Triều Tiên có thể tham khảo một số cách làm của Việt Nam, nhưng có thể phát triển rất nhanh chóng mà chính chúng ta cũng phải học tập.
LTS: Tiến sĩ Vũ Cao Phan, nguyên Giảng viên Khoa Lịch sử Nghệ thuật Quân sự, Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về cơ hội củng cố quan hệ Việt – Triều từ thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.
Năm 2003, tôi đến Hàn Quốc lần đầu và được bạn mời lên Bàn Môn Điếm.
Sát vĩ tuyến 38, một ngôi nhà hai tầng xinh xắn với rất nhiều thứ thuộc về Bắc Triều Tiên được người Hàn Quốc trưng bày bên trong.
Cờ, Quốc huy, ảnh lãnh tụ, trang phục và nhiều tấm ảnh sinh hoạt của người dân xứ này. Có cả một cửa hàng chuyên bán các hàng hóa được sản xuất từ Bắc Triều Tiên.
Nhưng ấn tượng nhất là một khẩu hiệu được chăng ngang trên thượng lầu bằng tiếng Anh: “Hand in hand, we are will the top of the word” (Tay trong tay, chúng ta sẽ đứng ở hàng đầu thế giới).
Một khẩu hiệu cổ vũ cho sự thống nhất, nhưng cũng là sự tự hào khẳng định về dân tộc Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đề cập rằng, kinh tế Triều Tiên sẽ phát triển mạnh nếu hướng theo mô hình mà ông cho là đúng. Tôi không đồng ý lắm với quan điểm này.
Quan hệ Việt Nam – Triều Tiên từng có khởi đầu tốt đẹp: Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là nước thứ ba sau Trung Quốc và Liên Xô công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 31/1/1950).
Ngay sau đó xảy ra Chiến tranh Triều Tiên (25/6/1950 – 27/7/1953). Vì Việt Nam cũng đang có chiến tranh với Pháp nên quan hệ hai nước lập tức có sự tương đồng, gắn bó ủng hộ lẫn nhau.
Đại hội lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam (3/1951) đã có Nghị quyết ủng hộ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và ảnh lãnh tụ Kim Nhật Thành đã được treo giữa Đại hội, bên cạnh các ảnh lãnh tụ quốc tế khác: Marx, Engels, Lenin, Stalin.
Chiến tranh Triều Tiên chỉ kết thúc trước cuộc kháng Pháp của dân tộc Việt Nam một năm nhưng ngay khi Việt Nam bắt tay vào kiến thiết đất nước, Triều Tiên đã tích cực giúp đỡ trong khả năng của mình.
Khu tập thể Kim Liên, một trong những khu tập thể (chung cư) được xây dựng lên ở Hà Nội năm 1959 là bởi các chuyên gia Triều Tiên.
Bạn còn nhiệt tình giúp ta đào tạo các vận động viên thể thao, bóng đá và cả môn nghệ thuật còn mới mẻ là giao hưởng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, Triều Tiên tha thiết muốn gửi quân tình nguyện, nhất là khi biết có sự tham gia của cả một sư đoàn quân Hàn Quốc, nhưng khi được biết Việt Nam không nhận quân tình nguyện nước ngoài thì bạn xin gửi sang một trung đoàn không quân tham gia “huấn luyện thực chiến” và đơn vị này đã bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ cùng với hàng chục chiến sĩ đã hy sinh tại chiến trường Miền Bắc.
Quan hệ giữa hai nước bắt đầu xấu đi khi Triều Tiên không tán thành Hòa đàm Paris của Việt Nam.
Trong Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, Triều Tiên ủng hộ các lực lượng đối địch với Việt Nam. Rồi nữa, bạn phản ứng mạnh về Đổi mới mở cửa và nhất là khi Việt Nam lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, năm 1992.
Là một nước xã hội chủ nghĩa nhưng Triều Tiên phát triển theo con đường riêng của mình. Sau thời kỳ tiến bước mạnh mẽ với phong trào “thiên lý mã” những năm 1970, được dẫn dắt bởi tư tưởng Chủ thể, Triều Tiên đã có được một nền công nghiệp hàng đầu châu Á, kinh tế phát triển.
Sự đi xuống sau đó có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu là Triều Tiên chủ trương tập trung phát triển quốc phòng với chính sách “tiên quân” (quân sự trước hết), phát triển bom hạt nhân với mục đích đưa Triều Tiên trở thành “nước lớn hạt nhân”.
Bất chấp dư luận quốc tế, Triều Tiên có lý do để làm việc này, nhất là trước một môi trường an ninh không được đảm bảo, Chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa được các bên tuyên bố kết thúc.
Triều Tiên khép mình trước thế giới.
Có lẽ, đó là tất cả những nguyên nhân khiến quan hệ Việt Nam – Triều Tiên gần như bị chững lại.
Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai được tổ chức ở Việt Nam đã bất ngờ mở ra cơ hội mới làm sống động quan hệ Việt Nam- Triều Tiên, thật vậy.
Những phát biểu của Chủ tịch Kim Jong Un cho thấy ông cũng rất vui mừng trước cơ hội như vậy, nhất là được tận mắt chứng kiến sự đón tiếp trọng thị, chu đáo và rất thân tình của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.
Tổng thống Mỹ đã đúng khi dựa trên những tài nguyên vật chất to lớn của Triều Tiên mà khẳng định Triều Tiên sẽ trở thành quốc gia hàng đầu thế giới nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân và tìm được mô hình phát triển tốt (ông ám chỉ Việt Nam).
Đó chỉ là một phần. Ngoài tài nguyên vật chất, Triều Tiên còn tài nguyên tinh thần.
Triều Tiên có thể tham khảo một số cách làm của Việt Nam như phát triển kinh tế tư nhân hay một số công nghệ về viễn thông, nông nghiệp (đoàn Triều Tiên đã đi thăm trong dịp này và có ấn tượng tốt) cũng như kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Nhưng, Triều Tiên là một dân tộc thông minh, năng động, tính kỷ luật cao, đầy ý chí và sáng tạo, chắc chắn sẽ tạo được cho mình mô hình và con đường phát triển tốt đẹp, thậm chí có thể trở thành tấm gương cho chính Việt Nam chúng ta.
Chưa nói họ còn người anh em Hàn Quốc bên cạnh, như khẩu hiệu mà tôi dẫn ở đầu bài viết.
Cũng cần phải nói thêm điều này. Trong khi Giáo sư Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á của Viện khoa học xã hội Trung Quốc trả lời phỏng vấn ngày 23/2/2019 cho rằng:
“Việt Nam là một hình mẫu rất tốt để Triều Tiên học hỏi”.
Trong khi đó một tác giả Trung Quốc khác viết trên trang “Người quan sát” (Trung Quốc, 18/2/2019): “Mô hình Việt Nam thực sự rủi ro nếu đóng vai trò một quân cờ của Mỹ để đối trọng với nước khác”.
Thật sao, có thể dẫn chứng được không?