Các quyết định đơn phương của chính quyền Tổng thống Donald Trump được nhận định là một trong những lý do dẫn đến quan hệ rạn nứt giữa châu Âu và Mỹ hiện nay.
Xung đột về chiến lược giữa châu Âu và Mỹ ngày càng thể hiện rõ nét, trong đó các quyết định đơn phương của chính quyền Tổng thống Donald Trump được nhận định là một trong những lý do dẫn đến quan hệ rạn nứt giữa châu Âu và Mỹ hiện nay.
Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA
Tháng 7/2015, Kế hoạch hành động chung toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran (JCPOA) được Iran và nhóm P5+1 (gồm 06 cường quốc Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga) ký kết.
Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý thu hẹp chương trình hạt nhân và chịu sự kiểm soát của quốc tế để đổi lấy việc cộng đồng quốc tế xóa bỏ phần lớn lệnh trừng phạt áp đặt với quốc gia này.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận nói trên với cáo buộc rằng Iran sắp sửa có được những vũ khí nguy hiểm nhất thế giới.
Một lý do quen thuộc nữa ngay từ thời tranh cử, ông Donald Trump đã cho rằng JCPOA vô tác dụng và chỉ làm cho Iran có lợi.
Ngay lập tức, các nhà lãnh đạo của châu Âu đã lên tiếng chỉ trích quyết định trên của Tổng thống Hoa Kỳ, bởi họ cho rằng châu Âu, Trung Đông và thế giới có thể lại rơi vào vòng xoáy nguy hiểm mới khi dồn một nước có tiềm lực vũ khí hạt nhân vào chân tường.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres cũng nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran là thành tựu lớn về mặt ngoại giao và không phổ biến hạt nhân, góp phần đảm bảo an ninh, hòa bình khu vực và quốc tế.
Thực tế, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có hiệu lực vào tháng 8/2018 thì Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU đã chỉ thị các công ty châu Âu không cần tuân theo yêu cầu của Washington về việc chấm dứt giao dịch với Iran. [1]
Trước khi phát động cuộc chiến kinh tế chống lại Tehran, Tổng thống Donald Trump đã khiến EU xa lánh mình khi từ chối miễn thuế thép và nhôm mà ông đã áp đặt lên các nước khác vào tháng 3/2018.
Ông Donald Trump lập luận, việc làm trên nhằm bảo vệ an ninh quốc gia cho Mỹ, nhưng Liên minh châu Âu lại nghĩ khác. Họ cho rằng khối EU là đồng minh của Mỹ nên không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump thường xuyên chỉ trích NATO
Trong những ngày diễn ra phiên họp thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2018, Donald Trump được cho là đã nói với các quan chức an ninh Mỹ rằng, ông không nhận thấy giá trị của liên minh quân sự và cho rằng NATO đang làm tiêu hao tiền bạc của Mỹ.
Tại thời điểm đó, ông Donald Trump gây sức ép để buộc các đồng minh gia tăng chi phí quân sự. Tổng thống Hoa Kỳ đã ám chỉ rằng: “Nhiều nước nợ Mỹ số tiền khổng lồ trong nhiều năm trở lại đây, họ không trả đúng hạn và Mỹ phải trả cho họ”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) cho rằng nước Mỹ sẽ không có đồng minh nào tốt hơn châu Âu” (Ảnh: CNBC) |
Hiện nay, các nước thành viên NATO đóng góp ngân sách theo một công thức được nhất trí tương ứng với GDP của nước đó.
Mỹ đóng góp 22,14% vào ngân sách này; Đức 14,65%, Pháp 10,63% và Anh 9,84%. Ngoài ra còn có các đóng góp gián tiếp cho NATO. [2]
Tất cả những đóng góp này đều liên quan đến mức đóng góp tự nguyện trang thiết bị và nhân lực của từng nước thành viên cho một hoạt động quân sự nhất định, trong đó hoạt động được biết đến nhiều nhất là cuộc chiến ở Afghanistan do Mỹ dẫn dắt sau vụ khủng bố 11/9.
Trong hơn 65 năm, NATO đóng vai trò trụ cột đảm bảo an ninh cho khu vực châu Âu từ sau Thế chiến thứ hai.
Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, Tổng thống Trump đã phá vỡ sự gắn kết của phương Tây và liên tục nghi ngờ giá trị của liên minh.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thậm chí phải lên tiếng kêu gọi Mỹ tôn trọng đồng minh sau khi ông chủ Nhà Trắng nhiều lần buông lời chỉ trích nặng nề.
“Tổng thống Trump thân mến, nước Mỹ sẽ không có đồng minh nào tốt hơn châu Âu”, ông Tusk cảnh báo. [3]
Mỹ rút khỏi INF
Một chủ đề nữa cũng làm cho quan hệ giữa Mỹ và châu Âu có chiều hướng xấu đi, đó là việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Mỹ tuyên bố ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ INF với Nga từ ngày 2/2/2019 để phản đối việc Moskva triển khai các tên lửa 9M729. Cùng ngày, Nga đáp trả bằng quyết định tương tự.
Mặc dù hai bên vẫn còn sáu tháng để cứu vãn hiệp ước này nếu như tìm lại được tiếng nói chung. Với việc Nga và Mỹ luôn cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF, có thể thấy thỏa thuận được coi là hòn đá tảng để bảo đảm an ninh châu Âu như INF đã mất tác dụng khi lòng tin chiến lược giữa các bên bị suy giảm. [4]
Trong bối cảnh tương lai của INF chưa chắc chắn, các nước thành viên NATO đang ráo riết thảo luận về những biện pháp có thể thực hiện nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước nguy cơ chạy đua vũ trang mới.
Tổng thư ký NATO, Stoltenberg cảnh báo châu Âu cần chuẩn bị cho “một tương lai không có INF nhưng lại có thêm tên lửa”. [5]
Từ các vấn đề trên cho thấy quan điểm của Mỹ và châu Âu đang có khoảng cách khá xa và cách tiếp cận của Washington trong những vấn đề này đang bị đánh giá có thể gây tổn hại tới an ninh châu Âu.