Lô đất rộng 45.000ha tại Koh Kong được Campuchia cho Trung Quốc thuê với những điều khoản “tốt đến khó tin” trong vòng 99 năm.
Hình ảnh do vệ tinh ghi lại tại khu vực Campuchia cho Trung Quốc thuê trong thời hạn 99 năm cho thấy điều bất thường: đường bay mới được xây dựng dài hơn rất nhiều so với mục đích phục vụ máy bay dân sự. Ảnh: Handout.
“Có rất nhiều khói, nhưng lại chưa thấy lửa”
Việc Trung Quốc hứng thú với đầu tư phát triển du lịch tại một quốc gia khác như Campuchia có vẻ là điều rất đỗi bình thường.
Tuy nhiên theo nhận định của nhà báo Andrew Nachemson về dự án đầu tư mới nhất của một công ty tư nhân Trung Quốc tại Campuchia, thì đằng sau những lời hứa hẹn về những khu resort sang trọng, sân golf đẳng cấp và khu casino hoành tráng có thể còn ẩn chứa những điều mờ ám khác.
Campuchia đã dành 45.000 ha đất ở vị trí đắc địa tại tỉnh Koh Kong và 20% diện tích bờ biển ở khu vực này cho dự án phát triển du lịch do Tập đoàn (tư nhân) Union Development của Trung Quốc đầu tư. Hơn nữa, khu vực này có giá thuê mặt bằng rẻ đến mức khó tin, khi mức khởi điểm chỉ vào khoảng 1 triệu USD/năm.
Tất nhiên đó chỉ là những thông tin bề nổi. Bên cạnh những luồng ý kiến đón nhận dự án này, cũng có rất nhiều người hoài nghi về những điều khoản thỏa thuận được cho là “tốt đến khó tin”, và cho rằng Bắc Kinh còn có mục đích khác khi rót tiền vào dự án du lịch này, chẳng hạn như mục đích quân sự.
Trước đó, từng có nhiều ý kiến cho rằng cảng nước ngầm được xây dựng tại khu du lịch Koh Kong có thể được sử dụng cho các hoạt động liên quan đến quân sự của Trung Quốc, và giới chức Campuchia đã phải rất nỗ lực để bác bỏ những nghi ngờ này.
Tuy vậy, sự hoài nghi ấy ngày càng gia tăng khi những hình ảnh vệ tinh chụp khu vực này được công bố. Cụ thể, những hình ảnh vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cho thấy đường băng được xây dựng tại khu vực được cho là để phục vụ mục đích du lịch này dài hơn rất nhiều so với các đường băng dành cho máy bay dân sự.
“Đường băng [tại khu du lịch Koh Kong] dài khoảng 3.400m và rộng hơn đường băng của sân bay quốc tế tại Phnom Penh. Bất kỳ máy bay quân sự thuộc lực lượng không quân của Trung Quốc đều có thể sử dụng đường băng này”, ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
“Bên cạnh đó, một sân bay lớn như vậy được xây dựng ở một khu vực khá xa trung tâm thì có phần không hợp lý lắm đối với mục đích phục vụ nhu cầu dân sự. Gần sân bay đó chỉ có duy nhất dự án casino và khu resort nghỉ dưỡng Koh Kong, nhưng khu vực này có vẻ khá hẻo khách”, ông Poling nói.
Theo một số báo cáo, việc xây dựng tại dự án Koh Kong đã bị trì hoãn trong nhiều tháng nay.
Bình luận về khả năng địa điểm trên được khai thác cho mục đích quân sự, ông Poling nói rằng “đã có rất nhiều khói, nhưng lại chưa thấy lửa”. Tuy nhiên ông cũng không phủ nhận về khả năng này.
Được biết, sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gửi một bức thư bày tỏ quan ngại với lãnh đạo Campuchia về mục đích thực sự của dự án Koh Kong, các hoạt động xây dựng đường bay đã được phía nhà thầu tiếp tục tiến hành và thậm chí đẩy nhanh tiến độ.
Phần lớn đường băng này đã được hoàn thiện chỉ trong vòng 2 tháng, và có kích thước dài-rộng hơn rõ rệt so với các thông số do Cục Hàng không Liên bang (FA) khuyến nghị là 2.800m cho mẫu máy bay chở khách Boeing 787-900.
Mặc dù Tập đoàn Union Development là một công ty tư nhân của Trung Quốc, nhưng từ lâu công ty này đã bị nghi ngờ có liên quan tới chính phủ Bắc Kinh.
Ông Trương Cao Lệ, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc và hiện là Tổ trưởng Tiểu tổ lãnh đạo công tác xây dựng thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường, đã ủng hộ dự án Koh Kong ngay từ đầu, và là người đứng ra chủ trì lễ ký kết thỏa thuận giữa Union Development và Campuchia.
Bên cạnh đó, nhiều nhân vật cấp cao của rung Quốc như ông Vương Khâm Mẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Một chuyên gia quân sự phương Tây từng nhận xét: “Quy mô phát triển của Tập đoàn Union Development không phù hợp với tiềm năng thương mại của khu vực, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về khả năng tài chính và tính bền vững của địa phương, cũng như khả năng khu vực này được sử dụng cho mục đích quân sự và ý đồ của các bên liên quan”. Cùng với sự phát triển của Koh Kong, có rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra về mục đích thực sự của dự án này.
Trung Quốc vẫn dùng chiêu bài cũ?
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) cho biết họ không thể liên lạc với phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chum Socheat về vấn đề này. Trong khi đó, phát ngôn viên của chính phủ Phay Siphan khẳng định ông “không biết” liệu phía Campuchia có giám sát dự án này hay không.
Tuy nhiên, Paul Chambers, một nhà phân tích địa phương hiện đang công tác tại trường Đại học Naresuan đã chỉ ra điểm tương đồng giữa dự án Koh Kong với những dự án của Trung Quốc tại Lào và Sri Lanka, đồng thời cảnh báo Campuchia về viễn cảnh tương tự khi nhận tiền đầu tư của Trung Quốc.
Sri Lanka đã chấp nhận cho Trung Quốc thuê Cảng Hambantota trong vòng 99 năm để cấn trừ khoản nợ khổng lồ với Bắc Kinh. Hiện nay chính phủ Campuchia đang cho công ty Trung Quốc thuê mặt bằng dự án UDG với giá khá thấp (khởi điểm 1 triệu USD/năm), và thời hạn kết thúc hợp đồng là năm 2108.
Năm 2016, khoản viện trợ kinh tế mà Campuchia nhận được từ Trung Quốc chiếm 36% tổng giá trị viện trợ kinh tế và 30% số vốn đầu tư nước ngoài của nước này. Và mới đầu năm nay, Bắc Kinh đã cam kết viện trợ thêm 558 triệu USD Mỹ và nhập khẩu 400.000 tấn gạo từ Campuchia.
Các chuyên gia dự đoán Campuchia có thể sẽ càng phụ thuộc hơn vào Trung Quốc khi Mỹ và EU gia tăng các biện pháp cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Phnom Penh.
Một số chuyên gia cho rằng việc tranh cãi giữa Trung Quốc và Campuchia về vấn đề sử dụng cơ sở hạ tầng thuộc dự án là điều sớm muộn sẽ xảy ra, bởi dự án Koh Kong nằm trên một vị trí đắc địa và mang ý nghĩa chiến lược đối với nhiều vấn đề nhạy cảm, trong đó có vấn đề Biển Đông, Đài Loan, và vấn đề nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Chambers, gần đây mối quan hệ quân sự giữa Campuchia và Trung Quốc ngày càng trở nên thân thiết, như việc Bắc Kinh đưa tàu chiến đến Campuchia sau lễ kỷ niệm 40 năm lật đổ chế độ Khmer Đỏ hay tổ chức tập trận chung… rất có thể là dấu hiệu cho thấy ý định hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Campuchia.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen từng tuyên bố rằng việc cho Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự sẽ là trái với Hiến pháp nước này.