Wednesday, November 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới chuyên gia: Ấn Độ sẽ can dự nhiều hơn vào vấn...

Giới chuyên gia: Ấn Độ sẽ can dự nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông

Chuyên giaPundi Srinivasa Raghavan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn an ninh quốc gia Ấn Độ vừa qua cho biết Ấn Độ sẽ tăng cường can dự và tham gia nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông trong năm 2019 để duy trì môi trường hợp tác và đảm bảo những lợi ích của nước này ở khu vực.

Hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí của Ấn Độ và các nước ở Biển Đông. Nguồn: Indian Express

          Mặc dù là quốc gia không có tranh chấp chủ quyền trực tiếp ở Biển Đông, song nhiều năm qua giới chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ đều khẳng định rằng Ấn Độ có lợi ích trong việc đảm bảo, duy trì hòa bình ổn định và hợp tác ở khu vực này. Chuyên gia Pundi Srinivasa Raghavan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn an ninh quốc gia Ấn Độ cho biết nguyên tắc nhất quán trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Tuy nhiên, trong vấn đề Biển Đông, Ấn Độ ủng hộ duy trì môi trường hòa bình trong khu vực, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Thời gian tới, Ấn Độ có thể sẽ thúc đẩy sự hiện diện và hợp tác với ASEAN và các nước ở Biển Đông. Theo ông, quan điểm của Ấn Độ hiện nay là ủng hộ nguyên tắc an ninh an toàn hàng hải, hàng không, tự do thương mại theo pháp luật quốc tế.

          Đối với Ấn Độ, Biển Đông nằm trong một khu vực có lợi ích địa chiến lược quan trọng. Đây là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Biển Hoa Đông và là một trong những tuyến đường biển, đường hàng không nhộn nhịp nhất trên thế giới. Hiện tuyến đường thông thương này có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và ảnh hưởng của Ấn Độ. Theo thống kê, 97% tổng khối lượng thương mại quốc tế của Ấn Độ đi qua đường biển, trong đó một nửa đi qua eo biển Malacca bao gồm cả khu vực Biển Đôn. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với tổng kim ngạch thương mại trị giá trên 80 tỷ USD trong năm 2018 và có thể đạt mức 100 tỷ USD vào năm 2020. Trong lĩnh vực năng lượng, Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu trên thế giới với 80% là nhập khẩu, trong khi mức tiêu thụ năng lượng của nước này sẽ tiếp tục tăng 4,2-5,0% mỗi năm. Vì vậy, một Biển Đông hòa bình, ổn định sẽ có lợi cho hoạt động hợp tác, khai thác dầu khí giữa Ấn Độ và các nước nói riêng và thị trường dầu mỏ thế giới nói chung.

         Giới phân tích tại Ấn Độ hiện nay cho rằng Biển Đông có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ, nhất là trong quá trình triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” hiện nay của nước này. Ấn Độ có cùng mối lo ngại chung của các nước về hoạt động mở rộng, cải tạo và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã phá vỡ nguyên trạng, đe dọa an toàn hàng hải và hàng không quốc tế và các hoạt động thương mại của Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc đang coi Biển Đông là bước đệm để gia tăng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương. Đáng chú ý là việc Trung Quốc triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” cũng tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với chủ quyền và lợi ích an ninh của Ấn Độ.

          Vì vậy, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Ấn Độ đã tích cực ủng hộ và hối thúc các bên liên quan nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), tiến hành đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), duy trì tổ chức Đối thoại Delhi thường niên giữa Ấn Độ và ASEAN. Ấn Độ cũng là nước ủng hộ phán quyết của Toà Trọng tài theo Phụ lục VII (7/2016) và kêu gọi Trung Quốc tôn trọng pháp luật quốc tế và phán quyết. Trong lần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN (11/2014), Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh quan điểm của Ấn Độ về việc phải đảm bảo duy trì pháp luật quốc tế trong vấn đề hàng hải và giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên UNCLOS, DOC và ủng hộ đàm phán ký kết COC. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN (4/2015), Ấn Độ đã thể hiện mạnh mẽ quan ngại về các hành động đòi hỏi “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông. Ấn Độ cũng thúc đẩy hợp tác hàng hải với các nước khu vực nhằm tăng cường khả năng tương tác và hiểu biết chung về các thủ tục pháp lý trong hợp tác an ninh hàng hải và quốc phòng giữa các nước, thông qua việc duy trì mở rộng tham gia các hoạt động như tập trận “Malabar” với Mỹ, Nhật Bản; tập trận chung “CORPAT” với Indonesia; tập trận “Maitree”, “Cobra Gold” với Thái Lan; tập trận “ADMM+” với ASEAN và tập trận chung “AUSINDEX” với Australia.

          Phát biểu tại Đối thoại Shangri La tại Singapore tháng 6/2018, Thủ tướng Nerendra Modi giải thích quan điểm của Ấn Độ rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực địa lý và các nước ASEAN nằm ở trung tâm khu vực này, nối hai đại dương với nhau. Các nước ASEAN không chỉ nằm ở trung tâm trên khía cạnh địa lý, mà còn trên khía cạnh văn hóa văn minh. Cho nên với Ấn Độ, tính trung tâm và thống nhất của ASEAN nằm tại trái tim của Ấn Độ-Thái Bình Dương. Khu vực này cho phép tất cả các quốc gia, lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu có quyền tiếp cận biển một cách bình đẳng, miễn là họ có chung vùng biển. Điều này đòi hỏi tôn trọng tuyệt đối luật pháp quốc tế, đương nhiên bao gồm cả UNCLOS, giao thương không bị cản trở, và tự do hàng hải và hàng không.

          Theo Reuters (24/01/2019), do lo ngại trước việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ sẽ mở thêm một căn cứ Không quân thứ ba trên quần đảo Andaman và Nicobar. Đây là quần đảo có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ lối vào phía tây của eo biển Malacca, con đường hàng hải huyết mạch của thế giới, nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông. Căn cứ không quân mới của Ấn Độ mang tên INS Kohassa, được bố trí tại một địa điểm cách Port Blair, thủ phủ của quần đảo khoảng 300 cây số về phía bắc. Theo người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ, ông D. K. Sharma, cơ sở Không quân mới sẽ có một đường băng dài 1.000 mét cho trực thăng và máy bay trinh sát, nhưng có thể sẽ được trang bị thêm một đường băng dài 3.000 mét, đủ để tiếp nhận các máy bay trinh sát tầm xa và chiến đấu cơ. Theo nhiều chuyên gia và giới chức quân sự Ấn Độ, mục tiêu của New Delhi khi lập thêm một căn cứ Không quân mới tại quần đảo Andaman và Nicobar là để tăng cường giám sát tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc đi vào khu vực Ấn Độ Dương, qua ngả eo biển Malacca.

          Đối với Việt Nam, năm 2019 đánh dấu năm thứ 12 của quan hệ Đối tác chiến lược Ấn Độ-Việt Nam và 2 năm hai nước được nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện khi Thủ tướng Nerendra Modi sang thăm Việt Nam vào tháng 9/2016. Ấn Độ luôn giữ lập trường hoàn toàn đồng ý với Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Các tranh chấp cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Chúng tôi hy vọng các bên tuân thủ DOC và mong chờ COC mang tính ràng buộc được hoàn thành sớm nhất có thể. Ấn Độ đang đẩy nhanh dự án 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cho cảnh sát biển Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới