Trước đây, Trung Quốc không chỉ đụng độ quân sự với Ấn Độ ở vùng biên giới. Quân Trung Quốc còn giao chiến đẫm máu với lính Liên Xô ở Viễn Đông.
Binh lính Trung Quốc nỗ lực xâm nhập đảo Damansky/Trân Bảo trong xung đột biên giới năm 1969. Ảnh: Sputnik.
Đúng 50 năm trước, một cuộc xung đột biên giới xảy ra giữa Trung Quốc và Liên Xô liên quan đến một đảo nhỏ ở vùng Viễn Đông Liên Xô. Vụ xung đột này suýt kích hoạt một cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa 2 cường quốc này.
Vụ việc bắt đầu vào sáng ngày 2/3/1969. Ba trăm lính Trung Quốc vào hôm trước đi bộ trên mặt băng của con sông Ussuri thì hôm đó đã tấn công 55 lính biên phòng của Liên Xô trên đảo Damansky (phía Trung Quốc gọi là đảo Trân Bảo).
Yuri Babansky – Thiếu tướng về hưu và Anh hùng Liên Xô sống sót sau vụ đụng độ đó, kể lại: “Họ bắn vào hầu hết đồng đội chúng tôi ở cự ly gần”. Lính biên phòng Liên Xô đã bị bất ngờ.
Trợ giúp cho quân Liên Xô đến từ một tiền đồn gần đó. Trung úy Vitaly Bubenin (Liên Xô) sử dụng xe thiết giáp chở quân đã vu hồi đánh vào sườn quân Trung Quốc và buộc họ phải rút lui khỏi đảo. Tuy nhiên, trận chiến vẫn chưa kết thúc.
Đảo Damansky/Trân Bảo rất nhỏ bé (chỉ rộng 0,74km2), không có người ở và nằm trên sông Ussuri. Đảo đóng vai trò như biên giới tự nhiên giữa Liên Xô và Trung Quốc.
Đảo nằm gần hơn về phía bờ Trung Quốc của con sông. Do vậy hòn đảo trở thành một tranh chấp biên giới giữa 2 nước vào thập niên 1960. Theo luật quốc tế, biên giới giữa 2 nước sẽ phải nằm giữa tâm của dòng nước chính nhưng Moscow cứ bám theo thỏa thuận năm 1860, theo đó biên giới được xác định nằm ở bờ Trung Quốc.
Nhiều tuần trước khi xảy ra đụng độ, quân Trung Quốc bắt đầu ra yêu sách đòi lại hòn đảo.
Tướng Liên Xô Babansky nhớ lại: “Trong suốt các năm 1968-1969, họ thường xâm nhập vào chỗ băng gần đảo của chúng tôi, sử dụng gậy, rìu và đôi khi cả súng. Còn chúng tôi chỉ dùng tay để đánh lại. Việc này kéo dài tới ngày 2/3”.
Hai tuần sau, đảo Damansky/Trân Bảo biến thành chiến trường một lần nữa. Vào ngày 15/3, cả một sư đoàn bộ binh Trung Quốc tràn qua tấn công đảo, buộc lính Liên Xô phải rút lui sau vài tiếng đồng hồ giao tranh.
Quân Liên Xô điên tiết huy động pháo phản lực, bắn cấp tập từ bờ bên họ sang, quét sạch quân Trung Quốc. Kết quả, giao tranh chấm dứt với số lượng tử sĩ hai bên như sau: Liên Xô mất 58 lính còn Trung Quốc chết hàng trăm quân.
Câu chuyện đằng sau
Vào thập niên 1960, cả Liên Xô và Trung Quốc (dưới thời Mao Trạch Đông) đều tự nhận là người bảo vệ chủ nghĩa xã hội và chống lại phương Tây. Vì sao quan hệ giữa 2 nước lại xấu đi tới mức nổ ra đụng độ vũ trang?
Chỉ một thập kỷ trước đó, lãnh tụ Mao Trạch Đông là người bạn của Moscow. Lãnh tụ Liên Xô khi đó là Joseph Stalin ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi họ giành chiến thắng trong nội chiến, kiểm soát hầu hết lãnh thổ Trung Hoa (ngoại trừ đảo Đài Loan).
Khi tới thăm Moscow vào năm 1949, ông Mao kêu gọi “tình hữu nghị và hợp tác vạn năm giữa Trung Quốc và Liên Xô”. Sau đó, vào năm 1950, hai nước ký hiệp ước hữu nghị, liên minh và tương trợ. Tất nhiên là cùng chống lại phương Tây.
Vào năm 1950, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi một triệu “chí nguyện quân” (quân tình nguyện) sang Triều Tiên tham chiến. Khi đó cả Bắc Kinh và Moscow cùng ủng hộ lực lượng của ông Kim Nhật Thành ở miền bắc bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, Liên Xô còn giúp đất nước Trung Quốc nghèo nàn, nông nghiệp, và đông dân xây dựng nền công nghiệp nặng. Hàng ngàn chuyên gia Liên Xô tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cho Trung Quốc.
Thế nhưng quan hệ liên minh anh em giữa hai nước XHCN này không kéo dài lâu.
Sau khi lãnh tụ Liên Xô Stalin qua đời vào năm 1953, quan hệ giữa hai nước láng giềng này bắt đầu xấu đi: Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông cảm thấy đã có thể theo đuổi chính sách của riêng mình, đồng thời ông khinh miệt chính sách của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev về “chung sống hòa bình” giữa khối xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.
Ông Mao lúc đó tỏ ra cấp tiến hơn cả Khrushchev. Mao Trạch Đông khi đó gọi Mỹ là “hổ giấy” và ám chỉ rằng Trung Quốc không sợ một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Sử gia Alexei Bogaturov giải thích rằng ông Mao nhân dịp Stalin qua đời và sự dao động trong chính sách của Liên Xô để đưa Trung Quốc trở thành người lãnh đạo mới của phe XHCN.
Tuy nhiên, Moscow không chấp nhận điều đó, và thế là quan hệ hữu nghị Xô-Trung tiêu tan. Vào năm 1960, tất cả các chuyên gia Liên Xô rời khỏi Trung Quốc, còn đảng cộng sản của hai nước này thì bắt đầu chỉ trích nhau thậm tệ.
Leo thang
Căng thẳng quân sự giữa hai đồng minh cũ bùng phát khi Bắc Kinh tuyên bố họ không công nhận đường biên giới vẽ vào thế kỷ 19 giữa Liên Xô và Trung Quốc. Lo lắng trước tuyên bố đó, Liên Xô triển khai tới gần 300.000 quân ở phần lãnh thổ châu Á giáp với Trung Quốc vào năm 1967.
Andrian Danilevich, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, nói: “Chúng tôi cung cấp cho lực lượng quân sự bố trí ở miền đông những vũ khí hiệu quả nhất, và gửi vũ khí khí tài tới đó trước nhất… Chính phủ [Liên Xô] hiểu rằng giới chính trị gia và tướng lĩnh phương Tây vẫn tỉnh táo hơn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Sự cố trên đảo Damansky/Trân Bảo chứng minh điều này.
Vào lúc đó Trung Quốc đã sở hữu vũ khí hạt nhân nên xung đột giữa họ và Liên Xô có thể biến thành chiến tranh hạt nhân vào bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau khi xung đột kéo dài hai tháng (giới hạn vào bắn súng ở trên đảo), các bên đã tìm kiếm được hòa bình. Vào ngày 11/9/1969, Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin thăm Bắc Kinh. Ông Kosygin và người đồng cấp Trung Quốc đạt được một thỏa thuận: Hai bên ngừng bắn và bắt đầu đàm phán về việc vẽ lại biên giới.
Giải quyết khúc mắc biên giới
Cho tới đầu thập niên 1980, Trung Quốc và Liên Xô vẫn bất đồng với nhau. Lãnh tụ Mao Trạch Đông thậm chí còn quay sang Washington để tìm kiếm liên minh với “kẻ thù tư bản chủ nghĩa” và đã thành công.
Năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Bắc Kinh. Sau đó Mỹ và Trung Quốc tuyên bố bình thường hóa quan hệ, và trên thực tế họ đã thành lập được một khối chống Liên Xô ở Đông Á.
Báo chí Liên Xô đã tức tối gọi Trung Quốc là những kẻ “ phản bội ”. Nhưng nhìn chung, dù bất mãn trước thực tế đó, Moscow cũng chẳng làm được gì cả. Liên Xô khi ấy còn vướng bận với nhiều rắc rối khác trên trường quốc tế, như khủng hoảng tên lửa ở Tây Âu, chiến tranh ở Afghanistan , và do vậy tình hình trên vùng biên với Trung Quốc cơ bản được giữ nguyên trạng.
Chỉ đến năm 1989, nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình mới ký một hiệp ước về phi quân sự hóa biên giới và tuyên bố quan hệ song phương đã được bình thường hóa. Hai năm sau, Liên Xô chấm dứt tồn tại. Nước Nga vào năm 1991 đã chính thức nhượng lại đảo Damansky/Trân Bảo cho Trung Quốc.