Nhiều chuyên gia nhận định cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên lần này là cơ hội tốt cho hòa bình của khu vực và thế giới.
Tương tự cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Singapore cách đây tám tháng, trước cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội, vẫn có người lạc quan, có người nghi ngờ về kết quả sự kiện này.
Một cuộc khảo sát của Đài CBS News cho thấy trong khi hầu hết các thành viên Đảng Cộng hòa không biết chắc chắn Triều Tiên sẽ từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân hay không, nhưng họ hoàn toàn ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 ở Hà Nội.
Theo đó, 70% thành viên Đảng Cộng hòa cho biết cuộc gặp lần này nên diễn ra. Trong khi đó, 77% thành viên Đảng Dân chủ có ý kiến ngược lại.
Tuy nhiên, căn cứ vào những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua, nhiều chuyên gia nhận định việc tổ chức cuộc gặp lần 2 là một điều đúng đắn dù kết quả có đáp ứng hoàn toàn mục đích của hai bên hay không.
“Đối thoại dĩ nhiên tốt hơn xung đột. Thượng đỉnh tổ chức được ở Hà Nội chắc chắn là một điều tốt” – ông Mark Fitzpatrick, chuyên gia giải trừ hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh), nhận định.
Còn ông Harry J. Kazianis, giám đốc bộ phận nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ), đánh giá việc ông Trump và ông Kim gặp nhau lần 2 tại Hà Nội là bước tiến lớn của hai nhà lãnh đạo.
“Đã không còn những lời nói gây tổn thương, ông Trump và ông Kim đã cùng ngồi vào một căn phòng, nói chuyện, hiểu về nhau và gieo những hạt giống được gọi là niềm tin” – ông Harry J. Kazianis phân tích.
Trong khi đó ông Victor Cha, cựu giám đốc đặc trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhận định cuộc gặp ở Hà Nội sẽ trao “cơ hội vàng” cho Triều Tiên có được hòa bình lâu dài. Vị chuyên gia này hi vọng hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều sẽ ra một tuyên bố hòa bình chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) ngay sau cuộc gặp tại Hà Nội.
Một số nhà phân tích cho rằng việc tạm dừng thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên không đồng nghĩa sẽ ngăn chặn nước này phát triển hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Mỹ nhận định nếu mọi thứ tiến triển tốt, cuộc gặp ở Hà Nội sẽ mở đầu cho tiến trình loại bỏ kho vũ khí và năng lực hạt nhân của Triều Tiên, theo Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc.
Bà Duyeon Kim, chuyên gia tại Trung tâm an ninh Mỹ mới, cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội có thể sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận sơ bộ, theo đó có các biện pháp ban đầu giúp xử lý Trung tâm hạt nhân Yongbyon cùng nhiều cơ sở hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Chính ông Trump cũng nói rằng ông “không vội” để thúc Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn ngay. Trong cuộc phỏng vấn trên Đài Fox News mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn thừa nhận quá trình giải giáp hạt nhân Triều Tiên đòi hỏi nhiều thời gian và rằng có thể ông Trump và ông Kim sẽ gặp nhau lần nữa sau sự kiện ở Hà Nội.
Hi vọng Mỹ – Triều sẽ có bước tiến mới hướng tới phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu ngày 26-2 từ Bắc Kinh
Tổng thống Donald Trump gặp lãnh đạo cấp cao Việt Nam
Tối 26-2, chuyên cơ Air Force 1 chở Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài, bắt đầu chương trình tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2.
Trưa nay (27-2), theo lịch trình dự kiến, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp Tổng thống Donald Trump tại Phủ chủ tịch. Ông Trump sau đó sẽ có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sẽ gặp mặt ít nhất 5 lần ở Hà Nội
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 26-2 cho biết Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un dự kiến gặp mặt ít nhất 5 lần trong cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 vào hai ngày 27 và 28-2.
Theo Yonhap, so với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 1 ở Singapore hồi tháng 6-2018, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội dự kiến kéo dài lâu hơn để hai nhà lãnh đạo thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Hãng tin Yonhap dẫn tiết lộ của một quan chức Chính phủ Mỹ cho biết lịch trình cuộc gặp lần này ở Hà Nội sẽ tương tự với lịch trình tại Singapore.
Theo đó, sẽ có cuộc gặp riêng, các cuộc gặp mở rộng, dùng bữa tối chung vào tối 27-2 (đã được xác nhận trên trang web của Nhà Trắng) và tham gia lễ ký tuyên bố chung.
Năm ngoái tại Singapore, ông Trump và ông Kim chỉ có cuộc gặp kéo dài 5 giờ đồng hồ, trong đó gồm một cuộc gặp riêng và các cuộc gặp mở rộng với sự tham gia của các quan chức hai bên.