Tuyên bố của người đứng đầu cơ quan ngoại giao đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trung họp Lưỡng hội.
Trung Quốc đang diễn ra kỳ họp Lưỡng hội thường niên. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ngày 4/3, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cảnh báo, có khả năng xảy ra cuộc chiến tranh ngoại giao giữa vùng lãnh thổ này với Bắc Kinh trong năm nay.
“Do liên tục đối mặt với nhiều thách thức trong những năm gần đây nên không loại trừ việc Bắc Kinh sẽ tìm kiếm cơ hội giành đồng minh của Đài Loan nhằm giảm áp lực trong đối ngoại và đối nội”, ông Wu nói trong phiên báo cáo tại cơ quan lập pháp Đài Loan.
Trước câu hỏi, “Liệu có phải đã quốc gia bật dấu hiệu “đèn vàng”, thậm chí “đèn đỏ với Đài Loan không?”, ông Wu xác nhận, “một số quốc gia đã gây áp lực cho cơ quan ngoại giao đảo này”.
“Cơ quan ngoại giao Đài Loan vẫn nỗ lực để duy trì những mối quan hệ này”, Joseph Wu khẳng định, “Nhưng có khả năng sẽ phát sinh cuộc chiến giành đồng minh trong năm nay”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Đài Loan chỉ còn duy trì quan hệ với 17 nước đồng minh, đa phần là các quốc gia nghèo ở Thái Bình Dương và châu Phi.
Trong thời gian qua, sau khi các cựu đồng minh cắt đứt quan hệ, Đài Loan đã chỉ trích Bắc Kinh bằng cụm từ “ngoại giao tiền tệ” khi cho rằng, đại lục đã dùng tiền để lôi kéo các đồng minh của đảo này thông qua các khoản viện trợ, dự án đầu tư.
Trước những cáo buộc trên, chính phủ Trung Quốc cho rằng, quyết định của các cựu đồng minh Đài Loan không liên quan đến các lợi ích kinh tế mà dựa trên nguyện vọng nhân dân và lợi ích quốc gia của các nước này.
Đáng chú ý, phát biểu được người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan đưa ra trùng với thời điểm kỳ họp Lưỡng hội gồm Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quuốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Mặt trận tổ quốc) – đang diễn ra tại Bắc Kinh (3-5/3).
Theo giới quan sát, khác với mọi năm, trong bản báo cáo tại phiên khai mạc hôm 3/3, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Uông Dương không nhắc tới Đồng thuận chung 1992 – một thỏa thuận quan trọng về chính sách quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.
Trước động thái của Bắc Kinh, ông Trương Văn Sinh – Trưởng phòng Nghiên cứu chính trị, thuộc Viện nghiên cứu Đài Loan, Đại học Hạ Môn cho rằng, báo cáo của ông Uông Dương về Đài Loan có tính khái quát, thể hiện sự coi trọng đối với ý kiến của người dân trên đảo Đài Loan, mong muốn người dân đảo này hiểu và ủng hộ tiến trình thống nhất.
Trước đó, trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm “Thông điệp gửi đến đồng hương ở Đài Loan” ngày 2/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất thực hiện phương châm “một quốc gia, hai chế độ” đối với vùng lãnh thổ này.
“Chúng ta không cam kết sẽ từ bỏ việc sử dụng vũ lực, giữ nguyên tất cả các lựa chọn thực thi cần thiết, mục đích là nhắm vào sự can thiệp từ bên ngoài và bộ phận nhỏ các phần tử ủng hộ ‘Đài Loan độc lập” và hoạt động của họ”, ông Tập khẳng định, hai bờ eo biển “phải được thống nhất”.