Đại sứ Phạm Quang Vinh (Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam) là nhà ngoại giao rất am hiểu chính trị Mỹ. Ông vừa kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Hoa kỳ năm 2018. Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra ở Hà Nội, báo Điện tử Trí thức trẻ đã có một cuộc trò chuyện với ông, về những lý do dẫn đến việc Hà Nội trở thành lựa chọn cho cuộc gặp này, cũng như kỳ vọng về những kết quả mà hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều có thể cùng nhau đạt được.
Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, chỉ còn vài ngày nữa, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều sẽ diễn ra ở Hà Nội. Là một nhà ngoại giao, lại vừa hoàn thành nhiệm kỳ Đại sứ ở Mỹ, am hiểu về chính trị Mỹ, ông nhìn nhận đâu là lý do mà Việt nam trở thành nơi được cả Mỹ và Triều Tiên lựa chọn, sau cuộc gặp đầu tiên ở Singapore cách đây 8 tháng?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi nghĩ như thế này, về cuộc gặp cấp cao Mỹ- Triều, trước khi đạt được các thỏa thuận về việc gặp nhau, gặp ở đâu và gặp vào lúc nào, thì đều cần có sự trao đổi và bàn bạc của các bên trực tiếp liên quan. Trước đó, cả Mỹ và Triều Tiên đều đã cân nhắc về nhiều địa điểm, không chỉ ở Việt Nam mà còn một số nước xung quanh châu Á.
Trước khi có thông báo chính thức vào ngày 5/2 khi Mỹ tuyên bố lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh, thì dư luận trong khu vực và trên thế giới đều đồng thuận và rất tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là lựa chọn phù hợp, và là nơi có thể tạo dựng môi trường thuận lợi nhất, xây dựng nhất cho quá trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.
Dù lý do cho sự lựa chọn của Mỹ và Triều Tiên có thể khác nhau ở một số điểm, nhưng chắc chắn khi cả hai nước đều thống nhất lựa chọn Việt Nam thì tức là cả hai bên đều có sự tin cậy đối với Việt Nam.
Tin cậy ở đây được thể hiện trước hết là Việt Nam có quan hệ tốt với cả hai bên. Việt Nam đã trở thành đối tác toàn diện với Mỹ từ năm 2013 đến giờ, đồng thời, quan hệ của Việt Nam với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng vô cùng tốt. Năm ngoái, Ngoại trưởng Triều Tiên đã sang thăm Việt Nam. Năm nay, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã tới Bình Nhưỡng. Ngoài quan hệ song phương, Triều Tiên tin cậy Việt Nam trong các vấn đề khu vực. Nên cả Mỹ và Triều Tiên đều nhận thấy khả năng Việt Nam có thể tổ chức tốt Hội nghị Thượng đỉnh này, bao gồm các yếu tố tổ chức, hậu cần, anh ninh và nhiều vấn đề liên quan.. Mà trong câu chuyện ngoại giao, tổ chức hậu cần, an ninh cũng mang hàm ý về chính trị đối ngoại.
Cuối cùng thì cũng có thể tuỳ thuộc vào cách nhìn của Mỹ và Triều Tiên, nhưng có lẽ họ thấy những điều diễn ra trong lịch sử ngoại giao Việt Nam và Mỹ có thể là một bài học tốt, là những kinh nghiệm có thể chia sẻ được, đặc biệt là trong câu chuyện xử lý quá khứ có chiến tranh, xử lý hậu quả của chiến tranh, rồi hoà giải, gác lại quá khứ hướng tới tương lai, phát triển quan hệ.
Cần phải nhắc lại rằng, giống như tình trạng quan hệ của Triều Tiên và Mỹ hiện giờ, mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ cũng từng trải qua một giai đoạn dài thăng trầm. Hành trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù Việt – Mỹ, tiến tới trở thành đối tác chiến lược, có thể trở thành cảm hứng, trở thành động lực cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ – Triều mà hai nước này đã nỗ lực trong thời gian qua.
Riêng về lập trường với vấn đề bán đảo Triều Tiên, thì Việt Nam là nước có có lập trường nhất quán. Việt Nam ủng hộ hoà bình, phi hạt nhân hoá ở bán đảo này và việc tiến tới xây dựng khu vực hoà bình, ổn định và phát triển thịnh vượng. Thứ hai là chúng ta tôn trọng những quyết định và quy định của Liên hợp quốc có liên quan đến câu chuyện này. Thứ ba là chúng ta luôn ủng hộ phương thức đối thoại, nỗ lực hoà bình ngoại giao để giải quyết vấn đề.
Có lẽ tổng hợp tất cả những điều này để các bên nhìn nhận rằng Việt Nam là một đối tác tin cậy, và có thể có những đóng góp có trách nhiệm vào sự thành công của Hội nghị.
Cách đây 2 tuần, khi đề cập đến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều sẽ diễn ra ở Việt Nam vào ngày 27-28/2, ông Robert Palladino, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói rằng: “Lịch sử quan hệ Mỹ Việt phản ánh khả năng tạo dựng hoà bình và thịnh vượng. Chúng ta đã vượt qua xung đột để hướng tới hợp tác và thịnh vượng như ngày hôm nay”. Liệu đó có phải là thông điệp mà Mỹ muốn gửi gắm cho Triều Tiên trong cuộc họp lần này hay không?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Để biết chính xác thì có lẽ phải hỏi họ. Nhưng nếu đọc với tư cách là người nhận nội dung đó thì tôi thấy rõ đây là thông điệp mong muốn hoà giải và hơn cả là sự kỳ vọng hai bên có thể giải quyết những bất đồng, bỏ qua quá khứ, hướng tới tương lai.
Kinh nghiệm giải quyết những vấn đề trong quá khứ của Việt Nam với Hoa Kỳ là thực sự không dễ dàng, khi cả hai nước vừa là cựu thù sau một cuộc chiến tranh dài, vừa khác biệt nhau về ý thức hệ, nên sự hiểu biết và lòng tin là chưa có. Nếu chúng ta nhớ lại thời điểm sau năm 1975, thì đó là cả một chặng đường dài cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, khi mà tới tận năm 1994, chúng ta mới đươc dỡ bỏ rào cản kinh tế, tới 1995 chúng ta mới thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao thì còn một chặng đường dài đến năm 2013, Việt Nam và Mỹ mới trở thành đối tác toàn diện.
Trên thực tế, cả Việt Nam và Mỹ đã cùng nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh. Nếu chúng ta nhớ lại chương trình khắc phục bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam, chương trình POW và MIA, thì chúng ta mới thấy đó là một quá trình vừa cần có sự nhạy cảm chính trị, lại vừa nhân đạo và cũng rất khó khăn. Nhưng khi làm được, thì điều đó xoá dần nỗi đau chiến tranh, trở thành cầu nối và sự hàn gắn cho mối quan hệ giữa hai nước.
Bài học về cách giải quyết , xóa bỏ hận thù giữa Việt Nam và Mỹ, hàn gắn những vết thương chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam có lẽ sẽ áp dụng được ở chừng mực nào đó cho câu chuyện bình thường hóa quan hệ Mỹ – Triều Tiên mà hai nước đang hướng tới.
Người Mỹ hy vọng rằng, Triều Tiên và Mỹ cũng sẽ có thể làm được điều mà Việt Nam và Mỹ đã làm cách đây nhiều năm trước.
Lúc đầu, báo chí phương Tây dự đoán Hội nghị sẽ diễn ra ở Đà Nẵng, nhưng kết quả cuối cùng nó lại diễn ra tại Hà Nội. Ông có nghĩ là có sự thay đổi ở đây, và nếu có thì vì sao? Theo nhiều nhà phân tích, Hà Nội là địa điểm mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mong muốn. Vậy thì đây có phải là sự nhượng bộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Chủ tịch Kim Jong Un, là thiện chí mà Mỹ dành cho Triều Tiên?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi nhớ ngày 5/2 khi đọc thông điệp liên bang, TT Donald Trump mới chính thức thông báo là lựa chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị vào 27-28/2. Khi đó tôi hiểu rằng chưa có một sự quyết định nào về địa điểm cả. Tất cả đều đang được cân nhắc trên bàn đàm phán giữa các bên. Sau đó vài ngày, thì Hà Nội trở thành nơi được lựa chọn. Có lẽ vì Hà Nội là môi trường tạo sự tin cậy và chia sẻ nhất với cả hai nước Mỹ và Triều Tiên.
Nó cũng thể hiện sự năng động và sắc sảo của ngoại giao Việt Nam khi chứng minh rằng mình sẵn sàng đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề khu vực.
Vừa rồi, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh có nói rằng là chỉ trong vòng hai tuần sau khi chúng ta nhận được thông tin một cách chính thức mà chúng ta đã gần như hoàn tất tất cả các khâu chuẩn bị cho một sự kiện lớn như thế này. Tôi nói ví dụ, chỉ riêng báo chí trong nước và quốc tế đã gần 3.000 người, chưa kể việc đảm bảo về an ninh, về hậu cần và các vấn đề chính trị, đối ngoại khác.
Đấy là một nỗ lực không hề nhỏ của nước chủ nhà Việt Nam.
Các nhà phân tích bình luận trên thế giới đều nói bản thân Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un đều phải chịu nhiều sức épkhi đến Hội nghị Thượng đỉnh lần này. Vì sau Hội nghị tại Singapore vào tháng 6/2018 thì suốt một thời gian dài từ đó cho đến giờ, vẫn chưa có tiến triển trong mối quan hệ Mỹ – Triều, nhất là trong bối cảnh ông Donald Trump phải chịu nhiều áp lực trong nước. Những sức ép này sẽ ảnh hưởng thế nào đến kết quả Hội nghị?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu nói 8 tháng qua không có gì tiến triển trong mối quan hệ Mỹ – Triều là không đúng, dù có thể có những diễn biến thuận nghịch khác nhau, nhưng có lẽ cái thuận trong việc duy trì đối ngoại và ngoại giao là đáng kể hơn. Mà với hai nước có mối quan hệ đóng băng lâu dài như Mỹ và Triều Tiên trong suốt nhiều năm trời, thì mọi bước tiến, dù là nhỏ, tôi cho cũng là đáng kể và đáng ghi nhận về sự nỗ lực ở cả hai phía.
Ví dụ chưa có một cuộc thử hạt nhân nào ở Triều Tiên sau Hội nghị ở Singapore. Trong thông điệp đầu năm của Chủ tịch Kim Jong Un vừa rồi, ông có nói sẵn sàng hợp tác cam kết về giải pháp tổng thể cho vấn đề phi hạt nhân hoá ở bán đảo Triều Tiên. Động thái trao trả hài cốt cho Mỹ cũng là một sự thiện chí của Triều Tiên.
Chính phủ Mỹ cũng thừa nhận họ muốn đóng góp và coi đây là cơ hội đóng góp vì hoà bình, vì sự phát triển của Triều Tiên và bán đảo này dẫu biết rằng giữa hai bên còn rất nhiều nghi kị và khác biệt. Một bên muốn đảm bảo an ninh, một bên muốn chấm dứt chiến tranh, muốn bỏ hết cấm vận, tôn trọng thể chế của mình. Một bên thì muốn bỏ hết những chương trình hạt nhân. Nhưng Tổng thống Trump trong phiên họp tại Đại hội đồng LHQ cách đây vài tháng đã có hàm ý về việc Hội nghị Thượng đỉnh lần này sẽ sớm diễn ra, và các kênh đối thoại với Triều Tiên vẫn đang được tiến hành.
Những vấn đề ở bán đảo Triều Tiên đã tồn tại nhiều thập kỷ nên không phải một sớm một chiều là giải quyết hết được, nhưng đồng thời nếu chúng ta nhìn lại vào 8 tháng qua và thấy những thành quả đạt được trong tiến trình đối thoại ngoại giao không bị xói mòn – dù chưa có nghĩa thực chất thật sự lớn, trong khi những vấn đề cũ không bị làm căng lên, thì tôi luôn kỳ vọng vào những cơ hội mà cả hai bên có thể đat được trong tương lai nếu như cả Mỹ và Triều Tiên thực sự trân trọng cơ hội này.
Vậy theo ông, với cả những sự trân trọng cũng như thận trọng vốn có của cả hai quốc gia đã có tới 70 năm nằm trong mối quan hệ có tình trạng cực kỳ xấu, thì Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội lần này, mục tiêu mà hai nước đặt ra sẽ là gì?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Mục tiêu tối thiểu là sẽ phải có những kết quả nhất định trong từng khía cạnh của vấn đề mà hai bên bên quan tâm, còn cái nào thực hiện được nhiều hơn, cái nào được ít hơn còn tùy thuộc vào quá trình đàm phán. Thứ hai, cuộc gặp này cũng sẽ tạo đà cho các nỗ lực ngoại giao tiếp theo, khẳng định con đường ngoại giao vẫn được lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì để hướng tới giải pháp lâu dài. Thứ ba, tôi hy vọng rằng với sự chuẩn bị và kỳ vọng của các bên thì sẽ có được Tuyên bố Hà Nội.
Nếu không đạt được những điều mà ông vừa nói thì Hội nghị Thượng đỉnh này có bị coi là thất bại không?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chúng ta không nên võ đoán một điều gì cả.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, trên bàn đàm phán lần này, sẽ phải có những vấn đề được hai nước đi đến cân nhắc và quyết đinh, vàkhả năng có một tuyên bố lớn được đưa ra trong Hội nghị Thượng đỉnh lần này là rất cao.
Về phía Mỹ có thể là đề xuất mở cửa văn phòng liên lạc giữa hai bên, nối lại việc viện trợ nhân đạo và tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Về phía Triều Tiên, họ có thể sẽ phải cân nhắc về việc phá dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyun ở tỉnh Bắc Pyongan, cho phép cộng đồng quốc tế tới thanh sát, giải trừ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đương nhiên những việc này không chỉ do Mỹ và Triều Tiên có thể quyết định, mà còn phải phụ thuộc vào nhiều nước liên quan.
Cửa ải lớn nhất là làm rõ các bước phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và các bước đi tương ứng của Mỹ, đặc biệt là việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt được Triều Tiên liên tục yêu cầu thời gian qua.
Nhưng quan trọng hơn cả, là dù có hay không những điều trên, thì giữ được đối thoại này để xử lý các vấn đề kéo hài hàng chục năm để xử lý bằng phương pháp ngoại giao cũng là điều tối quan trọng.
Một số chuyên gia mà chúng tôi tiếp xúc trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều lần I diễn ra đã không dám đặt nhiều hy vọng vào việc tiến trình hòa bình, thống nhất ở bán đảo Triều Tiên cũng như mối quan hệ Mỹ – Triều sẽ sớm có bước tiến.
Nhưng trong một năm qua, quan hệ hai miền Triều Tiên, quan hệ Mỹ – Triều đã có những bước tiến đáng ngạc nhiên. Là nhà ngoại giao đã có một nhiệm kỳ ở Mỹ, có sự am hiểu chính trị Mỹ và am hiểu tổng thống Donald Trump, ông có nghĩ rằng cá tính đặc biệt của Tổng thống Donald Trump là chất xúc tác quan trọng cho những thay đổi đặc biệt trong các vấn đề ở bán đảo Triều Tiên một năm qua?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi xin lấy lại một câu mà bất cứ nhà ngoại giao chuyên nghiệp nào, kể cả của Mỹ cũng sẽ nói là: ” I don’t respond to assumption”. Lịch sử sự kiện đã diễn ra thì chấp nhận nó, không có giả định nào cả. Nếu cứ đứng nhìn 5 -7 thập kỷ trôi qua mà không có sự thay đổi nào, chắc ai cũng sẽ tự hỏi, liệu vấn đề ở bán đảo Triều Tiên bao giờ mới kết thúc?
Nhưng nhiều người không biết rằng 5 – 7 thập kỷ đó dù căng thẳng nhưng họ vẫn tiếp xúc với nhau. Cả Hoa Kỳ, Triều Tiên và Hàn Quốc đã phải có sự hiểu nhau nhất định trong những thập kỷ đã qua. Cho đến một lúc họ thấy rằng đã có thể song trùng để đi tới đàm phán. Đấy là cốt lõi của vấn đề. Nếu không có thành quả của quá trình này, không có sự tương tác giữa các nước liên quan và cả tương tác trong khu vực, thì rất khó để một người nào đó có thể thay đổi được lịch sử chỉ trong ngày một, ngày hai.
Tất nhiên, tôi không đánh giá thấp vai trò của những cá nhân trong những quyết định lịch sử khác nhau ở những thời điểm lịch sử khác nhau. Chúng ta nói đến Tổng thống Donald Trump cho những tín hiệu lạc quan thời gian qua, nhưng cũng đừng quên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng phải vượt qua những khó khăn ở trong bản thân nước mình, nhìn nhận lợi ích của nước mình như nào để có quyết định như thế. Cũng không thể phủ nhận vai trò của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi nhìn nhận lợi ích của quốc gia dân tộc, quyết định đi những bước đi rất đột phá trong quan hệ hai miền.
Dĩ nhiên ở Hội nghị Thượng đỉnh này, Việt Nam chỉ là nước chủ nhà, Mỹ và Triều Tiên mới là nhân vật chính, nhưng nếu nói về những cái mà Việt Nam sẽ có được, lợi ích quốc gia của Việt Nam trong cuộc gặp này, ông cho đó có thể là gì?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Cái không đo đếm được bằng vật chất là cái lớn nhất. Đó là sự tin cậy của cộng đồng quốc tế, là sự khẳng định vị thế của đất nước. Chắc chưa bao giờ mà thông tin về Việt Nam lại nhiều như những ngày vừa qua, trên tất cả các kênh truyền thông lớn và ở tất cả các châu lục.
Cộng đồng quốc tế sẽ tin rằng Việt Nam có thể đóng góp xây dựng trong vấn đề đấy, có đủ điều kiện kể cả về chính trị đối ngoại, tức là có những quan hệ, có những lập trường, có những chính sách đối ngoại lẫn cơ sở vật chất hậu cần để đảm bảo an ninh cho cuộc gặp ấy. Kết quả Hội nghị là do các bên liên quan, nhưng việc Việt Nam tạo được môi trường mà hai bên rất khác biệt và đối nghịch trên nhiều vấn đề tới gặp nhau để hướng tới được một cái xây dựng hơn, thì hình ảnh của chúng ta sẽ đi lên.
Từng có thời, Việt Nam chìm trong chiến tranh, bị cô lập, cấm vận… Nhưng ngày hôm nay, Việt Nam là lựa chọn của một Hội nghị Thượng đỉnh hướng tới hòa bình. Là một nhà ngoại giao, ông có cảm xúc thế nào về sự thay đổi này?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu bạn là người làm trong ngành Ngoại giao như chúng tôi, thì chắc bạn sẽ có chung cảm giác này, đó là sự hạnh phúc và tự hào khi Việt Nam đã rất khác, đã đổi mới, đã phát triển, đã hội nhập và có vị thế trên bản đồ quốc tế.
Liệu có khi nào Mỹ sẽ khuyến khích Triều Tiên theo đuổi mô hình kinh tế của Việt Nam, là vừa theo đuổi kinh tế thị trường và vừa đảm bảo giữ nguyên thể chế của mình?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trong nhiều cuộc trao đổi giữa Việt Nam và Triều Tiên, thì Triều Tiên cũng rất mong muốn Việt Nam chia sẻ về kinh nghiệm phát triển kinh tế ra sao. Về phía Mỹ, họ cũng đề cập đến vấn đề này, nên cũng có thể coi như một sự gợi ý đối với Triều Tiên. Bản thân hai nước Việt Nam và Triều Tiên có rất nhiều điểm giống nhau, từ chiến tranh, đến hai miền chia cắt, đến việc phải nỗ lực theo đuổi bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Việt Nam đã thành công với cách làm của mình. Nên nếu Triều Tiên muốn có sự chia sẻ, thì tôi tin phía các nhà lãnh đạo đất nước ta sẽ luôn sẵn sàng cho việc đó.
Nhưng chúng ta không thể nói trước điều gì.Tham khảo thì chắc chắn Triều Tiên có tham khảo, còn lựa chọn như thế nào đó là quyết định của mỗi quốc gia. Mỗi nước có một đặc thù rất khác nhau. Việc lựa chọn con đường phát triển nào không chỉ là sự lựa chọn của một thời điểm, mà còn là sự bổ sung, cập nhật và đổi mới cho phù hợp với nội tình đất nước cũng như quan hệ bên ngoài.
Theo ông, kịch bản nào khả dĩ nhất sẽ có thể diễn ra cho cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều sắp tới?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Ngoài việc có một cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều, tôi mong đợi và cho là cần phải có một Tuyên bố Hà Nội, để tái khẳng định lại những gì đã thoả thuận, trong đó có một số vấn đề cam kết về hạt nhân, bảo đảm hoà bình lâu dài và an ninh. Rồi nâng quan hệ hai bên lên tầm cao mới, giải quyết vấn đề hậu quả chiến tranh, và hướng tới phát triển thịnh vượng, cộng với đương nhiên là phi hạt nhân hoá.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!