Nếu quân đội Trung Quốc không rút khỏi Việt Nam, họ sẽ phải chiến đấu trên hai mặt trận.
Trong 3 kỳ trước với các tiêu đề “Cuộc chiến tháng 2/1979: Vì sao vùng trời Việt Nam bình yên?”, “Tháng 2/1979: Hải quân Liên Xô giúp Việt Nam trấn Biển Đông” và “Cuộc chiến 2/1979: Trung Quốc ngán sức mạnh quân sự Liên Xô” chúng ta đã hiểu khá rõ về việc trong cuộc chiến tranh xâm lược tháng 2/1979 của Trung Quốc, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự…, của Liên Xô đối với Việt Nam là một yếu tố rất quan trọng giúp chúng ta giành thắng lợi vẻ vang.
Tuy nhiên, trong và sau cuộc chiến tranh này, có những ý kiến (chủ yếu từ phương Tây) cho rằng, Liên Xô không sẵn sàng đưa quân đội vào tham chiến bảo vệ đồng minh (Việt Nam) mà chỉ ủng hộ về ngoại giao và tập trung viện trợ kinh tế, quân sự.
Những luồng ý kiến này tập trung chỉ trích Hiệp định hợp tác Việt-Xô là không thực chất, Việt Nam không thể trông cậy vào đồng minh những lúc “hữu sự.
Trên thực tế, đây là những tuyên truyền có chủ đích, nhằm ly gián mối quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa Liên Xô và Việt Nam, nhằm mục đích riêng của những người đưa ra luận điệu đó.
Liên Xô sẵn sàng can thiệp quân sự
Trong hồi ký của các cựu quân nhân Liên Xô cho biết, Moscow sẽ can thiệp quân sự khi cần thiết và khi đó Trung Quốc đã được cảnh báo trước một điều rõ ràng: Nếu quân đội Trung Quốc không rút khỏi Việt Nam, họ sẽ phải chiến đấu trên hai mặt trận.
Khi cuộc chiến tranh biên giới bắt đầu nổ ra, Liên Xô đã trục xuất các nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc. Họ buộc phải trở về Bắc Kinh bằng đường xe lửa liên vận và trên cung đường này, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã được chứng kiến cảnh hàng đoàn xe tăng Liên Xô đang rầm rập tiến về hướng Đông, từ vùng núi Ural cho đến vùng biên giới Mông Cổ-Trung Quốc.
Thậm chí, trước ngày Trung Quốc tuyên bố rút quân, Chủ tịch Fidel Castro đã cảnh báo rằng, nếu nhà cầm quyền Bắc Kinh không chấm dứt hành động xâm lược, Cuba và Liên Xô có thể sẽ đưa quân đội đến giúp đỡ Việt Nam.
Đây là minh chứng cho cam kết của “người anh cả” Liên Xô và đất nước Cuba anh em, quyết tâm bảo vệ Việt Nam chống quân xâm lược bành trướng.
Không chỉ thế, giới chuyên gia quân sự nước ngoài và cả Trung Quốc phân tích và nhận định rằng, có quá nhiều sự lựa chọn hiệu quả đối với Liên Xô trong các hành động tấn công trên chiều dài 4.500 km đường biên giới Xô – Trung, nơi có 44 sư đoàn đang sẵn sàng tham chiến. Nhưng cũng có thể xuất hiện những kịch bản khác.
Kịch bản thứ nhất và cũng là kịch bản xấu nhất: Đây là kịch bản “ngày tận thế”, là đòn tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc ở vùng hồ muối Lop Nor (hay còn gọi là La Bố Bạc) – nằm giữa sa mạc Taklamakan và sa mạc Kuruktag, thuộc phía Đông khu tự trị Duy Ngô Nhĩ – Tân Cương.
Mục tiêu này dường như thích hợp hơn cả trong sự đánh giá của quân đội Liên Xô bởi sự hủy diệt lớn, sức mạnh răn đe cao, tấn công phủ đầu trong tầm với của nhiều loại tên lửa Liên Xô. Tuy nhiên, nó chỉ xảy ra nếu Trung Quốc cũng có ý định làm điều tương tự với Việt Nam.
Kịch bản thứ hai: Liên Xô sẽ mở một cuộc đột kích quân sự lớn bao gồm cả tấn công trực diện vào thủ đô Bắc Kinh hoặc mở một cuộc tấn công quy mô lên hàng loạt tỉnh phía bắc Trung Quốc, giống như chiến dịch Bắc Kinh đang tiến hành ở Việt Nam hay sử dụng phương thức đổ bộ đường không nhanh chóng đổ quân xuống vùng đồng bằng tuyết phủ của Tân Cương và khu vực Mãn Châu – trung tâm công nghiệp nặng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, kịch bản này có thể xảy ra trong trường hợp đáp trả tương đương, nếu Trung Quốc tiến quân xuống vùng đồng bằng của Việt Nam, uy hiếp đến Hà Nội, Hải Phòng hoặc tiếp tục tăng quân, mở rộng quy mô chiến tranh hay sử dụng đến các lực lượng không quân, hải quân.
Kịch bản thứ ba: Quân đội Liên Xô sử dụng hàng loạt cuộc giao tranh nhỏ gây ra sự căng thẳng dọc tuyến biên giới giữa hai nước; đồng thời hỗ trợ các phần tử dân tộc thiểu số vũ trang đang lưu vong quay về tấn công vào các tiền đồn Trung Quốc ở Tân Cương (Xinjiang) và Nội Mông (Inner Mongolia). Hoạt động này có thể sẽ gây bất ổn kéo dài đối với khu vực biên giới Trung Quốc, khiến Trung Quốc liên tục phải đối phó với tình hình căng thẳng trên toàn tuyến biên giới.
Đây là phương án dễ xảy ra, nếu Trung Quốc tiếp tục cuộc chiến tranh tiêu hao trên toàn tuyến biên giới Việt Nam hoặc có ý định chiếm giữ lâu dài các khu vực mà quân đội nước này mới cướp đoạt được của Việt Nam.
Ngoài ra, cũng có thể là Liên Xô sẽ kết hợp tất cả các phương án này khiến Trung Quốc đứng trước những đòn tấn công quân sự rất nguy hiểm, không chỉ trong thời gian trước mắt mà cả lâu dài về sau.
Mặc dù giới chuyên gia quân sự đã đưa ra những nhận định về các phương án mà Liên Xô có thể sử dụng để giáng đòn vào Trung Quốc, nhưng họ cũng cho rằng, khả năng xung đột quân sự trực tiếp giữa Moscow và Bắc Kinh là rất thấp.
Vì sao khó xảy ra xung đột quân sự Xô-Trung?
Tờ thời báo “The Times” đã dẫn phân tích của các chuyên gia nhận định, nếu quân đội Việt Nam đủ khả năng kháng cự và vẫn giữ vững mặt trận thì Liên Xô sẽ chỉ tiến hành cuộc chiến tranh trên mặt trận ngoại giao, tăng cường viện trợ cho Việt Nam và chuẩn bị tâm thế “sẵn sàng can thiệp”.
Quân Trung Quốc tràn sang lãnh thổ Việt Nam tháng 2/1979
Tớ báo này cho rằng, Liên Xô sẽ tham chiến giúp đỡ Việt Nam khi và chỉ khi Trung Quốc tiếp tục leo thang chiến tranh, tấn công xuống đồng bằng, ví dụ như uy hiếp Hà Nội và Hải Phòng, hoặc đồn trú lâu dài trên những vùng đất chiếm được hoặc sử dụng đến các lực lượng chiến lược như máy bay ném bom, tên lửa đạn đạo hay đe dọa sử dụng bom nguyên tử…
Trong tình huống đó để thể hiện sự kiên quyết và sức mạnh trước toàn thế giới, giữ lời cam kết với đồng minh, Liên Xô sẽ tham gia giải quyết xung đột.
Tuy nhiên, những phân tích này chỉ đơn thuần là những vấn đề mang tính tình huống phát sinh trong chiến tranh, còn trên thực tế, có nhiều vấn đề ở trên tầm đại cục, có ảnh hưởng lớn hơn đối với cả Việt Nam và trên tầm thế giới khiến chiến tranh Xô-Trung khó có thể xảy ra.
Thứ nhất là: Liên Xô tôn trọng tinh thần tự cường của dân tộc Việt Nam
Mặc dù không có một tuyên bố chính thức nào đưa ra, nhưng có thể tin rằng: Việt Nam sẽ không nhờ Liên Xô đánh Trung Quốc, bởi trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, quân dân Việt Nam chưa bao giờ “nhờ” bất cứ nước nào đánh đuổi giặc ngoại xâm thay mình.
Truyền thống độc lập, tự cường là bản chất, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, đã giúp dân tộc ta tự đứng vững trước những cuộc xâm lược và âm mưu đồng hóa của các thế lực bành trướng, xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng đã có nhiều lời đề nghị cử quân sang giúp đỡ nhưng Việt Nam đều lịch sự từ chối, bất chấp việc chúng ta phải liên tiếp tiến hành 2 cuộc chiến tranh khốc liệt với 2 đế quốc mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ là Pháp và Mỹ.
Tinh thần tự tôn, độc lập của Việt Nam là một yếu tố quan trọng khiến Liên Xô không can thiệp quân sự ở cấp độ cao.
Trên thực tế, máu của những người anh em Liên Xô cũng đã đổ trên đất Việt Nam khi vào hồi tháng 3/1979, chiếc máy bay của hàng không Việt Nam An-24 chở đoàn cố vấn quân sự Liên Xô đã gặp phải sự cố khi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, khiến 6 phi công, chuyên gia huấn luyện và Thiếu tướng không quân Malyh hy sinh.
Trên thực tế, sức mạnh quân sự mà Liên Xô đã triển khai trên toàn tuyến biên giới với Trung Quốc đã khiến những cái đầu nóng phải đắn đo cân nhắc, khiến nhà cầm quyền quyền Bắc Kinh vội vã rút hết quân khỏi lãnh thổ nước ta, thậm chí còn không dám điều chuyển bất cứ đơn vị nào từ nội địa lên biên giới Xô-Trung vì sợ Liên Xô “hiểu nhầm là hành động khiêu khích”.
Một phân đội xe tăng quân đội Liên Xô tham gia cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử vào năm 1979
Thứ hai: Liên Xô tin vào khả năng thực chiến của Việt Nam
Một vấn đề rất quan trọng là Liên Xô rất tin tưởng khả năng của quân đội Việt Nam đối phó với một cuộc chiến tranh thông thường, kể cả với một kẻ địch mạnh như Trung Quốc.
Những kinh nghiệm tác chiến mà Việt Nam có được từ 2 cuộc chiến tranh với 2 cường quốc lớn nhất thế giới là Pháp và Mỹ, cùng với sự thiện chiến của bộ đội, dân quân, du kích Việt Nam là cơ sở để cả ta và bạn vững tin vào chiến thắng.
Bởi vậy, những luận điểm phê phán tính thực chất của Hiệp định hợp tác hữu nghị Việt-Xô chỉ là sự ngụy biện, nhằm li gián tình hữu nghị giữa 2 nước anh em, hoặc là chưa hiểu hết về truyền thống tự cường của con người Việt Nam.
Sự ủng hộ về cả vật chất lẫn tinh thần quý báu của Liên Xô và khối Xã hội Chủ nghĩa là sự động viên lớn lao đối với Việt Nam, là động lực để quân và dân ta giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung.
(Còn nữa)