Vai trò của Trung Quốc đối với Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2?
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong hai ngày từ 27 – 28/2/2019. Dư luận quốc tế đang rất quan tâm đến cuộc gặp này, song điều không kém phần quan trọng là vai trò của Trung Quốc đối với Hội nghị lần này.
Một con số thống kê về số lần gặp gần đây giữa lãnh đạo các nước liên quan (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản) với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rất đáng chú ý là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (4 lần), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (3 lần), Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Nhật Bản S.Abe đang chờ đợi cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhiều khả năng ưu thế trên của Trung Quốc là do phía Triều Tiên thiết kế. Trong 6 năm qua kể từ khi Kim Jong-un tiếp quản quyền lực sau khi cha ông là Kim Jong-il qua đời vào tháng 12 năm 2011, ông Tập Cận Bình luôn giữ một khoảng cách nhất định với nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên. Không có cuộc gặp, không có lời mời, thậm chí là lời mời tham dự lễ kỷ niệm chiến thắng trong Thế chiến II vào năm 2015. Ngược lại, Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lại được ông Tập Cận Bình đối xử theo nghi lễ.
Mối quan hệ Trung- Triều đã phải trải qua khó khăn trong một thời gian dài. Từ năm 1950, nhờ sự can thiệp của Bắc Kinh, Kim Il-sung đã không bị quân đội Mỹ tiêu diệt trong Chiến tranh Triều Tiên. Trung Quốc thường gọi mối quan hệ Trung – Triều là mối quan hệ “như răng với môi” (có nghĩa là hai chế độ cực kỳ thân thiết). Tuy nhiên, Kim Il-sung không biết ơn sự tham gia của Trung Quốc. Ông coi đó là chiến thắng của chính mình và đã thanh trừng phe “thân Trung Quốc” trong giới lãnh đạo Triều Tiên. Đồng thời, Ông cũng khởi động chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhằm đảm bảo sự độc lập của đất nước trước bạn bè và kẻ thù.
Đến thời Kim Jong-il, con trai và là người kế nhiệm Kim Il-sung, mặc dù thường xuyên đi thăm Trung Quốc, song ông đã từ chối rất nhiều đề xuất của Trung Quốc về cải cách kinh tế. Thậm chí Kim Jong-il còn tiếp tục tìm kiếm vũ khí hạt nhân, bất chấp mong muốn của Trung Quốc về một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Con trai ông và là người kế nhiệm Kim Jong-un đã tăng tốc các vụ thử hạt nhân/tên lửa. Kim Jong-un đã xử tử chú rể của mình là ông Jang Song-taek (em rể của ông Kim Jong-il, người đối thoại chính giữa Triều Tiên và Trung Quốc) sau hai năm lên nắm quyền, với tội danh đặt lợi ích của một quốc gia giấu tên khác lên trên lợi ích quốc gia của Triều Tiên.
Trên thực tế, Trung Quốc đã không thể áp chế đối với Triều Tiên trong một thời gian dài. Vì lợi ích quốc gia của mình, Trung Quốc chắc chắn không muốn Triều Tiên sụp đổ, cũng không muốn Hàn Quốc chủ đạo trong việc thống nhất hai Miền Triều Tiên, điều này sẽ giúp quân đội Mỹ tiến sát sông Áp Lục. Tóm lại, Bắc Kinh hy vọng sẽ có một đồng minh “biết nghe lời” và có trách nhiệm hơn.
Do mối liên quan về ý thức hệ giữa hai nước, quan hệ song phương Trung – Triều do Ban Liên lạc Trung ương Trung Quốc phụ trách. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng ủng hộ mối quan hệ này. Tuy nhiên, quan hệ Trung – Triều không còn vững chắc như trước do vấn đề lịch sử và tình hình an ninh hiện tại.
Tuy nhiên, sự thù địch của công chúng Trung Quốc đối với Triều Tiên đang gia tăng, bằng chứng là ngày càng có nhiều chỉ trích trên các diễn đàn mạng xã hội Trung Quốc. Các học giả Trung Quốc cũng đã bắt đầu đưa ra những lời chỉ trích gay gắt. Thậm chí ngay trong lĩnh vực kinh tế, Triều Tiên là một đối tác khó hợp tác và các công ty Trung Quốc thường bị đối xử tệ. Điều tệ hại hơn là, chương trình hạt nhân/ tên lửa của Triều Tiên đã khiến Trung Quốc cảm thấy khó xử.
Chính quyền Kim Jong-un đã tăng tốc đáng kể việc thử nghiệm vũ khí, trong khi Mỹ yêu cầu gia tăng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn, thậm chí là đe dọa chiến tranh. Đáp lại, chính phủ ông Tập Cận Bình đã đồng ý tăng dần các hình phạt kinh tế, đẩy quan hệ đối ngoại của Triều Tiên bị đóng băng sâu.
Mặc dù nhìn vào biểu hiện của hai bên, cuộc gặp Trung – Triều đầu tiên sau 6 năm chỉ là mối quan hệ bình thường và liên tục giữa hai bên, nhưng gần như chắc chắn đây là bước đi đầu tiên của Trung Quốc. Cuộc gặp là một chiến thắng to lớn của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuy Trung Quốc chưa bao giờ giải thích các động cơ, nhưng có thể thấy Trung Quốc cũng đang lo ngại sẽ bị loại khỏi cuộc chơi trong tương lai.
Đối với Triều Tiên và Hàn Quốc, Mỹ là một đối tác hấp dẫn, nhất là vì khoảng cách của nó. Quốc gia hùng mạnh này có thể giúp các quốc gia nhỏ hơn kiềm chế các đối thủ ở gần và mạnh hơn. Do đó, Trung Quốc sẽ cảm thấy bất an nếu như Triều Tiên và Mỹ đạt được thoả thuận và thậm chí Triều Tiên chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Ba cuộc gặp giữa Triều Tiên và Trung Quốc sau đó cũng quan trọng không kém, có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, vận tải xuyên biên giới đã tăng lên và số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Triều Tiên cũng tăng vọt. Các nhà quan sát còn nghi ngờ rằng Trung Quốc đang trợ cấp gạo cho Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt quốc tế vẫn có hiệu lực, nhưng chính sách cứng rắn của Trump đối với Triều Tiên dường như đã thất bại. Mối quan tâm của ông Tập Cận Bình đã củng cố vị thế của Triều Tiên trong cuộc mặc cả với Mỹ. Và ngược lại số lần hội nghị thượng đỉnh Trung – Triều gần đây cho thấy Trung Quốc đang chiếm ưu thế trước Mỹ cho dù về mặt công khai, mọi người không biết gì về nội dung cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Kim Jong-un.
Trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2, Mỹ cũng nên ngồi lại với Trung Quốc để nói chuyện. Mỹ nên khuyến khích hai bên tiếp tục hợp tác và tìm kiếm sự hỗ trợ cho các kế hoạch phi hạt nhân hoá cụ thể. Chẳng hạn, Mỹ có thể tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm du lịch Triều Tiên, đề nghị thảo luận về vấn đề quan hệ ngoại giao, đồng ý thay thế hiệp định đình chiến bằng hiệp ước hòa bình và cam kết ngừng các cuộc tập trận quân sự chung trên bán đảo Triều Tiên. Đổi lại, Mỹ mong muốn một thỏa thuận chính thức về việc cấm tất cả các vụ thử hạt nhân/tên lửa, cũng như từng bước thực hiện các biện pháp tiếp theo để phi hạt nhân hóa.
Chính quyền Trump cũng nên cam kết với Trung Quốc rằng nếu cuối cùng Triều Tiên được thống nhất, Mỹ sẽ không biến nó thành một căn cứ quân sự chống lại Trung Quốc. Ngược lại, việc cắt giảm quân sẽ tạo cơ hội rút quân tốt nhất cho quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc trong 66 năm qua. Tập Cận Bình nên hiểu rằng hợp tác với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên sẽ không đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc.
Việc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quyết định gặp Tổng thống Mỹ D. Trump dường như đã chứng tỏ năng lực ngoại giao của mình. Bản thân Kim không phải là người theo chủ nghĩa tự do và chính quyền Kim Jong -un chưa bao giờ nới lỏng kiểm soát đối với người dân. Tuy nhiên, việc Kim thể hiện tích cực với hội nghị thượng đỉnh sắp tới cho thấy Kim Jong-un có thể sẵn sàng đưa Triều Tiên trở thành một thành viên có trách nhiệm và được cộng đồng quốc tế tôn trọng hơn. Điều này có lợi cho Mỹ và tất cả các nước láng giềng của Triều Tiên, bao gồm cả Trung Quốc.