Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ lại điều tàu khoan dầu khí đến khu vực tranh chấp...

TQ lại điều tàu khoan dầu khí đến khu vực tranh chấp với Nhật Bản tại biển Hoa Đông

Trung Quốc đã điều tàu khoan dầu khí đến khu vực giàu tài nguyên còn tranh chấp tại biển Hoa Đông nhằm tìm kiếm tài nguyên. Hoạt động trên đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Nhật Bản.

Khu vực TQ đưa tàu khoan dầu tới biển Hoa Đông. Nguồn: Kyodo

Hãng Kyodo News đưa tin Chính phủ Nhật Bản (07/2) đã gửi công hàm phản đối thông qua kênh liên lạc ngoại giao song phương sau hành động “rõ ràng nhằm tìm kiếm tài nguyên” của tàu Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Theo Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga, tàu Trung Quốc cuối tháng 1 vừa qua đã đi vào khu vực có mỏ khí đốt ở biển Hoa Đông, cách vài km so với vị trí mà tàu này từng xuất hiện hồi tháng 11/2018. “Cực kỳ đáng tiếc khi Trung Quốc tiếp tục hoạt động phát triển đơn phương tại khu vực”, ông Yoshihide Suga tuyên bố.

Năm 2008, Nhật Bản và Trung Quốc đã đồng ý phát triển chung các mỏ khí đốt tại khu vực gần đường phân định ranh giới trên biển theo đề xuất của phía Nhật Bản theo đó chia cắt vùng đặt quyền kinh tế của 2 nước ở biển Hoa Đông. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng Nhật Bản, thời gian qua Trung Quốc đã đơn phương tiến hành các hoạt động phát triển gồm xây nhiều nhà giàn gần đường này trong khi quá trình đàm phán thỏa thuận liên quan gặp bế tắc. Chính phủ Nhật Bản lo ngại việc đơn phương phát triển của Trung Quốc sẽ xâm phạm vào nguồn tài nguyên bên phía Nhật Bản trong khu vực và nhằm mục đích tạo “sự đã rồi” tại nơi còn chưa được phân định rõ ràng. Hiện tại, hai bên chưa thống nhất được một đường biên giới rõ ràng tại biển Hoa Đông.

Năm 2014, Trung Quốc cũng triển khai một giàn khoan mới đến biển Hoa Đông. Công ty đóng giàn khoan Cosco Shipyard không nói rõ địa điểm hoạt động chính xác của giàn khoan Khải Hoàn 1 trên biển Hoa Đông có gần vùng biển tranh chấp với Nhật Bản hay không. Tuy nhiên, thông báo của Cosco Shipyard lúc bấy giờ cho biết giàn khoan Khải Hoàn 1 đã bắt đầu hoạt động thăm dò đầu tiên ở độ sâu 5.200 m bất chấp thời tiết giông bão trên biển.

Bắc Kinh tuyên bố phát hiện mỏ khí thiên nhiên Chunxiao trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở biển Hoa Đông vào năm 1995. Phía Nhật Bản cũng khẳng định có quyền khai thác mỏ khí vì nó trải dài đến vùng biển của Nhật Bản. Cả hai bên thống nhất cùng khai thác mỏ khí Chunxiao vào năm 2008, nhưng không đạt thêm tiến bộ nào đến nay. Quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản căng thẳng trong những năm gần đây vì tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku đang do Tokyo quản lý, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Các chuyên gia lo ngại đối đầu quân sự giữa hai cường quốc châu Á có thể xảy ra, khi các bên lần lượt điều tàu và máy bay quân sự đến vùng tranh chấp.

Hồi tháng 5/2014, Trung Quốc cũng đã ngang nhiên đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 tại khu vực cách đảo Tri Tôn 17 dặm về phía Nam, thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Việt Nam 120 dặm. Vị trí này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Vụ việc này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế khiến dư luận quốc tế và khu vực lúc đó hết sức bất bình và lên án mạnh mẽ.

RELATED ARTICLES

Tin mới