Tuesday, December 24, 2024
Trang chủĐàm luậnNhững vấn đề có thể xảy ra sau Hội nghị thượng đỉnh...

Những vấn đề có thể xảy ra sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều

Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra trong 2 ngày 27 – 28/2 tại Hà Nội, các chuyên gia về châu Á đoán 5 kịch bản hành động của lãnh đạo Triều Tiên

Không có một thỏa thuận nào trong cuộc họp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội ngày 28/2của hai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Trump. Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đã đánh giá ông Kim có thể có 5 phương án hành động sau cuộc gặp này.

Thứ nhất, lãnh đạo Triều Tiên có thể thực hiện “một số hành động gây hấn” để khiến Mỹ cảm thấy tình hình khẩn cấp. Tuy nhiên đây là “lựa chọn tồi” vì việc gây hấn công khai sẽ chỉ khiến Bình Nhưỡng bị áp thêm các lệnh trừng phạt.

Thứ hai, Kim Jong-un cam kết không thực hiện thêm các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, nhưng ông có thể bí mật tăng cường kho vũ khí để giảm thiệt hại cho những nhượng bộ trong tương lai.

Thứ ba, ông Kim có thể chuyển hướng sang củng cố quan hệ với các nước lớn ở Đông Bắc Á, gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, có thể đưa ra các đề xuất với Trung Quốc và Nga để gây áp lực với Mỹ.

Bình Nhưỡng đã thực hiện biện pháp này với Seoul, có thể là với Bắc Kinh và Moskva, nhưng đến nay nó không giúp giảm bớt lệnh trừng phạt. Triều Tiên có thể “quyến rũ” Nhật Bản nhưng chừng nào các chương trình vũ khí hủy diệt của Bình Nhưỡng vẫn còn, sẽ khó có lệnh trừng phạt nào được dỡ bỏ. Dù vậy, biện pháp này sẽ gián tiếp giúp Triều Tiên liên lạc và xây dựng lòng tin với Mỹ. 

Thứ tư, Kim Jong-un chờ đến khi có “thời điểm tốt hơn”, khi Trump hay một tổng thống khác của Mỹ sẵn sàng chấp thuận đề xuất của Triều Tiên. Rủi ro lớn với phương án này là “thời điểm tốt hơn” có thể “không bao giờ đến”. 

Tổng thống Trump đang phải đối diện với áp lực gia tăng trong nước, khi phe Dân chủ đang điều tra nhằm luận tội Trump về cáo buộc thông đồng với Nga, cản trở công lý và lạm dụng quyền lực. 

Hơn nữa, 2020 là năm Mỹ tiến hành bầu cử, khiến Trump có ít thời gian hơn cho Triều Tiên. Ông cũng sẽ không chấp nhận rủi ro có thêm một cuộc họp không mang lại kết quả nào nữa với Kim Jong-un. 

Việc chờ đợi đến sau năm 2020 thực sự là một canh bạc lớn với Triều Tiên, vì chưa rõ Trump có tự tin hơn, hay có thêm một tổng thống Mỹ khác sẵn lòng nhượng bộ không

Thứ năm, Kim có thể giảm bớt yêu cầu hiện tại hoặc nhượng bộ thêm để có một thỏa thuận ở gần mức tối ưu với Mỹ. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho hôm 1/3 cho biết nước này đề xuất tháo dỡ các cơ sở hạt nhân ở tổ hợp hạt nhân Yongbyon để được dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh trừng phạt, nhưng Mỹ không chấp nhận.

Đây được coi là phương án thực tế nhất đối với Triều Tiên để nới lỏng lệnh trừng phạt. Nhưng nó có thể mang rủi ro, bị những nhà đàm phán cứng rắn coi là một dấu hiệu yếu đuối. 

Trong cuộc đàm phán này, Triều Tiên là bên yếu thế hơn, Triều Tiên ý thức được vị trí của mình và sẽ ít có thiện chí nhượng bộ hơn Mỹ. Do đó, nhiều khả năng Kim Jong-un có thể thực hiện phương án hai hoặc bốn.

Thực tế, trong vài thập kỷ qua Mỹ không có thêm lợi thế hơn so với Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng lại có thêm vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông Kim cũng có thể xem xét một số vấn đề trong phương án ba (có các thảo luận riêng với Hàn Quốc và các cường quốc khác trong khu vực).

Điều này là sự tiếp nối những gì ông đã làm kể từ khi bắt đầu chiến lược mới từ đầu 2018. Giới chuyên gia nhận định Mỹ và Triều Tiên đang ở trong một quá trình lâu dài, vừa xây dựng niềm tin, vừa tìm hiểu, nắn gân lẫn nhau.

Có hai bài học lớn sau thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai ở Hà Nội.

Thứ nhất, nếu Mỹ không nhận ra họ không còn nhiều thời gian, hoặc nếu Triều Tiên không hiểu Tổng thống Mỹ không phải là người kiểm soát mọi việc ở Washington, thì tình hình vẫn còn bế tắc. Cơ hội để cải thiện đời sống người dân Triều Tiên và cải thiện an ninh ở khu vực sẽ mất đi.

Thứ hai, việc phụ thuộc quá nhiều vào cuộc gặp trực tiếp của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều là cách tiếp cận không bền vững. Hai nước cần tăng cường thảo luận ở các cấp thấp hơn, tiến hành dần dần, mở đường cho những đột phá nhỏ xuất hiện. Bước đầu tiên có thể là trao đổi văn phòng liên lạc để tăng hiểu biết lẫn nhau. Điều này có thể thực hiện mà không cần Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận hay Triều Tiên phi hạt nhân, và có thể được ký kết mà không cần tổ chức họp thượng đỉnh.

Tiến sĩ Stephen Nagy, Đại học Thiên chúa giáo quốc tế, Nhật Bản, đánh giá việc thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai kết thúc mà không có thoả thuận chứng tỏ Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un vẫn có khoảng cách lớn trong việc xác định khái niệm phi hạt nhân, về tình hình Triều Tiên và cả xây dựng niềm tin.

Nagy cho rằng nỗ lực phi hạt nhân hoá bán đảo sẽ cần thời gian nhiều năm và quá trình phi hạt nhân “hoàn toàn, có thể xác nhận và không thể đảo ngược” (CVID) sẽ cần nỗ lực ngoại giao lâu dài.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, gợi ý Tổng thống Mỹ Trump và các cố vấn cần kiên nhẫn hơn trong đàm phán với Triều Tiên, giảm mục tiêu “thực hiện các bước đi lớn” và mặc cả lớn. 

Các nhà đàm phán phía Mỹ cần quay trở lại để làm rõ các biện pháp, giúp hai bên xây dựng lòng tin trên con đường phi hạt nhân. Thayer hy vọng hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim lần ba được tổ chức vào 2020 và có kết quả thực chất hơn.

David Kim, Trung tâm Stimson, Mỹ, cho biết dù Trump và Kim Jong-un không đạt được thoả thuận trong lần hai gặp mặt, ông vẫn lạc quan vì hai bên vẫn cam kết duy trì tiến trình ngoại giao.

Ông miêu tả tuyên bố mâu thuẫn của Mỹ và Triều Tiên về yêu cầu dỡ lệnh trừng phạt là “mất kết nối”. David Kim cũng cảnh báo các nước chưa biết rõ Triều Tiên sở hữu cơ sở hạt nhân ngầm hay trong đường hầm như thế nào, có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân. Bình Nhưỡng cần công khai từ bỏ cơ sở hạt nhân Yongon, từ bỏ một số vũ khí hóa học, sinh học và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Chuyên gia của Stimson cũng cho rằng Mỹ và Triều Tiên nên bắt đầu đàm phán lại ở cấp làm việc, tăng dần lên các cấp cao hơn. Tổng thống Trump chỉ nên xuất hiện trong một buổi lễ để ký kết sau khi hai bên đã thống nhất xong các điểm. Hai nước cần xem xét mình thực sự có thể từ bỏ những gì.

Mọi người đều hiểu rằng, Mỹ và Triều Tiên có tiến triển nhanh hơn, vì Mỹ đã biết Triều Tiên muốn gì, sau khi Bình Nhưỡng công bố yêu cầu là muốn dỡ bỏ 5/11 lệnh trừng phạt từ năm 2016. Từ đó hai bên nỗ lực tiếp tục đàm phán.

RELATED ARTICLES

Tin mới