Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSự điều chỉnh chiến lược an ninh - quốc phòng của Nhật...

Sự điều chỉnh chiến lược an ninh – quốc phòng của Nhật Bản nhằm ngăn chặn các mối đe dọa an ninh từ TQ

An ninh – quốc phòng là lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia dù trong bất cứ thời đại nào. Đối với Nhật Bản, vấn đề an ninh – quốc phòng có nhiều khác biệt so với những quốc gia khác. Để đảm bảo an ninh, chủ quyền và lợi ích của mình, nhất là đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc, Nhật Bản đã có nhiều bước điều chỉnh chiến lược An ninh – quốc phòng mang tính thiết thực và phù hợp với bối cảnh hiện tại hơn.

Tàu khu trục Izumo của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản

Muời năm sau Chiến tranh Lạnh kết thúc, môi truờng an ninh thế giới không hề có dấu hiệu ổn định mà càng trở nên phức tạp hơn. Đông Bắc Á vẫn là khu vực nóng bỏng khi Bắc Triều Tiên còn đeo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, Trung Quốc thì tham vọng bành truớng. Theo quan điểm của Chính phủ Nhật Bản, việc Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo, phổ biến loại vũ khí giết người hàng loạt (WMD), tăng cuờng các cuộc tập trận, chính là nhân tố đe dọa sự ổn định khu vực và an ninh quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc không ngừng hiện đại hóa lực luợng hạt nhân chiến luợc và tên lửa đạn đạo, phát triển hải quân và không quân, bành truớng mặt biển, trở thành nhân tố tác động chính yếu đến an ninh toàn bộ khu vực. Tình hình trên khiến Nhật Bản quan ngại sâu sắc và tác động mạnh mẽ đến việc hình thành chính sách an ninh – quốc phòng của nuớc này trong kỷ nguyên mới.

Bên cạnh những nhân tố gây bất ổn cho an ninh khu vực và thế giới nêu trên, Nhật Bản còn chú ý đến các nhân tố an ninh đuợc coi là “phi truyền thống” như cướp biển, tội phạm quốc tế, bệnh dịch, thiên tai…

Trong bối cảnh quốc tế ngày càng trở nên phức tạp hơn ở thập niên đầu thế kỷ XXI, Nhật Bản cho rằng nền an ninh của mình càng dễ bị tổn thương, vì nền an ninh này bị hạn chế sâu sắc ở tầm chiến lược; các yếu tố khác như bờ biển dài với vô số đảo nhỏ, mật độ dân số cao, sự tập trung lớn dân cư và công nghiệp ở đô thị, những cơ sở quan trọng đối với an ninh – quốc phòng lại chủ yếu nằm ở khu vực duyên hải, thiên tai núi lửa, việc đảm bảo liên thông một số tuyến hàng hải quốc tế liên quan đến sự sống còn của nền kinh tế, là những yếu tố góp phần xác định mục tiêu và phương thức an ninh – quốc phòng mới của Nhật Bản trong thập niên đầu thế kỷ mới.

Trong “ Những Nguyên tắc Chỉ đạo Chương trình Quốc phòng , Tài khóa 2005” được thông qua bởi Hội đồng An ninh thuộc Nội các Nhật Bản, ngày 10/12/2004, thì mục tiêu chính sách an ninh giai đoạn mới của nuớc này là: “Mục tiêu đầu tiên của chính sách an ninh của Nhật Bản là ngăn ngừa bất kỳ sự đe dọa nào hướng đến Nhật Bản, thậm chí trong trường hợp xảy ra , thì đẩy lùi và giảm thiểu tối đa mọi thiệt hại do hiểm họa này gây ra. Mục tiêu thứ hai là cải thiện môi trường an ninh quốc tế để giảm bớt những tình huống mà một sự đe dọa nào đó hướng đến Nhật Bản trước tiên”.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Nhật Bản tiếp tục ủng hộ các nỗ lực gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế của Liên Hợp quốc, mở rộng quan hệ hợp tác với những nước khác, thắt chặt quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, đảm bảo ổn định chính trị trong nước. Những phương châm này phù hợp với ba phương thức an ninh – quốc phòng mới của Nhật Bản. (1) Thứ nhất, An ninh dựa trên nỗ lực của quốc gia. Phương thức này được diễn giải như là sự “nâng cấp” Quan Điểm Lực lượng phòng thủ căn bản (KibantekiBoueiryoku Kousou – Basic Defense Forse Concept) có từ thời chiến tranh Lạnh. Nó phát biểu rằng SDF chỉ làm nhiệm vụ phòng vệ đất nước, phát triển đến khả năng đẩy lui được các cuộc tấn công xâm lược hạn chế – có quy mô nhỏ. Nhưng đến nay môi trường an ninh quốc tế đã thay đổi sâu sắc, quan điểm an ninh trên cần được bổ sung để phản ánh sự thay đổi của tình hình an ninh thế giới. Phương thức an ninh dựa trên nỗ lực quốc gia liên quan đến phương hướng phát triển SDF theo hướng quốc phòng tinh nhuệ, đa chức năng; và liên quan đến việc tăng cường hệ thống an ninh – quốc phòng trong cả nước. (2) Thứ hai, an ninh dựa trên hợp tác với đối tác đồng minh. Đây là hướng tiếp cận an ninh thứ hai của Nhật Bản, dựa trên cơ sở Hiệp ước an ninh Nhật Mỹ. Theo quan điểm của chính phủ Nhật Bản, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á – Thái Bình dương có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoà bình và ổn định khu vực, và đối với vùng ngoại biên Nhật Bản. Vì cam kết không sở hữu, phổ biến, triển khai vũ khí hạt nhân, nên nước này vẫn nhận được sự bảo hộ an ninh hạt nhân từ Mỹ. Hơn nữa, Nhật Bản đang phát triển chương trình quốc phòng bằng hệ thống tên lửa đạn đạo do Mỹ giúp đỡ. (3) Thứ ba, an ninh dựa trên hợp tác với cộng đồng quốc tế. Đây là hướng tiếp cận an ninh mới của Nhật Bản, bởi trước đây, vấn đề hợp tác an ninh vói cộng đồng quốc tế thực sự chưa đóng vai trò đáng kể nào trong chính sách an ninh – quốc phòng của nước này. Tuy nhiên trong môi trường an ninh quốc tế hiện nay, những hoạt động ngoại giao và thoả thuận hợp tác giữa các chính phủ để đối phó với những vấn đề an ninh phi truyền thống lại rất cần thiết. Hợp tác an ninh với vộng đồng quốc tế – theo nhận thức của Nhật Bản – còn góp phần giải quyết các xung đột khu vực, sự phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, sự tấn công của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Con đường hàng hải từ Trung đông qua Đông Á vô cùng quan trọng đối với kinh tế Nhật Bản mà nước này cần đảm bảo an ninh thông suốt.

Với phương thức an ninh này, Nhật Bản tiếp tục ủng hộ các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp quốc, tham gia vào khuôn khổ các an ninh đa phương, như Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF), nỗ lực tham gia phòng chống cướp biển, tấn công khủng bố hay hoạt động cứu trợ nhân đạo. Trên thực tế, rõ ràng chính sách an ninh – quốc phòng mới này của Nhật Bản đã thực sự giã từ mục tiêu “phòng thủ tự vệ” mà chuyển sang “phản ứng răn đe” từ vùng ngoại biên; nó không còn những mục tiêu quốc phòng đơn thuần mà đã mang các mục tiêu chính trị cụ thể, là can dự tích cực vào những công việc quốc tế, nâng cao vị thế của Nhật Bản.

Nhật Bản đang chuyển mạnh từ mục tiêu chống trả các cuộc tấn công bằng đổ bộ lớn, sang mục tiêu phản ứng nhanh với các cuộc tấn công quân sự bất ngờ quy mô nhỏ. Vì thế, các đơn vị trang bị vũ khí hạng nặng sẽ được tinh giản và sắp xếp lại hợp lý hơn, thay vào đó là tăng cường các đơn vị bộ binh phản ứng nhanh, cơ động, lực lượng tinh nhuệ. Hải quân Nhật sẽ chuyển hướng từ mục tiêu tác chiến chống tàu ngầm sang mục tiêu tác chiến bảo vệ các đảo từ ngoài khơi, phòng thủ chống tên lửa đạn đạo và tuần tiễu đối phó với các cuộc xâm nhập trái phép của các tàu vũ trang lạ. Không quân Nhật vẫn thực hiện nhiệm vụ vận chuyển khép kín bằng đường không vòng quanh lãnh thổ, đương đầu với các cuộc không kích ở cường độ lớn nhất. Còn quốc phòng bằng tên lửa đạn đạo của Nhật Bản là chương trình đang triển khai với sự hợp tác của Mỹ. Chương trình này liên kết một số đơn vị thuộc hải quân (khu trục hạm Aegis) , đơn vị tên lửa Patriot đất đối không, hệ thống căn cứ phòng không mặt đất, hệ thống báo động sớm và kiểm soát không trung (không quân). Mục tiêu của chương trình này không chỉ phòng thủ mà là tấn công các căn cứ tên lửa đạn đạo của đối phương, khi cần thiết.

Đứng trước những thay đổi căn bản của cục diện thế giới, sự cạnh tranh sức mạnh của các cường quốc tại châu Á – Thái Bình Dương, trong những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản đang đưa ra những thay đổi có tính chất bước ngoặt trong chiến lược quốc phòng-an ninh của mình. Xây dựng một nền quốc phòng mạnh, tự chủ về kỹ thuật quân sự sẽ là một trong những mục tiêu lớn của Nhật Bản trong những năm tới…

Theo tờ Mainichi, Chính phủ Nhật Bản và Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) mới đây đã thông qua Kế hoạch Phòng vệ trung hạn giai đoạn 2019-2023 và Đại cương Kế hoạch phòng vệ với dự kiến chi 27,4 nghìn tỷ yên (243 tỷ USD) dành cho ngân sách quốc phòng 5 năm tới, con số cao nhất từ trước tới nay. Riêng năm tài khóa 2019, chính phủ đã phê chuẩn ngân sách quốc phòng kỷ lục trị giá 5,26 nghìn tỷ yên (48 tỷ USD), trong đó chú trọng nâng cấp khu trục hạm, mua thêm máy bay chiến đấu tàng hình và tên lửa để đối phó các thách thức an ninh khu vực.

Lý giải về điều này, Nhật Bản cho rằng môi trường an ninh khu vực và xung quanh nước này đang thay đổi nhanh chóng, với những diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó nổi lên các hoạt động gia tăng quân sự của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, biển Nhật Bản, Biển Đông, cũng như gia tăng tần suất tiến ra Thái Bình Dương, gây ra những quan ngại lớn về an ninh đối với khu vực, thế giới và Nhật Bản. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đánh giá Triều Tiên đang nỗ lực thu nhỏ đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa đạn đạo và chưa có thay đổi thực chất trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Trước những quan ngại nói trên cũng như muốn tăng cường khả năng bảo vệ các đảo ở Thái Bình Dương, Nhật Bản có kế hoạch hoán cải, nâng cấp hai khu trục hạm lớp Izumo trong vòng 5 năm tới để loại tàu này có thể vận chuyển và là nơi cất cánh của các máy bay chiến đấu. Bên cạnh đó, Nhật Bản dự định đầu tư 176 tỷ yên chi phí ban đầu cho hai hệ thống radar phòng không Aegis Ashore đặt trên mặt đất do Mỹ sản xuất, có khả năng theo dõi và khóa mục tiêu các tên lửa đạn đạo trên không, với mục tiêu đưa hệ thống phòng không này vào hoạt động trong năm 2023.

Theo Đại cương Kế hoạch phòng vệ, Nhật Bản cũng quyết định mua thêm 105 máy bay chiến đấu thế hệ mới F-35, trong đó 42 tiêm kích là mẫu F-35B, giá khoảng 115 triệu USD/chiếc, có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Với việc chi hàng tỷ USD mua thêm F-35, Nhật Bản đã vượt Anh, trở thành quốc gia sở hữu lượng tiêm kích F-35 nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Ngoài các hình thái tác chiến truyền thống, Nhật Bản cũng lần đầu tiên xác định tác chiến trên mạng máy tính, không gian vũ trụ và sóng điện từ là những hình thái mới cần tập trung phát triển để xây dựng sức mạnh phòng vệ tổng hợp nhằm đối phó hiệu quả với sự thay đổi của môi trường an ninh quốc tế.

Cụ thể, Nhật Bản sẽ nâng cấp đơn vị tác chiến mạng, thành lập một đơn vị mới có nhiệm vụ giám sát không gian vũ trụ để ngăn chặn các mảnh rác vũ trụ gây nguy hiểm cho hệ thống vệ tinh nhân tạo hoặc ngăn chặn hệ thống chỉ huy tác chiến sử dụng hệ thống định vị vệ tinh của đối phương. Nhật Bản sẽ nghiên cứu áp dụng kỹ thuật cao, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, củng cố ngành công nghiệp quốc phòng và bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Đáng chú ý, Nhật Bản (15/5/2018) cũng đã phê chuẩn một chính sách mới về đại dương, nêu bật mối quan tâm của Nhật Bản về vấn đề an ninh trên biển. Trọng tâm mới này đã đi ngược lại với chính sách trước đây. Chính sách về đại dương trước đây của Nhật Bản tập trung chủ yếu vào phát triển tài nguyên biển. Lý do cho sự thay đổi trong chính sách mới là các đe dọa từ việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo và các hoạt động của tàu Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku mà Nhật kiểm soát nhưng Trung Quốc nói thuộc sở hữu của họ với tên gọi Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Trong cuộc họp với Ủy ban Chính phủ về chính sách biển mới đây, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định: “Trong bối cảnh tình hình trên biển ngày càng nghiêm trọng, chính phủ sẽ nỗ lực trong việc bảo vệ cả lãnh hải quốc gia và lợi ích trên biển”. Kể từ khi được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2008, chính sách đại dương của Nhật Bản đã được xem xét lại mỗi 5 năm. Nội dung của chính sách đại dương lần thứ ba này dự trù sẽ được phản ánh trong hướng dẫn xây dựng lực lượng phòng vệ của Nhật vốn sẽ được điều chỉnh vào tháng 12 năm nay. Bản chính sách này chỉ ra rằng tình hình an ninh trên biển đối với Nhật “nhiều khả năng sẽ xấu đi nếu không có biện pháp ứng phó”.

Chính sách mới về đại dương của Nhật Bản nhấn mạnh cần thiết phải có sự hợp tác giữa lực lượng tuần dương và cơ quan quản lý đánh bắt cá của Nhật để tăng cường khả năng ứng phó trước các hoạt động của Triều Tiên cũng như việc đánh bắt trái phép của tàu cá các nước khác. Để đảm bảo an toàn cho các tuyến hải lộ, chính sách mới này cũng quy định chính phủ sẽ thúc đẩy “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do” mà ông Abe ủng hộ để duy trì và củng cố trật tự trong khu vực dựa trên pháp trị. 4 nước và cũng là các cường quốc về kinh tế, quân sự đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ.

Vùng biển này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tới an ninh và thương mại thế giới trong thế kỷ XXI bởi nhiều lý do, trong đó đặc biệt là kinh tế, quân sự và chính trị quốc tế. Tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương đóng vai trò quan trọng cho dòng chảy dầu mỏ, khí đốt, và hàng hóa trên thế giới. Đây cũng là nơi có 2 eo biển quan trọng nhất với tuyến vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông tới Đông Á. Do vậy, trong thời gian gần đây Nhật Bản liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết, nhất quán về vấn đề Biển Đông và tạo ra những thách thức mới cho Trung Quốc. Quan điểm và mục tiêu xuyên suốt của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh tự do hàng hải quốc tế. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã thường xuyên triển khai các hoạt động hỗ trợ năng lực cho các nước ven biển. Nhật Bản cho rằng nước này cần phải can dự vào tranh chấp tại Biển Đông do các tranh chấp này có tác động đến các tranh chấp tại Hoa Đông và ảnh hưởng đến trật tự biển toàn cầu.

Theo giới phân tích, mục tiêu mà Tokyo không nói ra chính là củng cố hệ thống phòng thủ của mình để sẵn sàng đối phó với tham vọng trên biển ngày càng lộ rõ của Bắc Kinh. Trong vòng 10 năm trở lại đây, vấn đề dự phòng bất trắc tại vùng eo biển Miyako càng lúc càng được đặt ra một cách gay gắt hơn vì lẽ chiến hạm Trung Quốc ngày càng thường xuyên sử dụng eo biển Miyako để ra Thái Bình Dương. Việc này hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế, nhưng Tokyo vẫn luôn cảnh giác trước các hoạt động của tàu Trung Quốc.

Đề phòng Trung Quốc cũng là nguyên do thúc đẩy Bộ Quốc phòng Nhật Bản triển khai các đơn vị điều hành tên lửa chống hạm và phòng không lên đảo Amami-Oshima, ở tỉnh Kagoshima và đảo Ishigaki ở Okinawa cách không xa quần đảo Senkaku. Song song với việc bố trí tên lửa trên các đảo xa, Nhật Bản cũng đã nghĩ đến việc trang bị hàng không mẫu hạm cho quân đội của mình. Từ khi Tokyo đưa loại khu trục hạm chở trực thăng lớp Izumo của họ vào hoạt động, nhiều người cho rằng loại tàu đó chỉ mang danh nghĩa là khu trục hạm, chứ trong thực tế, đó là những chiếc tàu sân bay trá hình.

Nhìn chung, ngay từ những năm đầu của Thế kỷ XXI cho đến nay, Nhật Bản đã có nhiều bước điều chỉnh chính sách an ninh – quốc phòng, nhất là về mặt chiến lược và đầu tư trang thiết bị vũ khí hiện đại nhằm đảm bảo an ninh, lợi ích của mình. Đáng chú ý, Nhật Bản cũng đã có bước điều chỉnh mới liên quan chính sách đại dương để bảo vệ chủ quyền của Nhật Bản ở biển Hoa Đông và ngăn chặn các hành động bành trướng của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới