Wednesday, January 15, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiSau vụ bắt giữ giám đốc Huawei, Canada tiếp tục triển khai...

Sau vụ bắt giữ giám đốc Huawei, Canada tiếp tục triển khai tàu chiến tới Biển Đông thách thức các yêu sách chủ quyền của TQ

Không chỉ có Hải quân Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, tàu chiến của Canada cũng đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền ngang nhiên của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược.

Canada triển khai lực lượng “tuần tra hiện diện” ở châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Nguồn: AFP

Theo tờ “The Times Colonist”, ba tàu hải quân hoàng gia Canada gồm tàu hộ tống HMCS Ottawa, tàu hộ tồng HMCS Regina và tàu tiếp tế MV Asterix (06/2) đã rời cảng Esquimalt ở tỉnh bang British Columbia để tham gia các hoạt động tại khu vục châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông và Trung Đông. Ba tàu này sẽ đến Trân Châu cảng ở Hawaii, sau đó tàu Ottawa tham dự cuộc tập trận chống ngầm với hải quân Mỹ rồi quay về Esquimalt sau khoảng một tháng. Còn tàu Regina và Asterix sẽ tiếp tục chuyến triển khai kéo dài 7 tháng và tham gia nhiều hoạt động huấn luyện, tập trận, thăm cảng các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.

Đáng chú ý, trong đợt triển khai lần này, tàu Regina sẽ đi qua một số vùng biển đang có tranh chấp, bao gồm cả Biển Đông. Tư lệnh hải quân Canada tại Thái Bình Dương, Chuẩn đô đốc Bob Auchterlonie nhấn mạnh nhiệm vụ lần này của tàu Regina chứng tỏ sự quan tâm của Canada tại châu Á – Thái Bình Dương và nước này sẵn sàng ủng hộ các đồng minh, đối tác tại đây. Chuẩn đô đốc Auchterlonie khẳng định Canada hoạt động theo luật quốc tế tại những vùng biển tranh chấp như cách mà chúng tôi vẫn thường làm. Canada sẽ thực hiện những hoạt động quân sự thường lệ tại các vùng biển quốc tế.

Hoạt động của hải quân Canada ở Tây Thái Bình Dương đã gia tăng đáng kể trong 2 năm qua. Giới quan sát cho rằng Canada sẵn sàng tham gia chương trình tự do hoạt động hàng hải do Mỹ tiến hành ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Nói về quy mô cam kết của hải quân Canada với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Canada tuyên bố lực lượng này được điều động đến toàn cầu – phù hợp với chính sách quốc phòng của quốc gia. Lực lượng này hoạt động độc lập và hỗ trợ đồng minh cũng như các đối tác để cải thiện an ninh khu vực và ổn định khắp thế giới. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Canada tỏ ra thận trọng đối với Biển Đông và biển Hoa Đông khi gọi những cuộc điều động lực lượng ở châu Á – Thái Bình Dương là “tuần tra hiện diện” mà không sử dụng thuật ngữ tự do hoạt động hàng hải.

Năm 2004, Hải quân Canada đã triển khai tàu ngầm HMCS Chicoutimi tuần tra hiện diện ở phía Tây Thái Bình Dương kéo dài gần 200 ngày lần đầu tiên sau gần 50 năm. Từ đó, Canada từng bước gia tăng hiện diện ở khu vực, trong đó có Biển Đông. Tháng 9/2018, tàu chiến HMCS Calgary của hải quân Canada có chuyến thăm Đà Nẵng (Việt Nam) kéo dài trong 5 ngày, với điểm nhấn trong lịch trình là hoạt động tập trận cùng tàu Hải quân Việt Nam nhằm mở rộng và cải thiện mạng lưới quan hệ đối tác quốc phòng trong khu vực. Mục đích của chương trình thăm cảng nhằm củng cố các quan hệ đối tác quốc phòng hiện có và thiết lập quan hệ mới với nhiều quốc gia nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng và tác chiến cho các hoạt động quốc phòng trong tương lai. Tháng 11/2018, Canada đã cử tàu hộ vệ HMCS Calgary tham gia cuộc tập trận chung cùng các tàu ngầm của Mỹ và Nhật Bản ở khu vực Tây Thái Bình Dương mang tên “Keen Sword”. Theo Reuters, sự xuất hiện của tàu chiến Canada được xem là nhằm thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng hải quân quốc tế nhằm kiềm chế hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mà cụ thể trên Biển Đông. Quyết định điều động tàu chiến tới tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở Nhật Bản được Canada đưa ra giữa lúc một số quốc gia như Pháp và Anh cũng đang tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực châu Á trước mối lo với sự mạnh quân sự ngày càng lớn, Trung Quốc có thể đưa tuyến đường biển thương mại nhộn nhịp như Biển Đông nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh.

Giới chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của hải quân Canada ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông nằm trong chiến lược quốc gia của nước này. Cùng với sự xuất hiện của hải quân Mỹ và các nước khác như Nhật Bản, Anh, Australia, Pháp sẽ góp phần hạn chế ảnh hưởng bá quyền của Trung Quốc ở khu vực, nhất là đối với những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Hoạt động nói trên của hải quân Canada góp phần tạo ra môi trường tự do hàng hải, gây sức ép trực tiếp đến các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở khu vực. Ngoài ra, hoạt động hợp tác, giao lưu giữa hải quân Canada với các nước khu vực cũng góp phần đảm bảo môi trường hợp tác, trong bối cảnh Trung Quốc đang lấn lướt và gây tác động ảnh hưởng ngày càng lớn đối với các nước khu vực. Cùng với vụ việc liên quan đến vụ bắt giữ giám độc tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, chắc chắn việc Canada triển khai tàu chiến đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc bất an và tìm cách đối phó.

RELATED ARTICLES

Tin mới