Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChính giới, truyền thông TQ tuyên bố, nhận định gì về tiến...

Chính giới, truyền thông TQ tuyên bố, nhận định gì về tiến trình đàm phán xây dựng COC giữa TQ và ASEAN

Các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN bắt đầu vào tháng 3/2018, sau khi thỏa thuận khung của bộ quy tắc này được thông qua năm 2017. Từ cuối năm 2018 đến nay, chính giới và truyền thông Trung Quốc chủ động đưa nhiều tuyên bố, nhận định liên quan tiến trình đàm phán xây dựng COC, tiếp sau tuyên bố sẽ hoàn thành ký kết COC trong vòng 3 năm tới.

Hội nghị Cấp cao ASEAN – TQ lần thứ 21 tại Singapore. Nguồn: AP.

Các tuyên bố từ quan chức Chính phủ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn báo “The Nation” của Thái Lan hôm 31/7/2018, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hoàng Lệ Nhàn cho biết trong khi COC chưa được hiện thực hóa, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và nỗ lực đạt COC trong thời gian sớm nhất. Theo Đại sứ Trung Quốc, Bắc Kinh có kế hoạch tiến hành nhiều chương trình hợp tác hàng hải hơn với ASEAN. Các chương trình này gồm: hoạt động diễn tập trên biển chung giữa Trung Quốc – ASEAN, dự án nghiên cứu hợp tác công nghệ thông tin trên biển giữa Trung Quốc – ASEAN, tổ chức hội thảo đánh giá hệ sinh thái ven biển và chiến lược bảo tồn ở Biển Đông, mở hội thảo tập huấn về axit hóa đại dương, đào tạo về vệ tinh viễn thám môi trường sinh thái biển, và mở cuộc hội thảo về an toàn liên lạc và điều hướng trên Biển Đông.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) diễn ra tại Singapore ngày 02/8/2018, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận một “văn bản duy nhất” đàm phán về COC. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hoan nghênh thông báo của người đồng cấp Singapore, nói đây là thông tin tích cực và bước tiến lớn trong lộ trình xây dựng COC. “Tôi tin rằng nếu không có sự can thiệp nào từ bên ngoài, đàm phán COC sẽ tăng tốc”, ông Vương Nghị khẳng định.

Phát biểu trước báo giới trong khuôn khổ dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 tại Singapore (13-15/11/2018), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết “trong hai thập niên qua, DOC đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc hy vọng việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) sẽ kết thúc trong vòng 3 năm tới nhằm góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định tại Biển Đông”. Ông nói thêm “Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ được hưởng lợi trong quá trình đó. COC cũng sẽ có lợi cho tự do thương mại và phục vụ lợi ích của các bên khác”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 28/2 cho biết, Trung Quốc và các nước ASEAN đã chứng kiến ​​“tiến triển thuận lợi” về tham vấn về COC ở Biển Đông trong cuộc họp Nhóm làm việc chung lần thứ 27 về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) diễn ra tại Naypyitaw của Myanmar trong hai ngày 26-27/2 vừa qua. “Đó là cuộc họp đầu tiên trong năm nay về việc thực hiện cơ chế DOC. Trung Quốc và các nước ASEAN đã có một cuộc trao đổi sâu sắc và thẳng thắn về các vấn đề như việc thực hiện tuyên bố cũng như thúc đẩy tham vấn về COC ở Biển Đông”, ông Khảng nhấn mạnh. “Từ năm 2018 trở lại đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề xuất hoàn thành tham vấn COC ở Biển Đông trong vòng 3 năm và nhận được phản hồi tích cực từ các nước ASEAN. Trong cuộc họp, với động lực đối thoại và hợp tác, Trung Quốc và các nước ASEAN tiếp tục tiến hành kiểm tra và xem xét văn bản COC một cách hiệu quả và có trật tự, tạo sự đồng thuận mọi lúc. Chúng tôi đã thấy tiến bộ tổng thể suôn sẻ cho đến nay về việc tham khảo ý kiến ​​của văn bản COC”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.

Hoạt động thông tin, định hướng dư luận của truyền thống TQ

Bên cạnh việc trích dẫn các phát biểu của quan chức chính phủ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc, giới truyền thông và chuyên gia Trung Quốc cũng tích cực đưa tin theo hướng khẳng định thiện chí, vai trò chủ động của nước này trong đàm phán, xây dựng COC với các nước ASEAN; khẳng định Trung Quốc và ASEAN có thể tự mình xây dựng một bộ quy tắc chuẩn mực cho giải quyết các tranh chấp mà không cần sự can thiệp của các nước bên ngoài.

Báo chí, truyền thông Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết “Trung Quốc hy vọng việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) sẽ kết thúc trong vòng 3 năm tới nhằm góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định tại Biển Đông”. Trung Quốc và các nước ASEAN năm 2002 ký DOC, trong đó cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Đến năm 2013, các bên khởi động đàm phán COC và thông qua thỏa thuận khung vào tháng 8/2017. Báo chí Trung Quốc cho rằng nhờ vai trò tích cực của Trung Quốc, quá trình đàm phán COC giữa nước này và ASEAN đã đạt tiến triển nhanh, như việc Trung Quốc và ASEAN nhất trí về “văn bản duy nhất” để tiếp tục các đàm phán COC, nhấn mạnh hai bên sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm đạt được COC trong thời gian sớm nhất và việc Trung Quốc mong muốn rằng các nước ngoài khu vực có thể đóng vai trò xây dựng trong tiến trình này và đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực. Báo chí Trung Quốc cho rằng việc thực hiện DOC trong khi đàm phán COC tạo ra nền tảng hiệu quả để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua tăng cường đối thoại và hợp tác, “là minh chứng cho thấy Trung Quốc và ASEAN có sự sáng suốt và khả năng xây dựng các quy định và quản lý đúng đắn các tranh chấp vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Dư luận và giới chuyên gia các nước nói gì?

Giới chuyên gia, phân tích các nước nhận định qua các phát biểu, tuyên bố của chính giới Trung Quốc và hoạt động thông tin báo chí của nước này có thể thấy định hướng dư luận của Trung Quốc có đặc điểm sau: Thứ nhất, nhằm thể hiện “lập trường thiện chí” của Trung Quốc về COC là sẵn sàng, tích cực thúc đẩy và tham gia quá trình xây dựng và đi đến ký kết một COC với ASEAN trên cơ sở đồng thuận, hiệu quả. Thứ hai, quảng bá, tuyên truyền về một Trung Quốc “trách nhiệm”, tích cực trong đưa ra sáng kiến dẫn dắt các nước xây dựng môi trường hòa bình, giải quyết các tranh chấp một cách hiệu quả. Thứ ba, thể hiện cho dư luận thấy Trung Quốc và ASEAN hoàn toàn có khả năng tự xây dựng được một bộ quy tắc phù hợp, tiến bộ cho các bên trong giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay mà không cần bất kỳ sự can dự nào từ bên ngoài ASEAN. Thứ tư, đánh lạc hướng dư luận về hoạt động quân sự hóa hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông, phục vụ định hướng về một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định hợp tác giữa các nước và giải quyết vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán song phương, ngăn chặn sự can dự của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia… hiện nay.

Nhiều nước ASEAN vẫn bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng quân sự hóa, các hoạt động đơn phương trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như nguy cơ xảy ra va chạm giữa lực lượng vũ trang tại đây. Quá trình đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc kéo dài nhiều năm, trong đó Bắc Kinh bị cho là đã cố tình trì hoãn việc đàm phán vì muốn đối thoại với từng thành viên ASEAN nhằm tránh ảnh hưởng tổng lực của cả khối. Giới quan sát từng cho rằng việc nhấn mạnh cần phải đạt được đồng thuận về COC được Trung Quốc xem là chiến thuật trì hoãn để xoa dịu chỉ trích nhằm vào các hoạt động quân sự hóa của họ tại các thực thể bồi lấp trái phép trên Biển Đông. Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ John Bolton (11/2018) cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến COC giữa Trung Quốc – ASEAN cũng không nên kèm điều khoản giới hạn quyền tiếp cận vùng biển này; đồng thời lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đã tìm cách kéo dài đàm phán qua nhiều năm để xây dựng các tiền đồn quân sự trên khắp Biển Đông.

Trung Quốc và các nước ASEAN năm 2002 ký DOC, trong đó cam kết tuân thủ các nguyên tắc của UNCLOS 1982 nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Đến năm 2013, các bên khởi động đàm phán COC và thông qua thỏa thuận khung vào tháng 8/2017. Giới phân tích cũng cho rằng hành động của Trung Quốc thời gian qua gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các nước trong khu vực, do: Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, đồng thời tìm cách tăng cường khả năng quản lý, giám sát phi pháp đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough. Những hành động trên của Trung Quốc tiếp tục làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực. Thứ hai, Trung Quốc không muốn có một COC mang tính ràng buộc pháp lý, vì cho rằng nếu COC mang tính ràng buộc về pháp lý sẽ ngăn chặn âm mưu độc chiếm Biển Đông của nước này. Việc Trung Quốc tích cực tuyên truyền, đầy mạnh hoạt động đàm phán, trao đổi với các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông nói chung và thảo luận DOC, COC nói riêng chỉ là hành động đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc, góp phần xoa dịu và trấn an các nước ASEAN về cam kết “thực hiện nghiêm DOC” của Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn thông qua những hành động này nhằm phản bác lại phần nào phán quyết của Tòa Trọng Tài (7/2016) về vấn đề Biển Đông. Thứ ba, việc Trung Quốc tích cực thúc đẩy đàm phán COC, song không đạt được kết quả khả quan, cụ thể nào cũng là bước tính toán của Trung Quốc trong việc “câu giờ” để củng cố sức mạnh trên biển. Tính đến thời điểm hiện tại, các cuộc đàm phán về COC mang tính ràng buộc pháp lý đã được thực hiện kể từ giữa những năm 1990, song đạt được rất ít tiến triển, kể cả khi DOC được thông qua từ năm 2002. Thứ tư, Trung Quốc muốn thông qua các cuộc đàm phán, tham vấn với ASEAN để nghiên cứu, nắm quan điểm của các nước ASEAN đối với Trung Quốc. Từ đó, Trung Quốc sẽ đưa ra những đối sách cụ thể với từng nước, để lôi kéo hoặc ép buộc phải ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nói một cách khác, Trung Quốc vẫn muốn tìm cách chia rẽ ASEAN và chèn ép những nước không đồng quan điểm.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các quan chức và chuyên gia Mỹ đã cảnh báo rằng, một số nội dung Trung Quốc muốn đưa vào dự thảo COC có thể dẫn đến xung đột giữa Bắc Kinh và Washington. Theo Mỹ,Trung Quốc muốn đưa vào dự thảo COC 2 nội dung. Một là, “các bên không được mời quốc gia ngoài khu vực tổ chức tập trận quân sự chung, trừ phi các bên liên quan được thông báo trước hoặc không phản đối”. Hai là, Trung Quốc muốn đưa vào dự thảo COC khiến Mỹ đặc biệt lo ngại, là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế biển “không nên triển khai với các công ty nước ngoài ngoài khu vực này”. “Nếu các đề xuất này của Trung Quốc được chấp thuận, nó sẽ hạn chế chính việc thực thi chủ quyền, tính độc lập trong ngoại giao và năng lực hoạch định chính sách kinh tế của các nước (ASEAN), đồng thời làm tổn hại lợi ích rộng rãi của cộng đồng quốc tế”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới