Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đã làm gì trên đá Gạc Ma của Việt Nam

TQ đã làm gì trên đá Gạc Ma của Việt Nam

Đá Gạc Ma là rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), nằm cách đảo Cô Lin của Việt Nam khoảng 7km về phía Đông Nam và bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ ngày 14/3/1988, sau khi bắn cháy, chìm 3 tàu vận tải quân sự và giết hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Năm 2018, sau khi Trung Quốc hoàn thành quá trình bồi đắp đảo hoàn toàn nhân tạo trên đá Gạc Ma, thì diện tích đảo nhân tạo này lên tới khoảng 0,11 km2.

Chiến dịch xây đảo bất hợp pháp

Ngay sau khi chiếm đóng trái phép bãi đá Gạc Ma, phía Trung Quốc xây dựng điểm đồn trú gồm 3 kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ. Đến đầu năm 1989, Trung Quốc đã hoàn thiện lô cốt xi măng cao 2 tầng và củng cố dần thành nhà bê tông 4 tầng với tường chắn sóng, tháp canh, các thiết bị thông tin liên lạc.

Từ đầu thập niên 1990, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện bồi lấp ở đá Gạc Ma và các thực thể khác nước này kiểm soát trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong giai đoạn này, chính quyền Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng xâm lấn ở quần đảo Trường Sa.

Tháng 2/1995, quân Trung Quốc giành quyền kiểm soát đá Vành Khăn từ tay Philippines. Do lo ngại nguy cơ chiến tranh, phía Philippines đã chấp nhận buông xuôi, để mất đá Vành Khăn vào tay Trung Quốc. Biển Đông lúc lặng lúc nổi sóng, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ ngừng thực hiện âm mưu chiếm trọn vùng biển ở Đông Nam Á. Tháng 6/2012, Trung Quốc xua hàng loạt tàu hải giám và cả tàu chiến tới chiếm bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tháng 7/2012, để khẳng định “chủ quyền” vô lý, Trung Quốc cử một đội 29 tàu cá từ đảo Hải Nam, do một tàu tuần tra hộ tống, tới đánh bắt suốt 20 ngày quanh đá Gạc Ma. Dù vậy, cho đến đầu năm 2014, công trình nhân tạo duy nhất được xây dựng trên đảo là một khu bằng bê tông nhỏ dùng để chứa các thiết bị thông tin liên lạc, cầu cảng, và nhà đồn trú…

Tuy nhiên, vào giữa năm 2014, Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh tốc độ và quy mô của hoạt động bồi lấp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Gạc Ma là một trong những địa điểm đầu tiên bị Trung Quốc bồi lấp và xây dựng bất hợp pháp. Theo dự án Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc đã bồi lấp diện tích hơn 100.000 m2 trên đá Gạc Ma.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy cảnh máy ủi, máy xúc, máy hút và nạo vét bơm, hút lượng cát khổng lồ để bồi lấp ở Gạc Ma. Từ một bãi đá ngầm, Trung Quốc đã biến Gạc Ma trở thành một đảo nhân tạo với ý đồ sử dụng nơi đây như một cảng nước sâu. Song song với việc bồi lấp trái phép, Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ sở, đưa nhiều trang thiết bị ra Gạc Ma với ý đồ biến nơi đây thành một căn cứ hỗn hợp, với các chức năng quân sự, thông tin, hậu cần…

AMTI cho biết Trung Quốc đã xây các tháp “phòng vệ”, các cơ sở quân sự đa dụng, tháp radar, cầu cảng, bãi đáp trực thăng, tháp vũ khí, hải đăng, các khu canh tác nông nghiệp… Với vị trí nằm ở giữa quần đảo Trường Sa, đá Gạc Ma là địa điểm lý tưởng để kiểm soát phần lớn tuyến đường liên lạc trên biển cũng như các hoạt động hàng hải/hải quân ở Biển Đông.

Đến giữa năm 2015, phía Trung Quốc đã  hoàn tất các hạng mục xây dựng cơ bản, như: tòa nhà trung tâm (Sở Chỉ huy) cao 7 tầng có đường dẫn cho xe cơ giới lên thẳng tầng 2, phía trên tầng 7 có thêm đài quan sát cao 3 tầng; các cột ra đa tầm xa, đài kiểm soát không lưu và các tòa nhà chức năng 2-3 tầng. Đặc biệt, cuối tháng 5/2015, phía Trung Quốc khởi công xây dựng hải đăng đa năng cao 50m, đường kính 4,5m và chỉ đầu tháng 10.2015 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Tháng 2/2016, CSIS phát hiện Trung Quốc đang xây dựng hàng loạt tháp radar trên các đảo nhân tạo bất hợp pháp mà Trung Quốc xây ở đá Gạc Ma, đá Ga Ven, đá Châu Viên và đá Tư Nghĩa. Chuyên gia Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) khi đó khẳng định chắc chắn Trung Quốc sẽ dùng hệ thống radar này để giám sát mọi hoạt động hàng không và hàng hải trên Biển Đông.

Hiện nay, đá Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ ngày 14/3/1988 đã rầm rộ xây dựng, biến Gạc Ma thành điểm đồn trú đa mục đích. Bắc Kinh đã xây dựng nhiều hàng mục công trình phi pháp trên đá Gạc Ma như hải đăng đa năng cao 50m, đường kính 4,5m; Hệ thống điện gió cung cấp một phần năng lượng và một số xe cẩu, xe công trình vẫn đang thực hiện các công đoạn xây dựng công trình ngầm, nổi trên bãi đá; Cộng ăng ten thu phát sóng bao phủ cả khu vực cụm đảo Sinh Tồn; Các tổ hợp pháo hạm, pháo phòng không mọc lên ở các vị trí khác nhau trên đá Gạc Ma; 4 tổ hợp ra đa tầm xa làm nhiệm vụ quan sát và dẫn đường cho máy bay…

Trung Quốc và âm mưu đối với đá Gạc Ma

Kể từ sau sự kiện Gạc Ma, Trung Quốc đã chen chân vào Trường Sa, hơn nữa vị trí của Gạc Ma rất quan trọng, như các nhà quân sự đánh là một trong những vị trí xung yếu. Nếu chiếm được Gạc Ma thì họ sẽ chi phối được vùng biển phía Tây. Nếu tiềm lực và sức mạnh của Hải quân không ngừng tăng lên thì Trung Quốc có thể từ đây vươn ra khống chế cả vùng biển xung quanh.

Hãng tin Chinanews (Trung Quốc) vào tháng 7/2016 công khai đánh giá, sự kiện Gạc Ma 1988 là bàn đạp để Trung Quốc lần đầu tiên “vươn tay” xuống Trường Sa, và tiếp đó xâm chiếm (phi pháp) thêm 6 đảo, bãi ở quần đảo của Việt Nam. Chinanews cũng thừa nhận, cũng từ năm 1988, các thành viên ASEAN đã gia tăng cảnh giác với Trung Quốc, trong khi học thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” trở nên thịnh hành tại phương Tây.

Cho đến nay, bất chấp đã có phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague ngày 12/7/2016 – bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh vẫn phớt lờ và thúc đẩy các chương trình bành trướng của mình bằng sức mạnh kinh tế, quân sự lẫn ngoại giao. Biển Đông thời kỳ “hậu Gạc Ma”, trong cục diện như vậy, sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới