Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington mới đây cho biết Trung Quốc đã điều trái phép nhiều tàu tới khu vực giữa bãi đá Subi và đảo Thị Tứ, ít nhất kể từ tháng 7 năm 2018 nhằm “đáp trả nỗ lực ban đầu của Philippines về việc sửa chữa đường băng” trên đảo Thị Tứ (5/2018). Theo AMTI, Trung Quốc đã triển khai một đội tàu lớn từ đá Subi, chỉ cách Thị Tứ hơn 12 hải lý về phía Tây Nam. Hạm đội này bao gồm một số tàu của quân đội Trung Quốc và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG), cùng với hàng chục tàu cá có kích cỡ từ 30 đến 70 mét. Số tàu cá trên đều thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc, được trang bị hệ thống vô hiệu hóa các máy thu phát tự động (AIS) nhằm che giấu các hoạt động phi pháp của họ.
Đảo Thị Tứ của Việt Nam đang bị Philippines chiếm đóng trái phép
Đảo Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đảo này xếp thứ hai trong quần đảo về mặt diện tích, cao 3,6 m với diện tích khoảng 32 ha và được bao bọc bởi thềm san hô rộng. Trên đảo có nhiều cây dừa và cỏ dại.
Việt Nam là nước phát hiện và quản lý đảo Thị Tứ một cách hòa bình và lâu dài. Trong đó có một số dấu mốc nổi bật như: Ngày 21 tháng 12 năm 1933, Thống đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer ký nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Bà Rịa, trong đó có đảo Thị Tứ. Đầu thập niên 1960, các tàu hải quân của Việt Nam Cộng hoà thường ghé thăm đảo Thị Tứ, cụ thể năm 1961 là tàu HQ-02 Vạn Kiếp và HQ-06 Vân Đồn, năm 1963 là ba tàu gồm HQ-404 Hương Giang, HQ-01 Chi Lăng và HQ-09 Kì Hoà. Đáng chú ý, quân đội Việt Nam cũng đã dựng bia chủ quyền trên đảo Thị Tứ vào ngày 22 tháng 5 năm 1963.
Vào thời kỳ 1970-1971, Philippines lợi dụng tình hình chính tranh ở Việt Nam đang diễn ra căng thẳng, đã cử quân đội xâm chiếm 6 đảo, đá của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Song Tử Đông, đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta, đảo Bến Lạc (Đảo Dừa) và 3 đảo nữa. Trong những đảo Philipines chiếm phi pháp, Thị Tứ là đảo lớn thứ nhì, Bến Lạc (Đảo Dừa) là đảo lớn thứ ba, Song Tử Đông là đảo lớn thứ năm ở quần đảo Trường Sa. Ngay sau khi chiếm đóng trái phép của Việt Nam, Philippines đã cho xây dựng phi pháp 1 đường băng dài 1.260 m vào năm 1975 với khả năng tiếp nhận các máy bay lớn nhưng đã xuống cấp. Ngoài ra, Philippines cũng thiết lập trái phép một số cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ như căn cứ hải quân, bến tàu, trung tâm y tế, trường học và một tháp thông tin di động. Năm 2002, chính quyền Philippines lại có hành động phi pháp khi đưa dân ra đảo trong khuôn khổ một chương trình tái định cư.
Trước các hành động phi pháp của Philippines, Việt Nam liên tục đưa ra các tuyên bố phản đối, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Thị Tứ nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung, đồng thời yêu cầu Philippines chấm dứt các hành động phi pháp, hoàn trả đảo Thị Tứ lại cho Việt Nam.
Philippines có nhiều tuyên bố, hành động phi pháp, vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông:
Thứ nhất, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (6/4/2018) cho biết đã ra lệnh Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) đóng quân và cắm cờ trên tất cả các đảo đang chiếm đóng ở Biển Đông, trong đó có đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cùng ngày, ông Duterte thông báo kế hoạch sẽ thăm đảo Thị Tứ vào Ngày Quốc khánh Philippines (12/6/2018) nhằm củng bố tuyên bố “chủ quyền” của Philippines đối với khu vực này. Tuy nhiên, ông Duterte đã không “thực hiện được ước mơ” cùa mình vì lo ngại bị các nước phản đối.
Thứ hai, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (4/2) cho biết Manila đặt mục tiêu hoàn thành một đoạn đường dốc trên đảo Thị Tứ “trong đầu năm 2019”. Theo AMTI đoạn đường này “sẽ tạo điều kiện cho việc cung cấp thiết bị và vật liệu xây dựng cho hòn đảo để phục vụ hoạt động nâng cấp theo kế hoạch”, đặc biệt là đường băng đổ nát của nó. Trước đó, ông Delfin Lorenzana cho biết, Tổng thống Duterte đã chấp thuận nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Thị Tứ (xây một đường băng, một cảng và một bến tàu cho tàu thuyền trên đảo Thị Tứ) cùng 8 thực thể khác mà Philippines đang kiểm soát ở Biển Đông; nhấn mạnh Philippines sẽ xây dựng một số cơ sở hạ tầng trên các đảo như doanh trại dành cho nam giới, hệ thống cung cấp nước (đã được khử muối) và xử lý nước thải, máy phát điện, hải đăng, nhà tạm trú cho ngư dân. Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (3/2017) yêu cầu sửa chữa các cơ sở hạ tầng tại đảo Pag-asa, trong đó ưu tiên hàng đầu là sửa chữa đường băng trên đảo. Nghị sĩ Philippines Johnny Pimentel cũng cho biết Philippines sẽ chi 450 triệu peso (khoảng 9 triệu USD) để xây dựng cảng biển trên đảo Thị Tứ; đồng thời kêu gọi Chính phủ khởi động lại việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông, xây dựng một trạm nghiên cứu và tìm cách cung cấp nguồn điện tái tạo trên đảo.
Thứ ba, tháng 7/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Philippines Eduardo Ano ra thăm phi pháp đảo Thị Tứ. Trước đó, cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Philippines Gregorio Pio Catapang cùng một số quan chức quân đội và nhà báo (11/5/2015) đến thăm đảo Thị Tứ nhằm củng cố tuyên bố “chủ quyền” của Philippines và cam kết sẽ bảo vệ lãnh thổ, đồng thời sẽ hỗ trợ phát triển du lịch và khai thách tài nguyên biển tại đây.
Thứ tư, một nhóm thanh niên Kalayaan Atin Ito gồm 50 thành viên (26/12/2015) đã đến đảo Thị nhằm phản đối yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, chính giới, chuyên gia, học giả Philippines tìm cách bao biện cho kế hoạch cải tạo trái phép đảo Thị Tứ của Việt Nam. Họ ngang nhiên cho rằng việc Philippines cải tạo đảo Thị Tứ nhằm “cải thiện đời sống người dân trên đảo”. Ông Eugenio bito-onon, cựu Thị trưởng thành phố Kalayaan (đô thị nhỏ nhất của Philippines ở quần đảo Trường Sa), cho biết cảng biển này được thiết kế nhằm giúp đảo Thị Tứ dễ tiếp cận hơn đối với khoảng 200 cư dân (chủ yếu là ngư dân) và khoảng 50 binh sĩ luân phiên sống trên đảo. Ngoài ra, xây dựng cảng biển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân Philippines, thậm chí là du khách nước ngoài đến thăm đảo Thị Tứ.