vực xung quanh “để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ và nghĩa vụ cứu hộ hàng hải theo các hiệp ước quốc tế”. Một đại diện khác của cơ quan cứu hộ thì cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục sản xuất và triển khai những thiết bị nâng cấp hơn về khả năng tìm kiếm cứu hộ. Trong khi đó, nhiêu báo cáo gần đây cho thấy Bắc Kinh tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế, cấp tập xây dựng phi pháp với ý đồ quân sự hóa tại đá Su Bi, Chữ Thập và Vành Khăn thuộc Trường Sa của Việt Nam, xây dựng nơi đặt tên lửa, cơ sở lưu trữ và một loạt thiết bị có khả năng theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự và thông tin liên lạc của quân đội nước ngoài. Theo báo Japan Times, quyết định của Trung Quốc cho tàu cứu hộ đồn trú tại Trường Sa nằm trong những động thái được nhiều chuyên gia cho là tính toán có phối hợp nhằm áp đặt quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông.
Nhớ lại sự kiện hồi 6/2018, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, 20 tàu cá cùng 100 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi trưa ngày 18/6 đã trú tránh ở rìa Nam Tây Nam đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bị tàu của Trung Quốc xua đuổi. Ngay sau khi thông tin về việc tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc xuôi đuổi khi vào tránh, trú bão đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Hành động của Trung Quốc đã trái ngược hoàn toàn với luật pháp, thông lệ quốc tế và tinh thần nhân đạo. Như vậy, việc Trung Quốc loan tin thành lập các Trung tâm cứu hộ và hoạt động cứu nạn ở Biển Đông “để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ và nghĩa vụ cứu hộ hàng hải theo các hiệp ước quốc tế” chỉ là hình thức, nhằm đánh lạc hướng dư luận về hoạt động quân sự hóa, bồi đắp đảo mà nước này đang tiến hành ở Biển Đông.