Bản tin Biển Đông ngày 26/02/2019.
Tàu Mỹ đi qua eo biển Đài Loan bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc
Theo tin từ Reuters ngày 25/1, Navy Times ngày 26/2, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Stethem và tàu vận tải Cesar Chavez của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan. Hoạt động của hai tàu này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng Đài Loan sẽ coi đây là dấu hiệu chính quyền Trump ủng hộ bán đảo này trong bối cảnh xích mích ngày càng tăng giữa Đài Loan và Trung Quốc. Theo thông báo từ Hạm đội 7 của Mỹ, việc hai tàu đi qua eo biển Đài Loan là “phù hợp với luật pháp quốc tế”, thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Sỹ quan của Hạm đội 7 một lần nữa nhắc lại, “Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép”.
Chuyên gia cảnh báo các tranh thiết bị của Trung Quốc ở Biển Đông có thể giám sát không phận Philippines
Ngày 22/2, trang GMA News đưa tin, theo Jay Batongbacal, giáo sư trường Đại học Philippines, Giám đốc Viện Luật Biển và các vấn đề Hàng hải, các căn cứ Trung Quốc xây dựng trên các cấu trúc ở Biển Đông như trạm radar, đường băng, nhà chứa máy bay quân sự, bệ phóng tên lửa chống hạm và tên lửa đối không, có khả năng giúp Trung Quốc kiểm soát không phận của Philippines. Các thiết bị này cũng cho phép Trung Quốc có thể kiểm soát các tuyến hàng hải, thương mại đi qua Biển Đông. Ông Batongbacal nói thêm, “ai cũng biết rằng những khu vực này, đặc biệt là Trường Sa, đều là khu vực tranh chấp. Nhưng họ hành động như thể không có tranh chấp, họ tiếp tục xây dựng và quân sự hóa khu vực. Điều này khiến cho việc giải quyết tranh chấp trở nên khó khăn hơn”. Giáo sư Richard Heydarian, chuyên gia phân tích chính trị kêu gọi Chính phủ Philippines làm rõ với Trung Quốc rằng Manila không chấp nhận hoạt động xây dựng của Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành hoạt động xây dựng ở Biển Đông, do vậy, Philippines vẫn còn thời gian để hành động. Giáo sư Heydarian khẳng định “chúng ta phải nói rõ rằng chúng ta sẽ không tha thứ cho bất cứ tuyên bố nào của Trung Quốc về thiết lập vùng nhận dạng phòng không hay các mối đe dọa trực tiếp đến tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
Nghị sỹ Philippines lo ngại Trung Quốc dùng tiền để can thiệp nội bộ Philippines
Ngày 25/2, hãng ABS-CBN đưa tin, phát biểu ngày 24/2, Nghị sỹ đảng Magdalo của Philippines Gary Alejano cho rằng phát biểu, Bắc Kinh đang tìm cách gần gũi Manila sau khi có được Tổng thống Rodrigo Duterte là đồng minh. Ông cảnh báo Trung Quốc có thể dùng tiền để can thiệp vào cuộc bầu cử của Philippines, và họ đã làm như vậy trước năm 2016. Ông Alejano cho biết, ứng cử viên tiềm năng cho chức tổng thống là con gái ông Duterte, Thị trưởng thành phố Davao Sara Duterte-Carpio, rất có thể sẽ nhận được hậu thuẫn từ Trung Quốc.
Nghị sỹ Alejano đã nhiều lần chỉ trích chính sách Biển Đông của Tổng thống Duterte, cho rằng sự thân cận của Tổng thống với Trung Quốc đã đánh đổi lợi ích của Philippines ở Biển Đông. Nghị sỹ Alejano cho biết, ông và các cộng sự trong nhóm đối lập Otso Diretso đang hy vọng sẽ giành chiến thắng tại Thượng viện để làm thất bại các chính sách của Tổng thống đang gây bất lợi cho người dân Philippines.
Mỹ không thể làm gián đoạn tiến triển trong quan hệ Philippines – Trung Quốc
Ngày 24/2, Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết cho rằng Mỹ không thể làm gián đoạn tiến triển trong quan hệ Philippines – Trung Quốc. Bài viết nhận định, trong bối cảnh sự năng động khu vực thay đổi, Mỹ có ít đối trọng đối với Philippines và khu vực. Trong khi Mỹ thổi phồng “mối đe dọa Trung Quốc” ở Biển Đông, các nước trong khu vực, đặc biệt là Philippines, đã nhận ra rằng Washington đang thổi bùng ngọn lửa hơn là bảo đảm tự do hàng hải như họ vẫn rêu rao. Với mối quan hệ Trung Quốc – Philippines đang phát triển mạnh mẽ, Mỹ sẽ thấy rằng họ có rất ít cơ hội để làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc. Mỹ có thể dùng các mánh khóe cũ để khuấy động Biển Đông, nhưng khi Trung Quốc thúc đẩy quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Mỹ sẽ không có vai trò mấy trong quan hệ giữa Trung Quốc, Philippines và khu vực. Trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 11/2018, hai bên đã ký 29 thỏa thuận, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển chung về dầu khí ở Biển Đông, mở ra giai đoạn giảm căng thẳng giữa hai nước tại vùng biển này. Hai bên cũng đang thảo luận về một thỏa thuận nghề cá. Các hoạt động hợp tác này đem lại lợi ích cho cả Trung Quốc và Philippines để thắt chặt mối quan hệ. Nếu điều này tiến triển tốt đẹp, đây sẽ là mô hình cho hợp tác khu vực và Mỹ khó có thể can thiệp vào các nước mà chỉ muốn phát triển chứ không muốn cạnh tranh. Bài viết kết luận, hợp tác giữa Trung Quốc và Đông Nam Á là hợp tác toàn diện và sẽ không bị thay đổi bởi sự can thiệp của Mỹ.