Máy bay ném bom B-52 của Mỹ xuất hiện gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông khi thông tin tàu cá Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines.
ABC News thông tin, ngày 4/3, các máy bay ném bom B-52 của Không quân Mỹ đã thực hiện các chuyến bay huấn luyện gần các đảo tranh chấp trên biển Đông.
Thông cáo của Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương nêu rõ: “Hai máy bay ném bom B-52H Stratofortress cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, ở đảo Guam đã tham gia vào các sứ mệnh huấn luyện định kỳ hôm 4/3/2019”.
“Một máy bay ném bom đã thực hiện các hoạt động huấn luyện ở khu vực sát Biển Đông trước khi trở lại đảo Guam, trong khi chiếc còn lại huấn luyện ở khu vực gần Nhật Bản, phối hợp với Hải quân Mỹ và Không quân Nhật Bản trước khi trở lại Guam” – thông cáo có đoạn.
Các hoạt động này đều là một phần trong sứ mệnh “hiện diện thường trực” của máy bay ném bom của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.
Không quân Mỹ cũng nhấn mạnh, các hoạt động của máy bay B-52 hôm 4/3 hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế.
Mỹ vẫn định kỳ thực hiện các chuyến bay của máy bay ném bom ở khu vực gần Biển Đông nhưng đây là lần đầu tiên một máy bay B-52 có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân được triển khai ở khu vực này kể từ tháng 11 năm ngoái.
Trong khi đó, báo Philippines Inquirer Daily dân tuyên bố từ Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines bác bỏ thông tin nói trên.
Chỉ huy cơ quan này nói rằng họ không nhận được thông tin nào về việc ngư dân Philippines bị Trung Quốc ngăn chặn không cho đánh cá hoặc tiếp cận các bãi cát quanh đảo Thị Tứ, Trường Sa.
Phó đô đốc Rene Medina, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây nói rằng, ngư dân Philippines vẫn đánh bắt bình thường và có thể nghỉ ngơi, trú ẩn trên doi cát quanh đó.
Có 10 tàu Trung Quốc đang neo đậu gần đó, nhưng Bộ Tư lệnh miền Tây không nhận được báo cáo nào về việc các tàu này quấy rối ngư dân Philippines, ngoại trừ sự hiện diện “kỳ lạ”, vì các tàu này không có hoạt động đánh bắt nào.
Phó đô đốc Rene Medina (quân phục trắng), chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, ảnh: Manila Bulletin. |
Bộ Tư lệnh miền Tây vẫn đang giám sát chặt 10 tàu Trung Quốc, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết, các tàu này thực sự là tàu “dân quân biển” Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines không bình luận về sự hiện diện này, nhưng lưu ý Trung Quốc đã cam kết với Philippines, họ không để bạo lực nổ ra.
Philippines đang cố gắng xây dựng một cây cầu (trái phép) ở đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam. Lực lượng dân quân trong mác tàu cá Trung Quốc xuất hiện nhằm cảnh báo hành động này.
Các thông tin về sự xuất hiện của các tàu cá Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines xuất hiện cũng vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm Philippines và hứa sẽ bảo vệ Philippines trước một “cuộc tấn công vũ trang” có thể xảy ra tại biển Đông đang có tranh chấp.
Hôm 1/3, ông Pompeo cho biết việc xây dựng những hòn đảo quân sự và hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông đe dọa chủ quyền, an ninh, biện pháp sinh kế của Philippines cũng như của Mỹ.
“Vì biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng, máy bay hay tàu của Philippines ở biển Đông sẽ kích hoạt các nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau của chúng tôi” – ông Pompeo cảnh báo.
Ngoại trưởng Mỹ đã đề cập tới một hiệp ước Mỹ – Philippines năm 1951 trong đó nêu các nghĩa vụ mà hai bên phải hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có một “cuộc tấn công vũ trang ở khu vực Thái Bình Dương” nhắm vào một trong hai bên.
Manila lo ngại bị rơi vào cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông và đang cân nhắc lại hiệp ước quốc phòng hiện nay với Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng việc Washington tăng cường hoạt động qua lại của tàu thuyền trên Biển Đông, thường được gọi với cái tên tuần tra tự do hàng hải (FONOP) có khả năng dẫn tới chiến tranh nóng.