Singapore đang muốn trở thành nước thứ tư sở hữu công nghệ máy bay tàng hình hiện đại nhất của Mỹ, có khả năng kết nối không giới hạn lực lượng phi công để triển khai các nhiệm vụ phối hợp.
Một chiếc F-35 của Mỹ bay trên biển Hoa Đông ngày 23/11/2018. (Ảnh: CNN).
Việc Singapore sẽ mua các máy bay tàng hình F-35 để hoạt động trên vùng biển Đông được cho là sẽ khiến Trung Quốc lo lắng.
Trong bài phát biểu trước quốc hội vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen thông báo kế hoạch sẽ mua 12 chiếc máy bay tàng hình F-35 của Mỹ. Nếu thương vụ này diễn ra suôn sẻ, Singapore sẽ trở thành đồng minh thứ 4 của Mỹ ở Thái Bình Dương sở hữu loại máy bay hiện đại này.
Thương vụ này sẽ cần được quốc hội Mỹ phê chuẩn, nhưng ông Ng nói rằng cả chính quyền Trump và Lầu Năm góc đã ủng hộ.
“Lực lượng vũ trang Singapore sẽ trở nên lợi hại hơn trên mọi phương diện”, ông Ng khẳng định trong bài thuyết trình trước các nghị sĩ. Bài phát biểu cũng nêu ra hàng chục phương tiện quân sự mà Singapore có kế hoạch mua thêm vào năm 2030 nhằm nâng cao năng lực quốc phòng.
Các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ nằm vị trí cao nhất trong danh sách Singapore định mua. Lầu Năm góc gọi F-35, được trang bị những vũ khí, động cơ và hệ thống điện tử hàng không hiện đại nhất thế giới, là dòng máy bay hỗ trợ nhiều nhất, sống sót tốt nhất, lợi hại nhất và giá cả hợp lý nhất từng được sử dụng.
Singapore nằm ở phía tây biển Đông. Các nhà phân tích nói rằng việc nước này quyết định mua công nghệ F-35 cho thấy mối quan ngại ngày càng tăng của Singapore trước tình hình châu Á.
“Singapore có thể không tin tưởng sự bảo đảm của Trung Quốc rằng những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông là tử tế, không có ý đồ quân sự và sẽ không dẫn đến việc Trung Quốc kiểm soát tuyến vận tải và hàng không quan trọng ở vùng biển này”, CNN dẫn lời ông Carl Schuster, cựu giám đốc chiến dịch tại Trung tâm tình báo phối hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.
Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý trên hầu khắp vùng biển Đông rộng khoảng 1,3 triệu dặm vuông. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh quyết liệt bồi đắp và quân sự các đảo mà họ đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Mỹ định kỳ đưa các tàu chiến ra tuần tra gần các đảo này và thường xuyên điều các máy bay do thám, đôi khi là máy bay ném bom, ra biển Đông.
Sau khi mua các máy bay F-35, Singapore sẽ gia nhập nhóm các đồng minh của Mỹ khác là Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu phương tiện này. Mỹ đã đặt các máy bay F-35 tại Nhật Bản, và chúng có thể hoạt động phối hợp với các tàu của hải quân Mỹ.
Ngay cả nước Anh đầu năm nay cũng nói sẽ đưa một tàu sân bay mang theo các máy bay F-35 ra vùng biển này vào năm 2020.
“Bắc Kinh nên coi điều này như bằng chứng cho thấy hiện vẫn còn nhu cầu mạnh mẽ đối với sự hiện diện của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương”, ông Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corp, một tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu của Mỹ, đánh giá.
“Mạng lưới không quân sử dụng F-35 mở rộng khả năng các quân đội có thể phối hợp với nhau để tạo thành liên minh trong trường hợp cần thiết. Diễn biến này có thể là một thông điệp răn đe mạnh mẽ đối với Trung Quốc trước những hành động của họ trên biển Đông và Hoa Đông”, ông Heath nói.
Bộ thiết bị tác chiến điện tử của F-35 có thể cho phép các phi công cùng phe phối hợp không giới hạn. Điều này có thể khiến Bắc Kinh lo ngại.
CNN dẫn lời ông Peter Layton, một nhà phân tích quốc phòng tại Viện châu Á Griffith ở Úc, nói rằng năng lực chiến tranh điện tử và tàng hình của F-35 giúp nó có khả năng tăng hiệu ứng lực lượng. F-35 có thể vượt qua các hệ thống phòng không và gửi thông tin cụ thể về mục tiêu cho các máy bay phía sau mang theo tên lửa tầm xa hay tới các hệ thống tên lửa chống hạm dưới đất.
“Việc Singapore mua loại máy bay này có thể khiến Trung Quốc nghĩ cách cải thiện mạng lưới phòng không ở biển Đông và trên các tàu để phát hiện và tấn công máy bay tàng hình như những chiếc F-35 của Singapore”, ông Layton nói.
Bộ trưởng Ng không nhắc đến Trung Quốc khi nói về kế hoạch mua các máy bay mới. Bài trình bày của ông trước quốc hội chỉ nói rằng những máy bay này sẽ “góp phần đáng kể để nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh của Singapore”.
Dù Singapore là một đồng minh gần gũi và lâu đời của Mỹ, đến mức cho cả Mỹ duy trì một cơ sở quân sự ở đây, nước này có xu hướng không tham gia nhiều vào các vấn đề quân sự.
“Dù có quan hệ tốt với Mỹ, Singapore nhìn chung không thích đóng vai trò đi đầu trong nỗ lực thách thức sức mạnh Trung Quốc vì họ có nền kinh tế quy mô nhỏ và quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc”, ông Heath nói.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Singapore yếu về quân sự.
Năm ngoái, Viện Lowy tại Úc xếp sức mạnh quân sự của Singapore vào vị trí thứ 10 trong tổng số 25 nước châu Á, chỉ đứng sau Úc nhưng đứng trước nhiều nước lớn hơn khác như Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Singapore có các phương tiện quân sự chất lượng cao và quan hệ quốc phòng mạnh mẽ ở khu vực.