Saturday, November 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamCuộc chiến 2/1979: Đòn quyết định buộc TQ rút quân

Cuộc chiến 2/1979: Đòn quyết định buộc TQ rút quân

Ngày 05/3/1979, Việt Nam đã ban lệnh Tổng động viên toàn thể dân tộc đứng lên quét sạch quân xâm lược Trung Quốc ra khỏi bờ cõi.

Chỉ đạo đúng đắn, quyết đoán của Đảng, Nhà nước và Quân đội

Cuộc tấn công xâm lược vào tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 là nấc thang cao nhất của sự thù địch, thể hiện rõ tham vọng quá quyền tư tưởng bành trướng nước lớn của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước ta đã nhanh chóng đưa ra những lời kêu gọi động viên tinh thần, đoàn kết toàn dân tộc chống quân xâm lược.

Về chính trị-Tư tưởng: Ngay trong ngày 17/2/1979, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố thể hiện sự tin tưởng sắt đá rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ cùng với sự ủng hộ của bạn bè khắp năm châu, quân và dân Việt Nam nhất định sẽ đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của dân tộc.

Ngày 18/2/1979, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết “kiên quyết bảo vệ Tổ quốc, chặn đứng và đập tan cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác của bọn phản động Trung Quốc”.

Ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi toàn Dân tộc Việt Nam nỗ lực thực hiện nghĩa vụ dân tộc vẻ vang là tiến hành cuộc kháng chiến, đánh thắng quân xâm lược Trung Quốc, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Ngày 5/3, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã công bố Lệnh Tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc.

 Về chỉ đạo tư tưởng quân sự: Ngày 1/3/1979, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 67, Về việc phát động và tổ chức toàn dân chuẩn bị chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, nêu bật nhiệm vụ “xây dựng thế phòng thủ vững chắc của đất nước, tăng cường sức mạnh chiến đấu, đánh bại quân xâm lược Trung Quốc”.

Tiếp đó, ngày 3/3/1979, Bộ Chính trị ra Nghị quyết chuyên đề số 16 về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Trung Quốc.

Nghị quyết dự đoán chiến tranh có thể diễn biến theo hai tình huống:

Một là: Địch bị chặn lại ở biên giới, bị tiêu diệt lớn, buộc phải rút quân về nước;

Hai là: Địch chiếm được một số thị xã và huyện biên giới, mở rộng chiến tranh và có thể đánh xuống đồng bằng.

Nghị quyết chỉ rõ, trong bất kỳ tình huống nào, cũng phải giữ vững tư tưởng chủ đạo: “Vừa dốc sức giành thắng lợi trong thời gian ngắn, đồng thời phải chuẩn bị mọi điều kiện để đánh lâu dài, quyết đánh tan quân định, với phương châm: Làm chủ đất nước, làm chủ chiến trường để tiêu diệt địch; tiêu diệt địch để làm chủ đất nước, làm chủ chiến trường”.

Nghị quyết xác định:

Một là: Quyết tâm tiêu diệt quân xâm lược ở biên giới;

Hai là: Cả nước chống chiến tranh xâm lược, sẵn sàng cho cuộc chiến đấu ở các tuyến trung du và đồng bằng;

Ba là: Triển khai kế hoạch bảo vệ Thủ đô Hà Nội và thành phố Cảng Hải Phòng;

Bốn là: Tiến hành bố phòng, chuẩn bị chiến đấu ở khu vực hậu phương trực tiếp (từ Hà Nội đến Thanh Hoá/Nghệ Tĩnh, sau này tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh) và trong cả nước.

Song song với những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta cũng bám sát thực tế chiến trường, định quyết sách đúng, giúp quân và dân ta cầm chân quân địch trên biên giới hơn 3 tuần, giúp chúng ta có thời gian và điều kiện chuyển chủ lực từ mặt trận biên giới Tây Nam về chuẩn bị tổng phản công tiêu diệt lớn quân địch, buộc địch phải tuyên bố rút quân ngày 5/3.

Ngày 6/3/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Chỉ thị số 69, nhận định về tình hình và đưa ra chủ trương mới, trong điều kiện Việt Nam thể hiện tinh thần đại nhân-đại nghĩa của cha ông hàng ngàn năm qua, cho phép quân xâm lược được rút quân về nước.

Tuy nhiên, Chỉ thị của Ban Bí thư nhắc nhở quân và dân ta: “…trong khi chấp nhận cho địch rút quân, chúng ta luôn luôn phải nâng cao cảnh giác, tăng cường quốc phòng, sẵn sàng giáng trả địch đích đáng, nếu chúng lật lọng, trở lại xâm lược nước ta lần nữa”.

Chỉ thị nhấn mạnh thêm rằng, chúng ta không được một chút mơ hồ trước âm mưu lâu dài của Trung Quốc là thôn tính nước ta, khuất phục nhân dân ta. Quân dân Việt Nam phải “luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đập tan bọn xâm lược”.

Về mặt quốc tế, “cần giương cao chính nghĩa của ta, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc và bảo vệ hòa bình, xúc tiến việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ, bảo vệ Việt Nam”.

Lệnh Tổng động viên chống quân xâm lược Trung Quốc

Sau khi quân địch chiếm được Lạng Sơn, song song với việc Bộ quốc phòng hạ lệnh cho lực lượng chủ lực Quân đoàn 1 tham chiến, ngày 4/3/1979, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước đứng lên bảo vệ tổ quốc.

Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt tố cáo tội ác của quân xâm lược Trung Quốc: “Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, Tự do, Chủ nghĩa Xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm; Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa…”.

 Lời kêu gọi có đoạn: “Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ… Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc”.

  

Lệnh tổng động viên được đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 6/3/1979

Ngay sau Lời kêu gọi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trường Chinh. Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định tổng động viên trong cả nước.

Quyết định ghi rõ:

“Điều 1: Tổng động viên trong cả nước. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ; Huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết để đảm bảo nhu cầu của cuộc kháng chiến cứu nước.

Điều 2: Hội đồng chính phủ có kế hoạch và biện pháp cụ thể để thực hiện quyết định tổng động viên này”.

Cũng trong ngày hôm đó, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29/LCT ra lệnh tổng động viên trong cả nước. Hội đồng Chính phủ ban hành nghị định về việc thực hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân.

Trong đó, yêu cầu mọi công dân trong lứa tuổi do luật định (nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi) có đủ điều kiện, đều phải gia nhập lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ. Ngoài ra, những người tự nguyện đều được đưa vào tổ chức vũ trang quần chúng.

Bài xã luận trên báo Nhân dân ra ngày 5/3/1979 nêu rõ “Lời kêu gọi của Trung ương là lời hịch quyết chiến quyết thắng của Tổ quốc. Tất cả con em đất nước Việt Nam đang bước vào cuộc chiến đấu mới: Cả nước đánh giặc, toàn dân là chiến sĩ…”.

50 triệu người Việt Nam khi ấy đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến. Toàn dân tộc Việt Nam đã quyết tâm đứng lên quét sạch quân thù khỏi bờ cõi đất nước. Thời điểm tổng động viên, Hà Nội và cả nước đã sẵn sàng để bước vào một cuộc trường kỳ kháng chiến.

Trước lệnh Tổng động viên của Việt Nam, cùng việc bộ đội chủ lực của ta đã bắt đầu tham chiến, cộng với kết quả thương vong, tổn thất quá lớn, cũng trong ngày 5/3/1979, Trung Quốc vội vã tuyên bố đã “hoàn thành mục tiêu chiến tranh” và bắt đầu rút lui trong “chiến thắng”.

Ý nghĩa lịch sử của Lệnh Tổng động viên

Tính từ năm 1945 đến nay, Việt Nam mới chỉ ban hành 2 Lệnh Tổng động viên chống quân xâm lược. Tất nhiên là việc ban hành lệnh cũng còn phụ thuộc vào tình hình thực tế và tính chất của cuộc chiến tranh.

Trước đó, vào năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ký Sắc lệnh Tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân Việt Nam, để phục vụ cho nhu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, lúc đó đang bước vào giai đoạn tổng phản công quân Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ sau đó, Việt Nam không ban hành lệnh này, một số văn bản như Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước năm 1966 của Hồ Chủ tịch và những đợt huy động lực lượng dồn sức cho chiến trường miền Nam vào các năm 1972, 1974 không phải là Lệnh tổng động viên.

Lệnh mới được ban ra thì Trung Quốc đã vội vã tuyên bố rút quân nên lệnh tổng động viên chưa kịp thực hiện. Nhưng mệnh lệnh hiệu triệu quân dân cả nước này có một ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng đối với toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong bối cảnh tình hình quốc tế hết sức phức tạp.

 Thứ nhất: Là cú đòn quyết định buộc Trung Quốc phải rút quân

Thực ra, không cần lệnh tổng động viên, chỉ cần Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 hợp lực cũng đủ sức quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Tuy nhiên, chúng ta thể hiện cho Trung Quốc biết rằng, nếu kẻ địch vẫn tiếp tục nổ súng xâm lược, chúng sẽ phải trả giá rất đắt.

Cũng chính bởi lẽ đó, mặc dù các sư đoàn chủ lực đã hợp vây các cụm quân lớn của Trung Quốc nhưng với tinh thần nhân nghĩa, chúng ta đã cho quân xâm lược được về nước theo một hành lang an toàn, đúng như cái cách quân xâm lược phương Bắc ngàn năm nay đã từng thảm bại trở về từ Việt Nam.

 

Bức huyết thư của một cựu binh xung phong tái ngũ

Cùng với việc lực lượng của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 đã lên biên giới, lệnh Tổng động viên là cú đòn quyết định khiến Bắc Kinh phải vội vã tuyên bố rút lui.

Thứ 2: Chuẩn bị tâm thế cho cuộc chiến đấu lâu dài với Trung Quốc

Sau khi rút quân, Trung Quốc vẫn ngoan cố đồn trú lại một số cao điểm của Việt Nam, đồng thời tăng cường các cuộc tấn công xâm lấn trên quy mô cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Xung đột tiếp diễn dai dẳng đến tận năm 1988 tại các khu vực mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang, lúc đó thuộc Hà Tuyên) và huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn.

Ở hướng Biển Đông, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển hải quân, liên tục quấy nhiễu hoạt động của ngư dân Việt Nam, liên tiếp xâm phạm lãnh hải nước ta. Đỉnh điểm là việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép 6 bãi đá ở Quần đảo Trường Sa tháng 3/1988.

Lệnh Tổng động viên ngày 05/3 chính là sự chuẩn bị tâm thế cho toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta bước vào cuộc chiến chống lại mưu đồ xâm lấn biên giới trên bộ và trên biển của Trung Quốc.

Thứ 3: Thay đổi nhận thức của Việt Nam về đối tượng và đối tác

Việc Việt Nam tuyên bố Lệnh Tổng động viên chống quân Trung Quốc xâm lược cho thấy, lúc đó, chúng ta đã nhận thức rõ ràng về việc, các nước cùng một khối, bình thường vẫn gọi là đồng minh, nhưng có thể sẵn sàng tung quân xâm lược nhau một cách tàn bạo.

Việc phân tích bối cảnh thế giới và cục diện quan hệ quốc tế có tác động thế nào đến việc Trung Quốc mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 và kéo dài đến 1988, đã cho chúng ta một nhận thức mới trong quan hệ bạn-thù, hình thành quan điểm về đối tượng-đối tác, để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong tình hình mới. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này trong kỳ sau.

Cùng với việc lực lượng của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 đã lên biên giới, lệnh Tổng động viên là cú đòn quyết định khiến Bắc Kinh phải vội vã tuyên bố rút lui.

Thứ 2: Chuẩn bị tâm thế cho cuộc chiến đấu lâu dài với Trung Quốc

Sau khi rút quân, Trung Quốc vẫn ngoan cố đồn trú lại một số cao điểm của Việt Nam, đồng thời tăng cường các cuộc tấn công xâm lấn trên quy mô cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Xung đột tiếp diễn dai dẳng đến tận năm 1988 tại các khu vực mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang, lúc đó thuộc Hà Tuyên) và huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn.

Ở hướng Biển Đông, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển hải quân, liên tục quấy nhiễu hoạt động của ngư dân Việt Nam, liên tiếp xâm phạm lãnh hải nước ta. Đỉnh điểm là việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép 6 bãi đá ở Quần đảo Trường Sa tháng 3/1988.

Lệnh Tổng động viên ngày 05/3 chính là sự chuẩn bị tâm thế cho toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta bước vào cuộc chiến chống lại mưu đồ xâm lấn biên giới trên bộ và trên biển của Trung Quốc.

Thứ 3: Thay đổi nhận thức của Việt Nam về đối tượng và đối tác

Việc Việt Nam tuyên bố Lệnh Tổng động viên chống quân Trung Quốc xâm lược cho thấy, lúc đó, chúng ta đã nhận thức rõ ràng về việc, các nước cùng một khối, bình thường vẫn gọi là đồng minh, nhưng có thể sẵn sàng tung quân xâm lược nhau một cách tàn bạo.

Việc phân tích bối cảnh thế giới và cục diện quan hệ quốc tế có tác động thế nào đến việc Trung Quốc mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 và kéo dài đến 1988, đã cho chúng ta một nhận thức mới trong quan hệ bạn-thù, hình thành quan điểm về đối tượng-đối tác, để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong tình hình mới. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này trong kỳ sau.

RELATED ARTICLES

Tin mới