Wednesday, December 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiải mã thông điệp cứng rắn của Anh về biển Đông

Giải mã thông điệp cứng rắn của Anh về biển Đông

Các cường quốc phương Tây cần chuẩn bị để bảo vệ lợi ích của họ bằng sức mạnh quân sự, trong khi Anh đã chuẩn bị phái tàu sân bay mới tới biển Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson vừa tuyên bố.

HMS Queen Elizabeth, tàu sân bay duy nhất của Hải quân Hoàng gia Anh

Phát biểu tại Royal United Services, một tổ chức nghiên cứu ở London, ông Williamson nói các đồng minh phương Tây cần chuẩn bị để “sử dụng sức mạnh cứng bảo vệ các lợi ích của chúng ta”, và việc thất bại trong can dự chống lại những cường quốc nước ngoài gây hấn “khiến chúng ta có nguy cơ bị xem là con hổ giấy”.

Ông xác nhận rằng HMS Queen Elizabeth, tàu sân bay duy nhất của Hải quân Hoàng gia Anh đang hoạt động, đang được triển khai tới  biển Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang có một số tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi ở biển Đông, một phần của Thái Bình Dương.

Ông nói con tàu sân bay, vốn sẽ trở thành hạt nhân của hải quân Anh khi nó được biên chế vào năm 2020, sẽ tham gia các nhiệm vụ cùng với các tiêm kích tàng hình F-35 của cả Mỹ lẫn Anh, và thêm rằng Anh cần tăng cường “khả năng hủy diệt” của quân đội.

Thông điệp đầy cứng rắn của ông Williamson xuất hiện khi hải quân Mỹ đang đẩy mạnh các hoạt động ở biển Đông. Hôm thứ Hai, hai tàu khu trục USS Spruance và USS Preble đã “triển khai các chiến dịch tự do hàng hải trên biển Đông” bằng chuyến đi vào vùng 12 hải lý của quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết hai tàu Mỹ đã vào gần đá Vành Khăn. Cấu trúc này đã bị Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo quy mô lớn, có các hoạt động quân sự tại đây.

Hoạt động của tàu chiến Mỹ lập tức dẫn đến phản ứng dữ dội từ phía Trung Quốc. Bộ Ngoại giao nước này nói Mỹ cần ngay lập tức chấm dứt “các hành vi gây hấn”, “xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”.

Vương Nghĩa Ngôi, giáo sư quan hệ quốc tế của đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, nói các hoạt động của Anh sẽ khác Mỹ, cho dù Anh là đồng minh chủ chốt của Mỹ,bởi Anh có vai trò riêng.

Ông Vương nói các nhận xét của bộ trưởng Williamson có thể hơn một hành động giữ thể diện khi nước Anh đang vật lộn với các vấn đề tương lai, đặc biệt là chuyện ra khỏi EU. Ông Vương nói thêm rằng với tư cách từng là đế chế toàn cầu, Anh có các thuộc địa cũ và các lợi ích cũ, ảnh hưởng ở khu vực.

“Động cơ chính của các chính trị gia Anh là cứu rỗi sự tự tin vốn đã bị hủy hoại về tiền đồ của quốc gia hậu Brexit… vốn gây ra tình trạng bất trắc lớn. Họ đang muốn chứng tỏ sức mạnh”, ông nói với SCMP.

Anh nhiều lần nói ý định tăng cường hoạt động ở các vùng biển châu Á và đã thực hiện nhiều hoạt động chung với Mỹ. Hồi tháng 1 vừa qua, khinh hạm HMS Argyll đã cùng khu trục hạm Mỹ USS McCampbell tập trận và có một số hoạt động khác ở biển Đông.

Việc này diễn ra ngay sau khi tàu USS McCampbell hoàn tất một “hoạt động tự do hàng hải” gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc cưỡng chiếm và kiểm soát.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Hải quân Anh tiến hành hoạt động tự do hàng hải đầu tiên khi phái đi tàu đổ bộ vận tải HMS Albion tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa.

Bốn tháng sau đó, bộ trưởng Quốc phòng Williamson thông báo kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại khu vực, có thể ở Singapore hay Brunei, và Anh sẽ hiện diện thường xuyên hơn ở Tây Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới