Đá Vành Khăn là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 57 hải lý (105,6 km) về phía Đông và cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lý (94,5 km) về phía Nam. Thời gian qua, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng cải tạo, quân sự hoá đá Vành Khăn, Mỹ đã nhiều lần đưa tàu và máy bay tuần tra hàng hải (FONOPS) xung quanh đá này.
Đá Vành Khăn và tàu chiến Mỹ trong hoạt động FONOPS. Nguồn: CNN
Từ hoạt động bồi đắp, quân sự hoá của TQ tại đá Vành Khăn
Trung Quốc cưỡng chiếm và kiểm soát đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam)từ tháng 2/1995. Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu cho công bố hình ảnh về bản quy hoạch trái phép bãi đá Vành Khăn sau khi Trung Quốc hoàn thành bồi đắp phi pháp tại bãi đá này. Theo đó, bãi đá Vành Khăn có tổng diện tích quy hoạch vào khoảng 9,53 km2, tổng diện tích xây dựng khoảng 6,29 km2, nhân khẩu dự kiến khoảng 70.000 người, riêng thường trú vào khoảng 50.000 người, nhân khẩu lưu động khoảng 20.000 người. Sau khi hoàn thành bồi lắp, Trung Quốc toan tính sẽ xây dựng một loạt các dự án trọng điểm như khu thương mại, sòng bạc, khu vui chơi, dự án du lịch… Trong chiến lược của Trung Quốc, bãi đá này sẽ là khu vực có vị trí quan trọng về quân sự và đồng thời là trung tâm cảng biển.
Trên thực tế, thời gian qua, Trung Quốc đã bắt đầu huy động lực lượng lớn tàu thuyền, thiết bị ra đá Vành Khăn để tiến hành bồi đắp, mở rộng đá này. Năm 2015, Trung Quốc bắt xây một đường băng trên đá này và đến tháng 7/2016 thì hoàn thành với chiều dài 2.644m, rộng 55m. Trung Quốc còn xây dựng một ngọn hải đăng, hệ thống kho bãi, các mái che radar, tháp truyền tín hiệu viễn thông, cảng vận chuyển quy mô lớn. Ngay sau khi có hạ tầng, Trung Quốc đã cho máy bay thử nghiệm máy bay CE- 680 cất/hạ cánh trên đường băng của bãi đá Vành Khăn. Không ngừng lại, đến tháng 5/2018, Trung Quốc tiếp tục đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đến đá Vành Khăn. Điều này đã gây ra những hệ lụy đe dọa nghiêm trọng an ninh, hòa bình khu vực. Cùng với hệ thống tên lửa, Trung Quốc đã triển khai hệ thống radar trái phép trên đá Vành Khăn, nhằm tăng cường sự nguy hiểm cho mạng lưới phòng thủ của Trung Quốc. Tháng 10/2018, Trung Quốc lại ngang nhiên công khai việc khánh thành các trạm khí tượng tại đá này. Trung Quốc cho rằng mục đích của trạm này là đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông, phục vụ cho việc quan sát khí quyển và mặt đất cơ bản, thiết bị đo chỉ số ô nhiễm không khí, cùng các radar thời tiết, được dùng để theo dõi các chỉ số khí tượng thủy văn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam và vùng biển xung quanh khu vực này, đồng thời cung cấp dữ liệu khí tượng chuẩn xác hơn cho tàu thuyền hoạt động ở khu vực lân cận. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đang sử dụng chúng cho mục đích quân sự.
Đến hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ
Tính từ năm 2018 đến nay, Mỹ đã tiến hành ít nhất 4 lần tuần tra tự do hàng hải vào sát khu vực 12 hải lý của bãi đá Vành Khăn. (i) Hôm 24/3/2018, Hải quân Mỹ cử tàu khu trục USS Mustin tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giới chức Mỹ tuyên bố “các lực lượng của Mỹ hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một cách thường xuyên, trong đó có Biển Đông. Mọi chiến dịch đều được thực hiện đúng với luật pháp quốc tế, thể hiện quyết tâm của Mỹ hoạt động tại vùng trời, vùng biển và bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Điều này được áp dụng với Biển Đông và nhiều nơi khác trên thế giới”. (ii) Hôm 30/9/2018, Mỹ điều tàu khu trục hạm Decatur mang tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh đá Gaven và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hãng Reuters lúc đó nhận định đây là nỗ lực mới của Mỹ, khi Washington đang xem nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh là sự hạn chế quyền tự do hàng hải trên vùng biển chiến lược đang có sự hoạt động tất bật của hải quân Trung Quốc, Nhật Bản và của các nước Đông Nam Á. (iii) Tháng 01/2019, Hải quân Mỹ cử tàu khu trục USS Mustin tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần đá Vành Khăn.(iv)Trong khuôn khổ chiến dịch tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải, hôm 11/02/2019, hai tàu khu trục hạm có gắn tên lửa hành trình là USS Spruance và USS Preble của Mỹ đi qua vùng 12 hải lý của bãi đá Vành Khăn. Bắc Kinh ngay lập tức lên tiếng phản đối. Chiến dịch hải quân này của Mỹ diễn ra trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn đang bế tắc, trong lúc kỳ hạn cuối cùng là ngày 01/03 cho cuộc thương lượng đang đến gần.
Lập trường, phản ứng của Việt Nam và các nước khu vực
Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nước đã nhiều lần phản đối hoạt động cải tạo, bồi đắp và quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam khẳng định “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Các hành động của Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.
Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam là trái pháp luật và xây dựng công trình nhân tạo trên đó lại càng trái pháp luật nữa. Luật quốc tế cũng không thừa nhận việc mở rộng chủ quyền bằng việc tôn tạo đất, đá, cát, sỏi để lấn, để mở chủ quyền của mình trên biển. Thứ ba, hành vi này hoàn toàn vi phạm điều 5, khoản 5 của DOC mà Trung Quốc và ASEAN đã ký năm 2002. Việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam còn vi phạm DOC, cản trở tiến trình xây dựng COC đang được Trung Quốc và ASEAN bàn thảo. Cụ thể, theo cam kết tại DOC, các bên tham gia ký kết đồng ý thực hiện việc kiềm chế các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Đồng thời, các hành động đó của Trung Quốc cũng gây lo ngại cho các quốc gia trong khối ASEAN về một Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế, làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.
Về hoạt động đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ và các nước, với tư cách là quốc gia thành viên Công ước liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.