Wednesday, November 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaYêu sách “đường chín đoạn” của TQ và tác động đến tình...

Yêu sách “đường chín đoạn” của TQ và tác động đến tình hình an ninh, chính trị tại khu vực

Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông theo bản đồ “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò”. Để theo đuổi yêu sách này, Trung Quốc đã gia tăng hoạt động bồi đắp, mở rộng đảo và quân sự hóa ồ ạt ở Biển Đông. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, chính tại khu vực, khiến dư luận hiện nay vô cùng quan ngại.

Việc TQ đưa ra và theo đuổi yêu sách “đường chín đoạn” phi pháp tác động tiêu cực đến an ninh, phát triển của khu vực. (Ảnh minh họa)

“Đường chín đoạn”, bước thụt lùi của lịch sử

“Đường chín đoạn” còn gọi là “đường lưỡi bò”, “đường chữ U”, “đường chín khúc”, là tên gọi dùng để chỉ đường quốc giới hải vực Biển Đông mà Trung Quốc chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền. Yêu sách này đã bị Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) bác bỏ vào ngày 12/7/2016 với lý do “không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường chín Đoạn”.

Ban đầu đây là “đường mười một đoạn” và xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 2/1948 trong phụ lục “Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải” của “Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc” do Cục Phương vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành. Đường này xuất hiện do thời điểm đó Trung Hoa Dân quốc không có khả năng đo lường các hòn đảo để xác định mọi địa hình tạo đường phân định cho khu vực hành chính xung quanh vì thế họ vẽ ra đường chạy qua điểm giữa các hòn đảo và vùng đất lân bang để chỉ ra rằng các đảo nằm bên trong đường vẽ ra là lãnh thổ Trung Hoa. Đường này chạy qua điểm trung tuyến giữa các điểm nhô ra nhất của các hòn đảo và địa hình của đất liền xung quanh. Không hề có các tọa độ địa lý cụ thể được nêu ra và những bản đồ mỗi thời in “đường chín đoạn” này lại khác nhau. “Đường chín đoạn” bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước của Biển Đông, chỉ còn lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau khi thành lập năm 1949 vẫn xác định cương vực trên Biển Đông theo “đường mười một đoạn” của Trung Hoa Dân Quốc, đến năm 1953 thì bỏ hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ, trở thành “đường chín đoạn”. Trong suốt một thời gian dài, mặc dù cho xuất bản bản đồ có thể hiện “đường lưỡi bò” như trên, nhưng cả Chính phủ Trung Hoa Dân quốc lẫn Chính phủ Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ đưa ra lời tuyên bố hoặc giải thích chính thức gì về “đường lưỡi bò” đó. Năm 1993, chính phủ Đài Loan công bố “Nam Hải Chính sách Cương lĩnh” cho rằng “đường chín đoạn” phân định ra vùng nước lịch sử, song đến năm 2003 thì Tổng thống Đài Loan lúc đó là Trần Thủy Biển đã bác bỏ chính sách này. Trong Công hàm Trung Quốc gửi lên Tổng thư ký Liên hợp quốc (5/2009), Trung Quốc tiếp tục tuyên bố quyền tối cao đối với “các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận” theo bản đồ “đường chín đoạn”.

Những hệ lụy từ việc TQ theo đuổi “đường chín đoạn” phi pháp

Một là,những hành động quân sự hóa nhằm theo đuổi âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đang đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải và hàng không. Rõ ràng việc nước này ngang nhiên đưa máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa, pháo phòng không, ra đa tác chiến điện tử, ngư lôi… hay việc điều tàu quân sự, tàu cá được vũ trang hóa sẵn sàng tấn công vào tàu thuyền các nước khiến Biển Đông được ví như lò thuốc súng có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Nhiều nước khu vực và các nước bên ngoài như Mỹ, Australia, Anh, Nhật Bản… đã lên tiếng chỉ trích hành động đe dọa an ninh của Trung Quốc. Gần đây, dư luận cũng vô vùng quan ngại việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận diện phòng không tương tự như đã làm ở Biển Hoa Đông.

Hai là, việc Trung Quốc tìm cách kiểm soát, chiếm hữu các tuyến hàng hải huyết mạch từ Hoa Đông và Biển Đông qua eo biển Malacca đi Trung Đông đã thách thức vai trò của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước khác. Biển Đông nằm trong một khu vực có lợi ích địa chiến lược quan trọng. Đây là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Biển Hoa Đông và là một trong những tuyến đường biển, đường hàng không nhộn nhịp nhất trên thế giới. Hiện tuyến đường thông thương này có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và ảnh hưởng của các nước. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông.

Ba là, việc Trung Quốctheo đuổi chiến lược cường quốc biển, với hoạt động quân sự hóa ồ ạt đã khiến cho các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực ngày càng trở nên phức tạp hơn. Nó làm thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực. Mặc dù các nước khu vực có thể điều chỉnh chính sách để cân bằng ảnh hưởng, song về lâu dài tình trạng này có thể gây bất ổn định cho môi trường hòa bình của khu vực, khiến các nước cảm thấy bất an và phải gia tăng tiềm lực quốc phòng hoặc liên minh, liên kết để lấy lại trạng thái cân bằng của khu vực.

Bốn là, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông khiến cho cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và vai trò của luật pháp quốc tế suy giảm nghiêm trọng. Việc Trung Quốc tìm cách tăng cường kiểm soát trên biển, trong đó tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ, các nước ra khỏi bờ Tây Thái Bình Dương, đã gây ra sự cọ xát chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt. Cùng với đó là những hoạt động bất chấp Phán quyết của Tòa Trọng tài Liên hợp quốc theo Phụ lục VII đã khiến cho vai trò của các thể chế quốc tế, luật pháp quốc tế và các cơ chế, diễn đàn an ninh khu vực sẽ bị thách thức. Việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng tiềm lực quốc phòng có tác động dây chuyền, làm gia tăng chi tiêu quốc phòng của các nước láng giềng, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Giới chuyên gia cho rằng tuy chưa tới mức chạy đua vũ trang, song việc gia tăng nhanh chóng chi tiêu quốc phòng ở khu vực đã báo hiệu xung đột hoặc sự cố rất dễ xảy ra khi các bên không kiềm chế và Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Cuối cùng, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố và theo đuổi “đường chín đoạn” phi pháp bằng hoạt động quân sự hóa, cải tạo bồi đắp đảo ở Biển Đông đã tàn phá môi trường sinh thái biển, gây phức tạp hoạt động đánh bắt thủy sản trong khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm triệu người dân. Hơn ai hết, người dân các nước ven biển và hải đảo hàng ngày đang phải gánh chịu tác động tiêu cực từ các tính toán và hành động của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới