Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaAnh tăng cường hiện diện ở Biển Đông khiến quan hệ với...

Anh tăng cường hiện diện ở Biển Đông khiến quan hệ với TQ trở nên căng thẳng

Từ năm 2018 đến nay, Anh đã tích cực tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và thể hiện thái độ quan ngại liên quan các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Để đáp lại, Trung Quốc tìm mọi cách gây khó khăn với Anh, trong đó có việc hủy kế hoạch đàm phán thương mại giữa hai nước.

Quan hệ Trung – Anh sẽ gặp trở ngại?

Kể từ khi Thủ tướng Anh Theresa May lên cầm quyền, quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đã có nhiều tiến triển mới, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại. Các số liệu thống kê chính thức chỉ ra rằng, kim ngạch xuất khẩu từ Anh sang Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng mạnh, tới hơn 60% từ năm 2010. Trung Quốc cũng được trông đợi sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Anh tính đến năm 2020. Hiện, có khoảng 50.000 doanh nghiệp Anh nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và hơn 10.000 doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Với những thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 9,3 tỷ bảng (tương đương 13,26 tỷ USD) và cam kết nâng cấp “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ song phương, chuyến thăm của Thủ tướng T.May tới Trung Quốc mới đây được cho là gặt hái những kết quả đáng kể. Nhờ những thỏa thuận đạt được, hơn 2.500 việc làm trên khắp Vương quốc Anh sẽ được tạo ra trong thời gian tới. Ngoài ra, hai bên còn nhất trí đưa nhiều mặt hàng thực phẩm nổi tiếng của Anh vào thị trường Trung Quốc.

Theo giới phân tích, khi rời khỏi EU, Anh sẽ nắm bắt cơ hội để trở thành một quốc gia hướng ngoại hơn bao giờ hết, có thể tự do kết nối quan hệ thương mại với các nước. Đầu tư vào Trung Quốc được cho là bước đi giúp giảm thiểu những rủi ro liên quan tới Brexit. Tuy nhiên, để chạm tới “kỷ nguyên vàng”, 2 bên còn phải vượt qua nhiều rào cản. Đầu tiên là những mâu thuẫn liên quan đến quyết định của Thủ tướng T.May trì hoãn thông qua dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley do Trung Quốc cho vay vốn cuối năm 2016. Mặc dù gần đây, Anh có những nỗ lực để hâm nóng quan hệ như chấp thuận dự án này, đồng thời trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á do Trung Quốc khởi xướng.

Người đứng đầu Chính phủ Anh cũng đã cử Bộ trưởng Tài chính P.Hammond tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh vào năm ngoái về sáng kiến Vành đai và con đường – dự án thiết lập hạ tầng kết nối châu Á với châu Âu, châu Phi trị giá nghìn tỷ USD nhằm xây dựng “Con đường tơ lụa” hiện đại mà Anh được coi đối tác tiềm năng. Thế nhưng, quan hệ giữa 2 bên vẫn chưa hết những nghi ngại. Thủ tướng Anh T.May thừa nhận, London và Bắc Kinh không phải luôn đồng quan điểm trong các vấn đề, đặc biệt là quan ngại của ngành công nghiệp Anh về tình trạng sản xuất thép dư thừa của Trung Quốc và tình trạng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Có thể nói, việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc trở nên cấp thiết hơn sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi EU năm 2016. Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, Trung Quốc được coi là một trong những “chìa khóa” cho kế hoạch “nước Anh toàn cầu”, tiến tới thiết lập những thỏa thuận thương mại và quan hệ đối tác ngoại giao mới trên khắp thế giới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, biến cố Brexit sẽ làm suy yếu vị thế đàm phán cũng như vai trò của nước Anh với Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc từng coi Anh là đồng minh chính trong khối EU, nhưng nay đang chuyển vị trí đó cho Pháp. Vì vậy, sau khi rời EU vào tháng 3/2019, cuộc đua của Anh vào Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trước các đối thủ mạnh như Nga, Mỹ và các thành viên của EU.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định quan hệ Trung – Anh sẽ không thay đổi trước những xáo trộn của quan hệ Anh – EU. Tuy nhiên, ông thừa nhận cần phải điều chỉnh để có những thích nghi. Ông nói: “Ngoài việc phải thích nghi với những thay đổi này, chúng ta sẽ đánh giá và thảo luận về các vấn đề thương mại – đầu tư song phương trong tương lai, tiếp tục thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – Anh, trong đó có quan hệ thương mại và kinh doanh”.

Biển Đông sẽ khiến quan hệ Anh – Trung rơi vào bế tắc

Trong bài phát biểu ngày 11/2 về chiến lược quân sự mới tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết London sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mang theo 2 phi đội máy bay chiến đấu F-35 của Anh và Mỹ tới tuần tra ở Biển Đông nhằm chống lại những bên vi phạm luật pháp quốc tế trong khu vực.Theo ông, Vương quốc Anh là nhà đầu tư lớn thứ hai trong khu vực và cần phải sẵn sàng sử dụng “quyền lực cứng” và “sức mạnh sát thương” để bảo vệ lợi ích của mình.

Gần đây, Anh bắt đầu gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực. Anh đã nhiều lần tuyên bố ý định tăng cường hoạt động tại Biển Đông và thực tế cũng đã triển khai một số hoạt động chung với hải quân Mỹ. Trong tháng 1/2019, tàu khu trục HMS Argyll của Anh đã tập trận chung với tàu khu trục USS McCampbell trong 6 ngày ở Biển Đông, sau khi chiến hạm này tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa. Tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng nước này tiết lộ kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự ven Biển Đông, có thể ở Brunei hoặc Singapore, để hiện diện lâu dài hơn ở Tây Thái Bình Dương. Tháng 8/2018, hải quân Anh cũng điều tàu vận tải đổ bộ HMS Albion tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa. Tàu Hải quân Hoàng gia Anh HMS Albion (31/8) do Đại tá Hải quân Tim Neild chỉ huy đã đi sát các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa, nhằm thực thi “quyền tự do hàng hải” và thách thức Trung Quốc. Tàu hải quân Hoàng gia HSM Albion là loại tàu tấn công đổ bộ, dài 176 m, rộng 28,9 m, có tải trọng gần 18,8 tấn, đoàn thuỷ thủ trên tàu gồm 353 người, ngoài ra còn một đơn vị thuỷ quân lục chiến với tổng số 202 người. Trước đó, Hải quân Hoàng gia Anh cũng đã cử một số tàu chiến như tàu hộ vệ HMS Sutherland F81, tàu hộ vệ FS Surcouf (F-711), tàu chiến HMS Sutherland… tuần tra ở Biển Đông. Trong năm 2016, Anh cũng điều 4 phi cơ Typhoon bay qua Biển Đông nhằm tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Dân trí Trung Quốc đã hủy đàm phán thương mại với Anh sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết nước này sẽ điều tàu chiến đến Thái Bình Dương trong một động thái được cho là nhằm thách thức sự bành trướng của Bắc Kinh.

Để phản đối lại việc Anh tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp đáp trả. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (14/2) đã hủy kế hoạch đàm phán thương mại với Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond vào cuối tuần này sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cảnh báo đưa tàu chiến đến Thái Bình Dương để thách thức Trung Quốc. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (9/2018) từng bày tỏ hy vọng rằng “Anh sẽ thực thi lập trường không can thiệp vào các vấn đề Biển Đông, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và không làm xáo trộn sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (6/9/2018) đã cảnh báo tàu HMS Albion của Anh tuần tra tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “vi phạm luật pháp Trung Quốc và các luật quốc tế liên quan, và xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”. Bà Hoa nói thêm tại cuộc họp báo rằng “tàu chiến Anh đã đi một cách phi pháp vào vùng biển chủ quyền mà không được phép của chính phủ Trung Quốc”. Bà cho biết hải quân Trung Quốc đã xác minh thông tin con tàu theo luật pháp và cảnh báo nó phải rời đi.

Đáng chú ý, giới chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng những động thái gần đây của Anh liên quan vấn đề Biển Đông ảnh hưởng lớn đến quan hệ Trung – Anh. Theo Giáo sư Hữa Lợi Bình, Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng những động thái gần đây của Anh là phô trương sức mạnh cơ bắp nhằm vào Trung Quốc và cho thấy sự tham gia nhiều hơn của các cường quốc bên ngoài vào tranh chấp trên Biển Đông. Trong khi đó, ông Ni Lexiong, một chuyên gia về biển tại Đại học Luật và Khoa học chính trị Thượng Hải, cho rằng kế hoạch xây căn cứ quân sự ở Đông Nam Á của Anh là một bằng chứng nữa cho thấy Anh và các đồng minh chủ chốt khác của Mỹ đang ngày càng sát cánh hơn với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến lược cứng rắn hơn với Trung Quốc. “Đây là bước đi bổ sung cho chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ và Washington sẽ rất hài lòng” ông Ni nói về kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh ở khu vực vào thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp lịch sử.

RELATED ARTICLES

Tin mới