Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaVề việc TQ từ chối tham gia Hiệp ước hạt nhân

Về việc TQ từ chối tham gia Hiệp ước hạt nhân

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2019, Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban Công tác Đối ngoại của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì (16/2) cho rằng, “Trung Quốc phát triển năng lực của mình theo đúng nhu cầu phòng thủ và không đặt ra mối đe doạ tới bất kỳ ai. Vì vậy chúng tôi phản đối việc đa phương hoá Hiệp ước hạt nhân (INF)”. Trung Quốc hiện là một bên tham gia hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1967. Còn INF là một hiệp ước song phương có từ năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô (cũ), trong đó cấm tất cả các tên lửa đất đối đất có khả năng mang vũ khí hạt nhân tầm bắn từ 500 – 5.500km.

Một số nét về INF

Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (Intermediate-range Nuclear Forces – INF) được Tổng thống Mỹ Reagan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev ký ngày 08/12/1987, chính thức có hiệu lực từ 01/6/1988. Theo INF, cả Liên Xô (nay là Nga) và Mỹ cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung (1.000 – 5.500 km) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm ngắn (500 – 1.000 km) trên mặt đất (không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển). INF góp phần xóa đi nghi ngại của Liên Xô và Mỹ về khả năng bị tấn công hạt nhân phủ đầu do các vũ khí đặc biệt nguy hiểm này chỉ mất vài phút để tiếp cận mục tiêu, khiến có rất ít thời gian để cân nhắc phản ứng và làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân trong trường hợp cảnh báo tấn công sai.

Thực hiện INF, Mỹ và Liên Xô đã lập ra một danh sách tên lửa theo tầm bắn và đến giữa năm 1991, Moscow đã phá hủy 1.846, Washington phá hủy 846 hệ thống tên lửa. Hơn 30 năm tồn tại, INF đã góp phần vào sự ổn định ở châu Âu, nhưng Mỹ, Nga vẫn không ngừng cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước. Theo Mỹ, loại tên lửa Novator 9M729 mới của Nga mà NATO gọi là SSC – 8, có khả năng tấn công châu Âu trong thời gian cực nhanh, bị cấm bởi INF. Nga thì tố Mỹ vi phạm INF bằng việc lấy cớ triển khai hệ thống phòng không ở châu Âu, nhưng thực chất hệ thống này lại có khả năng phóng các tên lửa hành trình tấn công Tomahawk.

Ngày 20/10/2018, Tổng thống Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF. Phía Mỹ đưa ra thời hạn 60 ngày để Nga trở lại tuân thủ hiệp ước, phá hủy toàn bộ tên lửa 9M729. Nga tuyên bố không tiêu hủy Novator 9M729, đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF về tầm bắn như cáo buộc của Washington. Ngày 23/01/2019, Nga đã giới thiệu cho các tùy viên quân sự nước ngoài và các nhà báo hệ thống tên lửa hành trình mà Mỹ nói đã vi phạm INF – một trong những nỗ lực của Moscow nhằm bác bỏ cáo buộc và ngăn chặn Washington từ bỏ hiệp ước này. Đây không phải là lần đầu hai cường quốc hạt nhân Nga, Mỹ tranh cãi và đổ lỗi cho nhau vi phạm các thỏa thuận liên quan.

Trung Quốc không tham gia INF nhằm phục vụ ý đồ riêng

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Trung Quốc không tham gia ký kết INF nên có thể phát triển tên lửa đạn đạo mà không bị hạn chế. Các tên lửa chuỗi DF và HN của Trung Quốc có tầm bắn lên tới 15.000 km, khiến cả nước Mỹ có thể nằm trong tầm tiếp cận. Giới quan sát cho rằng quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ xuất phát từ lo ngại về kho vũ khí tầm trung mà Trung Quốc đang phát triển trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Các quan chức Lầu Năm Góc cũng từng khẳng định Bắc Kinh sẽ không chịu ký INF bởi 90% số tên lửa phóng từ mặt đất mà Trung Quốc phát triển đều nằm trong nhóm vi phạm hiệp ước này.

Vào thời điểm ký kết INF, Mỹ và Liên Xô đã muốn có các đại diện châu Âu và cả Trung Quốc tham gia. Tuy nhiên khi đó, Anh, Pháp, Đức đưa ra quan điểm họ không phát triển những loại tên lửa tầm trung này nên việc tham gia là vô nghĩa; Trung Quốc không đàm phán và không tham gia vào các vấn đề thuộc châu Âu. Vì thế, INF trở thành một hiệp định song phương giữa Washington và Moscow. Thực tế, sau khi Mỹ và Liên Xô ký INF, Trung Quốc liên tục nghiên cứu phát triển, triển khai nhiều loại tên lửa hành trình, trong đó hầu hết có thể được phóng bằng xe phóng cơ động. Do nhiều nước không tham gia INF, nên Mỹ và Nga đều không bằng lòng việc phát triển và triển khai vũ khí của mình bị hiệp ước này ngăn cản. Từ năm 2008, Nga đã thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Năm 2013, Nga từng cho biết có thể sẽ rút khỏi INF vì hiệp ước này chỉ ràng buộc 2 nước Mỹ và Nga, tạo cơ hội cho Trung Quốc phát triển vũ khí một cách tự do. Ở phạm vi toàn cầu, giao dịch buôn bán vũ khí quân sự xuyên quốc gia tên lửa tầm trung duy nhất chính là thương vụ Trung Quốc bí mật bán tên lửa DF-3A (Đông Phong – 3, có tầm bắn lên đến 2.800 km) cho Saudi Arabia năm 1988.

Ngoài ra, không bị kiểm soát bởi INF, khả năng quân sự của Trung Quốc đang ngày càng được tăng cường và phát triển, nhất là việc mở rộng các lực lượng tên lửa tầm trung. Sức mạnh quân sự của Bắc Kinh không chỉ ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ trong khu vực mà còn đe dọa trực tiếp các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và trên lãnh thổ Mỹ. Nhiều đại diện phương Tây cũng đã có những kêu gọi Trung Quốc cùng tham gia vào một hiệp ước mới mang tính chất đa phương. Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh), 95% kho tên lửa hành trình và đạn đạo của Trung Quốc sẽ vi phạm INF nếu nước này là thành viên của hiệp ước. Người đứng đầu NATO cũng bày tỏ mong muốn mở rộng INF để Trung Quốc có thể tham gia. Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc có thể tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống răn đe chiến lược kiểu mới. Về khả năng răn đe hạt nhân, Trung Quốc sẽ nâng cao và cải thiện khả năng sống sót và thâm nhập của các loại vũ khí hạt nhân, cải thiện chất lượng thay vì tăng số lượng, trong khi tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, cố gắng tránh một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân vũ trang với Mỹ và Nga. Liên quan đến năng lực quy mô thông thường, nước này có thể tìm cách nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới hoặc tên lửa hành trình tầm xa, hệ thống vệ tinh giám sát tên lửa đạn đạo và năng lực chống vệ tinh, tăng cường sức mạnh răn đe về tổng thể…

Đáng chú ý, dù tuyên bố không tham gia INF, song Trung Quốc lại kêu gọi Mỹ không rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh phản đối hành động rút lui của Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington và Moskva giải quyết sự khác biệt thông qua đối thoại mang tính xây dựng. Bắc Kinh cảnh báo việc đơn phương rút khỏi hiệp ước có thể gây ra những hậu quả tiêu cực. “Là hiệp ước song phương quan trọng nhằm kiểm soát và giải giáp vũ khí, INF có vai trò to lớn trong việc cải thiện quan hệ giữa các cường quốc, củng cố hòa bình thế giới và khu vực, đồng thời duy trì sự cân bằng và ổn định chiến lược toàn cầu”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm.

INF sụp đổ và hệ lụy với cộng đồng quốc tế

Việc Mỹ rút khỏi INF tuy không phải là bước đi bất ngờ, song những hệ lụy mà nó gây ra chưa thể lường hết được. Quyết định của Mỹ khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới Nga – Mỹ có nguy cơ càng lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng, đồng thời tạo ra một “vùng trống” trong hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược quốc tế, trở thành mối đe dọa đối với an ninh và ổn định toàn cầu.

Zhao Tong – chuyên gia an ninh hạt nhân thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie – Tsinghua tin rằng, quyết định rút Mỹ khỏi INF của Trump sẽ khiến các nước khác quan tâm hơn đến việc phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cũng như tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng giữa các cường quốc. Giới quan sát cho rằng, sau khi rút khỏi INF, Mỹ sẽ được tự do để phát triển các vũ khí tầm trung và tầm ngắn, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang.

Theo Tổ chức chống hạt nhân ICAN, cùng với tuyên bố rút khỏi INF, Mỹ đang đặt hàng triệu người châu Âu và người Mỹ vào nguy hiểm. Bản thân nhiều nước EU dường như cũng không mấy thích thú với động thái của Mỹ bởi lo sợ sẽ trở thành chiến trường đối đầu giữa các cường quốc. Mặc dù INF là thỏa thuận ràng buộc giữa 2 quốc gia, nhưng việc nó sụp đổ sẽ đe dọa tới toàn thế giới.

Theo Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề đối ngoại, một khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF, bất kỳ thỏa thuận mới nào giữa Nga và Mỹ về vũ khí chiến lược sẽ rất khó khăn. Trong bối cảnh chính trị và thực trạng quan hệ Nga – Mỹ hiện nay, việc thống nhất một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước để tháo gỡ nút thắt lại càng bất khả thi.

Theo Timofeev – Giám đốc Chương trình câu lạc bộ “Valdai”, không có chuyện mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn sau sau khi Mỹ rút khỏi INF, hậu quả sẽ đến sau ít năm nữa. Trong bối cảnh quốc tế khi các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống xuất hiện này càng nhiều, chắc chắn vấn đề vũ khí chiến lược sẽ không thể được giải quyết nếu thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Mỹ. Khoảng trống hợp tác giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới sau khi Mỹ rút khỏi INF chính là rủi ro lớn nhất.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của INF, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa Nga và Mỹ cùng các đồng minh châu Âu chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Cùng Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (còn gọi là START-3), INF giữ vai trò như “dây neo”, kiềm chế cả Mỹ và Nga vượt qua “lằn ranh đỏ” nguy hiểm với an ninh và ổn định toàn cầu. Nếu được thực hiện sau 6 tháng, việc Mỹ rút khỏi INF chắc chắn giáng đòn mạnh vào hệ thống kiểm soát vũ khí toàn cầu, cũng như nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên thế giới. Nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới xuất phát từ quyết định nhiều rủi ro của chính quyền Trump ngày một rõ nét.

Theo một số học giả, khi INF bị xóa bỏ, Nga sẽ gặp rất nhiều bất lợi, vì Mỹ có thể nhanh chóng triển khai tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ các quốc gia đồng minh thuộc khối NATO sát biên giới Nga. Khác với tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa tầm trung khi đặt sát biên giới nước Nga sẽ khiến cho mọi hệ thống cảnh báo sớm của Moscow đều trở nên vô tác dụng và lực lượng phòng thủ không thể đưa ra phương án đối phó kịp thời. Với các tên lửa đạn đạo và tên lửa hạt nhân tầm trung, Nga chỉ có thể tấn công vào những căn cứ quân sự của Mỹ đặt trên lãnh thổ các quốc gia đồng minh ở châu Âu, nhưng không thể phóng trực tiếp đến đất Mỹ. Phương án mà Nga đang cân nhắc là đề nghị Cuba cho phép sử dụng lại một căn cứ thời Liên Xô và điều động các đơn vị Iskander – M tới đóng quân, nhưng La Habana chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ chấp thuận.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Engel cùng Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Smith đưa ra đánh giá tiêu cực đối với quyết định rút khỏi INF đối với Mỹ. Theo họ, rút khỏi INF không chỉ cho phép Nga tự do phát triển cũng như triển khai tên lửa tầm trung mang được đầu đạn hạt nhân mà còn đem lại cái cớ để Moscow rũ bỏ trách nhiệm, đổ lỗi Washington khơi mào chạy đua vũ trang khi khiến hiệp ước đổ vỡ.

Tổng thống Nga Putin cho rằng, Mỹ rút khỏi INF có thể khiến toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt bị sụp đổ, sẽ trực tiếp đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) – văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, vốn sẽ hết hạn vào năm 2021. Việc cả START mới lẫn INF bị thủ tiêu sẽ đặt thế giới gần như vào tình huống đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc hạt nhân như từng xảy ra đầu những năm 1970. Đây là “kịch bản” gây nhiều lo ngại bởi sẽ không có giới hạn pháp lý ràng buộc nào đối với hai siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới này và rủi ro cạnh tranh hạt nhân Mỹ – Nga sẽ tăng lên.

Một nguy cơ khác là sau khi INF bị hủy bỏ là Washington sẽ phát triển phiên bản phóng mặt đất cho các tên lửa Tomahawk – vốn chỉ được trang bị trên chiến đấu cơ và tàu chiến thay vì loại phóng mặt đất do các giới hạn vì INF. Thực tế, Tomahawk dù không có tốc độ âm thanh nhưng có tầm bắn rất linh hoạt lên tới 2.500 km và khả năng tránh đánh chặn, trúng mục tiêu với sai số nhỏ, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Nếu Tomahawk được phát triển phiên bản trên mặt đất, và được đặt ở các căn cứ quân sự của Mỹ tại châu Âu, toàn bộ lãnh thổ Nga sẽ nằm trong tầm bắn của loại tên lửa này. Bộ Năng lượng Mỹ đã bắt đầu chế tạo một loại vũ khí hạt nhân mới có tên gọi là W76-2, hay vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ có thể phóng từ tàu ngầm nhằm đối phó với Nga có tiềm năng dùng trong xung đột hạt nhân tầm chiến thuật. Chuyên gia Kristensen lo ngại đầu đạn mới này có thể khiến cho chiến tranh hạt nhân nhiều khả năng xảy ra hơn.

Cho tới nay EU và giới chức các nước thành viên đều bày tỏ quan điểm cần phải duy trì hiệp ước, song hầu như không có sáng kiến hiệu quả nào được đưa ra. Ngay cả đề xuất của Ngoại trưởng Đức, theo đó Berlin tổ chức một hội nghị quốc tế về kiểm soát, giải giáp và chống phổ biến vũ khí vào mùa Xuân tới, nhằm tìm kiếm cơ chế phối hợp trong vấn đề này, cũng không được hưởng ứng. Sự lúng túng của EU trong vấn đề này càng thể hiện rằng EU vẫn phải phụ thuộc vào đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương trong việc bảo đảm an ninh. Khi đặt dưới chiếc ô quân sự của Mỹ, EU rõ ràng chưa thể tăng cường tính độc lập chiến lược để có thể là đồng minh bình đẳng với Washington.

Ngay trên chính trường Mỹ, nhiều ý kiến chỉ trích Trump rút Mỹ khỏi INF mà không có một chiến lược tổng thể nhằm hạn chế hậu quả, đồng thời cũng không tham vấn với Quốc hội hay các đồng minh thân cận. Đáng chú ý, đồng minh NATO của Mỹ lại có những phản ứng trái ngược nhau trước tuyên bố của Trump. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối của London với Washington về việc phản ứng lại sự vi phạm của điện Kremlin, thì Ngoại trưởng Đức lại kêu gọi Mỹ xem xét những hệ lụy của việc hủy bỏ một hiệp ước mà theo ông là “trụ cột của an ninh châu Âu” suốt 30 năm qua. Ngoại trưởng Ba Lan thì cho rằng, việc Mỹ triển khai binh sỹ và tên lửa hạt nhân tới châu Âu sẽ phù hợp với lợi ích của người dân châu lục này.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã kêu gọi Nga và Mỹ giải quyết bất đồng về INF để tránh xảy ra thảm họa khi căng thẳng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không thể kiểm soát. Rõ ràng, cả Nga và Mỹ đều chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu, và bất kỳ bước đi thiếu cân nhắc nào cũng có thể gây hậu quả khó lường.

Trong khi đó, là một nước lớn với trọng trách là thành viên Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, nhiều chính sách và hành động của nước này đã không vì lợi ích toàn cầu mà vì lợi ích nhóm của Trung Nam Hải. Theo giới ngoại giao, Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng gia tăng trên thế giới về việc ích kỷ khước từ tham gia hiệp ước dạng INF, nhưng các chuyên gia cảnh báo nhiều khả năng Bắc Kinh vẫn sẽ giữ nguyên lập trường của mình với các chính sách hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới