Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnSợ phản bội, Kim Jong Un thay đổi thành phần đoàn ngoại...

Sợ phản bội, Kim Jong Un thay đổi thành phần đoàn ngoại giao tới Việt Nam

Nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu của Triều Tiên sẽ không được tháp tùng lãnh đạo Kim Jong Un trong đoàn đàm phán ngoại giao của Bắc Hàn tham dự thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Việt Nam, vì bị nghi ngờ làm gián điệp, các quan chức và chuyên gia Hàn Quốc tiết lộ thông tin, theo Reuters.

Ông Kim đã thay thế nhiều nhà ngoại giao và quan chức hàng đầu ở Triều Tiên, những người đã từng phục vụ cha và ông nội của ông bằng những cố vấn mới trẻ hơn trong đoàn ngoại giao để thảo luận với phái đoàn Mỹ do Tổng thống Trump dẫn đầu tại Việt Nam vào tuần tới.

Trong số những thay đổi nhân sự quan trọng nhất, ông Kim đã chỉ định ông Kim Hyok Chol, người ít được truyền thông biết đến, dẫn đầu các cuộc đàm phán ở cấp độ thi hành với đặc phái viên hạt nhân Hoa Kỳ Stephen Biegun.

Ông Chol nguyên là một cựu đại sứ tại Tây Ban Nha, trở về nước năm 2017 sau khi Triều Tiên thực hiện một loạt các vụ thử vũ khí hạt nhân. Sau đó ông Chol được phân công làm việc tại Ủy ban Quốc vụ, cơ quan quan trọng bậc nhất của chính quyền Triều Tiên do đích thân ông Kim Jong Un trực tiếp lãnh đạo, một quan chức Hàn Quốc cho biết.

Ông Kim cũng đã thay thế Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui, người từng hộ tống ông trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore vào tháng 6/2018.

“Đây là một trò chơi của những người nắm giữ những vị trí quan trọng và nhiều nhà ngoại giao đang bị lãng quên, họ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các phe phái và câu hỏi về việc họ có còn giữ được sự trung thành đối với ý thức hệ hay không khi họ đã từng công tác ở những nước tư bản giàu có hơn”, một quan chức Hàn Quốc đề nghị giấu tên nói.

“Kim Hyok Chol cũng là một người có thành tích trong công tác ngoại giao, nhưng rõ ràng ông ta đã vượt qua bài kiểm tra về lòng trung thành để trở thành nhân vật quan trọng trong các cuộc đàm phán [với Mỹ tới đây]”.

Hình ảnh ông Kim Hyok Chol (phải), người sẽ tháp tùng ông Kim Jong Un trong thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tuần tới, được cho là đang quá cảnh tại sân bay quốc tế Bắc Kinh trên đường tới thủ đô Hà Nội của Việt Nam, bức ảnh này do Kyodo chụp ngày 19/2/2019.

Cáo buộc gián điệp

Sự thăng tiến của ông Kim Hyok Chol, người được cho là mới khoảng gần 50 tuổi, có liên quan một phần tới sự kiện phó đại sứ Triều Tiên tại Anh, Thae Yong Ho, đào thoát sang Hàn Quốc vào năm 2016 và sự mất tích gần đây của ông Jo Song Gil, một nhà ngoại giao cấp cao ở Ý, vị quan chức Hàn Quốc nói.

Thêm vào đó là sự ngờ vực của Kim Jong Un đối với nhà ngoại giao kỳ cựu Han Song Ryol, thứ trưởng ngoại giao phụ trách quan hệ với Hoa Kỳ cho đến đầu năm ngoái, đã bị thanh trừng về tội làm gián điệp cho Washington, hai nguồn tin có hiểu biết về tình hình Triều Tiên nói với Reuters.

Han là một trong những nhà ngoại giao Triều Tiên nổi tiếng và được kính trọng ở Hoa Kỳ, đã nhiều năm phụ trách lĩnh vực được gọi với tên “Kênh New York”, giữ vai trò là đầu mối liên lạc giữa Bình Nhưỡng và Washington, trước khi ông này được triệu hồi về nước năm 2013.

Sau đó người dân Triều Tiên không còn được nghe và nhìn thấy ông Han trong năm qua, truyền thông nhà nước nhắc đến ông Han lần cuối cùng vào tháng 2/2018, theo Reuters.

Một nguồn tin ngoại giao tại Seoul, dựa trên nguồn tin từ Triều Tiên, nói với Reuters rằng ông Han đã bị thanh trừng vào năm ngoái sau khi bị buộc tội làm gián điệp cho Mỹ và tham nhũng.

Michael Madden, một chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, người thường xuyên liên hệ với các nguồn tin ở Bắc Hàn, thông tin, có hai người nói rằng ông Han phải đối mặt với “cáo buộc gián điệp”, và đã mất tích vào tháng Bảy năm ngoái.

Ông Thae, cựu phó đại sứ Triều Tiên tại Anh đào thoát sang Hàn, cũng nhận định ông Han đã bị thanh trừng, điều đó có nghĩa là ông này có khả năng đã bị đưa đến một trại lao động để cải tạo hoặc có thể đã bị xử tử.

Tờ báo Hàn Quốc Chosun Ilbo đưa tin vào tháng trước, trích dẫn một nguồn tin giấu tên, nói rằng ông Han đã bị đưa đến một trại lao động sau khi trình lên một đề xuất về kế hoạch đàm phán hạt nhân với Mỹ không đúng với chủ trương của Đảng Lao động Triều Tiên.

“Có những vấn đề liên quan tới tài chính, nhưng vấn đề lớn nhất là ông ấy bị cáo buộc làm gián điệp. Nhiều nhà ngoại giao khác, đặc biệt là những người gần gũi với ông Han, cũng đã bị điều tra”, một nguồn tin giấu tên của Reuters nói.

Ông Han không còn được nhìn thấy từ tháng 2 năm ngoái. (Ảnh: AP)

Thanh trừng

Trong một báo cáo năm 2017 dựa trên các cuộc phỏng vấn với 20 người Triều Tiên đào thoát, Trung tâm Chiến lược Bắc Triều Tiên, nơi tập hợp một nhóm trí thức Triều Tiên đào thoát tới Seoul, cho hay, có hơn 70 quan chức Bắc Hàn đã bị xử tử kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền vào cuối năm 2011.

Ông Thae nói rằng, ít nhất 10 nhà ngoại giao đã bị giết dưới thời Kim, và được thay thế bởi các trợ lý trẻ và những người trung thành nhất. Nhiều nhà ngoại giao và quan chức khác đã không còn được trọng dụng.

Trong một bài đăng trên Facebook vào tuần trước, Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên xác nhận ông Kwon Jong Gun là giám đốc mới của cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên phụ trách vấn đề Bắc Mỹ, một thông tin vẫn để trống kể từ khi ông Choe trở thành thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bắc Hàn.

Lãnh đạo của ông Choe, Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho, cựu đặc phái viên hạt nhân của Kim Jong Un, chưa bao giờ có cơ hội được thể hiện đúng vai trò của mình trong mối quan hệ với Mỹ khi Chủ tịch Kim luôn đặt sự tín nhiệm đối với ông Kim Yong Chol, một cựu chuyên gia trong các vấn đề liên Triều, trong việc liên lạc với chính quyền Trump.

RELATED ARTICLES

Tin mới