Trong những năm gần đây, cùng với tiềm lực kinh tế của Trung Quốc không ngừng được nâng cao, Bắc Kinh đã đầu tư nghiên cứu, chế tạo nhiều loại vũ khí mới tinh vi và mạnh mẽ. Số vũ khí trên đa phần sẽ được Trung Quốc triển khai ở Biển Đông, nới mà Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế để chiếm hữu phi pháp.
Tàu khu trục lớp 055 của Trung Quốc
Tàu tàu khu trục Type 055:
Truyền thông Trung Quốc xem xét nó từ nhiều phương diện: là chiến hạm loại 10.000 tấn, có tải trọng lớn nhất trong lịch sử, khả năng tác chiến mạnh nhất và thời gian nghiên cứu dài nhất. Type 055 có lượng giãn nước đầy tải ước tính là 13.000 tấn, trang bị vũ khí với hệ thống thẳng đứng với 112 ống phóng chìm, có thể phòng các loại tên lửa khác nhau như tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình, tên lửa phòng không. Đồng thời, Type 055 cũng là khu trục hạm nhiều bệ phóng thẳng đứng nhất trên thế giới. Ngay cả tàu khu trục Zumwalt của Mỹ cũng chỉ có 96 ống phóng.
Ngoài ra, khu trục hạm Type 055 còn sử dụng radar băng tần S, có khả năng tàng hình, chống vệ tinh quỹ đạo thấp. Đây là loại radar đầu tiên trên thế giới sử dụng thiết kế thân cột tích hợp, không có nhiều thiết bị treo bên ngoài, nhìn tổng thể rất đơn giản và gọn.
Giới truyền thông Trung Quốc thậm chí còn đánh giá, khu trục hạm Type 055 không chỉ đại diện cho trình độ cao nhất của công nghiệp hải quân Trung Quốc mà còn chiếm vị trí “bá chủ” trong hàng ngũ khu trục hạm hải quân thế giới. Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm tình báo liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Mỹ cho biết Trung Quốc sẽ không tiếc tiền trong cuộc chạy đua với Mỹ. Ông dự đoán Bắc Kinh sẽ đóng mới khoảng 20 tàu khu trục Type-055 và nhiều tàu hộ vệ Type-054 để phục vụ cho 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030.
Tàu ngầm hạt nhân
Tàu ngầm Hình 094 (tiếng Trung:094型) là loại tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo được phát triển bởi Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đây là lớp tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ hai của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Chiếc đầu tiên được đóng tại xưởng đóng tàu Huludao tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. NATO gọi loại tàu ngầm này là lớp Tấn. Chiếc đầu tiên bắt đầu được đóng vào năm 1999 và hoàn thành vào tháng 7 năm 2004. Vào mùa thu năm 2009 hai chiếc tàu ngầm được đóng hoàn tất đã đưa vào thử nghiệm với các khả năng như lặn sâu, tốc độ, tác chiến và ẩn nấp. Hai chiếc này được thấy một ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông và một ở căn cứ hải quân Tam Á, đảo Hải Nam. Tàu ngầm Hình 094 có thiết kế khá giống tàu ngầm Hình 093 với vỏ tàu có hình giọt nước với bốn bánh lái nằm ngang. Nó có trọng tải choáng nước khá lớn từ 8.000 đến 9.000 tấn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đang nghiên cứu loại tầm ngầm hạt nhân thế hệ mới, ưu việt hơn so với tàu Type 094. Kể từ năm 2009, các báo cáo đã khẳng định sự tồn tại của dự án tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095 (NATO định danh lớp Tùy), được cho là có độ ồn giảm đáng kể so với Type 093. Tàu dự kiến được ra mắt vào năm 2020, thuộc biên chế biên đội hàng không mẫu hạm của Trung Quốc. Dự án tàu ngầm Type 096 (NATO định danh lớp Đường) được trông đợi sẽ thay thế các tàu ngầm Type 094. Tàu được cho là có kích thước lớn hơn lớp 094, trang bị đến 24 tên lửa đạn đạo JL-3 có tầm bắn 10.000km.
Mẹ các loại bom:
Thời báo Hoàn cầu cho biết, Trung Quốc đã thử nghiệm phiên bản mới của “mẹ các loại bom”, loại vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất. Mỹ đã chế tạo thành công loại vũ khí như vậy với tên gọi MOAB. Nó đã được Không quân Mỹ sử dụng để tiêu diệt phiến quân trong một tổ hợp hang động ở Afghanistan vào năm 2017. Theo Thời báo Hoàn cầu, MOAB của Trung Quốc chỉ đứng sau vũ khí hạt nhân về sức mạnh. Tuyên bố của Global Times đi kèm với hình ảnh một quả bom được thả từ khoang máy bay ném bom H-6K, sau đó là một vụ nổ lớn trên mặt đất. Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng sức mạnh vụ nổ có thể dễ dàng quét sạch các mục tiêu trên mặt đất như các công sự, tòa nhà kiên cố, pháo đài và hầm trú ẩn.
Báo cáo cho biết thêm MOAB của Trung Quốc nhỏ và nhẹ hơn MOAB của Mỹ, cho phép thả từ khoang vũ khí của máy bay ném bom giống như bom thông thường. Trong khi MOAB của Mỹ được đẩy ra từ khoang chở hàng của máy bay vận tải C-130. Trung Quốc tuyên bố rằng MOAB của họ chính xác hơn của Mỹ. Trung Quốc đã cố gắng sao chép công nghệ quân sự từ những nước khác và cải tiến lại theo yêu cầu sử dụng của họ. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng ngay cả với phương pháp ném bom được xem là ưu việt hơn, việc triển khai vũ khí như vậy trong thực chiến đòi hỏi sự vượt trội về ưu thế trên không.
Tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay DF-26
Truyền thông nhà nước Trung Quốc (1/2019) công bố quân đội nước này đã triển khai tên lửa đạn đạo DF-26, có thể tấn công các tàu cỡ trung và lớn di chuyển trên biển. DF-26 từng được truyền thông TQ và các chuyên gia quốc phòng đặt cho biệt danh “Kẻ giết người Guam”, khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân nặng 1,2 – 1,8 tấn, tên lửa DF-26 là một trong những loại vũ khí tiên tiến nhất của TQ; tên lửa được dẫn đường bằng radar, có khả năng cơ động để bám sát các mục tiêu đang di chuyển; tầm bắn khoảng 4.500km, tên lửa này có thể bắn tới đảo Guam của Mỹ ở phía Đông và Indonesia ở phía Tây. DF-26 được đưa vào sử dụng tháng 4/2017 và lần đầu được biết tới trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2015.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết tên lửa DF-26 là loại vũ khí mới được trang bị cho PLARF và có 4 tính năng nổi bật. Thứ nhất, đây là loại tên lửa được nghiên cứu, phát triển và chế tạo hoàn toàn bởi Trung Quốc và nước này có toàn quyền sở hữu DF-26. Thứ hai, DF-26 có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân, có khả năng phản công hạt nhân nhanh chóng hoặc tấn công phủ đầu chính xác ở tầm trung và tầm xa. Thứ ba, nó có thể tấn công chính xác mục tiêu quan trọng trên đất liền cũng như tàu cỡ trung và cỡ lớn trên biển. Thứ tư, Trung Quốc đã áp dụng một số công nghệ mới cho DF-26, làm tăng hiệu quả và nâng cao khả năng kết nối của nó. Ngoài ra, ông Ngô Khiêm khẳng định, Trung Quốc không giống như Mỹ và Nga mà sẽ tiếp tục duy trì nghiêm ngặt chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, bất chấp khả năng tự vệ mạnh mẽ của loại tên lửa mới.
Với tầm bắn như vậy, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng DF-26 tấn công thẳng vào lãnh thổ Mỹ ở đảo Guam hoặc có thể dùng DF-26 để nhắm mục tiêu vào các tàu chiến trên biển, trong trường hợp có chiến tranh. Ngoài ra, những quả tên lửa khổng lồ (nặng khoảng 20 tấn) này cũng có khả năng đe doạ các tàu sân bay lớp Nimitz, thậm chí các siêu tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân lớp Ford của Mỹ. Trong khi đó, theo phân tích của tờ National Interest (Mỹ), có ít nhất 2 phiên bản của tên lửa DF-26, bao gồm DF-26A và DF-26B. Các phiên bản này có trang bị đầu đạn khác nhau, cũng như các thiết bị dẫn đường riêng biệt. Trong đó, một phiên bản có lẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu cố định trên mặt đất và có khả năng trang bị kép đầu đạn thông thường/hạt nhân với độ sai lệch khoảng 150 – 450m. Tuy nhiên, một biến thể tên lửa DF-26 chống hạm sẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu trên biển và trên bộ với độ chính xác cực kỳ cao. Theo đó, độ sai lệch sẽ là rất nhỏ, ước tính có thể chỉ vào khoảng 10m.
Theo đánh giá của các nhà phân tích thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc, DF-26 là một trong những chương trình phát triển tên lửa tiên tiến nhất nước này. DF-26 cho phép Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công đáp trả một cách nhanh chóng ngay khi bị đối phương tấn công trước.Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng độc đáo và chưa được tiết lộ. Công nghệ dẫn hướng mới cho phép nó bám theo những mục tiêu di động. Đây là tính năng chưa từng có đối với các tên lửa đạn đạo tầm trung.
Tên lửa đạn đạo Cự lang 3 (JL-3)
Giới tình báo Mỹ cho rằng, loại tên lửa JL-3 mà Trung Quốc mới bắn thử gần đây có tầm phóng cực đại 9.000km, có thể được trang bị cho các tàu ngầm chiến lược Type 096.
Nguồn tin từ cơ quan tình báo Mỹ khẳng định, trong cuộc phóng thử ngày JL-3 không bay hết tầm, cuộc bắn chủ yếu kiểm tra hệ thống tên lửa khi khởi động từ bệ phóng thẳng đứng trên tàu ngầm. Với cự ly này, JL-3 trở thành tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm nguy hiểm nhất của Hải quân Trung Quốc. Từ trước tới nay, Bắc Kinh mới chỉ trang bị cho các tàu ngầm của mình tên lửa JL-2 có tầm phóng khoảng 7.000km. Giới phân tích cho rằng, ít nhất phải tới đầu năm 2020 thì Hải quân Trung Quốc mới có cặp “song sát” JL-3 và Type 096. “Cặp bài trùng” này được cho là tạo ra mối đe dọa “tốt hơn” so với tàu ngầm Type 094 và JL-2.
Máy bay ném bom tầm xa Hong-20
Tờ Business Insider (10/10) đưa tin, các chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho biết máy bay ném bom hạt nhân tàng hình Hong-20 (H-20) của nước này sẽ sớm thực hiện chuyến bay đầu tiên và đây có thể sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi ở Biển Đông. H-20 được Chính phủ Trung Quốc giao cho Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Tây An năm 1958 nghiên cứu, chế tạo.
Theo Blog Military and Commercial Technology, chiếc H-20 có cấu trúc tương tự như máy bay ném bom B-2 Spirit, vũ khí chủ lực sẽ là tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10K, còn được gọi là KD-20, có thể mang được các đầu đạn thông thường và hạt nhân với tầm bắn khoảng 1.500km. Trung Quốc cũng có thể phát triển các biến thể của tên lửa CJ-10 cận âm với khả năng tàng hình. Đến cuối năm 2019, Công nghiệp hàng không Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thiện 3 nguyên mẫu đầu tiên của H-20.
Việc Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo máy bay ném bom tàng hình thế hệ 5 H-20 sử dụng vũ khí tàng hình sẽ gia tăng đáng kể khả năng sống còn của những phương tiện chuyên chở và vũ khí có thể vượt qua lưới lửa phòng không tiêu diệt được mục tiêu. Hiện PLA đang phát triển học thuyết quân sự tương lai mà các máy bay ném bom có khả năng bay đến biên giới không phận kẻ thù (đối thủ số 1 của Trung Quốc là Mỹ) trước khi phóng tên lửa hành trình. H-20 có ưu thế rất lớn đối với các đối thủ trong khu vực, chẳng hạn như Ấn Độ. Chiếc máy bay này có thể xuyên qua hệ thống phòng không đối phương, tiêu diệt các mục tiêu có giá trị lớn như sân bay, các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại và tên lửa phòng thủ bờ biển. Trong tương lai, H-20 được hy vọng có thể tấn công tiêu diệt hệ thống phòng không của Mỹ và các quốc gia đồng minh, cho phép các máy bay thế hệ cũ hơn như H-6 không kích thành công các mục tiêu chính trị quân sự hoặc các mục tiêu có ý nghĩa chiến lược như tàu sân bay Mỹ.
Ngoài H-20, Trung Quốc còn đang sở hữu phiên bản máy bay chiến đấu tàng hình 2 chỗ ngồi được phát triển từ J-20. “Tất cả máy bay chiến đấu tàng hình hiện tại trên thế giới đều chỉ có một chỗ ngồi, vì vậy phiên bản mới của J-20 có thể là máy bay chiến đấu tàng hình 2 chỗ ngồi đầu tiên trên thế giới”, bản tin Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho hay. Báo cáo cho biết sẽ cần thêm một phi công thứ hai để xử lý thông tin đa dạng từ hệ thống chiến đấu kỹ thuật số trang bị trên J-20.
Ăng ten radio khổng lồ
Tờ South China Morning Post, cho biết Trung Quốc đã hoàn thành mạng lưới ăng ten vô tuyến Phương pháp Điện từ Không dây (WEM). Nó là mạng lưới các dây điện cao thế được kết nối với nhau theo hình chữ thập rộng 60 km và dài 80-100 km. Mạng lưới ăng ten này tạo thành một hình chữ nhật trên bản đồ với diện tích 3.700 km2, dù Trung Quốc không đưa ra vị trí chính xác vì lý do an ninh. Mạng lưới ăng ten được kết nối với các máy phát điện trong lòng đất để phát tín hiệu vô tuyến tần số cực thấp (ELF) có thể xuyên qua lớp vỏ Trái Đất tới 3.500 km.
Tín hiệu ELF được sử dụng để liên lạc với các tàu ngầm trong lòng đại dương mà không cần chúng phải nổi lên. Nhà phân tích Joseph Trevithick cho biết ELF sẽ cho phép các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc hoạt động lâu hơn trong lòng đại dương so với các phương pháp liên lạc khác, giúp chúng khó bị phát hiện hơn, nâng cao khả năng răn đe hạt nhân. Tuy nhiên, ELF chỉ cho phép liên lạc một chiều từ mặt đất đến tàu ngầm. Mặt khác, ELF không phải là một công nghệ mới – đây là sự phô trương về đầu tư cở sở hạ tầng chứ không phải là đột phá công nghệ. Mỹ từng đặt 2 cơ sở như vậy tại Michigan và Wisconsin, nhưng đã đóng cửa vào đầu thế kỷ 21, khi các công nghệ mới hơn được phát triển.
Radar “Vượt đường chân trời”
Giới truyền thông Trung Quốc tiết lộ thông tin Bắc Kinh đang phát triển hệ thống radar “Vượt đường chân trời” (OTH), trang bị cho những hạm đội tàu sân bay trong tương lai, sẽ cho phép hải quân Trung Quốc phát hiện các mối đe dọa từ tàu chiến, máy bay và tên lửa sớm hơn những công nghệ hiện nay.
Theo các chuyên gia quân sự, các radar giám sát thường hoạt động theo nguyên lý truyền sóng bức xạ điện từ, nhưng sóng này lại có xu hướng đi theo đường thẳng. Trong khi đó, Trái Đất lại có dạng hình cầu, điểm giao nhau giữa đường thẳng của sóng radar và hình cầu của Trái Đất được gọi là “giới hạn đường chân trời”. Điều đó đồng nghĩa với việc các trạm radar cảnh giới bố trí từ mặt đất sẽ không thể phát hiện được các mục tiêu di chuyển ngoài giới hạn đường chân trời này, nhất là các mục tiêu di chuyển trên mặt biển nơi mà giới hạn đường chân trời được phát huy tối đa.
Hệ thống radar trên bộ OTH là loại radar mặt đất có cự ly phát hiện mục tiêu xa nhất trong số các loại radar (lên đến hàng ngàn km, ngoài tầm nhìn thẳng), hiện đóng vai trò quan trọng trong các hệ thống cảnh báo sớm, trong các hệ thống phòng thủ tên lửa của các cường quốc quân sự trên thế giới. Do có tầm hoạt động lớn, radar OTH được sử dụng để phát hiện các vụ nổ hạt nhân, theo dõi các vệ tinh nhân tạo trên quỹ đạo, phát hiện sớm các vụ phóng và xác định sơ bộ tọa độ đường bay của tên lửa đường đạn… Rađa OTH làm việc ở dải sóng tần số từ 3 đến 30Hz, dựa trên hiệu ứng phản xạ sóng điện từ qua tầng điện ly khí quyển. Sóng điện từ này bức xạ từ radar đến mục tiêu và phản xạ lại theo đường gấp khúc nên bị tổn hao nhiều về năng lượng, do vậy radar OTH cần có máy phát công suất và kích thước ăng-ten rất lớn so với các loại radar thông thường.
Các hệ thống OTH được chia làm 2 loại chính, sóng mặt đất và sóng trên không. Hệ thống sử dụng cơ chế sóng trên không còn gọi là OTH-B, nó dùng tầng điện ly của bầu khí quyển để phản xạ lại các sóng rdadar, thường là ở tầng số 5-28 MHz, nhờ đó sóng radar sẽ đi xa hơn giới hạn đường chân trời của mình. Nhược điểm của hệ thống này là sự tồn tại của “vùng tối”, nơi mà radar không thể “nhìn” thấy gì. Radar dùng cơ chế sóng mặt đất, còn gọi là OTH-SW, dựa vào việc làm cho sóng radar lan truyền theo bề mặt của đại dương, đi xa hơn “đường chân trờ”. Do đó, OTH-SW phải được đặt trên bờ biển, và nó không có vùng tối. Còn OTH-B có thể triển khai ở bất kỳ đâu. Những hệ thống radar ngoại biên thường có kích thước rất lớn so với các radar thường.
Tuy nhiên, các hệ thống này có điểm yếu là lượng điện tiêu thụ khổng lồ và phải được xây dựng trên những địa hình thoáng và bằng phẳng. Sự thiếu cơ động cũng biến các radar OTH trở thành mục tiêu dễ bị tấn công. Nhiều nước đã chuyển sang đầu tư cho các hệ thống cảnh báo sớm trên không.
Pháo điện từ
Pháo ray điện từ trường (Railgun) sử dụng năng lượng điện từ trường thay cho thuốc phóng để đẩy viên đạn bay rất xa, có thể phá hủy mục tiêu bằng chính động năng của nó. Về nguyên tắc, pháo ray điện sử dụng nguyên tắc lực điện từ Lorentz để đẩy viên đạn rời nòng pháo bằng hai khối tụ điện lắp song song. Nhờ nguồn điện tích lũy cực lớn, lực đẩy điện tử của pháo ray điện tạo ra sơ tốc tới 9.000km/giờ (2,5km/giây) cho viên đạn được phóng đi. Viên đạn được ổn định quỹ đạo nhờ 4 cánh lái nhỏ nằm phần đuôi. Với vận tốc gấp vài lần tốc độ âm thanh, nó vượt qua khoảng cách 160km trong vòng vài giây và tấn công mục tiêu định trước bằng khả năng xuyên phá động năng cực lớn.
Theo thông tin từ cộng đồng tình báo Mỹ, pháo ray của Trung Quốc có khả năng tấn công một mục tiêu trên khoảng cách 124 dặm (200 km) với tốc độ lên tới 1,6 dặm /s (2,5 km/s). Pháo ray điện từ trường từ lâu đã là một trong những vũ khí có nguyên lý vật lý mới, là mong muốn của quân đội các quốc gia Nga, Iran và Mỹ do tính hiệu quả về chi phí, các chiến hạm được trang bị một khẩu pháo có tầm bắn của tên lửa có điều khiển, dẫn đường với độ chính xác cao.
Những viên đạn (có thể là đạn dưới cỡ), sử dụng trong pháo ray của Trung Quốc có giá thành mỗi quả từ 25.000 – 50.000 USD, các nhân viên tình báo cho biết. Dù đây không phải là một so sánh chính xác vì mỗi loại vũ khí sử dụng công nghệ khác nhau, nhưng tên lửa hành trình Tomahawk chống tàu của Mỹ có giá thành ước tính là 1,4 triệu USD, nhưng tên lửa Tomahawk có thể bị đánh chặn, còn đạn Railgun thì không thể.
Từ năm 2015 đến 2017, vũ khí nguyên tắc vật lý mới được các nhà khoa học quân sự Trung Quốc tinh chỉnh để mở rộng phạm vi tấn công và tăng cường khả năng phá hủy. Tháng 12/2017, pháo ray điện từ trường được gắn thành công trên một chiến hạm nổi và bắt đầu thử nghiệm trên biển, một kỳ tích mà các cường quốc quân sự, không nước nào đạt được. Các chuyên gia Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành thử nghiệm trên biển và hoàn thiện thiết kế năm 2023.