Tuesday, January 7, 2025
Trang chủSự thật Trung Hoa“Gác tranh chấp, cùng khai thác” theo cách của TQ: Trò bịp...

“Gác tranh chấp, cùng khai thác” theo cách của TQ: Trò bịp thời hiện đại

Hợp tác cùng khai thác chung trên thực tế, là nhu cầu và cũng là giải pháp phù hợp có thể áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp tại một số khu vực ở Biển Đông hiện nay. Tuy nhiên, ý đồ của Trung Quốc ẩn sau chính sách “gác tranh chấp cũng khai thác” là muốn chiếm đoạt cả khu vực Biển Đông.

 

Nguồn gốc của hợp tác cùng phát triển

Mô hình hợp tác cùng phát triển đã được thực hiện từ lâu trên thế giới, điển hình nhất là Hiệp ước Svalbard ngày 19/12/1920. Kể từ khi Hiệp ước này ra đời đến nay, trên thế giới đã có khoảng hơn 100 thỏa thuận hợp tác cùng phát triển được ký kết và thực hiện. Khoản 3 Điều 74 và Điều 83 Công ước Luật biển 1982 đã quy định rằng: “Trong khi chờ đợi ký kết thoả thuận nói ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thoả thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng”. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành các thỏa thuận hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia.

Hợp tác cùng phát triển có ý nghĩa như là sự làm “loãng” và “mềm” hoá những xung đột, căng thẳng giữa các quốc gia hữu quan. Giải pháp này có thể tạm thời gác các tranh chấp, hạn chế tranh chấp có thể kéo dài ảnh hưởng đến quan hệ chính trị ngoại giao giữa các nước, hạn chế tình trạng căng thẳng có dẫn đến hoạt động chạy đua vũ trang hoặc dẫn đến các xung đột vũ trang. Trong xu thế hoà hoãn của quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh, các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã thúc đẩy hợp tác khai thác và phát triển chung, hợp tác quản lý biển chung. Các quá trình này đã làm cho môi trường an ninh trên biển dường như an bình hơn. Điểm lợi không thể phủ nhận của mô hình hợp tác cùng phát triển là đã góp phần xây dựng lòng tin, giảm tranh chấp và phát triển hợp tác kinh tế – chính trị giữa các nước tham gia hợp tác. Mặt khác, hợp tác cùng phát triển là giải pháp tạm thời, không ảnh hưởng đến việc phân định cuối cùng, nên cũng có thể đáp ứng được nhu cầu khai thác tài nguyên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.

Hợp tác cùng phát triển trên thực tế, là một giải pháp phù hợp có thể áp dụng cho việc dàn xếp tạm thời tranh chấp ở khu vực Biển Đông hiện nay và hiện đang được các bên bàn bạc, cân nhắc. Hầu hết các nước ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei đều có chung một mong muốn hòa bình giải quyết các tranh chấp biển, đảo, hướng tới sự ổn định trong khu vực, cố gắng kiềm chế trong ứng xử, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Chính nhận thức chung giữa các bên đã mở ra triển vọng và những điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành các hoạt động hợp tác cùng phát triển trong khu vực.

Hợp tác cùng khai thác theo kiểu của Trung Quốc

Xung quanh vấn đề hợp tác cùng phát triển tại Biển Đông, quan điểm của Trung Quốc (và cả Đài Loan) thể hiện qua có những điểm khác biệt so với quan điểm của các quốc gia khác. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên chính thức đưa ra đề xuất khai thác chung tại khu vực quần đảo Trường Sa và cho đến nay dường như theo chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” để giải quyết vấn đề Trường Sa. Điều đáng chú ý trong nội dung của quan điểm này là luận điểm khai thác chung trên cơ sở “chủ quyền thuộc về Trung Quốc”. Ở đây, Trung Quốc khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc mà không đề tập tới chủ quyền của Việt Nam và các quốc gia khác, đồng thời không bao gồm quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Do đó, quan điểm này của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý quốc tế và không được bất cứ quốc gia nào trong khu vực ủng hộ.

Trung Quốc chủ trương sử dụng vấn đề hợp tác cùng phát triển ở Biển Đông với khẩu hiệu “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”. Tuy nhiên, chính sách này của Trung Quốc , ngay từ khi mới được manh nha, đã bị cộng đồng quốc tế phản đối bởi tính chất bành trướng và tính phi pháp quốc tế của nó.

Sự hình thành quan điểm “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”:

Năm 1974, Nhật Bản và Hàn Quốc tiến hành khai thác chung dầu khí trong khu vực Đông Hải bất chấp sự phản đối của Trung Quốc cho rằng vùng biển này còn là vùng tranh chấp với sự tham gia của họ. Chính điều này đã khiến Trung Quốc xem xét tới việc khai thác chung trong vùng biển tranh chấp. Chủ trương “Gác tranh chấp, cùng khai thác” được Trung Quốc chính thức đề nghị lần đầu tiên trong văn cảnh tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ Tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (25/10/1978) nói với Thủ Tướng Nhật Takeo Fukuda rằng có thể để các thế hệ sau giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với Sen-ka-ku/Điếu Ngư; trong quan hệ ngoại giao, hai nước nên lấy quyền lợi chung làm ưu tiên. Thực tế cho thấy Nhật và Trung Quốc đã đi theo phương hướng “gác tranh chấp” này. Điều đáng lưu ý là Nhật là nước đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư. Trong tranh chấp chủ quyền, nếu tranh chấp được gác lại thì có lợi cho nước đang kiểm soát lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp. Vì vậy việc gác tranh chấp có lợi cho Nhật hơn cho Trung Quốc. Trong bối cảnh vào cuối thập niên 1970, Trung Quốc cần mở rộng quan hệ quốc tế. Có lẽ vì nhu cầu đó Trung Quốc đã phải đề nghị gác tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, một đề nghị có lợi cho Nhật hơn cho Trung Quốc trong phạm trù tranh chấp chủ quyền, để thuận tiện cho việc phát triển quan hệ với Nhật. Ngày 11/5/1979, Đặng Tiểu Bình nói với đại biểu quốc hội Nhật Zenko Suzuki rằng Trung Quốc và Nhật có thể cùng khai thác vùng biển lân cận đảo Senkaku/Điếu Ngư mà không đề cập đến tranh chấp chủ quyền đối với đảo. Điều đáng lưu ý là Senkaku/Điếu Ngư và vùng biển lân cận nằm dưới sự kiểm soát của Nhật, và vùng biển này gần Nhật và Đài Loan hơn Trung Quốc, cho nên Nhật có nhiều khả năng để đơn phương khai thác vùng biển này hơn Trung Quốc. Vì vậy, đề nghị của Trung Quốc để khai thác chung vùng biển này là một đề nghị có lợi cho Trung Quốc hơn là có tính xây dựng cho cả Trung Quốc và Nhật. Trên thực tế, cho tới nay, Nhật luôn luôn khước từ tất cả các đề nghị của Trung Quốc để khai thác vùng biển lân cận đảo này.

Khi Trung Quốc bắt đầu phát triển quan hệ ngoại giao với ASEAN trong hai thập niên 1970 và 1980, một phần là để mở rộng quan hệ ngoại giao, một phần là để đối trọng Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đưa ra với ASEAN đề xuất về tranh chấp Trường Sa với luận điểm là: “Quần đảo Trường Sa là một phần không tách rời được của Trung Quốc từ thời cổ xưa; tranh chấp chủ quyền phát sinh từ thập niên 1970; Vì quan hệ hữu nghị với những nước liên quan, Trung Quốc muốn tạm gác tranh chấp sang một bên và sau này tìm một giải pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận được”.

Tháng 2/1984, ông Đặng Tiểu Bình trong cuộc hội kiến với đoàn đại biểu Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế trường đại học của Mỹ đã nói: “Có một số tranh chấp lãnh thổ trên thế giới có thể trước tiên không bàn tới vấn đề chủ quyền tiến hành cùng nhau khai thác” thể hiện rõ quan điểm “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác”. Năm 1984, Đặng Tiểu Bình một lần nữa trình bày quan điểm này: “Nhiều tranh chấp quốc tế nếu giải quyết không tốt sẽ dẫn tới xung đột”, “Đối với tranh chấp quần đảo Trường Sa, vừa có phương pháp tạm thời gác lại tranh chấp chủ quyền gay gắt, trên thực tế cũng còn có giải pháp cùng nhau khai thác”. Tháng 6/1986, Đặng Tiểu Bình đề nghị với Phó Tổng Thống Philippines Salvador Laurel rằng Trung Quốc và Philippines nên gác tranh chấp Trường Sa, “không nên để vấn đề này cản trở tình hữu nghị của Trung Quốc với Philippines và các nước khác” . Tháng 4/1988, Đặng Tiểu Bình đề nghị với Tổng Thống Philippines Corazon Aquino, “Xét quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta, chúng ta có thể tạm gác vấn đề này và tiếp cận theo hướng khai thác chung” .

Ngay cả khi đề nghị gác tranh chấp, Đặng Tiểu Bình cũng “giải thích” rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với Trường Sa”. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình nói thẳng rằng, “Các bản đồ thế giới luôn vẽ Trường Sa thuộc Trung Quốc”, “Chúng tôi có nhiều bằng chứng. Các bản đồ thế giới của nhiều nước cũng chứng minh điều này”. Đặng Tiểu Bình cũng nói với Tổng Thống Corazon Aquino rằng Trung Quốc có “nhiều thẩm quyền nhất về vấn đề Trường Sa vì Trường Sa luôn luôn là một phần của lãnh thổ Trung Quốc”.

Như vậy, phương án “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác” của Trung Quốc được hình thành trên cơ sở quan điểm của Đặng Tiểu Bình từ việc tham khảo các mô hình giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên thế giới, nhưng một mặt ngang ngược khẳng định chủ quyền “không bàn cãi” của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa (đang chiếm đóng trái phép của Việt nam) và quần đảo TrườngSa, mặt khác lại đề nghị gác tranh chấp cùng khai thác.

Ngoài những phát biểu của Đặng Tiểu Bình, quan điểm này còn được những nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc lặp lại nhiều lần trong các hội nghị quốc tế sau này.

Tháng 8/1990, tại Singapore, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã chính thức đưa ra phương án “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác”, khẳng định đây là chủ trương của Trung Quốc tiến tới giải quyết tranh chấp vùng biển Trường Sa. Ông Lý Bằng còn ngang ngược tuyên bố: “Quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc, đây là sự thật không thể chối cãi. Trung Quốc hi vọng vào thời điểm thích hợp có thể lần lượt thoả thuận với các quốc gia hữu quan về các vấn đề còn tồn tại trên cơ sở hữu nghị”.

Ngày 27/3/1991, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kì Thâm trong cuộc họp báo tại Hội nghị lần 4 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá VII cũng đã không dấu tham vọng bành trướng với tuyên bố: “Chủ quyền của quần đảo Nam Sa thuộc về Trung Quốc, điều này là rất rõ ràng. Sau chiến tranh thế giới thứ II, chính phủ Trung Quốc đã tiếp nhận lại quần đảo Nam Sa, chủ trương của chúng ta là dưới tình hình Trung Quốc có chủ quyền với quần đảo Nam Sa, chúng ta đồng ý thương lượng với các quốc gia hữu quan tới cùng khai thác. Nhưng hiện nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể như thế, cũng chưa tới thời điểm bàn tổ chức các hội nghị như vậy”.

Ngày 7/6/1991, Chủ tịch Trung Quốc trong chuyến viếng thăm Indonesia đã chỉ rõ rằng: “Chúng tôi nhất quán chủ trương dùng phương thức hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế và chủ trương cùng nhau khai thác, điều này phù hợp với lợi ích các bên hữu quan”.

Ngày 21/7/1992, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kì Thâm tại Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN lần thứ 25 khi đề cập tới vấn đề quần đảo Trường Sa đã nói: “Chúng tôi đưa ra chủ trương gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác, muốn vào thời điểm thích hợp đàm phán với các nước hữu quan tìm kiếm giải pháp giải quyết, điều kiện chưa tới có thể tạm gác lại không ảnh hưởng tới quan hệ hai nước”.

Trong Báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc năm 1993 về Hội nghị lần thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá VIII ngày 15/8/1993 đã ghi rõ: “Trên cơ sở chủ quyền quần đảo Trường Sa thuộc về nước ta, chúng ta đưa ra chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, nguyện nỗ lực vì sự ổn định lâu dài và hợp tác cùng có lợi trong khu vực Nam Hải”.

Chủ trương “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác” của Trung Quốc cũng được nhấn mạnh trong nhiều cuộc hội đàm với lãnh đạo các nước sau này. Tháng 8/1997, Thủ tướng Lý Bằng khi trả lời phỏng vấn tại cuộc họp báo nhân chuyến viếng thăm Malaysia đã nói: “Trong vấn đề Nam Sa, chính sách của chính phủ Trung Quốc là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác, theo những quy định của luật biển và luật pháp quốc tế có liên quan thông qua đàm phán hữu nghị, hoà bình giải quyết vấn đề này”.

Tháng 12/1997, Chủ tịch Trung Quốca Giang Trạch Dân trong lễ ký tuyên bố hợp tác với lãnh đạo các nước ASEAN tại Singapore đã tuyên bố: “Không dùng vũ lực và đe doạ dùng vũ lực. Các bên liên quan căn cứ theo luật pháp quốc tế được thừa nhận, bao gồm Công ước Luật Biển 1982 thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị giải quyết tranh chấp Nam Hải”.

Nội dung cơ bản của quan điểm “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác”

Thứ nhất, đối với quan điểm “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác” của Đặng Tiểu Bình bản chất có tiền đề là “Trung Quốc có chủ quyền không phải bàn cãi đối với quần đảo Nam Sa”. Vì vậy, việc “cùng khai thác” chẳng qua là cách để Trung Quốc che đậy âm mưu thôn tính Biển Đông, đánh lừa cộng đồng quốc tế về “thiện chí” của Trung Quốc trong việc “nỗ lực giải hòa bình quyết tranh chấp ở Biển Đông”.

Thứ hai, về bản chất và từ khía cạnh lịch sử cũng như luật pháp quốc tế, Trung Quốc không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, song Bắc Kinh thông qua “gác tranh chấp, cùng hợp tác” để tìm cách biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc cho rằng, “trong điều kiện chưa thế giải quyết triệt để tranh chấp, có thể chưa bàn tới vấn đề chủ quyền mà gác lại tranh chấp, nhưng gác lại tranh chấp không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền”, cũng là cách để Trung Quốc tìm cách khai thác trộm tài nguyên, khoáng sản, hải sản ở Biển Đông. Ngoài ra, quần đảo Trường Sa nằm ở tuyến đường hàng hải quốc tế, liên kết giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là hành lang biển Đông Á và châu Đại Dương, không những có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú mà còn giàu nguồn tài nguyên dầu khí. Hiện thăm dò được 8 bồn địa dầu khí, trữ lượng khoảng 30 tỉ tấn, được coi là “Vịnh Ba Tư thứ hai”. Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh, “quần đảo Trường Sa (Nam Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc”, nhưng để bảo vệ hoà bình ổn định khu vực, thúc đẩy hợp tác phát triển có thể trước tiên gác lại tranh chấp, tiến hành cùng nhau khai thác theo nguyên tắc cùng hưởng lợi ích, hợp tác cùng có lợi. Thông qua việc này, Trung Quốc muốn đánh bóng hình ảnh, và nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực.

Từ những vấn đề trên cho thấy, quan điểm “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác” của Trung Quốc chỉ là cách để Trung Quốc đánh lừa cộng đồng quốc tế và tìm cách độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc khẳng định khai thác chung vùng biển Trường Sa trên cơ sở Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo. Đây là điều Việt Nam cũng như các bên tranh chấp khác không thể chấp nhận.

Hợp tác cùng phát triển, trên thực tế, là một giải pháp phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế, có thể áp dụng cho việc dàn xếp tranh chấp tạm thời tại một số khu vực ở Biển Đông hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này tại Biển Đông, điều đầu tiên Việt Nam chắc chắn phải đề cập tới là vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Việt Nam sẽ chỉ tiến hành hợp tác cùng phát triển trên cơ sở Trung Quốc và các quốc gia khác tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đói với các vùng biển, thềm lục địa theo quy định của luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới