Bản tin Biển Đông ngày 19/02/2019.
Chuyên gia Trung Quốc kêu gọi nghiên cứu chung về biển ở Biển Đông
Ngày 17/2, Global Times đưa tin, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng hợp tác nghề cá ở Biển Đông cần vượt lên trên quan niệm về khu vực tranh chấp và coi việc bảo vệ các đàn cá là mục tiêu chính của vấn đề hợp tác. Các nước quanh Biển Đông có thể tiến hành “nghiên cứu khoa học chung về biển” như một hình thức hợp tác hoàn toàn về môi trường. Cao Qun, nghiên cứu viên tại Trung tâm an ninh và hợp tác hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, cho rằng, các đàn cá di cư không thể biết về các ranh giới gây tranh cãi, việc hợp tác quản lý nghề cá khu vực nên được tiến hành dựa trên hệ sinh thái tổng thể của vùng nước, không nên giới hạn bởi các đảo, đá còn tranh chấp. Theo Chen Xiangmiao, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc, hoạt động hợp tác quản lý nghề cá hiện nay ở Biển Đông vẫn đang ở giai đoạn thấp, chủ yếu là song phương, giữa Trung Quốc và Việt Nam hay Trung Quốc – Philippines, và chủ yếu liên quan đến quản lý hoạt động thực thi pháp luật và đào tạo kỹ thuật nghề cá. Các chuyên gia cho rằng, việc các nước ven biển đưa ra các khái niệm khác nhau về thời gian nghỉ đánh bắt cá và chính sách cấm đánh bắt cá đã gây ra tình trạng đánh bắt cá quá mức và ngăn cản các nước tiến hành hoạt động đánh bắt hiệu quả. Các chuyên gia đề xuất, tình trạng xung đột trên biển do không có các đường ranh giới trên biển rõ ràng có thể được giải quyết dựa trên kinh nghiệm hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Theo đó, hai nước cần tôn trọng quyền của ngư dân mỗi bên, chứ không phải áp dụng nội luật của mình để chống lại ngư dân nước khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore: Cái giá phải trả cho xung đột ở Biển Đông quá cao
Ngày 18/2, nhân dịp tham dự Hội nghị An ninh Munich tại Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã trả lời phỏng vấn hãng tin DW. Bộ trưởng Ng Eng Hen cho rằng, sẽ không xảy ra tình trạng đối đầu toàn diện ở Biển Đông, bởi các bên tranh chấp cũng như cộng đồng quốc tế đều nhận thấy các giá phải trả cho xung đột là quá cao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không thể có tính toán sai lầm hay rủi ro nào; vụ tàu của Trung Quốc đi gần tàu Decatur của Mỹ đang thực hiện tự do hàng hải cuối năm 2018 là một ví dụ. Trả lời câu hỏi của phóng viên bình luận về khả năng sự hiếu chiến và bá quyền ngày càng tăng của Trung Quốc gây ra thách thức đối với các nước khác, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho rằng đó chỉ là một trong số nhiều quan điểm. Nhìn từ góc độ của Trung Quốc, họ coi đó là trỗi dậy hòa bình và muốn các nước cùng tham gia. Ông Ng cho rằng điều này cũng có phần nào đúng khi chính sự phát triển của Trung Quốc giúp ổn định Châu Á sau thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu của thập kỷ trước. Liên quan đến sự thống nhất, đoàn kết trong ASEAN về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ng Eng Hen nhấn mạnh vai trò của Singapore, theo đó nước này lựa chọn cách tiếp cận thực tế. Cụ thể, Singapore đã thành công trong việc thuyết phục Brunei tổ chức cuộc diễn tập hải quân giữa 10 nước ASEAN và 8 nước khác khi Brunei làm Chủ tịch ASEAN. Đến khi Singapore đảm nhiệm chức vụ này, Singapore đã tổ chức cuộc diễn tập hải quân đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc. Bộ trưởng Ng cho rằng, cách tiếp cận của Singapore là tăng cường can dự để giảm thiểu nguy cơ tính toán sai lầm, và cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng đã thiết lập đường dây nóng để giảm thiểu căng thẳng.