Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ điều tàu dân quân biển bao vây đảo Thị Tứ, thuộc...

TQ điều tàu dân quân biển bao vây đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Hãng tin AFP cho biết, Trung Quốc đã điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này.

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền ở đảo Thị Tứ

Đảo Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đảo này xếp thứ hai trong quần đảo về mặt diện tích. Ngày 21 tháng 12 năm 1933, thống đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Bà Rịa, trong đó có đảo Thị Tứ. Đầu thập niên 1960, các tàu hải quân của Việt Nam Cộng hòa thường ghé thăm đảo Thị Tứ, cụ thể năm 1961 là tàu HQ-02 Vạn Kiếp và HQ-06 Vân Đồn còn năm 1963 là ba tàu gồm HQ-404 Hương Giang, HQ-01 Chi Lăng và HQ-09 Kì Hòa. Việt Nam cũng đã dựng bia chủ quyền trên đảo Thị Tứ vào ngày 22 tháng 5 năm 1963.

Vào thời kỳ 1970-1971, Philippines cho quân bí mật chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc Trường Sa, trong đó có đảo Thị Tứ của Việt Nam. Hiện Philippines xây dựng trái phép một đường băng dài 1.260 m được xây dựng vào năm 1975 với khả năng tiếp nhận các máy bay lớn nhưng đã xuống cấp. Ngoài ra, nơi đây còn có căn cứ hải quân, bến tàu, trung tâm y tế, trường học và một tháp thông tin di động.

Trung Quốc lại điều dân quân biển bao vây đảo Thị Tứ

Giới truyền thông phương Tây cho biết, TQ (5/3) đã điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này. Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hôm nay (5-3) cho biết Bộ Quốc phòng nước này đang kiểm ra thông tin tàu Trung Quốc ngăn chặn người dân Philippines tiếp cận đảo Thị Tứ, theo báo Japantimes. Các Quan chức Philippines trước đó cũng cho biết Trung Quốc điều các tàu hải quân và bảo vệ bờ biển tới bãi cát Sandy Cay nằm ngoài khơi đảo Thị Tứ trên Biển Đông từ 2017 để ngăn Philippines kiểm soát khu vực này.

Ngoại Trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết các tàu cá của cả Philippines và Trung Quốc đều có mặt ở vùng biển xung quanh đảo Thị tứ. Ông nói thêm rằng cả hai nước đều có ra tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.

Trong khi đó, ông Richard Heydarian, nhà phân tích của GMA, nói rằng Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật này để đe dọa ngư dân các nước khác có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển giàu tài nguyên. Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã giám sát việc nâng cấp các cơ sở quân sự của Philippines tại đảo Thị Tứ, chẳng hạn như việc xây dựng một bến cảng và đoạn đường đi xuống bãi biển.

Hôm qua (4/3), hàng chục người biểu tình chống Trung Quốc tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila để tố cáo những gì mà họ cho là Trung Quốc quấy rối ngư dân Philippines ở Biển Đông. Theo đó, hàng chục tàu Trung Quốc đã chặn lối đi tới ba bãi cạn vốn là ngư trường truyền thống gần một hòn đảo do Philippines kiểm soát mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Chính phủ Philippines cho biết họ đang tiến hành điều tra và sẽ có khiếu nại với Trung Quốc nếu những thông tin này được chứng minh là đúng.

Giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines Jay Batongbacal nhận định, động thái này của Trung Quốc là chiến lược để ngăn chặn các tàu của Philippines có thể tiến vào khu vực tranh chấp. Để đạt được mục đích, Bắc Kinh sử dụng chiến thuật dùng số đông các tàu đánh cá dân sự quây kín một khu vực, ngăn cản các tàu khác tiếp cận.

Hành động phi pháp này của Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ cam kết đảm bảo Biển Đông vẫn mở cho tất cả các kiểu lưu thông hàng hải và “Trung Quốc không đặt ra mối đe dọa” về việc đóng các tuyến đường biển đang tranh chấp. Ông Pompeo đã trấn an Philippines trong chuyến thăm Manila rằng Mỹ sẽ bảo vệ các lực lượng, máy bay hoặc tàu của Philippines trong trường hợp đảo quốc này bị tấn công vũ trang ở khu vực Biển Đông. Theo hãng tin AFP, phát biểu của ông Pompeo đánh dấu lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai tuyên bố ý định của Washington trong việc phòng thủ bảo vệ đồng minh tại Biển Đông.

Trung Quốc đã từng nhiều lần xâm phạm đảo Thị Tứ

Trước vụ việc trên, Báo cáo của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, nói rằng Trung Quốc đã điều động hạm đội gần 100 tàu áp sát đảo Thị Tứ. Nhóm tàu của Trung Quốc được triển khai từ đá Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp), bao gồm các tàu hải quân, hải cảnh cùng hàng chục tàu cá. Báo cáo cho hay động thái trên của Bắc Kinh nhằm buộc Philippines ngừng hoạt động xây dựng trái phép ở đảo Thị Tứ. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy một tàu hộ vệ tên lửa lớp Jianghu V và tàu hải cảnh lớp Zhaoduan của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi đảo Thị Tứ vào ngày 20/12/2018, trong khi số lượng tàu Trung Quốc tại đây lên đến 95 chiếc. Các hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy số lượng tàu Trung Quốc xung quanh khu vực Philippines cải tạo đảo trái phép đã tăng lên thành ít nhất 24 tàu từ hôm 3/12/2018 – trước khi giai đoạn xây dựng mới nhất được khởi động, và tăng lên 95 tàu vào 25/12. Đến 26/1, số lượng tàu Trung Quốc giảm còn 46.

Hồi tháng 4/2017, chính phủ Philippines tuyên bố sẽ bắt đầu kế hoạch cải tạo tại đảo Thị Tứ – thực thể mà họ cưỡng chiếm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hoạt động xây dựng trái phép dự kiến kết thúc vào cuối năm ngoái, nhưng giới chức Philippines cho biết tiến độ bị trì hoãn do điều kiện thời tiết và tình trạng biển. Tuy nhiên, AMTI cho rằng sức ép từ đội tàu Trung Quốc có liên quan đến vấn đề này.

Phản ứng của Việt Nam

Đề cập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và hoạt động của các bên ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ ngoại Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước liên hợp quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới